-Nguyễn Đăng Quang -
Buổi lễ trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho cụ Nguyễn Trọng Vĩnh được
Quận ủy Đống Đa tổ chức tại nhà riêng của cụ vào sáng ngày 1/9/2015. Khi nhận huy hiệu, cụ phát biểu ngắn gọn như
sau: “Tôi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939. Những đảng viên cộng sản
như tôi hồi đó là đối tượng khủng bố, ruồng bắt của Nhà nước thực dân Pháp. Tuổi
Đảng của tôi năm nay là 76 chứ không phải là 75. Việc trao tặng này lẽ ra phải
thực hiện từ năm ngoái chứ không phải để sang năm nay. Nhưng dù sao tôi cũng
xin cám ơn các đồng chí, và qua các đồng chí cho tôi gửi lời cám ơn lãnh đạo Đảng
cấp trên.”
Đảng viên lão thành Nguyễn Trọng Vĩnh
sinh năm 1916, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 9/1939. Tháng 6/1940 cụ
bị thực dân Pháp bắt và kết án 5 năm tù khổ sai. Sau khi ra tù, cụ bắt liên lạc
ngay với tổ chức và được Đảng giao trọng trách làm Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên rồi
Thái Bình. Tháng 3/1947, Trung ương điều cụ vào quân đội làm Chính ủy kiêm Bí
thư Khu 1 do đồng chí Chu Văn Tấn làm Khu trưởng. Từ năm 1948 cho đến 1959, cụ
được Trung ương điều về làm Cục trưởng Cục Tổ chức đầu tiên của Tổng Cục Chính
trị QĐNDVN do đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm. Năm 1959 cụ được Chủ tịch
Hồ Chí Minh tấn phong quân hàm Thiếu tướng và được cử làm Chính ủy Quân khu IV.
( Hiện lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh là vị
Tướng duy nhất trong số trên 30 sỹ quan cấp tướng do đích thân Chủ tịch HCM ra
sắc lệnh tấn phong hiện vẫn còn sống!) Tại
Đại hội lần thứ ba Đảng Lao động Việt Nam tháng 9/1960, cụ được bầu là Ủy viên
dự khuyết BCHTW Đảng khóa III (1960 – 1976). Giưã năm 1961, Trung ương điều cụ
làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ba năm sau (1964), cụ được Chủ tịch HCM tiến cử cử
làm Trưởng đoàn cố vấn giúp Đảng bạn Lào. Sau hơn 9 năm công tác giúp bạn Lào,
về nước chưa được bao lâu thì cụ lại được
bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Trung Quốc. Cụ cũng không ngờ nhiệm kỳ Đại
sứ của cụ tại TQ kéo dài ngoài dự tính: trên 13 năm, gấp hơn 4 lần nhiệm kỳ
thông thường của 1 đại sứ! Không chỉ vậy, thời gian hơn 13 năm cụ làm Đại sứ ở
Bắc Kinh là thời gian quan hệ Trung – Việt rất căng thẳng và trở nên xấu nhất
do việc Đặng Tiểu Bình xua 60 vạn quân sang xâm lược 6 tỉnh biên giới nước ta hồi
tháng 2/1979! Mãi cuối năm 1987 cụ mới
được rút về nước, và 3 năm sau cụ mới chính thức được nghỉ hưu ở tuổi 75!
Trong suốt hơn nửa thế kỷ tham gia hoạt
động cách mạng và đảm đương nhiều cương vị khác nhau của Đảng và Nhà nước, song
ở cương vị công tác nào, đảng viên Nguyễn Trọng Vĩnh cũng luôn luôn tận tụy và
gương mẫu hoàn thành mọi trọng trách được giao, đặc biệt là cụ luôn đặt lợi ích
của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, và chưa bao giờ vi phạm kỷ luật dù chỉ ở
hình thức nhẹ nhất! Cụ thực sự là tài sản quý đối với các con, cháu, chắt trong
gia đình mà còn là tấm gương sáng cho đội ngũ lãnh đạo ĐCSVN hiện nay! Sau khi nghỉ hưu, đặc biệt là trong vòng hơn 10
năm (từ 2001 đến 2012), trước sự xuống cấp về mọi mặt trong đội ngũ lãnh đạo Đảng,
đã gần 20 lần cụ viết thư tay gửi trực tiếp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và cả
cho Tổng Bí thư góp ý phê bình và chỉ ra những sai lầm, thiếu sót nghiêm trọng
của lãnh đạo Đảng và Nhà nước .Nhưng thật đáng tiếc, cụ không hề nhận được hồi
âm của bất cứ một vị nào có trách nhiệm của Đảng và Chính phủ cả! Trước tình
hình như vậy, cụ đi đến quyết định chuyển hướng góp ý, xây dựng bằng các hình
thức khác:
- Tháng 4/2013, cụ là một trong 72
người đầu tiên gồm các nhân sỹ trí thức và lão thành cách mạng ký tên vào Bản
Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp.
