Được tin buồn Nhà giáo Vũ Linh, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, đột ngột từ trần ở tuổi 80.
Nhà gíáo Vũ Linh là bạn đời của nghệ sĩ Kim Chi. Hai người đã tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh chống bất công xã hội, chống lại các thế lực đang làm cho đất nước điêu đứng trong tụt hậu.
Đây là sự mất mát của gia đình nghệ sĩ Kim Chi cũng như của tất cả chúng ta.
Chúng tôi gửi đến Nghệ sĩ Kim Chi cùng gia quyến sự thương tiếc và lời phân ưu của những người đã và đang đồng hành cùng anh chị.
Dân Quyền / Blog Huỳnh Ngọc Chênh
Đào Tiến Thi
Nhà
giáo Vũ Linh, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, vừa qua đời ở tuổi
tám mươi (ta).
Tôi
quen biết ông khá muộn, mới vài năm nay. Và cũng chỉ được gặp ông độ dăm ba lần
gì đó. Nhưng mỗi lần gặp đều để lại cho tôi những cảm giác vô cùng ấm áp, thân
tình.
Nhà giáo Vũ Linh (thứ hai từ trái sang) và các trí thức Hà Nội tại nhà riêng của ông |
Đấy thường là những cuộc hội thảo khoa học hoặc là những cuộc gặp nhân dịp đầu xuân năm mới của anh em trí thức – những người mà nói theo ngôn ngữ cổ điển thì được gọi là “ưu thời mẫn thế”, còn nói theo kiểu thực dụng ngày nay, thì đó là những người “dở hơi” hoặc thậm chí “suy thoái”, “phản động” nếu từ một phía khác. Trong những cuộc gặp ấy, thường nổ ra các cuộc tranh luận rất sôi nổi về các vấn đề nóng bỏng của quốc gia, xã hội và hình như ai cũng nói nhiều, nói hăng. Riêng ông thì luôn điềm đạm, mực thước. Trong anh em thân hữu, ông thuộc lứa tuổi của bậc huynh phụ, vẫn có đủ chỗ để ông nói, nhưng ông luôn nói ít. Thường chỉ nêu quan điểm chứ không biện bác. Đôi khi ông đùa vui một chút cho bớt căng thẳng.
Đối
với lớp tuổi con cháu, ông rất dung dị, thân mật nhưng không suồng sã. Mỗi câu
nói, dù là câu giao tiếp thông thường, có thể nói rút gọn, nhưng ông vẫn dùng đầy
đủ chủ ngữ – vị ngữ – tân ngữ (bổ ngữ chỉ sự tiếp nhận hành động). Có lần ông bảo
tôi cầm một lá thư bị gấp nhàu, để ông chụp lấy từng trang. Ông cẩn thận ngắm
nghía, ra lệnh một cách nhẹ nhàng cho tôi từng động tác. Lẽ ra trong trường hợp
này hoàn toàn có thể dùng “mệnh lệnh thức” (câu mệnh lệnh, không cần đầy đủ chủ
vị) nhưng ông vẫn dùng câu đầy đủ: “Cháu vuốt căng tờ giấy ra cho chú”, “Cháu dịch
ngón tay ra mép giấy một chút”. “Thế, được rồi, giữ yên để chú chụp này”,… Đúng
là một nhà giáo hiền từ, lịch thiệp.
Ấy
thế nhưng ông không thuộc những ông thầy dễ dãi. Nhà báo – nhà thơ Lưu Trọng
Văn (con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư), người đã từng học ông, kể rằng: Thầy Vũ
Linh từng dạy và chủ nhiệm một lớp đặc biệt, trong đó có con Thủ tướng Phạm
Văn Đồng, con Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cháu ngoại Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng,…
toàn
con cháu những ông “cốp” to hạng nhất ở Trung ương. Ấy thế mà có lần ông đã phạt
rất nặng cậu con trai của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ôi, cái việc thật “tày trời”
mà tưởng phải cụ Chu Văn An sống lại mới dám làm! Mà rồi ông Phạm Văn Đồng cũng
im lặng chứ không có ý kiến gì.
Trong các bản kiến nghị, thư ngỏ, tuyên bố,… về
vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia và dân chủ hóa đất nước những năm qua, người
ta thấy nhà giáo Vũ Linh và nghệ sỹ Kim Chi – người bạn đời của ông – luôn có
tên trong danh sách những người khởi xướng. Tuy nhiên có lẽ người ta biết đến
bà Kim Chi nhiều hơn ông. Vì ông ít xuất hiện, lời lẽ cũng điềm đạm hơn chứ
không mạnh mẽ như nghệ sỹ Kim Chi. Nhưng ở bề sâu, hai ông bà rất tâm đầu ý hợp.
Bà Kim Chi kể rằng: Khi ông đánh máy giúp bức thư trả lời Hội Điện ảnh Việt Nam
về việc bà sẽ không làm hồ sơ để nhận bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
đến câu “tôi không muốn trong nhà có chữ ký của một người đã làm nghèo đất nước”,
thì ông dừng lại bảo: “thêm cho anh mấy chữ làm khổ nhân dân nữa
nhé”!
Ông bà Vũ Linh – Kim Chi và ông Đinh Hoàng Thắng cùng bà con dân oan |
Tuy
tuổi cao, ông bà vẫn khá năng đi gặp bạn bè và đi dự các hội thảo khoa học. Cô
chú đi trên một chiếc xe máy cũ kĩ, trông vừa vui thích vừa ái ngại.
Đầu
năm nay, mùng bốn Tết, chú cũng lai cô bằng xe máy vượt quãng đường hai chục cây số đến nhà tôi chơi. Trông chú còn rất
“phong độ”. Ngoài mái tóc bạc trắng, thấy chú chưa có gì gọi là già yếu. Thực
ra thì chú khá nhiều bệnh nhưng không bao giờ muốn người khác thấy mình đau yếu.
Tuy nhiên, cũng không ngờ chú ra đi nhanh vậy! Tin đến ai cũng thương tiếc sững
sờ.
Ông bà Vũ Linh – Kim Chi và các nhân sỹ, trí thức Hà Nội tại nhà Đào Tiến Thi đầu xuân năm nay |
Chú
Vũ Linh ơi, chú đã sống một cuộc sống đẹp của một nhà giáo, một nhà trí thức,
nhất là những năm cuối đời. Nhờ những người như chú mà chúng cháu hôm nay càng
thêm tin tưởng ở cách sống và con đường mình đã chọn.