04 juin 2016

CÁ CHẾT, DÂN KHỔ VÌ CÁN BỘ LÈ PHÈ , ĐẢNG VÔ CẢM


Chủ tịch Hội nghề cá:” Ngư dân các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế chưa thể đi đánh cá ven biển, các hộ nuôi cũng dậm chân tại chỗ.”


Phạm Trần
 

Thảm trạng cá và các sinh vật dưới biển và trong sông chết do chất độc thải ra từ các nhà máy đã xẩy ra ở Việt Nam từ nhiều năm qua, nổi cộm nhất, là vụ Nhà máy Vedan bột ngọt Việt Nam tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai  đã ô nhiễm sông Thị Vải năm 2008.

Cho đến khi có nghi vấn tập trung vào Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh) là thủ phạm gây ra cái chết oan khiên cho cá và các sinh vật biển khác từ đầu tháng 4/2016,  người dân Việt Nam đã bị hòanh hành trong nhiều năm  bởi tệ nạn thực phẩm và trái cây nhiễm độc nhập nội từ Trung Quốc. Tệ nạn ô nhiễm môi sinh làm hại sức khỏe người dân, đây đó  ít nhiều có bàn tay của người Trung Hoa nói riêng và con buôn bất chính người Việt nói chung   cũng đã được các nhà Khoa học và báo chí nêu lên nhưng Chính quyền vẫn  không ngăn chận được .
 



Trách nhiệm  ấy phải đổ lên đầu ai trong guồng máy cai trị  “nói nhiều làm ít” của Việt Nam là điều chưa ai tìm được câu trả lời.

Chỉ có điều rõ ràng không tránh được là trách nhiệm cao nhất  phải buộc vào cổ  tứ trụ triều đình gồm Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước trước kia là Trương Tấn Sang và bây giờ là Trần Đại Quang. Tiếp đến, trước kia là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, bây giờ là bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Sau cùng là trách nhiệm của Thủ tướng, trước  là Nguyễn Tấn Dũng và bây giờ là của ông Nguyễn Xuân Phúc. 

Nếu bảo lãnh đạo đã chỉ thị cho cấp thừa hành giải quyết vụ cá chết theo chức năng của mình thì ai có bổn phận phải trả lời  câu hỏi: Tại sao  sau  8 năm xẩy ra vụ Vedan ô nhiễm sông Thị Vải,  đảng và nhà nước vẫn để cho các nhà máy tự do xả thài chất độc làm chết ngư sản tại :

-  Sông Chà Và  trong địa hạt Bà Rịa, Vũng Tầu Ngày 25/09/2015.

-  Báo chí Việt Nam đưa tin có 20 luật sư của 12 tổ chức hành nghề luật sư tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với 33 hộ dân nuôi cá lồng bè đã kiện 14 doanh nghiệp xả thải, làm cá chết hàng loạt trong năm 2015.

-Sau đó lại xẩy ra vụ hàng loạt cá nuôi bè trên sông chết ở xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ngày 08/01/2016 . Người dân địa phương xác quyết cá chết từ nguồn nước của nhánh sông Cái, nơi có hàng chục cống xả từ các công ty đổ xuống sông.  Ông nhà nước giải thích lung tung.

Theo VietNamNet thì các cơ quan chức năng: “ Ghi nhận sự thay đổi đột ngột về chế độ thủy triều đã làm hạn chế sự khuyếch tán oxy trong nước, dẫn đến hiện tượng suy giảm hàm lượng DO. 

Kết quả, phân tích cho thấy hàm lượng (DO) oxy hòa tan trong nước vào đầu tháng 1 vừa qua dao động từ khoảng 1,51mg/l-1,92 mg/l (quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt phù hợp với mục tiêu bảo tồn động vật thủy sinh là 4 mg/l) nên hàm lượng DO không đạt chất lượng. Vào thời điểm cuối năm 2015, hàm lượng DO ở đây suy giảm xuống mức khoảng 2 mg/l (tháng 12/2014 trung bình là 2,6mg/l; tháng 12.2015 trung bình là 2,3mg/l).”

Báo này cho biết cách lý giải của Đồng Nai lại khác: “ Theo quan điểm của Sở TN-MT Đồng Nai, cá bè được người dân nuôi với mật độ quá dày, khoảng cách giữa các bè quá chật nên ảnh hưởng đến không gian sống của cá. Đồng thời chế độ ăn uống, kỹ thuật nuôi chủ yếu theo kinh nghiệm tự nhiên chứ không theo một chế độ nhất định. (báo ViệtNamNet 08/01/2016).”

Nạn nhân của môi trường là người dân thì nói thẳng là do nhà nuớc để cho các nhà máy xả thả tự do nên dân lãnh đủ.