- Tháng 7/2014, cụ cùng 61 đảng viên
kỳ cựu và tâm huyết ký Thư ngỏ (gọi tắt là TN 61) gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng và toàn thể đảng
viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
-Tháng 9/2014, cụ cùng 20 sỹ quan cao
cấp của QĐNDVN và CANDVN ký Kiến nghị (gọi
tắt là KN 20) gửi Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi 3 kiến nghị trên gửi đi và
không nhận được hồi âm nào của các cơ quan chức năng, toàn văn nội dung 3 văn kiện này được công bố
trên mạng Internet để toàn dân biết.
Có lẽ chính hình thức đấu tranh, góp
ý mới này buộc Đảng phải xuất hiện. Sự xuất hiện này hoàn toàn không phải là cầu
thị, là để lắng nghe hay tiếp thu, sửa
chữa mà ngược lại là để dung dọa, răn đe!
Cụ Vĩnh là một trong nhiều trường hợp bị các cấp ủy “nắn gân,sờ gáy”! Sau khi TN 61 được gửi đi, cụ Vĩnh và những đảng
viên cùng ký tên hy vọng sẽ nhận hồi âm từ nơi
nhận, song chỉ là một sự im lặng lạnh lẽo! Song
thật bất ngờ, chiều 19/11/2014, Đảng bộ Hà Nội đường đột cử Phái đoàn Ủy ban Kiểm
tra Thành ủy đến hỏi thăm “sức khỏe” cụ Vĩnh. Mục đích cuộc viếng thăm này được
ông Trưởng đoàn đồng thời là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy không hề dấu diếm:
Sau khi chào hỏi xã giao, ông đi thẳng vào chuyện là việc cụ ký và gửi TN 61
cho BCHTW và toàn thể đảng viên ĐCSVN. Đoàn cho rằng cụ đã vi phạm vào Điều 1
và Điều 2 trong “Quy định 19 điều Đảng viên không được làm” (gọi tắt là 19 điều
cấm). Đảng viên Nguyễn Trọng Vĩnh đã nhẹ nhàng bác bỏ. Cụ nói việc cụ ký và gửi
TN 61 đến BCHTW và toàn thể đảng viên ĐCSVN là không hề vi phạm bất cứ điều nào
trong “19 điều cấm”. Cụ phản bác “19 điều cấm” không chỉ sai mà ngay cả một số
quy định mới đây của Đảng cũng vi phạm ngay chính Điều lệ Đảng, ví dụ như Quy
chế về bầu cử trong Đảng (tức QĐ số 224/QĐ/TƯ ngày 9/6/2014 vừa qua). Cụ nói: “
Nội dung và các kiến nghị của TN61 thì BCHTW Đảng đã có kết luận sai trái gì
đâu mà Thành ủy Hà Nội lại kết luận như vậy? Không một cá nhân và cấp ủy nào có
quyền tùy tiện kết luận TN 61 là sai hoặc vi phạm kỷ luật Đảng. Phải đợi ý kiến
kết luận của Trung ương chứ!” Trở lại mục
đích của Phái đoàn UBKT Thành ủy là yêu cầu cụ tuyên bố rút tên và chữ ký trong
TN 61 để Đảng sớm trao Huy hiệu 75 năm cho cụ, đảng viên Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng
khái nói: “Tôi đã 75 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng. Việc trao hay không trao
huy hiệu cho tôi thì tuổi Đảng của tôi vẫn là 75, chẳng ai cho thêm và cũng chẳng
ai có quyền bớt đi tuổi nào. Mọi người đều
rõ điều đó! Tôi chưa hề bị kỷ luật nên việc trao huy hiệu 75 năm cho tôi là việc
bình thường; điều này chỉ có lợi và tốt cho Đảng, còn nếu không thì chỉ xấu và
bất lợi cho Đảng! Song nếu vin vào cớ tôi ký vào TN 61 mà kỷ luật, không trao
huy hiệu hoặc thậm chí khai trừ tôi thì tôi xin nói thẳng với các anh là tôi sẽ
không để cho ai làm điều đó đâu! Trong trường hợp như vậy, tôi xin nói rõ là
tôi sẽ công bố điều mà tôi đã trăn trở suy nghĩ nhiều năm nay trước khi các anh
làm điều đó!” Mỗi lần nhắc đến việc này,
cụ nói với tôi là cụ rất muốn quên đi, coi như nó không hề có, và cụ không muốn
ai, kể cả con cháu trong nhà, nhắc đến nó nữa!
Không rõ có phải sau “biến cố” này mà cụ thay đổi Di chúc, đi đến quyết
định là khi từ giã thế gian này, cụ sẽ không chọn Nghĩa trang Mai Dịch để “định
cư” mà sẽ đến với Đài hóa thân Hoàn Vũ như nhiều cụ ông, cụ bà ở Hà Nội đã để lại
di nguyện cho con cháu trước khi ra đi!
