Lê Nguyễn
Vua Hàm Nghi
những năm cuối đời |
Trong
lịch sử gần 100 năm thuộc Pháp, vua Hàm Nghi là vị hoàng đế duy nhất đã rời bỏ
kinh thành để mưu cuộc kháng chiến, với sự phò tá của những quan lại giàu lòng
yêu nước như Tôn Thất Thuyết và hai con (Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp), như Lê
Trực, Nguyễn Phạm Tuân…, những con người luôn coi sự tồn vong của đất nước quan
trọng hơn sự an nguy của gia đình mình.
***
Kể từ cái ngày được sử gọi là “thất thủ kinh thành” 5.7.1885 đến ngày cựu hoàng
Hàm Nghi rơi vào tay giặc (2.11.1888), một thời khoảng hơn 3 năm đã trôi qua,
lời hịch Cần vương đã khơi dậy những phong trào chống Pháp sôi nổi: Phan Đình
Phùng ở Hà Tĩnh, Đinh Công Tráng ở Thanh Hóa, Cai Kinh, Hoàng Hoa Thám ở Lạng
Giang và Yên Thế, Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên… Riêng vùng rừng núi Quảng
Bình, cái “nôi” của phong trào Cần vương, có ba nhóm quân kháng chiến chống
Pháp: một nhóm của Tôn Thất Đạm, được vua Hàm Nghi cử làm Khâm sai nên tướng sĩ
vẫn quen gọi là Khâm Đạm, giữ nhiệm vụ chính là hậu cần cho quân kháng chiến
trong vùng và hoạt động trong khu vực phía Bắc Quảng Bình, giáp với Hà Tĩnh để
chiêu mộ thêm nghĩa sĩ. Gần nhà vua hơn, có hai nhóm kháng chiến chủ lực, một
của Tá sự Nguyễn Phạm Tuân (được vua Hàm Nghi phong hàm Thượng thư) hoạt động
trong phạm vi huyện Tuyên Hóa, một của Đề đốc Lê Trực, được người dân thời đó
gọi một cách thân thiết là Đề Lê, hoạt động quanh khu vực làng Thanh Thủy, phủ
Quảng Trạch là quê của ông (nay thuộc xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng
Bình, nơi có mộ phần của ông).
Vua hàm Nghi khi mới bị Pháp bắt
|
Có thể đánh giá Mouteaux là sĩ quan Pháp đã gặt hái được nhiều thành công trong việc làm suy yếu khả năng đề kháng của các lực lượng nghĩa quân chống Pháp trong phạm vi Quảng Bình, cái nôi của phong trào Cần vương. Song bên cạnh niềm vui đó, ông ta vẫn còn ray rứt mãi về chuyện đã không thực hiện được mục tiêu tối hậu của chiến dịch tại Quảng Bình là bắt sống vua Hàm Nghi. Ngày 7.10.1887, Mouteaux rời đồn Minh Cầm, bàn giao công việc lại cho đại úy Troupel, lòng ray rứt mãi với hồi ức về một buổi sáng hành quân trong thời gian ông ta còn ở Quảng Bình. Đó là buổi sáng một ngày tháng 7.1887, Mouteaux dẫn quân từ đồn Minh Cầm lên Khe Ve, bao vây cả xóm Thằng Cuộc, rồi ngược dòng sông Rào Nậy (một chi nhánh của sông Gianh), tìm Trương Quang Ngọc, một trong những thủ hạ gần gủi nhất của vua Hàm Nghi có tin là đang ở xóm Chà Mạc. Trên đường đi, thuyền của Mouteaux chạy ngược dòng với thuyền do một người phụ nữ đứng tuổi chèo, trên thuyển có một thiếu niên độ 15-16 tuổi ăn mặc trông nghèo nàn nhưng áo quần sạch sẽ. Viên đại úy Pháp ra lệnh dừng chiếc thuyền đó lại và lục soát. Người phụ nữ chèo thuyền và người thiếu niên lộ vẻ bối rối, song vẫn tỏ ra thân thiện với toán lính Pháp. Mouteaux từng nghe kể rằng vua Hàm Nghi luôn mang theo mình một ống điếu hút thuốc bằng gỗ có khảm hoa văn nên ra lệnh lục soát kỹ nhưng không tìm thấy gì. Sợ rằng dây dưa lâu sẽ làm trễ nãi cuộc hành quân, ông ta cho thả thuyền đi. Nhưng khi tới Chà Mạc, Mouteaux gặp toán quân của thượng sĩ Bosché đã đến trước và biết rằng Trương Quang Ngọc vừa trốn khỏi nơi ở, bỏ lại tại nơi ở nào giáo mác, nỏ, tên độc, bàn đèn thuốc phiện…( L. Cadière sách dẫn trên, trang 81 và Ch. Gosselin – L’Empire d’Annam – Paris 1904, trang 295). Viên đại úy Pháp giật mình, linh cảm rằng ông ta vừa để thoát vua Hàm Nghi, tức chàng thiếu niên trên chiếc thuyền mà ông ta vừa cho lục soát.