SAU FORMOSA


Đầu tháng 5/2016, sau ngày xẩy ra vụ cá chết từ Vũng Áng (Hà Tĩnh), tại  cửa sông Lạch Bạng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa lại xẩy ra vụ cá chết trên sông Bưởi.

- Đến
sáng ngày 4/5/2016, người dân nuôi cá lồng ở thị trấn Thuận An đã gom hơn 4 tạ cá chết để cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy.

Phóng viên báo Lao Động ghi nhận:  hộ nuôi có cá chết ít nhất vài kg, nhiều nhất gần 1 tạ cá gồm các loại như: cá vẩu, cá chẽm từ 0,2 -1,2kg nuôi vùng nươc lợ trong phá Tam Giang, cạnh cửa biển Thuận An, phía bờ Nam.

Báo này viết: “ Trước đó một ngày, hơn 1 tấn cá nuôi lồng của 23 hộ dân thôn này bị chết đã được đưa đi tiêu hủy sau khi bị chết. Người dân địa phương cho hay đây là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng cá nuôi lồng cạnh cửa biển Thuận An bị chết trên diện rộng.

Ở phía Bắc cửa Thuận An thuộc xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt cũng đã diễn ra. Ngoài ra, cũng đã ghi nhận tình trạng cá trên vùng biển thị trấn Thuận An, Hải Dương và xã Phú Hải nổi lờ đờ, chết dạt vào bờ biển với số lượng ít.”

Không thấy có báo cáo hay dân kêu có nạn xả thải chất độc trong khu vực, do đó ai cũng tin do nguồn nước tải theo chất độc từ Formosa đem vào.

Nhưng ngay từ những ngày cuối tháng 4/2016, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV-Voice of Vietnam) đã đưa tin: “
Theo kết luận của Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế, vào thời điểm xuất hiện cá biển và cá nuôi lồng chết hàng loạt trong khu vực của tỉnh, tại vùng cá chết, nước biển nhiễm kim loại nặng.

Theo thông tin này, sau khi tiến hành phân tích 9 mẫu nước và 7 mẫu trầm tích tại khu vực đầm Lập An, gần cửa biển Lăng Cô, huyện Phú Lộc; vùng ven bờ xã Quảng Công, huyện Quảng Điền và các xã Điền Hương, Điền Hải, huyện Phong Điền, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế xác định các thông số về tổng hàm lượng Nitơ tính theo amoni, hàm lượng kim loại nặng Crôm vượt giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển và chất lượng nước mặt.”

VOV viết tiếp:”Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế xác định: nguyên nhân cá biển, cá nuôi bị chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh – chất độc trong môi trường nước dẫn đến việc cá chết hàng loạt trên địa bàn.

Kết quả quan trắc vào buổi sáng cho thấy hàm lượng sắt trong nước biển ở bãi tắm Xuân Hải và Thạch Hải của Hà Tĩnh đều vượt ngưỡng cho phép.

Tại bãi tắm Xuân Hải, hàm lượng sắt (Fe) sáng 8.5 là 0,7 mg/l, vượt quy chuẩn Việt Nam 0,2 mg/l; còn bãi tắm Thạch Hải vượt 0,3 mg/l. Các chỉ số khác như pH, Mn, DO các bãi tắm trên địa bàn 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đều nằm trong giới hạn cho phép.

Theo  lời  chuyên gia hóa học Trần Hồng Côn thì: “ Sắt không phải chất độc nên không ảnh hưởng đến việc tắm hay bất kỳ hoạt động trên biển nào của con người. Tuy nhiên, trước khi sắt bị hòa tan trong nước thì ở một nơi nào đã thải ra kim loại này với nồng độ lớn, lúc đó nó sẽ làm giảm ôxy đột ngột trong môi trường biển và độ pH cũng giảm xuống, khiến đời sống động thực vật thủy sinh bị ảnh hưởng.”

Cho đến nay, cuộc điều tra tốn không biết bao nhiêu công sức và tiến bạc đã bước qua tháng thứ 3 mà kết qủa thử nghiệm tại sao cá chết vẫn chưa được công bố cho dân an tâm.

Hàng triệu con người từ Thanh Hóa vào tận Bình Thuận đã không có công ăn việc làm khiến cuộc sống kinh tế khó khăn. Dân  chài lần đầu tiên phải phơi lưới lâu ngày để  nhìn biển âu sầu , bãi  trống  qụanh hiu. Đã ai biết có bao nhiêu vạn dân làng muối, làm nước mắm phải bỏ cuộc sống do cha ông truyền lại ?

Một vùng đất ven biển miền Trung đã nghèo và xơ xác lại cơ cực hơn bao giơ hết trước nạn đói rình rập đêm ngày và con trẻ không còn tương lai từ ngày cá tôm vắng bóng.
VÔ CẢM ĐẾN THẾ LÀ CÙNG

 
Thế mà, những cơ quan chức năng có nhiệm vụ bảo vệ dân như Mặt trận Tổ Quốc, Quốc hội và Tổng Liên đòan Lao động Việt Nam lại có thể tiếp tục cúi đầu ngoảnh mặt ngậm miệng. 

