Donald Trump |
“Trung tâm
trọng trường của thế giới đang ngày càng dịch chuyển sang châu Á” – Barack
Obama.
Nói thẳng: Trung Quốc
không phải bạn ta. Họ xem ta như kẻ thù. Tốt hơn là Washington nên tỉnh ra thật
nhanh, vì Trung Quốc đang cướp công ăn việc làm của ta, phá hủy ngành công
nghiệp chế tạo của ta, ăn trộm công nghệ và năng lực quân sự của ta với tốc độ
âm thanh. Nếu nước Mỹ không sớm khôn lên, tổn thất sẽ là không thể vãn hồi.
Có nhiều điều về sức mạnh
Trung Quốc mà Obama và các đồng sự ủng hộ thuyết toàn cầu của ông ấy không muốn
bạn biết. Nhưng, không một ai biết sự thật lại có thể ngồi yên và làm ngơ việc
cường quốc kinh tế này [Mỹ – ND] sẽ rơi vào tình thế nguy hiểm đến thế nào nếu
các vị mà ta gọi là lãnh đạo ở Washington không cùng xắn tay hành động, bắt đầu
đứng lên bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ và ngừng chuyển chúng ra thuê
ngoài ở Trung Quốc.
Người ta dự đoán rằng đến năm
2027, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới – và điều
này sẽ xảy ra nhanh hơn nữa nếu các xu hướng thảm họa trong nền kinh tế của
Obama vẫn còn tiếp diễn. Nghĩa là trong vài năm tới, Mỹ sẽ bị nhấn chìm bởi cơn
sóng thần kinh Trung Quốc – tôi đoán là đến năm 2016, nếu ta không hành động
nhanh.
Điều này không xảy ra trong
một đêm hay bất thần từ chân không. Chúng ta cứ ngần ngừ và làm ngơ trước những
dấu hiệu cảnh báo suốt nhiều năm. Sự thật là, chúng ta đã thất bại nặng nề về
công ăn việc làm trước Trung Quốc dưới thời Tổng thống George W. Bush, thậm chí
trước khi rơi vào thảm họa việc làm do Tổng thống Obama gây ra, thì từ năm 2001
đến năm 2008, Mỹ đã mất 2,4 triệu việc làm vào tay Trung Quốc.
Hơn 30 năm qua, nền kinh tế
Trung Quốc đã tăng trưởng trung bình 9-10% một năm. Nhưng dưới thời Tổng thống
Barack Obama, Trung Quốc đã phát đạt nhanh một cách bất thường và Mỹ cũng thua
lỗ nhanh một cách bất thường. Chỉ riêng quý I năm 2011, nền kinh tế Trung Quốc
đã tăng trưởng với tốc độ vũ bão 9,7%. Còn tỷ lệ tăng trưởng quý I của Mỹ thì
sao? Một con số đáng xấu hổ: 1,9%. Chúng ta có 14,4 triệu người mất việc. Chúng
ta cần hành động.
Quan hệ của Mỹ với Trung Quốc
đang đến bước quyết định. Chúng ta chỉ có rất ít thời gian để đưa ra những
quyết định cứng rắn cần thiết nhằm giữ vững vị thế của ta trên thế giới. Cứ
khoảng 7 năm, nền kinh tế Trung Quốc lại tăng trưởng gấp đôi. Đó là một thành
tựu kinh tế khủng khiếp, và đó cũng là lý do tại sao hết năm này đến năm khác
họ đánh bại ta về thương mại.
Ngay lúc này, ta đang có một
khoản thâm hụt thương mại khổng lồ là 300 tỷ đô-la với Trung Quốc. Nghĩa là mỗi
năm Trung Quốc kiếm được từ Mỹ khoảng 300 tỷ đô-la. Khi tôi tham gia các buổi
nói chuyện trên truyền hình và các chương trình tin tức, tôi nói ra con số đó,
và mọi người thậm chí còn không thể hình dung nổi trong đầu một con số lớn như
thế, song đó là sự thật. Chỉ tính riêng sự mất cân bằng thương mại thôi, thì cứ
ba năm Trung Quốc lại gửi ngân hàng gần một nghìn tỷ đô-la của ta.