Khi
rời Minh Cầm, Mouteaux mang theo nỗi ám ảnh về chàng thiếu niên 15-16 tuổi mà
ông ta đã gặp trong cuộc hành quân vào một ngày tháng 7. Không lâu sau ngày
2.11.1888, tức ngày thực dân Pháp bắt được vua Hàm Nghi tại một ngôi nhà nhỏ
trên thượng nguồn sông Gianh, báo chí Pháp tại Paris in hình nhà vua được chụp
lén trong thời gian bị áp giải từ Quảng Bình về cửa Thuận An, coi như đó là một
thắng lợi quan trọng trong nỗ lực dập tắt các phong trào kháng chiến tại Việt
Nam. Mouteaux đã có dịp nhìn xem bức ảnh nhà vua trên báo và không rõ do mối ám
ảnh cũ hay từ một linh cảm xác thực, ông ta tin rằng chàng thiếu niên mình đã
gặp trên sông dạo nào chính là vua Hàm Nghi.
Năm 1895 (Ch. Gosselin ghi là năm 1893), Mouteaux tình cờ được giới thiệu với cựu hoàng Hàm Nghi tại Câu Lạc Bộ Quân đội trên đại lộ Opéra của thành phố Paris (Pháp). Ông từ Alger sang thăm thủ đô nước Pháp. Hai kẻ cựu thù từng nghe nói về nhau từ lâu, nay mới gặp mặt. Mouteaux coi đấy là dịp may nghìn năm một thuở có thể giúp ông ta giải tỏa nỗi ám ảnh đã đeo đẳng trong hơn 7 năm trời. Cựu hoàng ngồi nghe ông ta kể lại chi tiết vụ “chạm trán” với chàng thiếu niên trên sông vào một buổi sáng tháng 7 năm 1887 bằng một thái độ chăm chú và nụ cười nhẹ nhàng, nhưng cuối cùng ông đã làm cho Mouteaux thất vọng khi tránh không trả lời thẳng vào câu hỏi ông có đúng là chàng thiếu niên đó không. Thái độ xử sự ấy không chỉ với riêng Mouteaux mà theo những người Pháp đã quen biết với cựu hoàng Hàm Nghi trong thời gian ông sống lưu đày ở Alger, ông luôn ít nói, đặc biệt không bao giờ nhắc lại hay trả lời những câu hỏi liên quan đến năm tháng trị vì và quảng thời gian hơn ba năm trời bôn ba trong vùng rừng núi Quảng Bình.
****
Tháng 11 năm 1904, cuộc sống lưu đày của cựu hoàng Hàm Nghi lật sang một trang mới. Ông cưới cô Marcelle Laloe, con gái ông chánh án tòa thượng thẩm Alger. Trong cảnh sống lưu đày, không chút hi vọng trở về quê hương, ông đã chấp nhận cuộc hôn nhân này như một định mệnh. Một trong những điều đáng quý nhất ở ông là trong suốt cuộc sống lưu đày 55 năm nơi xứ người (1889-1944), hầu như không bao giờ ông rời bỏ chiếc khăn đội đầu và bộ y phục thuần Việt. Vào giữa thập niên 1990, trong những dịp tiếp xúc với ông Nguyễn Phúc Vĩnh Cầu, con trai út cựu hoàng Thành Thái, sinh năm 1924 tại đảo Réunion, người viết bài này được nghe ông kể rằng vào khoảng năm 1935-1936, bữa nọ có một người khách phương xa ghé lại đảo Réunion tìm thăm cựu hoàng Thành Thái. Sau những giây phút bỡ ngỡ đầu tiên, người nhà mới được biết người khách lạ đó chính là cựu hoàng Hàm Nghi. Xét về vai vế trong hoàng tộc nhà Nguyễn, cựu hoàng Hàm Nghi (Ưng Lịch) ở vào hàng chú của cựu hoàng Thành Thái (Bửu Lân), hàng ông của cựu hoàng Duy Tân (Vĩnh San). Phút trùng phùng thật cảm động, vì cả ba cựu hoàng đều là những ông vua yêu nước đang sống cảnh lưu đày. Trong buổi gặp đó, cựu hoàng Thành Thái có ý muốn để cựu hoàng Duy Tân sang Alger sống cùng ông chú, song cựu hoàng Hàm Nghi ngần ngừ, không trả lời dứt khoát. Từ đó cho đến ngày ông nhắm mắt trên xứ người, quê hương vẫn là một hình ảnh luôn hiện diện trong trái tim ông; điều đó thể hiện trong cung cách ông giáo dục ba người con mang hai dòng máu Việt-Pháp: hai công chúa Như Mai, Như Lý và ông hoàng Minh Đức.
Nguồn:fb
Lê Nguyễn