Trước một dự thảo luật, một kế hoạch kinh tế, một dự án đầu tư…luôn luôn có
những ý kiến tranh cãi về cơ bản trái chiều nhau: đồng ý hoặc không. Bên đồng ý
đưa ra những lý lẽ bảo vệ, bên phản biện đưa ra những lý lẽ bác bỏ, nhiều khi rất
gay gắt và quyết liệt, trong số này có “Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên”
Đây là một loạt các dự án khai thác mỏ
bô xít ở khu vực Tây Nguyên.
Bên
ủng hộ:
Trả lời thư ngỏ của Đại tướng Võ
Nguyên Giáp, đầu xuân 2009 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày: "Thủ
tướng cho rằng, khai thác quặng bô xít là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta
đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội X. Bộ Chính trị cũng đã 3 lần nghe chiến
lược về phát triển bô xít. Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển bô xít
Tây Nguyên với tinh thần đảm bảo hiệu quả, bền vững." [dẫn Dantri.com.vn. (15.7. 2008)]. Nói cách khác, đó là lý lẽ dự án
này đã được Bộ Chính trị Đảng
Cộng sản Việt Nam thông qua. Hơn nữa chủ
trương thăm dò, khai thác, chế biến bauxite là chủ trương nhất quán từ Ðại hội IX (năm
2001) và Ðại hội X của Ðảng đến nay. (SGGP, 26.5.2009).
Dự án này chủ yếu do Vinacomin (Tập
đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) làm chủ đầu tư. Vinacomin khẳng định đã tính toán hiệu quả
trên 30 năm rất chi tiết và rất nhiều thông số, cho bauxite Nhân Cơ và Tân Rai,
rồi đi đến kết luận, khẳng định dự án có hiệu quả.
Bên ủng hộ là Bộ Công Thương, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Giám sát và đánh giá kết quả của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trên Diễn đàn Kinh tế thứ
trưởng Bộ Công Thương kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin, ông Lê Dương Quang cho rằng "… phải xét đến hiệu
quả tổng thể kinh tế-xã hội, hiệu ứng lan toả của dự án [ như việc làm…, các
ngành nghề và dịch vụ mới đi theo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa
bàn…]"
Theo
báo cáo của Chính phủ Việt Nam trước Quốc hội, về lâu dài dự án này có hiệu quả
kinh tế, không thua lỗ. Chủ yếu dùng lao động Việt Nam. [SG Giải Phóng. 26.5.
2009]. Bộ Công thương (Vụ Công nghiệp nặng, 30.3.2015) cho rằng Dự án alumin
Tân Rai có hiệu quả. Dự án alumin Nhân Cơ tuy
hạ tầng khó khăn hơn nhưng Vinacomin đã rút kinh nghiệm từ dự án nhà máy
alumin Tân Rai, đã làm chủ hoàn toàn về công nghệ, cải tiến kỹ thuật và tổ chức
sản xuất hợp lý để tiết giảm chi phí …do vậy, hiệu quả kinh tế của Dự án tăng
lên.
Ngày 23 tháng 6 năm 2014 UBTV Quốc hội Khóa XIII đã ban hành
Nghị quyết số 775/NQ-UBTVQH13, đánh giá việc triển khai thí điểm 2 dự án là chủ
trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Bước đầu, hai dự án đã tác động lan tỏa
và tích cực đến phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao
động tại các địa phương. [Bộ Công thương, 30.3.2015]
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công
nghệ đã thành lập Hội đồng Giám sát và đánh giá kết quả việc chuyển giao và ứng
dụng công nghệ đối với hai dự án bôxit Tân Rai và Nhân Cơ. Hội đồng kết luận
nói chung là tốt về hai dự án này. [Dẫn: Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương,
30/03/2015].
Bên phản
biện là nhiều trí thức,
nhiều nhà khoa học, một số đại biểu quốc hội… Đáng kể là thư gửi Bộ Chính trị Đảng
Cộng sản Việt Nam của Đại tướng Võ
Nguyên Giáp với ý kiến
"Vì...lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước,
khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về
an ninh quốc phòng”. Do vậy, không
nên khai thác các mỏ bô xít ở khu vực Tây Nguyên. Các trang mạng Dantri.com.vn.
