Đông Nguyễn
(Luật sư Đông Nguyễn thuộc Đoàn luật sư Sài Gòn và hiện đang sống và làm việc tại Sài Gòn)
Có thể khẳng định rằng nền tảng chính trị quốc gia luôn được khởi nguồn từ việc xây dựng một hệ thống pháp luật chuẩn mực với “hạt giống” đầu tiên là bản hiến pháp dân chủ và được toàn dân phúc quyết thông qua, để từ đó quyền làm chủ cơ bản của người dân được ghi nhận và bảo vệ một cách tuyệt đối.
Cũng như nước Mỹ từ
những năm lập quốc, họ đã xây dựng nền tảng pháp luật chuẩn mực và dân chủ đầu
tiên bằng bản hiến pháp do hội đồng lập hiến soạn thảo, được người dân phúc
quyết thông qua và có hiệu lực năm 1789.
Bản hiến pháp ấy đã
được xây dựng trên tinh thần hợp nguyên (đa nguyên nhưng hợp tác), mọi quyền
lợi cá nhân, phe đảng đều gạt sang một bên để đảm bảo nó chỉ mang đậm lợi ích
của toàn dân tộc. Chính điều đó đã tạo nên giá trị bất hủ của nó và đã được rất
nhiều nước trên thế giới tham khảo để xây dựng nền tảng quốc gia cho riêng họ.
Chính trị truyền
thống và sự hận thù truyền kiếp
Tại Việt Nam, nếu
muốn có một sự thay đổi lớn để xây dựng nền tảng quốc gia ấy mà chúng ta chỉ
dựa trên tinh thần chống đối hay thù hận, thì cho dù chúng ta có tài giỏi như
thế nào đi chăng nữa, cuối cùng cũng chỉ tạo ra những mối thù truyền kiếp, sự
chia rẽ sâu sắc hoặc thậm chí còn có thể là một cuộc nội chiến kéo dài. Mà bài
học xương máu ấy dân tộc này đã nếm trải với hơn 20 năm và hàng triệu người
Việt đã nằm xuống.
Và, liệu với tư
tưởng ấy thì những người dân trên đất nước này có đồng lòng ủng hộ không, khi
họ đã quá chán ngán đến chiến tranh và chết chóc?
Thật sự tôi luôn
đồng cảm với những con người còn mang nặng hận thù ấy vì những nỗi đau của họ,
gia đình và những người thân yêu ruột thịt của họ đã nằm xuống trong cuộc chiến
huynh đệ tương tàn, hay trên những chiếc thuyền chết chóc tìm kiếm vùng trời tự
do sau năm 1975. Họ cũng có thể là nạn nhân của cường quyền với những nỗi oan
chồng chất trong thời đại mà ai đó mị chúng ta là văn minh rực rỡ này.
Nhưng chắc chắn
rằng không thể nào thay đổi và xây dựng đất nước được với tư tưởng thù hằn ấy.
Cũng như tinh thần đó không thể nào là tiền đề cho sự đoàn kết, nhân văn và cấp
tiến của dân tộc này được. Thù hận là cảm xúc cá nhân nhưng để xây dựng quốc
gia thì cần phải có lý trí.
Người Việt cùng
đoàn kết
Câu chuyện về đoàn
kết và sức mạnh của nó có lẽ không ai mà không rõ. Song, trên thực tế đoàn kết
không phải là một khái niệm đơn nhất và bất biến, khi mỗi thời kỳ vận dụng sự
đoàn kết một cách khác nhau.
Truyền thống đoàn
kết của dân tộc ta là đánh đuổi ngoại xâm, chống chọi với những thiên tai địch
họa và thay đổi những triều đại đã mục rữa thối nát.
Đó là sự đoàn kết
để cùng đứng về phía một nhóm người đang nắm quyền cai trị để bảo vệ đất nước,
hoặc đoàn kết giữa những người khốn cùng chống lại sự cai trị hà khắc của nhóm
người đang cầm quyền. Và, sau khi kết thúc mỗi sự kiện lịch sử ấy, sự đoàn kết
cũng sẽ tạm chấm hết sứ mệnh lịch sử của mình.
Thế nhưng, trong
lịch sử dân tộc vẫn chưa một lần được nhìn thấy toàn dân đoàn kết để cùng xây
dựng một nền tảng pháp luật chuẩn mực và dân chủ đúng nghĩa của nó, để khối
đoàn kết ấy không phải chọn đứng về phe nào để chống lại phe nào, mà chỉ đứng
cùng với pháp luật chuẩn mực để xây dựng, bảo vệ nó và được nó bảo vệ.
