Tiếp tục cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam, ông Nguyễn
Cảnh Bình cho rằng các nhà kiến thiết quốc gia như Lý Quang Diệu, Atartuk, Đặng
Tiểu Bình, Park Chung Hee đều không bị ý thức hệ chi phối mà chỉ quan tâm tới
hiệu quả.
Lý Quang Diệu, Park Chung Hee |
Vai trò của một
lý thuyết, ý thức hệ hay tư tưởng chủ đạo đóng vai trò như thế nào trong kiến
thiết quốc gia?
Các nhà kiến thiết quốc gia như Lý Quang Diệu,
Atartuk, Đặng Tiểu Bình, Park Chung Hee đều không cứng nhắc theo ý thức hệ mà
họ đủ thực dụng và thông minh để luôn học hỏi cố gắng đạt được kết quả. Điểm
chung của họ là bất kỳ điều gì tốt cho đất nước họ đều sẵn sàng làm thay vì bị
quy ước bởi một hệ tư tưởng nhất định. Bản chất trong chế độ cai trị của họ có
sự tiến hóa.
Ví dụ, Lý Quang Diệu trọng thực dụng, không câu nệ vấn
đề ý thức hệ, chỉ quan tâm hành động, hiệu quả, ít bàn lý luận. Đặng Tiểu Bình
cũng đề ra thuyết “Mèo trắng mèo đen” dẫn dắt thành công sự nghiệp cải cách mở
cửa ở Trung Quốc.
Tuy nhiên đến khi Ataturk, Lý, Đặng, và Park đã lần lượt
nắm quyền 19, 31, 14 và 18 năm, một cách tiếp cận chế độ cai trị mới đã hình
thành và phát triển làm nền móng cho các chính phủ sau đó.
Vấn đề hội nhập
đóng vai trò quan trọng thế nào trong kiến tạo quốc gia, thưa ông?
Cả bốn vị lãnh đạo đều kết nối đất nước của họ với thị
trường quốc tế. Sự ổn định và mở cửa mà cả bốn người đạt được cho phép họ, với
những khuyến khích phù hợp, thu hút đầu tư nước ngoài. Tất cả họ đều tận dụng
được những lợi thế tương đối, chi phí lao động thấp, đều sản xuất hàng hóa xuất
khẩu nhằm kiếm ngoại hối để mua công nghệ từ nước ngoài và làm giàu cho người
dân. Chỉ có Đặng thừa kế một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và, như những người
khác, ông này nhanh chóng chấp nhận kinh tế thị trường.
Đặc biệt, để hội nhập cần ngôn ngữ nên cả bốn đất nước
đều khuyến khích sinh viên của họ học ngoại ngữ. Singapore tiến xa đến mức biến
tiếng Anh thành ngôn ngữ chuẩn ở trường công. Điều này giúp người Singapore dễ
dàng hưởng lợi hơn từ các thể chế giáo dục quốc tế và tham gia vào các thảo
luận thương mại, chính trị quốc tế.
Như vậy một nhà
kiến thiết quốc gia đóng vai trò như một “người hùng” tạo ra toàn bộ sự hình
thành và phát triển của quốc gia phải không?
Không hẳn như vậy, trong cả bốn trường hợp, người lãnh
đạo vững mạnh cần phải có một nhóm nhỏ những lãnh đạo cùng chí hướng, có tinh
thần cống hiến, hoàn toàn quyết tâm với các mục tiêu và có thể trông đợi sẽ cố
gắng hết sức để vượt qua khó khăn họ phải đối diện khi kiến thiết những thay
đổi căn bản trong xã hội. Mặc dù một số người trong nhóm thân cận có tách ra ở
một số trường hợp, phần cốt lõi của các đồng minh tin cậy vẫn ở lại.
Trước khi lên nắm quyền, mỗi lãnh đạo trong bốn người
này đều có một nhóm thân hữu gắn bó sâu sắc, họ đã gắn kết và phát triển các
mục tiêu chung từ đó họ có thể tiến lên nhanh chóng và vững vàng khi phải đối
mặt với vô vàn vấn đề sau khi nắm quyền. Họ cũng cần phải gắn kết với một nhóm
rộng hơn những chuyên gia uyên bác để giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan
đến kinh tế, khoa học công nghệ, và quan hệ đối ngoại.
Ví dụ, Lý Quang Diệu, thông qua Viện Raffle và và Cao
đẳng Raffle, thông qua các cuộc họp với những người Singapore học ở Anh và
thông qua công việc luật sư bảo vệ các lãnh đạo công đoàn và những người cánh
tả khác, biết được nhiều người tài giỏi vào thời ông ở Singapore có tầm nhìn
giống ông. Lý đánh giá cao thành tựu xuất sắc trong học thuật. Singapore đạt
được như ngày nay không thể nhờ một mình Lý Quang Diệu mà là thành quả một tập
hợp lãnh đạo rất tinh hoa.
Theo ông, đặc
điểm chung nhất giữa các nhà kiến thiết quốc gia này là gì?
Tôi muốn nhắc lại quan điểm rằng họ đều rất thực dụng
và không câu nệ lý luận xa rời thực tế.
Cả bốn lãnh đạo đều cảm nhận được sự cấp thiết phải
định hình lại đất nước của họ và ít quan tâm hoặc kiên nhẫn vào những cuộc thảo
luận học thuật không liên quan trực tiếp đến các vấn đề thực tế họ đang phải
đối mặt.
Tất cả đều nhận ra rằng họ cần những quan chức tài
năng và cần hỗ trợ những trường, trường đại học, và viện nghiên cứu chất lượng
cao, tuy nhiên họ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề liên quan đến công nghệ,
kinh tế, và quản lý hơn là triết học, tôn giáo và văn học, cũng như các lĩnh
vực khác trong các ngành khoa học xã hội nhân văn.
Họ đều vô thần và tin vào khoa học và Phong trào Khai
sáng. Ataturk đặc biệt chỉ trích các hoạt động tôn giáo truyền thống đã ngăn
cản các nỗ lực hiện đại hóa tư tưởng của ông. Mặc dù những người khác ít công
khai chỉ trí tôn giáo hơn, họ thường có cùng quan điểm về vấn đề này.
Xin cảm ơn ông.
Minh Tiến thực hiện