Và đáng buồn thay, trong khi
công nghiệp chế tạo của Mỹ từng là vô địch, thì giờ đây, vì chuyện Trung Quốc
lừa ta bằng đồng tiền của họ, nên các công ty Mỹ không thể cạnh tranh về giá,
dù ta làm ra những sản phẩm tốt hơn nhiều. Bởi vậy, bây giờ Trung Quốc là nhà
sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới. Nhân đây cũng xin nói thêm là họ cũng
có hơn ba ngàn tỷ đô-la ở ngân hàng dự trữ nước ngoài. Đó là số tiền đủ để
Trung Quốc mua cổ phần chi phối mọi công ty lớn nằm trong danh sách chỉ số công
nghiệp trung bình Dow Jones – các công ty như Alcoa, Caterpillar, Exxon Mobil,
hay Walmart – và vẫn dư hàng tỷ đô-la trong ngân hàng.
Cứ 6 người trên hành tinh này
thì có một người là người Trung Quốc. Dân số 1,3 tỷ người của họ vượt ta với tỷ
lệ khoảng 4 trên 1. Đó là một nguồn nhân tài khổng lồ để xây dựng các doanh
nghiệp, cung cấp nhân lực cho các khu chế xuất, đáp ứng đủ nhân sự cho các tổ
chức giáo dục ưu tú, và xây dựng một lực lượng quân sự khổng lồ.
Một mối quan ngại lớn khác nữa
là việc hàng năm Trung Quốc có 7 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học. Cho đến
nay, Mỹ vẫn vượt Trung Quốc về tỷ lệ tốt nghiệp đại học xét trên toàn bộ dân
số, nhưng bạn phải hỏi liệu các trường đại học của ta có cho ra đời những sinh
viên tốt nghiệp có kỹ năng cần thiết để cạnh tranh không.
Tôi đọc thấy quá nhiều
câu chuyện về các tập đoàn phải tổ chức các lớp giáo dục bổ túc cho nhân viên.
Và khi bạn nhìn vào điểm thi ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ
thông, thì thật đáng báo động. Trong một nghiên cứu quốc tế có uy tín năm 2010
về trẻ em trong độ tuổi 15, Mỹ xếp thứ 25 trên 34 quốc gia về toán học. Còn
Trung Quốc xếp thứ mấy? Thứ nhất.
Thực tế là, học sinh Thượng
Hải không những đứng nhất ở môn toán mà còn đứng nhất về môn đọc và khoa
học. Họ hoàn toàn hạ gục ta – và tất cả những người khác. Chắc chắn, nghiên cứu
này hơi thiên lệch vì họ chỉ lấy mẫu học sinh ở Thượng Hải vốn là nơi có nhiều
học sinh thông minh nhất Trung Quốc theo học. Nhưng, ngay cả tờ tạp chí có tinh
thần tự do TIME cũng chỉ ra rằng, khi bạn xem xét những thay đổi nhân khẩu cực
lớn đang diễn ra ở Mỹ, thì nguy cơ về giáo dục đã bắt đầu lấp ló phía trước.
Chỉ trong một thế hệ nữa thôi, chúng ta sẽ là một quốc gia thiểu số trở thành
đa số, và hiện thời có một con số đáng sợ là 40% trẻ em Mỹ Phi và Mỹ Latinh
thậm chí không tốt nghiệp trung học phổ thông (chứ chưa nói đến đại học).
Trong tư thế là mục tiêu tấn
công của Trung Quốc theo bạn thì Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có kế hoạch đưa
hầu hết các lợi thế kinh tế và giáo dục của Trung Quốc nhắm vào đâu? Chính xác
rồi đấy, vào các ngành công nghiệp quân sự và vũ khí. theo tiết lộ của một
thông báo mới từ Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường lục quân,
thủy quân và rót hàng triệu đô-la vào việc phát triển máy bay chiến đấu tàng
hình thế hệ I, tàu ngầm tấn công tiên tiến, các hệ thống phòng không tinh vi,
các hệ thống chiến tranh không gian công nghệ cao và bổ sung cho kho tên lửa
đạn đạo.
