Hơn 25 năm xuất khẩu
gạo chúng ta say sưa "cạnh tranh" với "gạo cho người nghèo -
nước nghèo" để rồi nay Campuchia đã qua mặt chúng ta về gạo thương hiệu.
Nhưng rồi, trong mười năm (1975 - 1986), do những kết quả đạt được không như mong đợi mà ta nhận ra được giá trị thật của kinh tế thị trường, kinh tế nông nghiệp, vai trò lịch sử và tinh thần yêu nước của nông dân, tính bền vững của văn hóa nông thôn (làng xã). Từ chỗ nhận ra ấy, ta lại để nông dân làm nông nghiệp một cách "tự nhiên chủ nghĩa" suốt 30 năm, nên rồi nay ta lại phải trả giá.
Chúng ta đã thua Campuchia về gạo thương hiệu. Ảnh minh họa |
Năm 1986 Việt Nam đổi
mới. Ngày 7/11/1991 ký Hiệp định Mậu dịch Việt Nam - Trung Quốc. Ngày 11/7/1995
bình thường hóa quan hệ Việt- Mỹ. Ngày 28/7/1995 gia nhập ASEAN. Ngày 7/01/2007
gia nhập WTO...
Nhờ tự đổi mới và nhờ
hội nhập, nông nghiệp phát triển nhanh vượt bậc, nhiều mặt hàng như lúa gạo,
thủy sản, cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, trà... xuất khẩu có sản lượng lớn,
thuộc hạng nhất nhì thế giới. Từ năm 1989 Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo (1,370
triệu tấn), đến năm 2012 ta xuất đạt đỉnh cao nhất là 7,736 triệu tấn. Năm 2011
cá tra xuất khẩu đạt đỉnh cao 1,8 tỷ USD; đời sống một bộ phận lớn nông dân
được cải thiện, bộ mặt nông thôn dần sáng lên, và được nhiều nước và tổ chức
quốc tế khen ngợi, và học tập theo.
Thắng lợi này lại một lần nữa làm cho chúng ta "ngủ trên tiềm năng" và "hát hoài bài ca con cá, cây lúa" một cách hồn nhiên! Những ngôn từ gần như mặc định và "nổ" như bắp rang: Đổi mới, hội nhập, thị trường toàn cầu, cạnh tranh, nông nghiệp là nền tảng, xuất khẩu là mũi nhọn kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc sản xuất v.v... và ...v.v...
Kinh tế Việt Nam là kinh tế xuất khẩu. Kim ngạch xuất luôn cao hơn GDP qua các năm, nhất là từ khi có doanh nghiệp FDI tham gia. Hiện Việt Nam đang đứng đầu các nước ASEAN về xuất hàng vào Mỹ, điều mà nhiều người (không dám) mơ từ những năm sau Đổi mới.
Nhưng từ đỉnh cao những năm 2000, các chỉ tiêu xuất khẩu nông - thủy sản đều tụt dần. Lý do là: Hơn 25 năm xuất khẩu gạo chúng ta say sưa "cạnh tranh" với "gạo cho người nghèo - nước nghèo" để rồi nay Campuchia đã qua mặt chúng ta về gạo thương hiệu. Việt Nam giờ không có gạo thương hiệu, và gạo cho người nghèo cũng đang ế vì không ai chịu nghèo mãi để ăn gạo nghèo của ta!
Các doanh nghiệp Việt Nam một mình một chợ về nuôi và xuất khẩu cá ba sa, cá tra, nhưng vì tự cạnh tranh nhau (hạ giá bán) mà triệt tiêu sức cạnh tranh của mặt hàng này. Những năm 1990 ta bắt đầu xuất cá ba sa và cá tra, đến năm 2007 đạt giá trị 1 tỷ USD, và tăng dần nhờ mở rộng thị trường đến 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2011 là năm đỉnh cao cả 3 chỉ tiêu: Nuôi 6.000 ha mặt nước, đạt 600.000 tấn cá nguyên liệu và xuất khẩu đạt 1,805 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng kim ngạch XK thủy sản và bằng 2% GDP cả nước. Về giá xuất, từ 4,93 USD/Kg trong những năm 1997-1998 xuống còn 2,8 USD/Kg những năm 2008-2011, và xuống còn 1,8 - 2,5 USD/Kg (năm 2015) mà gần như không còn khách hàng. Đặc biệt thị trường Trung quốc, đôi khi có tác dụng bổ sung, nhưng thường xuyên là yếu tố gây khủng hoảng thiếu thừa của nông-thủy sản Việt Nam nói chung một cách bất định.
Chỉ kể hai mặt hàng lúa-gạo và cá tra là lợi thế (gần như độc chiếm) của Việt Nam một thời được nâng niu như bông hoa, nhưng cách làm của ta nay làm cho nó "tàn" như bông súng (luộc). Mặc dù bông súng mọc từ trong đất có nước, nhưng không đủ sắc tươi quá ba ngày. Nói không sợ mếch lòng thì cách làm của chúng ta là chỉ biết có "khôn nhà” mà “dại chợ"!
Nguyễn Minh Nhị
Nguồn: Theo Tuần Việt Nam