"Qua đối chiếu nội dung phát biểu của ông Thường Vạn Toàn và nội dung diễn văn của ông Tập Cận Bình hôm 1/7 thì phải chăng có sự "mâu thuẫn" nào đó giữa hai nhà lãnh đạo này, hoặc là trên bảo dưới không nghe, hoặc là trên dưới cùng nói một đằng làm một nẻo?"
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, ảnh: SCMP |
Tân Hoa Xã ngày 2/8
đưa tin, gần đây ông Thường Vạn Toàn - Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc
phòng Trung Quốc khi đi điều tra nghiên cứu công tác động viên quốc phòng ở
Chiết Giang đã nhấn mạnh, mối uy hiếp đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc
đến từ phía biển, nước này cần chuẩn bị cho chiến tranh nhân dân trên biển.
Phát biểu của tướng
Thường Vạn Toàn gây chú ý mạnh mẽ từ phía dư luận các nước láng giềng mà Trung
Quốc tranh chấp lãnh thổ, hàng hải. Bởi nó được phát ra từ Bộ trưởng Quốc phòng
Trung Quốc sau khi Tòa Trọng tài công bố phán quyết vụ kiện Biển Đông giữa
Philippines với nước này hôm 12/7.
Nếu như ông Thường Vạn
Toàn mới chỉ kêu gọi chuẩn bị cho "chiến tranh nhân dân trên biển"
một cách chung chung, thì thuộc cấp của ông, Đại tá Trương Thiếu Binh, Chỉ huy
trưởng một chiến hạm vừa được bổ nhiệm làm Trợ lý Tham mưu trưởng Hải quân
Trung Quốc hôm 30/7 nói với tờ Văn Hối: Nếu xảy ra chiến tranh ở Biển Đông,
Trung Quốc nhất định đánh thắng.
Đại tá Binh nói: "3 hạm đội hải quân là pháp bảo
của Trung Quốc để giành chiến thắng, là lực lượng quan trọng bảo vệ chủ quyền
của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời việc kiện toàn chế độ trong quân đội
Trung Quốc sẽ giúp nâng cao nhanh chóng sức chiến đấu."
Tiếu Thiên Lượng, tân
Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng Trung Quốc cũng có bình luận tương tự trên tạp
chí Caixin, theo VOA tiếng Trung Quốc ngày 3/8. VOA viết: "Tướng tá Trung Quốc: Nếu có
chiến tranh ở Biển Đông, Trung Quốc có thể đánh thắng." [1]
Cũng trong thời điểm
này, từ ngày 1/8 Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận hải quân quy mô lớn trên biển
Hoa Đông với khoảng 300 tàu, hàng chục máy bay chiến đấu và lực lượng mặt đất,
phòng thủ bờ biển. Cuộc tập trận bắn đạn thật với hàng chục tên lửa chống hạm
và ngư lôi. [2]
Ông Thường
Vạn Toàn kêu gọi chuẩn bị chiến tranh nhân dân trên biển có phải là ý của ông
Tập Cận Bình?
Sở dĩ người viết đặt
câu hỏi này là vì, Reuters ngày 31/7 dẫn nguồn tin "thân cận với quân đội
Trung Quốc" cho hay, ông Tập Cận Bình đang phải chống lại các áp lực từ
một bộ phận quan điểm "diều hâu" trong quân đội Trung Quốc, đòi
"phản ứng mạnh mẽ" hơn với phán quyết trọng tài hôm 12/7. [3]
Nhưng khi đọc bản tin
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Toàn thì dường như theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung
Quốc, kêu gọi chuẩn bị cho chiến tranh nhân dân trên biển là triển khai ý kiến
chỉ đạo của ông Tập Cận Bình. Tân Hoa Xã viết:
"Tân
Hoa Xã, điện từ Hàng Châu ngày 2/8: Ủy viên Quân ủy trung ương, Ủy viên Quốc vụ
kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn gần đây đi điều tra nghiên cứu công
tác động viên quốc phòng ở Chiết Giang.
Ông nhấn
mạnh, phải thâm nhập học tập và lĩnh hội tinh thần các phát biểu quan trọng của
Tập Chủ tịch, kiên quyết quán triệt ý đồ sách lược của Trung ương đảng, Tập Chủ
tịch, phải nhận thức tường tận tình hình nghiêm trọng mà an ninh quốc gia đang
phải đối mặt, đặc biệt là các mối uy hiếp an ninh đến từ phía biển.
Tăng cường
phối hợp mật thiết giữa quân đội và cảnh sát, làm tốt hơn nữa, thiết thực hơn
nữa công tác dự bị động viên theo hướng (chiến tranh trên) biển, phải phát tối
đa uy lực của chiến tranh nhân dân trên biển, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc
gia, lợi ích an ninh và phát triển, kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và
quyền lợi biển.