Duy nhất chỉ có Hội nghề cá đề nghị sớm công bố thông tin cá chết hàng loạt.

Hội nghề cá Việt Nam vừa có công văn đề nghị Chính phủ và bộ ngành đẩy nhanh tiến độ xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt ở các tỉnh Bắc miền Trung.

Theo Hội nghề cá, càng kéo dài tiến độ xác định nguyên nhân thì chất độc trong trầm tích ở đáy biển sẽ bị pha loãng dần. Các mẫu cá ở thời điểm đầu tháng 4/2016 được lưu tại phòng kiểm nghiệm đã hết hạn và sẽ được tiêu hủy, khiến việc truy tìm nguyên nhân chính xác khó khăn hơn rất nhiều.” (báo ViệtnamExpress, 27/05/2016)

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá, đến nay ngư dân các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế chưa thể đi đánh cá ven biển, các hộ nuôi cũng dậm chân tại chỗ.

ĂN VÀO SẼ CHẾT

Nguy hiểm hơn, theo báo điện tử của các Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn (Tin mừng cho Người nghèo) thì đã có người chết và có người bị nhiễm độc khó cứu sống sau khi ăn tép và mực biển. 

Bái báo đề ngày 30/5/2016 viết: “ Ngày 28.05.2016 bà Nguyễn Thị Liên, người xóm 11, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã bị rơi vào tình trạng nguy kịch sau khi ăn tép biển. Bệnh viện đã lắc đầu từ chối tiếp nhận và khuyên gia đình đưa về “lo cho bà” vì bác sĩ đã thực hiện xét nghiệm và cho biết bà bị suy thận cấp, viêm gan cấp, viêm mạc đường hô hấp và toàn bộ tim gan, ngũ tạng và các bộ phận đã bị nhiễm độc nặng nên “khó bề cứu chữa”.Hiện tại bà Liên đang mê man, môi miệng bị sưng tấy, có khi co giật và nôn mửa rất nhiều.

Ông Ngô Văn Linh nói khi phát hiện bà Liên bị ngộ độc, thì đưa ra bệnh viện để cữu chữa. “chúng tôi đưa ra trạm xã, y tá đã sơ cứu, chuyền nước. Y tá bảo nếu bị ngộ độc bình thường thì khi nôn mửa xong là sẽ đỡ, nhưng đây không phải là nhiễm độc thông thường.”

Gia đình đã đưa xuống bệnh viện Đa Khoa tỉnh Nghệ An để khám chữa. Bác sĩ tỉnh đã siêu âm, xét nghiệm và lấy thuốc cho bà uống. Các chỉ số sức khỏe đều ở mức nguy hiểm.

Ông Linh cho biết đã thực hiện tất cả các phương pháp sàng lọc, từ siêu âm, xét nghiệm, thử huyết học và chụp XQuang cũng như chuyền nước và uống thuốc theo chỉ thị của bác sĩ nhưng bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm.
 
Trước sự xuống cấp trầm trọng của bà Liên, ông Ngô Văn Linh đã quyết đưa bà ra bệnh viện tuyến trung ương. Nhưng bác sĩ bảo “nếu có thể thay máu và các bộ phận nhiễm độc ngay thì hãy đưa, còn nếu không thì đưa đi cũng chỉ để cho thỏa mãn thôi.”

Ông Ngô Văn Linh cho biết nguyên nhân là do “bà Liên đi chợ mua tép biển (tiếng địa phương là Khuyếc) về nấu canh với cà chua của nhà làm và ăn thì sau đó bị ngộ độc và nôn tháo nôn mửa từ đó.”

Ông Ngô Văn Hợp người cùng xóm với gia đình bà Liên đến thăm bà trên giường bệnh nói: chúng tôi yêu cầu các “người có chức có quyền” giải quyết vụ việc và trả lại cho người dân quyền sống trong môi trường trong sạch vì bây giờ mạng sống của người dân đang bị đe dọa.

Người dân cũng cho biết, bên xóm 1 cũng thuộc xã Nghi Phương, cả hai vợ chồng anh Luyến mua cá và mực biển về ăn và cũng bị trúng độc. Khi đang đưa ra Hà Nội điều trị thì anh Luyến tử vong trên đường, còn chị vợ thì nay cũng đã bị bệnh viện trả về.”

Trước nguy cơ đến mạnt sống của dân như thế này mà các cơ quan nhà nước và địa phương cứ nhởn nhơ đứng ngoài, không ai đề xướng thử nghiệm xem nguyên nhân nhiễm độc từ đâu ?