Phản ứng trước sự tăng cường
vũ trang quân sự của Trung Quốc, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Michael
Mullen đã nói: “Người Trung Quốc có mọi quyền phát triển quân sự họ muốn. Chỉ
là tôi không thể hiểu nổi tại sao một số năng lực này, dù là [máy bay tàng hình
J-20], hay thiết bị chống vệ tinh, hay vũ khí chống tàu chiến, thì phần nhiều
lại có vẻ nhắm thẳng vào Mỹ.”
Những gì Trung Quốc đang làm
trên mặt trận chiến tranh mạng cũng đáng báo động. Khi điều trần trước Ủy ban
Quốc hội, Phó Tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, Tướng James Cartwright, nói rằng
Trung Quốc có liên quan rất sâu đến việc do thám thông tin máy tính của các
mạng lưới thuộc cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ. Tướng Cartwright giải
thích rằng gián điệp mạng có thể cô lập các điểm yếu của mạng vi tính và cho
phép người Trung Quốc ăn cắp tin tức tình báo quý giá.
Vậy ta phải làm gì đây?
Trung Quốc đưa đến ba mối đe
dọa lớn đối với Mỹ khi thao túng tiền tệ quá đáng, nỗ lực phá hủy nền
tảng sản xuất của ta một cách có hệ thống; gián điệp công nghiệp và chiến tranh
mạng chống lại Mỹ. Người Trung Quốc đã hà hiếp ta nhiều năm rồi. Nhưng, chính
quyền Obamacó vẻ gần như đồng lõa trong việc muốn giúp người Trung Quốc giẫm
đạp lên ta. Obama tuyên bố ta không thể làm những việc có lợi cho ta, bởi nó có
thể sẽ châm ngòi cho một “cuộc chiến thương mại” – làm như thể lúc này ta không
ở trong một cuộc chiến như thế vậy. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta có thể
vượt qua các mối đe dọa của Trung Quốc bằng một một chiến thuật khôn ngoan và
một nhà thương thuyết cứng rắn.
Việc Trung Quốc thao túng trên
quy mô lớn đồng tiền của nước này có mục đích là nhằm đẩy mạnh xuất khẩu của nó
và hủy hoại các ngành công nghiệp nội địa của ta. Khi chính quyền Trung Quốc
thao túng đồng Nguyên [yuan] (đơn vị tiền Trung Quốc, có lúc còn được gọi là
Nhân dân tệ) và định giá thấp nó, họ có thể bán hàng cho các nước khác với giá thấp
hơn rất, rất nhiều so với một công ty Mỹ, vì đồng tiền của ta được định giá ở
mức giá thị trường chính xác hơn. Nghĩa là, hàng hóa của ta được định giá cao
hơn, và việc này khiến chúng kém cạnh tranh hơn.
Nhiều nhà phân tích đã cố xác
định giá trị thực của đồng tiền Trung Quốc, nhưng thật khó có thể nói chắc vì
giá trị luôn thay đổi. Tuy nhiên, quả thật dường như cũng có một sự nhất trí là
đồng nhân dân tệ có vẻ bị định giá thấp đâu đó trong khoảng 40- 50% so với giá
trị thực của nó. Nghĩa là người Trung Quốc có thể định ra mức giá chỉ bằng nửa
giá của một nhà sản xuất Mỹ cho một hàng hóa hay dịch vụ tương tự. Điều này báo
hiệu nguy cơ người lao động Mỹ mất công ăn việc làm, và đó chính xác là chuyện
đang xảy ra ngay lúc này.
Hãy nhìn vào những gì mà hành
động thao túng tiền tệ của Trung Quốc đã gây ra cho ngành công nghiệp thép của
ta. Là một nhà thầu xây dựng nhiều tòa nhà xa hoa khổng lồ, tôi có thể cho bạn
biết rằng công nghiệp thép có ý nghĩa sống còn đối với sức mạnh kinh tế của ta,
và là một khoản chi phí quan trọng trong bất cứ công trình xây dựng nào. Theo
Hiệp hội Sắt Thép Hoa Kỳ (AISI), hành động định giá thấp tiền tệ của Trung Quốc
là hình thức “trợ giá lớn nhất” cho các nhà sản xuất Trung Quốc, là “chìa khóa”
cho sự bùng nổ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc, và là “một nguyên nhân
chính” cho sự mất cân bằng cấu trúc toàn cầu đang góp phần dẫn đến sự sụp đổ
tài chính gần đây của Mỹ.