Thường Vạn
Toàn chỉ rõ, phát biểu quan trọng của Tập Chủ tịch hôm 1/7 (Diễn văn kỷ niệm 95
năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc) là một lời hiệu triệu vĩ đại đến toàn
đảng: Không quên lý tưởng ban đầu, tiếp tục tiến lên.
Mặt trận
động viên quốc phòng cần phải chăm chỉ học tập, lĩnh hội sâu sắc và chuyển hóa
nó thành động lực mạnh mẽ, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Không quên
lý tưởng ban đầu (bất vong sơ tâm), thì cần phải bảo vệ hạt nhân (lãnh đạo),
bảo vệ sự nhất trí, không ngừng nâng cao ý thức chính trị, ý thức đại cục, ý
thức hạt nhân, ý thức tập thể, kiên quyết nghe Trung ương đảng và Chủ tịch Quân
ủy trung ương Tập Cận Bình chỉ huy.
Không quên
lý tưởng ban đầu, là phải kiên định tự tin, khó khăn không nản, quân dân một
lòng cùng đưa dân tộc Trung Hoa tiên lên thời kỳ phục hưng vĩ đại.
Ông Tập Cận Bình đọc Diễn văn kỷ niệm 95 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 1/7, ảnh: Tân Hoa Xã. |
Nếu cứ theo những lời
ông Thường Vạn Toàn được Tân Hoa Xã trích dẫn, thì chuẩn bị cho "chiến
tranh nhân dân trên biển" là triển khai quan điểm "không quên lý
tưởng ban đầu, tiếp tục tiến lên" được ông Tập Cận Bình phát biểu trong
Diễn văn kỷ niệm 95 năm ngày thành lập đảng, hôm 1/7.
Tuy nhiên Diễn văn kỷ
niệm 95 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc ông Tập Cận Bình đọc hôm
1/7 và được Nhân Dân nhật báo, Tân Hoa Xã đăng nguyên văn không có đoạn nào kêu
gọi phải "chuẩn bị cho chiến tranh nhân dân trên biển".
Riêng về xây dựng quân
đội, ông Bình có nhắc đến việc cải cách bộ máy và nhấn mạnh quân đội phải
"nghe đảng chỉ huy", lãnh đạo tuyệt đối. Ngoài ra ông Bình nhấn mạnh
thêm:
"Trung
Quốc đi theo phương châm chiến lược quân sự phòng ngự tích cực, không dùng vũ
lực để uy hiếp, cũng không hơi tí là đến cửa nhà người khác giễu võ dương oai.
Đi đâu cũng giễu võ dương oai không phải biểu hiện của sức mạnh, mà cũng chẳng
dọa được ai."
Trong 10 nội dung
"Không quên lý tưởng ban đầu, tiếp tục tiến lên" được ông Tập Cận
Bình liệt kê trong diễn văn, nội dung thứ 9 là:
"Không
quên lý tưởng ban đầu, tiếp tục tiến lên, thì phải trước sau không đổi con
đường phát triển hòa bình, trước sau không đổi chiến lược mở cửa cùng có lợi,
cùng thắng, tăng cường quan hệ hữu hảo với các nước, cùng nhân dân các nước
không ngừng thúc đẩy sự nghiệp tối cao - hòa bình và phát triển của nhân
loại." [5]
Phát biểu
của ông Thường Vạn Toàn chỉ khiến dư luận khu vực thêm cảnh giác, dè chừng với
Trung Quốc
Huấn luyện sẵn sàng
chiến đấu và chuẩn bị cho mọi tình huống chiến tranh là nhiệm vụ mặc nhiên và
bình thường của quân đội bất kỳ quốc gia nào. Những phát biểu của ông Thường
Vạn Toàn nếu chỉ nói trong nội bộ quân đội Trung Quốc thì chắc không gây nhiều
phản ứng trái chiều từ dư luận đến thế.
Nhưng Tân Hoa Xã không
hiểu vô tình hay cố ý trích dẫn nó đúng thời điểm "nhạy cảm", khi
Nhật Bản vừa công bố Sách trắng Quốc phòng, và cũng chỉ cách hôm Tòa Trọng tài
công bố phán quyết vụ kiện Biển Đông không lâu.
Về đối ngoại, về mặt
truyền thông dư luận thì những phát biểu như thế này có thể dẫn đến những hệ
lụy không tốt đẹp cho Trung Quốc.
Qua đối chiếu nội dung
phát biểu của ông Thường Vạn Toàn và nội dung diễn văn của ông Tập Cận Bình hôm
1/7 thì phải chăng có sự "mâu thuẫn" nào đó giữa hai nhà lãnh đạo
này, hoặc là trên bảo dưới không nghe, hoặc là trên dưới cùng nói một đằng làm
một nẻo?