Tại sao chúng ta
không là những người Việt đoàn kết - những người có tư tưởng hợp nguyên cấp
tiến, luôn mong muốn hòa giải dân tộc và biết đặt quyền lợi của quốc gia lên trên
những mối thù cá nhân, phe đảng, để cùng nối vòng tay lớn và chung sức thiết
lập một nền tảng pháp luật chuẩn mực, làm thước đo công bằng cho mọi sự vận
động của toàn xã hội, từ đó xây dựng nền dân chủ đúng nghĩa cho đất nước?
Những tấm gương
khắc ghi
Hãy nhìn lại cuộc
nội chiến kéo dài bốn năm của nước Mỹ với gần một triệu người chết và hàng
triệu người bị thương từ cả hai bên (cả miền Nam lẫn miền Bắc). Nếu như tướng
Grant (bên thắng cuộc - tư lệnh miền Bắc) không cho quân miền Nam được giữ lại
lừa ngựa khi giải giáp (vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi
chiến đấu) và được tự do trở về quê cũ như các dân thường mà không cầm tù hay
cải tạo bất kỳ một ai, rồi sau này, nếu như trong các bảo tàng nội chiến Mỹ chỉ
biết tập trung nói về tội ác của lính miền Nam mà quên trân trọng sự hy sinh từ
cả hai phía; và, nếu như các nhà lãnh đạo trong cuộc chiến tranh đó không biết
nâng người ngã ngựa và không tôn trọng các tử sĩ của hàng ngũ đối địch thì sau
ngày kết thúc nội chiến 09/4/1865 đến nay, liệu nước Mỹ có thể đoàn kết, hòa
giải dân tộc và trở thành một quốc gia hùng cường?
Hay tại Nam Phi,
nếu không mang tinh thần nối vòng tay lớn hòa giải dân tộc vĩ đại, làm sao
Nelson Mandela sau 27 năm lao tù có thể bỏ lại sau lưng mọi sự thù hận để bắt
tay với người da trắng, kẻ đã cầm tù mình, cùng thoát khỏi bóng ma của chế độ
phân biệt chủng tộc Aparthied để xây dựng một Nam Phi dân chủ, bình đẳng?
Ngược lại, nếu ông
chỉ mang tư tưởng trả thù cho những gì ông và gia đình ông đã phải nếm trải,
thì liệu những lá phiếu tự do của người dân có đổ dồn cho ông? Và liệu có tránh
khỏi một cuộc nội chiến tàn phá Nam Phi?
Với nhân cách của
một người làm chính trị lớn, ông Nelson Mandela hiểu rõ rằng muốn xây dựng đất
nước tốt đẹp không còn gì khác hơn là tha thứ, hòa giải và đoàn kết toàn dân
tộc.
Cũng như tại
Myanmar, nếu không có tinh thần hòa giải dân tộc vĩ đại, làm sao bà Aung San
Suu Kyi sau 21 năm bị giam cầm tại gia có thể bắt tay với chính những người đã
giam giữ mình để cùng đưa đất nước Myanmar bước đầu trở thành một quốc gia dân
chủ?
Sau khi thay đổi
chế độ độc tài quân sự đã 25 năm cai trị đất nước bằng việc gieo rắc sự sợ hãi,
súng đạn và nhà tù, chỉ bằng những lá phiếu của người dân, bà đã mở ra một
trang sử mới và một tương lai rực rỡ cho Myanmar.
Nếu bà Aung San Suu
Kyi không có tinh thần đoàn kết và mong muốn cùng nhau nối vòng tay lớn, thì
liệu tướng Min Aung Hlaing với 500.000 quân tinh nhuệ trong tay có ngại ngùng
để tạo ra một cuộc nội chiến mới nhằm bảo vệ sự an toàn cho chính ông và tất cả
những người đã tạo ra chế độ quân phiệt kia? Và khi đó, đất nước 50 triệu dân
ấy chắc chắn sẽ tiếp tục trong những tháng ngày tan hoang và lụn bại.
Chính vì vậy, trong
bối cảnh hiện nay khi đất nước ta đang phải chịu cảnh nghèo nàn, tụt hậu về mọi
mặt, luật pháp bất cập, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, tài nguyên cạn
kiệt, bất công xã hội đang lan rộng và tham nhũng bè cánh trở thành quốc nạn mà
không thể nào kiểm soát được, thì nối vòng tay lớn để hòa giải dân tộc và cùng
xây dựng đất nước giờ đây là một yêu cầu cấp bách. Chỉ có sự đoàn kết toàn dân
tộc và chỉ có người Việt đoàn kết với tinh thần hợp nguyên mới có thể gác lại
quá khứ và làm lành mọi vết thương.
Và, đoàn kết giờ
đây không chỉ bằng lời nói mà phải bằng những hành động cụ thể, cũng như sự
đoàn kết đó không phải đứng về phe nào để chống lại phe nào, mà đoàn kết chỉ để
cùng nhau xây dựng nền tảng pháp luật chuẩn mực, đồng thời suy tôn những giá
trị dân chủ, nhân văn đúng nghĩa của nó.