(15.7.2008); Vneconomy.vn. (26.10.2010); VnExpress. (10.4. 2009)… đã dẫn tin
này. Ngày 09.10.2010, nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn
Thị Bình cùng nhiều cựu lãnh đạo cấp cao và nhân sĩ khác đã đồng loạt ký vào đơn thỉnh nguyện gửi Bộ
Chính trị, thủ tướng và chủ tịch quốc hội yêu cầu dừng ngay dự án Boxit Tây
Nguyên. (Dẫn Tuần Việt Nam, Diễn đàn Kinh
tế Việt Nam).
Hơn 150 trí thức Việt Nam, trong đó có giáo sư Nguyễn
Huệ Chi, nhà văn Nguyên Ngọc đã ký vào
bản kiến nghị kêu gọi Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam dừng dự án khai thác
bauxite ở Tây Nguyên. [Trang
web bauxitevietnam; Bauxitevietnam.info.
(26 .10.2010)]
Theo một cuộc phỏng vấn do BBC Vietnamese thực hiện, GS Ngô Bảo Châu cho biết
ông đã gửi một bức thư kiến nghị về dự án Bauxit ở Tây Nguyên vào ngày 29 tháng
5, 2009 nhưng tới thời điểm phỏng vấn là ngày 13 tháng 12, 2009, ông vẫn chưa
nhận được hồi âm. Nội dung của lá thư theo ông cho biết là đề cập đến chính sách
thực dân mới của chính quyền Trung Quốc về khai thác khoáng sản trên toàn cầu
và đặc biệt là tại Tây Nguyên, ông cũng đưa ra cảnh báo: "phần có hại thì
cầm chắc, phần có lợi thì mong manh." [BBC Vietnamese (13.12.2009)]
Việc lập một loạt
các dự án khai thác mỏ bô xít ở khu vực Tây Nguyên khiến một số đại
biểu Quốc
hội cho rằng Chính
phủ Việt Nam đã "lách luật" khi tách cụm dự án thành một loạt dự án nhỏ để Chính phủ
được quyền phê duyệt từng dự án vì theo quy định của Luật xây dựng, với những
dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng phải được Quốc hội chấp thuận. [Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh
(26.5.2009)]
Về hiệu quả kinh tế thì “Dự án Boxite Tây Nguyên vừa lỗ nặng,
vừa gây ô nhiễm trầm trọng” [Báo Diễn đàn 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam]. Chuyên gia kinh tế Phạm
Chi Lan đã chỉ ra rằng, chủ đầu tư đã bỏ qua những con số quan trọng để chứng
minh tính khả thi của dự án. Vinacomin đã không tính đến đường vận tải tốn kém cả
trăm triệu đôla. Chủ đầu tư chi ra 30 triệu USD để đầu tư cho môi trường nhưng
chưa thấy đánh giá chung về tác động môi trường đối với dự án.
Ngoài lý do an ninh, quốc phòng, thua lỗ còn vấn đề “bùn đỏ”
liên quan tới an sinh, môi trường… Sau sự kiện vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary
(5.10.2010), vấn đề bôxít ở Tây Nguyên lại tiếp tục trở thành điểm nóng của dư
luận. Một số phương tiện truyền thông đã bắt đầu đăng những bài viết cảnh báo
về nguy cơ tiềm ẩn trong các dự án bô xít ở Việt Nam. Ví dụ: Báo
Thanh Niên (10.8.2010) đăng bài của Mai Hà - Thụy Miên “Sự cố tràn bùn đỏ tại Hungary: Lời
cảnh báo cho các dự án bauxite VN”.