Thái độ vô cảm của những viên chức đảng có máu lạnh cũng đã thấy khi họ không thử nghiệm xác thợ lặn Lê Văn Ngày, người đã chết ngày 24/04/2016, sau khi khi ông thi công xây dựng đê chắn sóng ở cảng Sơn Dương thuộc KCN Formosa - Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) ?

Báo chí Việt Nam tường thuật:”Sau nhiều lần lặn biển, thấy trong người khó thở, mệt mỏi nên chiều 24-4, ông Ngày xin phép nghỉ, ở ký túc xá của công ty. Đến chiều cùng ngày, ông Ngày có biểu hiện trẹo hàm, tức ngực, đau bụng, đau lưng dữ dội và khi đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình thì ông tử vong. Cái chết của ông Ngày làm gia đình hết sức bất ngờ, không hiểu lý do vì sao.”


Tuy báo chí Việt Nam xác định “Hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt bắt đầu từ ngày 6/4 tại khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra Quảng Bình ngày 10/4, Thừa Thiên - Huế (15/4), Quảng Trị (16/4) và kéo dài đến 4/5” nhưng không ai có thể bào đảm  từ đây trờ đi sẽ không còn cá chết và nước biển sẽ an tòan.

Vì hiểm họa môi trường có thể kéo dài mấy chục năm, hoặc mãi mãi nên càng im hơi lặng tiếng lâu bao nhiêu thì càng khổ cho dân và hại nước bấy nhiêu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cứ tiếp tục hứa sẽ minh bạch trắng đen nhưng vẫn chưa thấy tăm cá nơi nào.

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc  được báo chí trích lời nói: “Chúng tôi biết người dân đang mong đợi nguyên nhân cá chết, nhất là nhân dân 4 tỉnh miền Trung. Nhưng không có chuyện Bộ Tài nguyên và Môi trường ém thông tin vụ việc có thông tin đến đâu chúng tôi sẽ thông báo đến đó. Mỗi phát ngôn đưa ra cần có chứng cứ khoa học cụ thể.”

Trước đây ít lâu, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cũng hồ hởi báo cáo:”Đã đủ cơ sở khẳng định có câu trả lời với căn cứ khoa học thuyết phục, được quốc tế thừa nhận.”

 

Ông nói: "Bộ đang nỗ lực cùng Hội đồng chuyên gia khoa học công nghệ và các bộ, ngành liên quan để đưa ra kết luận cuối cùng sớm nhất báo cáo Thủ tướng và nhân dân.”

Trước lập luận “câu giờ” của hai viên chức này, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Khải chỉ trích : “
Cho đến thời điểm hiện tại, đã nhiều ngày trôi quan, cơ quan chuyên môn vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức về độc tố gây chết cá.

Về việc này, đơn vị có thẩm quyền quá chậm chạp trong việc lấy mẫu thử nghiệm, công bố thông tin.

Tiến sỹ Khải, người nổi tiếng với biệt Danh “ông gìa Ozone” vì đã có  nhiều đóng góp khoa học giúp dân trong nhiều năm, đã đưa ra lời phê bình của ông trong cuộc phỏng vấn của báo Giáo dục Việt Nam ngày 24/04/2016.

Ông nói:”Tôi cho rằng, nếu lấy được mẫu xét nghiệm, chỉ trong một ngày có thể kết luận được ngay. Để khách quan và chính xác hơn, cơ quan có thẩm quyền nên đề nghị các nhà khoa học vào cuộc làm rõ sự việc”.

Để xúc tiến việc giúp dân, Tiến sỹ Khải đã chính thức yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp cho ông đầy đủ thông tin và nguyên nhân gây ra nạn  cá chết để ông xem có thế đóng góp thêm gì chăng. Tuy nhiên, phía Nhà nước đã vô cảm như bao giờ vẫn thế.

Thái độ của đảng và nhà nước CSVN  trong vụ cá chết và điều tra kỹ năng  bảo vệ môi trường của Formosa càng ngày càng có nhiều khuất tất.

Ngay cả việc cứu trợ dân vùng bị nạn cũng rất hạn chế và cầm chừng như không muốn phát động to lên sợ gây  hại cho quyền lợi của đảng.

Cho đến nay chỉ thấy có Giáo hội Công giáo và các Tổ chức Tôn giáo  ngoài  quốc doanh  đã công khai vận động quyên góp trong và ngoài nước  để tiếp cứu đồng bào miền Trung.

Tuyệt nhiên không thấy các Tôn giáo của Nhà nước trong Mặt trận Tổ quốc nhúc nhích gì.

Hay là họ và nhóm “tứ trụ triều đình Trọng-Quang-Ngân-Phúc” đã mắc phải chứng bệnh nhậy cảm từ Phương Bắc nên chưa ai dám tách khỏi cái bóng của người Trung Hoa ? -/- 

Phạm Trần

(06/016)