Sự thao túng tiền tệ của Trung
Quốc và các hoạt động thương mại không công bằng khác đã giúp ngành sản xuất thép
thô của Trung Quốc nhảy vọt từ 15% tổng sản lượng toàn cầu năm 2002 lên một con
số cao đến không ngờ là 47% năm 2008. Năm 2002, Mỹ chỉ nhập khẩu 600.000 tấn
thép (3% trên toàn bộ số thép nhập) từ Trung Quốc. Đến năm 2008, Trung Quốc đã
khiến chúng ta phải mua 5 triệu tấn thép. Và một lần nữa, họ làm được điều này
chủ yếu là nhờ việc định giá thấp đồng nhân dân tệ.
Kinh tế gia Alan Tonelson đã
rất đúng khi viết:
Trong tám năm dài, nhóm vận
động hành lang cho Trung Quốc ở Washington – được cấp cho nguồn kinh phí thừa
mứa bởi chính các công ty đa quốc gia có cơ sở ở Trung Quốc được hưởng lợi từ
khoản trợ giá 50% này [nhờ đồng nhân dân tệ được định giá thấp] – đã phô ra
những lý lẽ hợp lý hóa việc không làm gì. Cái giá thảm khốc giáng xuống ta khi
làm theo lời khuyên của nhóm vận động hành lang cho Trung Quốc cũng đủ để chứng
minh cho việc làm ngơ mánh khóe gần đây nhất của nó… Các nhà máy Mỹ buộc phải
tiếp tục đóng cửa, lợi nhuận của những nhà máy sống sót được thì tiếp tục sụt
giảm và thậm chí biến mất, số việc làm mất đi ngày càng tăng và tiền lương tiếp
tục bị cắt giảm. Tệ hơn nữa, sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu lấy Mỹ làm trung
tâm lại tiếp tục gia tăng cho đến khi chúng gây ra sự sụp đổ lớn nhất ở Mỹ và
trên khắp thế giới kể từ sau cuộc Đại Suy thoái.
Những nhà quan sát khác, như
thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa bang Alabama Richard Shelby, cũng thấy rõ. “Không
nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang thao túng đồng tiền của nước này để trợ giá
cho hàng xuất khẩu,” Shelby nói. Về việc Trung Quốc mua trái phiếu của Bộ Tài
chính Mỹ, Shelby nói: “Có lẽ đã đến lúc cần có điều luật mới để đảm bảo Bộ Tài
chính chăm lo cho người lao động Mỹ, chứ không phải mấy gã chủ nợ Trung Quốc.”
Là nền kinh tế dẫn đầu thế
giới, chúng ta là người bị thương tổn nặng nề nhất bởi các hoạt động thương mại
dối trá của Trung Quốc – và bất kỳ có chút hiểu biết về kinh tế học đều biết là
tôi đúng. Như CNN Money đã nói: “Hầu hết các nhà kinh tế học sẽ đồng ý với
logic của Trump rằng Trung Quốc đang giữ giá trị đồng tiền của nước này ở mức
thấp để giúp các nhà sản xuất của họ có lợi thế khi bán hàng sang Mỹ.”
Dĩ nhiên, trở lại năm 2008
trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, Barack Obama đã rất hưng phấn khi
lớn tiếng phát biểu về những tác động tiêu cực của hành động thao túng tiền tệ.
Khi còn là ứng cử viên, ông ấy thậm chí còn tán thành một dự luật sẽ thay đổi
luật hiện hành để “định nghĩa thao túng tiền tệ như một hành động trợ giá cần
áp thuế đối kháng (thuế chống phá giá)”. Giờ thì hãy tua nhanh đến năm 2012.
Hiện nay, Obama lại nói những lời ngon ngọt về chủ đề này và thực hiện thuật
ngoại giao “khẩn khoản” thường thấy của ông ấy với người Trung Quốc. thử nghe
những gì vị tổng thống này nói về việc Trung Quốc định giá thấp đồng tiền của
mình: “Vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục mong giá trị đồng tiền của Trung Quốc ngày
càng được định hướng theo thị trường, việc này sẽ giúp đảm bảo rằng không quốc
gia nào có lợi thế kinh tế thái quá.”