Lãnh đạo Vinacomin nói "ta theo mô hình của Brazil
và Úc chứ không theo mô hình của Hungary" rồi "công nghệ xử lý
bùn đỏ của Việt Nam và công nghệ của Hungary khác nhau hoàn toàn". Đáp
lại tuyên bố này TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng "nói như vậy là lừa bịp
dư luận, chứng tỏ người nói chẳng hiểu gì. Thực chất là ta đang áp dụng công
nghệ thải "ướt" tức là rất giống với công nghệ Hungary đã và đang áp
dụng hàng chục năm nay. So với Hungary, nguy cơ bùn đỏ phá huỷ và gây thương
vong ở Việt Nam còn cao hơn hàng trăm lần." [xem:“Hai lý do cho phép đóng cửa dự án
alumina”. Tuanvietnam.vietnamnet.vn. (21.10. 2010)]
Như tôi được thông tin, vì sự tàn
khốc của việc khai mỏ bauxite khiến Trung Quốc đã đóng cửa các mỏ bauxite của
họ trên toàn quốc vào năm 2008. Nếu đúng vậy, như các nhà khoa học đã dự báo
bauxite sẽ hủy diệt chúng ta. Rồi đây sông Đồng Nai và những con sông khởi
nguồn từ Tây Nguyên bị nhiễm bùn đỏ thì miền Trung, Đông Nam Bộ và TP.HCM lấy
gì mà uống?
Người lãnh đạo giỏi là người có
tầm nhìn xa chứ không phải để xảy ra sự cố rồi mới khắc phục. Thậm chí không
phải là cách đáp lại những lý lẽ của bên phản biện, bên ủng hộ gần đây đã
“tranh luận” lại bằng cách lập bức tường lửa vào trang bauxitevietnam,
boxitvn.net; boxitvn.org. (cập nhật 30.5.2016) Nhưng có những người vẫn vào
được những trang này qua ngả Wikipedia với vài cú nhấp chuột thích hợp…
Rồi đây thực tế lịch sử sẽ chứng
minh chân lý thuộc về ai. Bước đầu dẫu dự án này được đánh giá tốt
nhưng thực tế đã xảy ra sự cố: “sáng
23/7/2016, sự cố đường ống Nhà máy Alumin Nhân Cơ
(do nhà thầu Chalieco, Trung Quốc phụ trách) khiến hóa chất kiềm tràn ra bên
ngoài, một phần kiềm thẩm thấu xuống lòng đất trong phạm vi 600m2, phần còn lại
chảy theo đường ống đổ về suối Đắk Dao. […] Ông
Phan Diệu Anh, một trong những người phát hiện sự việc đầu tiên cho biết: “Khi
đó, dòng nước có nhiều biểu hiện lạ so với bình thường, nước đục, có màu sẫm
đen, trên bề mặt nổi váng loang lổ…; Tiếp xúc thấy có chất nhờn như nước bọt xà
bông. Sau khoảng 10 phút tiếp xúc với nước, chân tôi bị ngứa, da khô cứng, căng
ra; Những vùng da non bị đau rát, có chỗ rộp lên như bỏng nước sôi” (Báo Giao
Thông, ngày 04.8.2016, với tít Vỡ
đường ống NM alumin Nhân Cơ: “Quả bom" môi trường ngang tầm Formosa!). Rõ ràng
là
một khi người dân bị bỏng
và cá chết thì nồng độ phải
lớn mới gây ra hậu quả như vậy. Cách xử lý là đổ axit để trung hòa chất xút.
Xút là một chất cực độc hòa vào nguồn nước là một điều rất đáng sợ. Theo tôi,
đây là một cảnh báo cho việc khai thác boxit”. Bây giờ lãnh đạo
Sở TN-MT Đắk Nông mới thú nhận sự thật “Nhà máy alumin Nhân Cơ hiện chưa lập
phương án phòng ngừa sự cố môi trường.” (TT, 4.8.2016). Sự cố này cho thấy kết
luận về hai dự án này “nói chung là tốt”
của Hội đồng Giám sát và đánh giá kết quả
của Bộ Khoa học và Công nghệ là dối
trá.
Nhân vụ này, Chính phủ cần có những hành động kiên quyết, muộn còn hơn không.