02 novembre 2016

LONG SƠN CÁ CHẾT



Huỳnh Ngọc Chênh

Hôm tôi đến, bè cá của anh H vẫn còn thấy cá chết.
Anh H là người Hà Tĩnh, không biết trôi dạt thế nào lại vào đến Long Sơn BR-VT để làm nghề nuôi cá bè. Anh làm nhiều nghề và làm thêm nghề nuôi cá từ năm 2013. Hiện nay bè của anh chỉ có 6 vuông cá. 5 vuông cá lớn đã qua cơn hoạn nạn, nhưng vuông cá nhỏ, không chịu được ô nhiễm vẫn chết đều đặn.







Anh H kể, năm trước có hai đợt cá chết trắng bè, dân nuôi cá kéo lên uỷ ban huyện Tân Thành, BRVT khiếu kiện. Huyện hứa sẽ giải quyết, nhưng rồi vẫn chẳng thấy giải quyết gì. Năm nay, vào giữa tháng 10, cá lại chết hàng loạt. Các chủ bè buộc lòng phải kéo những xác cá nặng trên 3 kg lên quốc lộ 51 gần khu công nghiệp Tân Hải để biểu tình.


Kéo cá đi biểu tình ở quốc lộ 51 BRVT

Tôi hỏi anh H, vì sao cá chết, anh nói: "Chúng nó xả thải là cá chết". Chúng nó là các nhà máy trong khu công nghiệp Tân Hải nằm bên cạnh sông Chà Và.

Cá trên bè anh H vẫn chết đều đặn

Khu nuôi cá bè Long Sơn nổi tiếng nằm trên cửa sông Chà Và có gần 300 hộ nuôi cá mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn. Bên cạnh cá, tôm, hàu để xuất khẩu, Long Sơn nhờ vào sông Chà Và trong lành thơ mộng và đầy sức sống với những bè cá đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn. Các nhà hàng nổi ngay trên các bè cá là một nguồn thu rất lớn cho BRVT.
Long Sơn còn là nơi cung cấp muối sạch cho Sài Gòn và vùng Đông Nam Bộ.


Nhà hàng nổi trên bè cá mang lại nguồn thu du lịch rất lớn
Liệu muối sạch Long Sơn có còn sạch

Bè cá của anh H

Thế mà lợi ích kép đó ở Long Sơn đang đứng trước nguy cơ bị huỷ diệt bởi chất thải không qua xử lý từ khu công nghiệp Tân Hải.
"Mỗi lần lợi dụng trời mưa là chúng lén xả thải ra từ cống số 6" anh H nói.

Tôi nhờ anh H dùng thuyền máy đưa đến cống số 6. Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ từ khu bè cá bên cạnh cầu Chà Và mới đến được cống số 6. Đó là một trong hàng chục cống điều tiết lũ trên đê ngăn cách sông Chà Và với đầm nước trên cánh đồng huyện Tân Thành. Khu công nghiệp Tân Hải nằm ngay bên cạnh cống số 6.


Cống xả số 6. Đầm nước bên trong sẽ tím ngắt vào mùa nắng. Phía xa là các nhà máy của khu công nghiệp Tân Hải
Vừa bước lên đê tại khu vực nầy, một mùi hôi thúi nồng nặc bốc lên từ đầm nước dưới chân khu công nghiệp xông ngay vào mũi, không thể nào chịu nổi.
Nhân viên thuỷ lợi canh gác cống số 6 cho biết: Anh đến vào lúc mùa mưa, và mới mưa xong nên còn đỡ, chứ ở đây mùa khô, nước trong đầm nầy tím ngắt và không thể đứng trên đê nầy được vì mùi hôi thối nồng nặc.


Cống xã lũ số 6 nằm trên bờ đê ngăn nước trong đầm gần khu công nghiệp với sông Chà Và
Tôi hỏi nhân viên thuỷ lợi, nhiệm vụ của anh ở đây là gì, anh nói: Canh không cho chúng lén mở cống xả nước trong đầm ra sông. Trước đây không phải canh, nhưng từ năm ngoái trở lại đây, khi xảy ra hiện tượng cá chết thì phải canh.


Nước chuyển sang màu tím vào mùa nắng (ảnh trên mạng)

Qua tìm hiểu từ người dân quanh vùng, tôi biết hầu hết các nhà máy trong khu công nghiệp đều lén xả thải không qua xử lý ra đầm. Và khi chất thải tích chứa quá nhiều không giấu được thì phải lén mở cửa cống cho nước thải thoát ra sông.
Một người dân nói: Thường mấy ổng lợi dụng có trời mưa là lén mở cống.
Anh H nói: Do vậy mỗi lần trời mưa là cá ngoài bè chúng tôi bị chết.
Tôi nói với họ rằng cán bộ môi trường của chính quyền vẫn đến các nhà máy kiểm tra việc xử lý nước thải, thì họ gần như đồng loạt nói: "Mấy ông quan môi trường ấy thì nhà máy "xử lý" cũng rất dễ. Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi, chẳng có chi lạ với đất nước nầy".


Vùng sông nước mênh mông không có bè cá vì chất thải

Khu bè cá ở rất xa khu công nghiệp, nhưng cá vẫn cứ chết

Buổi chiều quay về, cả một vùng cửa sông rộng mênh mông, có vẻ trong lành và rất thơ mộng không hề có một bè nuôi cá nào, từ vùng gần khu công nghiệp ra xa gần chục cây số.
Tôi hỏi anh H, vì sao nơi đây thoáng và rộng như thế nầy mà không có bè cá, lại phải chen chúc nhau nuôi ở tận gần cầu Chà Và, anh cười đau khổ: "Ai dám nuôi ở đây, thả cá xuống là chết ngay, gần khu công nghiệp quá".
Nhìn vẻ mặt nặng nề của anh H, tôi chợt nghĩ, anh rời Hà Tĩnh, tưởng thoát được bọn quỷ dữ Formosa, nào ngờ anh vẫn không thoát.

Tôi trở lại "khách sạn ngàn sao" là bè nuôi hàu của anh S, người mời tôi xuống chơi cho quên buồn.
Nghỉ dưỡng trên vùng sông nước thơ mộng nầy còn hơn bất cứ ở khu resort 5 sao nào mà tôi đã từng qua. Tuy nhiên lòng tôi càng nặng trĩu, tôi đã buồn mà anh S cũng không vui. Chúng tôi chìm ngập trong cộng hưởng buồn.


Khách san nổi ngàn sao một phòng trên bè hàu của anh S

Anh S đầu tư hàng trăm triệu đồng vào bè nuôi hàu, trù sau 2 năm thu hồi vốn. Năm trước anh bán được kha khá, năm nay hàu chết hơn nửa, số còn lại lớn không nổi. Anh than: "Chắc thua rồi".

Đâu chỉ mình anh S thua, cả dân tộc này đang thua đậm.
Đâu chỉ mình anh thua