Phát biểu này sũng sượt sự yếu
đuối. “Chúng ta sẽ tiếp tục mong” bằng một phép màu nào đó người Trung Quốc từ
bỏ những cách làm nguy hại của họ? Có đùa không thế? Cứ như thể nhờ phép màu
nào đó, Trung Quốc đang cướp của chúng ta 300 tỉ đô-la mỗi năm nhưng ngày mai
sẽ thức dậy và quyết định: “Các bạn biết gì không, chúng tôi thực sự cần chơi
công bằng hơn với người Mỹ và thôi không cướp của họ tất cả công ăn việc làm,
các công ty và hàng tỷ đô-la nữa.”
Có lẽ nhiều người sẽ cho là
tôi đang nói quá tệ về Trung Quốc và những người đại diện của đất nước này. Sự
thật là tôi rất nể trọng người dân Trung Quốc. Tôi cũng rất nể trọng những
người đại diện Trung Quốc. Điều tôi không nể trọng là cách chúng ta thương
lượng và đàm phán với Trung Quốc. Nhiều năm qua, tôi đã thực hiện nhiều thỏa thuận
và giao dịch với người Trung Quốc. Tôi đã kiếm được một khoản tiền khổng lồ.
Tôi đã bán các căn hộ với giá 53 triệu đô-la, 33 triệu đô-la và nhiều mức giá
thấp hơn. Tôi đã tạo ra một trong những việc làm lớn nhất ở Manhattan với các
đối tác người Trung Quốc và đã kiếm được rất nhiều tiền. Vì vậy, tôi biết rõ
người Trung Quốc, tôi hiểu và tôn trọng họ.
Bất kỳ khi nào tôi nói một
cách tồi tệ về những gì họ đang làm với ta, tôi không có ý chỉ trích họ – tôi
chỉ trách các lãnh đạo và các đại diện của ta mà thôi. Nếu ta có thể quay lưng
lại với họ là xong, hẳn tôi sẽ hết lòng khuyến khích ta làm vậy. Song rủi thay,
họ quá thông minh và các lãnh đạo của ta lại không đủ khôn ngoan.
Tôi có nhiều bạn ở Trung Quốc
và những người bạn này không thể tin rằng lãnh đạo của họ lại có thể ký được
những thỏa thuận ưu đãi không thể tin nổi ấy. Điều đáng ngạc nhiên là, bất chấp
mọi ngôn từ hùng hồn và gay gắt mà tôi dùng để chống Trung Quốc, tờ Bloomberg
Businessweek gần đây đã đăng tải một bài báo về thứ mà người Trung Quốc
muốn nhất. Đáng chú ý nhất là một đoạn trích dẫn lời của chủ tịch công ty bất
động sản Asher Alcobi về những gì mà các khách hàng người Trung Quốc của ông ưa
thích hơn cả: “Cái gì dính đến tên Trump thì đều tốt”.
Vậy nên, tôi nói xấu Trung
Quốc, song tôi nói sự thật và các khách hàng ở Trung Quốc muốn gì? Họ muốn
Trump. Bạn biết thế nghĩa là gì không? Đó nghĩa là họ tôn trọng những ai nói
đúng thực tế và nói lên sự thật, cho dù sự thật ấy có thể không hay gì với họ.
thực tế là, chính sự tôn trọng tôi dành cho người Trung Quốc đã dẫn tôi đến chỗ
nói các lãnh tạo của ta phải cẩn thận. Người Trung Quốc sẽ lấy, lấy và lấy cho
đến khi ta không còn gì cả – và ai lại đi trách họ khi họ có thể phủi tay?
Trung Quốc là đối thủ của ta.
Đã đến lúc ta phải hành động giống đất nước này… và nếu ta làm đúng việc của
mình, Trung Quốc sẽ đi tới sự tôn trọng hoàn toàn mới đối với nước Mỹ, và khi
đó ta có thể hạnh phúc du hành trên đường cao tốc đến tương lai cùng Trung Quốc
như một người bạn.
Bài viết được trích từ cuốn
sách “Donald Trump – Đã đến lúc phải cứng rắn” được Alpha Books và NXB Thế giới
phát hành toàn quốc vào ngày 18/7/2016.