26 août 2016

CẠN LỜI: BỘ Y TẾ GIẤU THÔNG TIN, BỎ MẶC SỨC KHỎE NGƯỜI DÂN VỤ CÁ CHẾT


Kết quả hình ảnh cho Nhiễm đọc biển
Cuộc phỏng vấn dưới đây được mình thực hiện tại một trạm xá nhà dòng ở Kỳ Anh vào ngày 10/5, khi mà thông tin về ‘Formosa’, ‘cá chết’ còn đang bị cấm không chỉ trên báo chí mà còn cả ở tin nhắn điện thoại, trong đó ghi nhận 1 chi tiết mà chính mình lúc đó còn không dám tin: Mỗi ngày, theo các xơ ở đây, trạm xá nhà dòng nhận 15-20 dân địa phương đến truyền dịch vì gặp các triệu chứng ngộ độc sau khi ăn hải sản. Một con số khủng khiếp nếu biết rằng trạm xá này nằm trong khu vực dân cư chỉ khoảng 1000 hộ.

Hôm nay Báo Tuổi Trẻ đưa tin là hóa ra Bộ Y tế lấy 430 mẫu trong hai tháng 4 và 5, đã phát hiện nhiều mẫu có DƯ LƯỢNG KIM LOẠI NẶNG như chì, sắt, crôm… là rất cao, nhưng cuối tháng 5 Bộ này lại công bố là ‘CHƯA PHÁT HIỆN DƯ LƯỢNG CHẤT ĐỘC HẠI VƯỢT NGƯỠNG‘.
Lẽ ra, là cơ quan mà mục đích tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, ngay khi có kết quả về dư lượng kim loại nặng trong hải sản rất cao như vậy, Bộ phải kịp thời công bố toàn bộ thông tin, phối hợp với địa phương để ngăn người dân không ăn hải sản và tiến hành các hoạt động chăm sóc sức khỏe khẩn cấp cho cư dân vùng thiệt hại.
Đằng này chỉ vì tuân theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo về việc kiểm soát thông tin, trấn áp dư luận vụ cá chết, Bộ Y tế đã đang tâm giấu nhẹm kết quả xét nghiệm, dù thừa biết hậu quả gây ra sẽ lớn đến mức nào trong tương lai.
Chúng ta còn biết nói gì với họ?
——-

Xem thêm status ngày 10.05.2016 về tình trạng sức khỏe người dân địa phương tại Kỳ Anh sau khi ăn hải sản:




[Kỳ Anh. 10.05.2016]
Tháng vừa qua thực sự là một ‘thảm họa’ đối với anh Nguyên, người đàn ông miền Tây làm rể Kỳ Anh mười mấy năm qua.
Nhà không có ghe, thình thoảng mới ‘đi bạn’*, công việc chính là buôn bán nhỏ lẻ hải sản, nên đợt cá chết này khiến sinh kế gia đình ảnh hưởng trầm trọng.
Tệ hơn, anh Nguyên cho biết cả anh lẫn vợ đều bị ngộ độc vì ăn cá thời gian qua.
Theo xơ Hoài, phụ trách trạm xá của nhà dòng nơi vợ anh Nguyên đang điều trị, trong thời gian cá chết hơn tháng vừa rồi, MỖI NGÀY xơ đón khoảng 20 dân địa phương, gặp các triệu chứng nôn mửa, đau đầu, chóng mặt, trong khi cả khu Kỳ Phương tái định cư này chỉ trên dưới 800 hộ dân.
Điểm chung của những người này, theo họ báo lại với xơ Hoài, là ăn hải sản. Hàng chục năm ăn bình thường, cũng dễ hiểu vì sao nhiều dân địa phương ở đây mấy tuần trước không tin là con cá, con tôm còn quẫy thế kia lại có thể khiến họ ‘gặp vấn đề’.
Dân đây đa phần chồng lênh đênh con nước, vợ bám bờ bán cá bán tôm, thu nhập bấp bênh theo mùa cá, chẳng mấy ai có bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, đang lúc túng thiếu, cũng chẳng ai nghĩ được đưa người thân mình đến các bệnh viện lớn để chẩn đoán kỹ xem có bị nhiễm gì không, như mấy anh thợ lặn của công ty Nibelc đang thi công cho Formosa.
Mấy tuần trước khi lần đầu tiên ‘gặp vấn đề’ anh Nguyên ra trung tâm y tế xã nơi mà anh nói gặp rất nhiều người tình trạng giống anh, sau đó thì chuyển về trạm xá nhà dòng, nơi anh có thể nợ lại các xơ tiền truyền dịch.
Khi được hỏi chưa chắc nguyên nhân sao lại đi truyền dịch, hầu hết đều cho biết truyền xong thấy khỏe hơn, thế là truyền thôi.
Giá mà tụi mình có thể tự do đi lại ở đây, chắc chắn sẽ khảo sát thêm các xã ven biển khác của Kỳ Anh xem tình hình ngộ độc hải sản như thế nào. Hi vọng các nhóm khác sẽ giúp cộng đồng làm việc này.
Ngoài ra, cũng rất mong muốn có những nhóm y bác sĩ thiện nguyện về giúp chẩn đoán xem liệu bà con chỉ ngộ độc bình thường, hay liệu có nhiễm gì không. Chứ cứ để thế này thì tội bà con quá.
*Đi bạn: chỉ những người không có ghe, được chủ ghe tàu mướn. Nhưng ra biển rồi, chung một số phận trước sóng gió, thì chẳng còn phân biệt nữa, coi nhau như bạn bè với nhau thôi.
____