Cơ hội thành ‘mãnh hổ’ đã trôi qua là đáng tiếc, song
ít nhất cũng cho chúng ta một bài học đáng tiếc nên cần mổ xẻ nghiêm túc để
không còn bị tuột khỏi tầm tay lần nữa.
Lý giải tiếp nguyên nhân vì sao Việt Nam bỏ lỡ cơ hội
trở thành mãnh hổ, lối nào để sớm thoát khỏi những thế kẹt hiện nay, Tuần Việt
Nam đã có cuộc trò chuyện với GS. TSKH Trần Ngọc Thêm. Mời độc giả cùng theo
dõi.
Ông lý giải thế nào về tâm lý của
người Việt, vốn luôn mạnh mẽ khi bị dồn vào chân tường, nhưng ngay sau đó, khi
“Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Có phải đây là một trong những nguyên nhân
neo giữ chúng ta lại, khiến chúng ta khó bứt phá lên như láng giềng xung quanh?
GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Đúng vậy!
Thực tiễn đã chứng minh, người Việt Nam luôn mạnh mẽ phi thường khi bị đẩy tới
chân tường, khi bị rơi vào “bước đường cùng”.
Câu “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” của nhà thơ
Nguyễn Đình Thi đã lột tả rất đúng bản chất của con người Việt Nam! Khi cơn
hoạn nạn qua đi, chúng ta luôn có xu hướng chui trở lại vào cái vỏ ốc của thế
“ổn định”, trở lại là những con người dễ bằng lòng với thực tại, ngại thay đổi…
Đây là biểu hiện mặt trái của văn hóa âm tính của người Việt, như tôi vẫn nói.
Công cuộc Đổi mới giai đoạn đầu của Việt Nam là cái đà
rất tốt để tạo ra sức bật xa. Nếu chúng ta duy trì được tốc độ đó thì chắc chắn
đã đi xa hơn rất nhiều, chưa biết chừng đã trở thành “mãnh hổ” đáng gờm trong
số các con hổ trong khu vực rồi.
Trong lịch sử, dân tộc ta đã từng
vài lần bỏ lỡ “cơ hội vàng”. Ví dụ, thời nhà Nguyễn, lúc đó chúng ta không
thiếu những người theo kịp thời cuộc như Nguyễn Trường Tộ; vua Tự Đức nổi tiếng
thông minh nhưng công cuộc cải cách thất bại. Là thế hệ con cháu, sẽ là vô phép
nếu trách móc các bậc tổ tiên, song trách nhiệm của chúng ta là phải “giải mã”
cho được các lực cản này để không lặp lại các bi kịch trên. Theo ông nguyên do
từ đâu chúng ta cứ lặp lại những lựa chọn chưa đúng như vậy?
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Có không ít
người cho rằng Nho giáo với tính bảo thủ là nguyên nhân dẫn đến bi kịch “bỏ lỡ
cơ hội” trong lịch sử Việt Nam. Tôi thì cho là không phải.
Cùng chịu ảnh hưởng của Nho giáo, tại sao chỉ có Việt
Nam đến nay đã trên một lần bỏ lỡ cơ hội, trong khi Nhật Bản lại canh tân được
sớm thế? Tại sao ở chính cái nôi của Nho giáo là Trung Quốc, người ta cũng đã
cải cách mạnh mẽ từ thời nhà Thanh?
Tại sao trên cùng một bán đảo mà Hàn Quốc thì hóa hổ,
còn Triều Tiên thì chưa?
Với Việt Nam chúng ta, nếu không
phải là do ảnh hưởng của Nho giáo thì do đâu?
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm: Việc Việt Nam
đã bỏ lỡ các cơ hội cải cách càng không phải là do ảnh hưởng của Nho giáo mà
cũng chính là do bản sắc văn hóa của mình, vốn ngược lại với phương Tây và rất
khác với bản sắc văn hóa trung gian của khu vực Đông Bắc Á.