Việc có "áp
lực" nào đó từ nội bộ giới chỉ huy quân đội Trung Quốc với ông Tập Cận
Bình như nguồn tin của Reuters nói hay không rất khó xác minh. Nhưng lần đầu
tiên trong lịch sử Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ông Tập Cận Bình đưa ra truy tố
2 cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương và hàng loạt tướng tá tại chức cũng như
về hưu là sự thật.
Từ ngày 3/9/2015 đến
ngày 1/1/2016, ông Tập Cận Bình cơ bản hoàn thành việc thay đổi bộ máy lãnh
đạo, chỉ huy quân đội, thay thế luân chuyển các tướng hàng đầu, một cuộc đổi
thay vô tiền khoáng hậu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ khi lập quốc cũng là
một sự thật.
Để làm được điều này,
rõ ràng ông Tập Cận Bình phải nhận được sự ủng hộ, hậu thuẫn rất lớn từ các
tướng lĩnh hàng đầu, còn làm thế nào để giành được sự ủng hộ ấy thì chỉ có
người trong cuộc mới biết.
Nhưng chí ít nó cho
thấy, ông Tập Cận Bình rất mạnh. Khả năng ông bị "áp lực" phải làm
điều này, điều nọ là khó xảy ra.
Ông Tập Cận Bình nói
Trung Quốc không theo đuổi quân sự hóa Biển Đông khi thăm chính thức Hoa Kỳ
tháng 9 năm ngoái, nhưng thực tế nước này đang dựng lên những pháo đài, tiền
đồn quân sự lớn chưa từng có ở Biển Đông.
Trong diễn văn, ông
chủ Trung Nam Hải nói: "Trung
Quốc đi theo phương châm chiến lược quân sự phòng ngự tích cực, không dùng vũ
lực để uy hiếp, cũng không hơi tí là đến cửa nhà người khác giễu võ dương
oai." Nhưng thực tế ngược lại.
Những hành động quân
sự của Trung Quốc trên thực địa Biển Đông và Hoa Đông, những phát biểu "có
mùi thuốc súng" của một số sĩ quan chỉ huy quân đội nước này thể hiện lập
trường của bản thân họ hay nói thay lãnh đạo tối cao của họ, còn cần thêm thời
gian, dữ liệu để xác minh.
Nhưng chắc chắn một
điều, cách hành xử nói một đằng, làm một nẻo chỉ làm mất thêm uy tín của Trung
Quốc trong con mắt dư luận khu vực và quốc tế, tiếp theo sau những hành vi
chống lại luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 thông qua chính sách "3
Không" với phán quyết trọng tài.
Chắc chắn một điều,
"sáng kiến" Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 hay Một vành đai một
con đường của ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục vấp phải sự e dè, nghi ngại từ các
đối tác, vì đằng sau những sáng kiến ấy vẫn phảng phất mùi thuốc pháo.
Có thể những phát biểu
này, động thái này nhằm vào những mục đích khác nhau. Theo giới phân tích quốc
tế thì có 2 mục tiêu, một là phản ứng với chiến lược xoay trục sang châu Á -
Thái Bình Dương của Obama, cụ thể là việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa
THAAD tại Hàn Quốc.
Hai là xoa dịu những
bức xúc, mâu thuẫn nội tại trong lòng xã hội Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế
tăng trưởng chậm lại và có thể sẽ tiếp tục phát triển "hình chữ L"
trong thời gian dài, thay vì "hình chữ V" như mong muốn.
Đến đây, người viết
vẫn chưa thể trả lời câu hỏi, tướng Trung Quốc hô hào chuẩn bị cho chiến tranh
trên biển với ai? Đây chỉ là "đòn gió, võ mồm" của Trung Quốc nhằm
vào một số mục tiêu chính trị nào đó, hay thông điệp gửi đến "đối thủ tiềm
tàng" cần có thêm thời gian nghiên cứu, tìm hiểu.
Nhưng người viết hy
vọng cung cấp một phần nào đó những thông tin liên quan, ngõ hầu giúp bạn đọc
có thêm tư liệu và kiến giải. Tuy nhiên, dù với mục đích nào thì "giễu võ
dương oai" cũng không phải là giải pháp cho những vấn đề đang đặt ra với
Trung Quốc.
Nó không khiến cho đối
thủ và đối tác có thể ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc, cũng không thay thế
được công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Trung Quốc,
mà chỉ làm gia tăng bất mãn, nguy cơ đối đầu và tâm lý đề phòng, cảnh giác cao
độ với Trung Quốc mà thôi.
Hồng
Thủy
Nguồn : Theo GDVN