Nhưng rồi, trong gần một năm qua, có 2 sự
kiện liên quan đến việc trao tặng Huy hiệu 75 năm cho cụ mà tôi biết được như
sau: Việc thứ nhất là chính tôi nghe trực tiếp từ 2 đồng chí Bí thư và Phó bí
thư Chi bộ 14 phường Kim Liên là nơi cụ Vĩnh sinh hoạt. Hai đồng chí cho biết:
Sau khi Chi bộ 14 biết cụ Vĩnh bị gây khó khăn trong việc nhận Huy hiệu 75 năm,
Chi bộ đã họp 2 buổi để bàn và ra Nghị quyết về việc này. Cả 2 lần Nghị quyết đều
có sự tán thành 100% của số đảng viên chi bộ có mặt (Chi bộ 14 có trên 80 đảng
viên thì có gần 40 đảng viên là Giáo sư, Tiến sỹ và cán bộ trung cao cấp đã nghỉ
hưu). Tất cả đều nhất trí kiến nghị lên Đảng bộ Phường, Đảng bộ Quận và Đảng bộ
Thành phố phải trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho lão đồng chí Nguyễn Trọng
Vĩnh. Hai đ/c cho biết Chi bộ 14 sau đó bị Đảng ủy cấp trên phê phán là vô
nguyên tắc vì đã đưa kiến nghị vượt cấp! Nhưng chính họ không hiểu hoặc đã cố
tình vi phạm quy định của Đảng là phải trả lời bằng văn bản các kiến nghị của cấp
dưới, song họ cố ý lờ đi, buộc Chi bộ 14 phải gửi lên cấp trên tiếp theo, và
Chi bộ 14 dự kiến sẽ gửi tiếp kiến nghị này lên Trung ương Đảng nếu Thành ủy Hà Nội cố tình không trao
Huy hiệu 75 năm cho lão đảng viên Nguyễn Trọng Vĩnh!
Câu chuyện “người thực,việc thực” trên đây của
Chi bộ 14 phường Kim Liên để lại trong
tôi nhiều suy nghĩ. Tôi ước ao chỉ cần 50% số Chi bộ và Đảng viên của Đảng ta trên
toàn quốc được như Chi bộ 14 và các đảng viên của Chi bộ này thì Đảng ta sẽ lột
xác, thực sự sẽ trong sạch, vững mạnh; không cần phải phát động phong trào
này,phong trào kia, tiêu phí biết bao tiền thuế của nhân dân!
Còn chuyện thứ hai là do chính cụ Vĩnh kể
lại cho tôi và một vài người nữa ngay sau buổi trao tặng huy hiệu sáng qua. Cụ cho
biết cách đây vài tháng có một người đến nhà xin gặp cụ và tự giới thiệu là cán
bộ của Thành ủy Hà Nội. Anh ta đề nghị cụ “viết đơn gửi Thành ủy để xin nhận
Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng”. Cụ nói: “Tôi thật sự ngỡ ngàng và điên tiết, liền
trả lời ngay “Anh về nói với cấp trên của anh là tôi không vi phạm gì, việc
trao hay không trao là tùy Thành ủy. Còn yêu cầu tôi viết đơn, xin trả lời thẳng
là không bao giờ tôi viết đơn xin xỏ ai việc gì cả, và anh đừng có trở lại đây
để yêu cầu tôi làm cái việc xấu xa đó nữa!”
Anh ta lủi thủi ra về và không dám quay trở lại! Cụ thở dài ngao ngán: “Họ hành người dân bằng
cơ chế “xin-cho” chưa đủ sao mà bây giờ họ còn định hành một ông già 100 tuổi đời
và 76 tuổi Đảng như tôi! Không rõ họ làm thế để nhằm mục đích gì đây?”
Khi khách đã ra về hết,
chỉ còn lại tôi và vợ chồng con gái trưởng của cụ là nhà văn Nguyên Bình và Đại
tá Trịnh Văn Trà, cụ tâm sự: Cụ sẽ cố sống thêm vài năm nữa để chờ chứng kiến sự
thay đổi của đất nước! Cụ vẫn day dứt: Đảng ta cần trở lại tên cũ là Đảng Lao động
Việt Nam như Bác Hồ đã chọn hồi năm 1951!
Năm 1976, nếu Bộ Chính trị lúc đó hỏi ý kiến toàn Đảng thì cụ tin rằng
tuyệt đại đa số đảng viên không muốn đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam mà muốn
giữ lại tên cũ là Đảng Lao động Việt Nam. Cụ cho biết cụ đang nung nấu suy nghĩ
là sẽ kiến nghị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đổi lại tên Đảng và Quốc hiệu nước ta.
Đảng cần trở lại tên cũ là Đảng Lao động Việt Nam. Nước lấy lại quốc hiệu cũ là
“Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” hoặc
đổi thành quốc hiệu “Cộng hòa Dân chủ Việt
Nam”! Theo cụ, có như vậy mới phát huy được sức mạnh toàn dân tộc và yếu
tố đoàn kết của toàn dân, đúng theo tinh thần và ước vọng của Cố Chủ tịch Hồ
Chí Minh lúc sinh thời!
Tôi trộm nghĩ có lẽ đây không chỉ
là ý kiến của riêng lão tướng đảng viên Nguyễn Trọng Vĩnh đáng kính mà còn là
mong muốn và nguyện vọng của đa số cán bộ đảng viên và nhân dân ta hiện nay!
Hà Nội, chiều Quốc khánh 2/9/2015.
N.Đ.Q