Cơ hội thành ‘mãnh hổ’ đã trôi qua là đáng tiếc, song ít nhất cũng cho chúng ta một bài học đáng tiếc nên cần mổ xẻ nghiêm túc để không còn bị tuột khỏi tầm tay lần nữa. Ảnh: newszing. |
Đây chính là lý do giải thích vì sao Nguyễn Ánh khi
còn phải chống lại Tây Sơn thì hăng hái mở cửa, tích cực hướng về phương Tây,
còn khi có được đất nước trong tay, trở thành Gia Long thì lại nhanh chóng
chuyển sang chính sách ngược lại là bế quan tỏa cảng, xa lánh phương Tây, trở
về lấy Nho giáo làm chỗ dựa. Cách sống này đã chi phối dẫn đến việc Vua Gia
Long truyền ngôi cho con thứ là Minh Mạng, người sẽ ra sức đề cao Nho giáo và
ra mặt chống lại phương Tây để giữ ổn định, chứ không phải cho hoàng tử Cảnh,
người đã thấm đẫm ảnh hưởng phương Tây trong máu thịt, để có thể đưa đất nước
phát triển.
Văn hóa của dân tộc trồng lúa nước thường hướng đến ổn
định và sinh ra tính cộng đồng làng xã với một nền giáo dục khuyến khích tâm
lý háo danh chứ không phải hiếu học, ưa làm theo người khác chứ không có bản
lĩnh để suy nghĩ độc lập; sinh ra thói cào bằng, không chấp nhận người giỏi hơn
mình, có tư tưởng tiến bộ hơn mình.
Tất cả những cái đó là lý do giải thích vì sao triều
đình Minh Mạng, sau đó là Tự Đức, với những quan văn nặng nề tư tưởng Tống Nho
hủ bại (mà ở Trung Quốc người ta đã vứt bỏ) luôn khăng khăng bài xích mọi ý
tưởng Âu hóa và chống đối quyết liệt mọi sáng kiến cải cách. Và hệ quả là những
đề xuất cải cách toàn diện, khoa học và tiến bộ thường không được tiếp thu.
Nhứng khảo cứu này đã lý giải cho câu hỏi, tại sao cơ
hội thành “mãnh hổ” của Việt Nam hồi thế kỷ 18 – 19 đã bị bỏ qua.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân
và động lực của canh tân, Đổi Mới ở Việt Nam luôn có động lực hoặc tác động cả
từ bên trong lẫn bên ngoài, có đúng không ạ?
GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm: Canh tân hay
Đổi Mới, nếu là việc của mình, tự mình làm thì tất yếu phải có nhu cầu từ bên
trong. Còn có nhất thiết phải có sự tác động của yếu tố bên ngoài vào thời điểm
cải cách hay không thì, theo tôi, phụ thuộc vào ba nhân tố: Quan hệ với thế
giới bên ngoài có chặt hay không, văn hóa thuộc loại âm tính hay dương tính và
quốc gia mạnh hay yếu.
Một quốc gia mạnh mà có văn hóa dương tính thì có thể
tiến hành cải cách theo ý mình vào bất kỳ lúc nào, bất kể quan hệ với thế giới
bên ngoài ra sao. Một quốc gia yếu mà có văn hóa dương tính thì khó lòng tồn
tại độc lập được lâu dài, sớm muộn thế nào cũng sẽ bị các quốc gia dương tính
mạnh hơn đồng hóa.
Việt Nam chính là một quốc gia có xu hướng văn hóa âm
tính.
Thử nhìn lại công cuộc Đổi Mới cách đây 30 năm. Tuy
bên trong là do nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng, đời sống nhân dân
xuống thấp đến mức không thể nào chịu nổi nhưng nếu trong bối cảnh đó mà không
có tác động bên ngoài từ cuộc cải tổ (Perestroika) đang sôi sục của Gorbachop ở
Liên Xô lúc bấy giờ thì có lẽ chúng ta cũng khó thành công như đã thấy.
Bên cạnh đó, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu hồi đầu
những năm 1990 cũng đã tác động ít nhiều đến sự quyết định đường hướng của
chúng ta.
Còn tiếp
Duy Chiến thực hiện
Nguồn: Theo TuanVietNam