Xuân Dương
(GDVN) - Thế chiến quốc, thế xuân thu, thế kiểu gì
cũng thế.
Tai nạn giao thông đường bộ, tai nạn xe lửa, thu giá
BOT, văn hóa từ chức,
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể,… đang là những từ khóa rất nóng bỏng mà cư dân mạng
tìm kiếm. Vì sao vậy?
Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy xem chính khách thế
giới hành xử thế nào trước dư luận xã hội.
Năm 2016, Thủ tướng Ý Matteo Renzi xin từ chức sau
thất bại của cuộc trưng cầu ý dân về những thay đổi hiến pháp liên quan tới vai
trò của Quốc hội.
Ngày 24/3/2018, ông Gentiloni, người được Tổng thống
Cộng hòa Ý Mattarella bổ nhiệm làm Thủ tướng thay thế ông Matteo Renzi cũng đệ
đơn từ chức.
Vốn là Bộ trưởng ngoại giao, ông Gentiloni khá thành
công trong lĩnh vực đối ngoại tuy nhiên trong vấn đề đối nội, ông Gentiloni
không giải quyết được những vấn đề người dân Ý mong muốn và cũng không
nhận được sự ủng hộ từ nhiều đảng phái chính trị trong nước.
Từ chức không có trong … từ điển tiếng Việt hiện đại? Ảnh minh hoạ: lawnet.thukyluat.vn. |
Mười một ngày sau vụ chìm phà Sewol, Thủ tướng Hàn
Quốc Chung Hong-won xin từ chức và nhận trách nhiệm về cách xử lý yếu kém của
Chính phủ trong vụ việc này.
Các vụ tai nạn giao thông đường sắt, đường bộ là căn
bệnh trầm kha của giao thông Việt Nam vốn đã tồn tại nhiều thập kỷ, vì thế quy
hết trách nhiệm cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chưa phải là thỏa đáng.
Tuy nhiên có ba điều cần phải làm rõ chứ không thể đổ
cho “giai đoạn trước”:
Thứ nhất,
với các dự án BOT, không thể chỉ mình ông Đinh La Thăng - người đứng đầu Bộ
Giao thông Vận tải giai đoạn 2011-2015 - phải chịu trách nhiệm còn ông
Thứ trưởng Thể vô can bởi ông Thể có ba năm (2013-2015) làm Thứ trưởng bộ này.
Chính ông Thể là người phê duyệt BOT Cai Lậy, một trong những
dự án BOT tai tiếng nhất khiến cả xã hội bức xúc chứ không chỉ riêng những lái
xe và người dân đi qua tuyến đường này.
Thứ hai,
chủ trương thay tên các “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” không thể vin vào
Luật Luật phí và lệ phí (số 97/2015/QH13 do Quốc hội ban hành năm 2015) cũng
không thể đổ tại Nghị định của Chính phủ hay cho các cán bộ dưới quyền.
Cần thấy rằng Phụ lục 02 Luật phí và lệ phí quy định
“Phí sử dụng đường bộ” chuyển thành “Giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án
đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh" là rất rõ ràng, không thể dựa vào
đó để đưa ra quy định thay “thu phí” thành “thu giá”.
Với tuyệt đại bộ phận người Việt ngày nay cụm từ “thu
giá” là vô nghĩa.
Thứ ba,
vấn đề ở đây không chỉ là “đánh tráo khái niệm” như nhận định của nhiều chuyên
gia và truyền thông mà có vẻ như còn liên quan đến “nhóm lợi ích”.
“Phí” do Bộ Tài chính quản, “giá” trong lĩnh vực BOT
giao thông do Bộ Giao thông Vận tải quản.
Các doanh nghiệp tham gia BOT muốn quy định giá trước
hết phải làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, sau đó mới đến các cơ quan khác,
phải chăng đây mới là cốt lõi của vụ việc?
Mấy năm trước, trong bài “Nghịch lý Tiền - Quyền”
người viết từng cho rằng:
“Tiền
và quyền vốn là đôi bạn đồng hành từ thủa loài người sáng tạo ra tiền, ngay từ
khi ra đời Tiền và Quyền đã tạo nên “Cặp đôi hoàn hảo”, sự kết hợp tiền – quyền
tạo nên các vòng xoắn trong bản đồ gen xã hội loài người để rồi càng ngày càng
khó giải mã”. [1]
Mối liên quan hữu cơ giữa “quyền” và “tiền” hiện hữu
rõ nét không phải chỉ khi chúng ta chính thức bước vào cơ chế thị trường, chỉ
có điều càng ngày càng thấy sự chi phối nguy hiểm của nó bởi người ta “chạy chức, chạy quyền”,
chạy dự án trước hết là bằng tiền, sau đó mới đến những phương tiện khác, chẳng
hạn “nâng đỡ không trong sáng”,...
Nói đến “văn hóa từ chức”, công chức nước Việt chưa
theo kịp thế giới nếu không muốn nói là “tụt hậu” nhiều thập kỷ.
Và đương nhiên, “văn hóa từ chức” không phải dành cho
dân chúng, những người chẳng có “chức” gì mà “từ”.
Người đời còn cay nghiệt mà bình rằng có khi chức kiếm
được bằng cách mua bán người ta không “từ” là có cái lý của nó, bởi còn phải
thu hồi vốn, thu hồi xong lại phải kiếm lời, quá trình này diễn ra chỉ trong
vòng vài năm, nói một cách văn vẻ là từ “bình minh nhiệm kỳ” cho tới lúc
“chiều buông màu tím”.
Không nói “cho tới lúc hoàng hôn nhiệm kỳ”
như cách nói của một vị dân biểu, bởi một thực tế là “hoàng hôn nhiệm kỳ này”
lại là “bình minh nhiệm kỳ khác”, giống như hết hai nhiệm kỳ Chủ tịch xã thì
chuyển sang hai nhiệm kỳ Bí thư Đảng ủy.
Bốn nhiệm kỳ là 20 năm, thế mới đến lúc “chiều buông
màu tím”.
Mười bốn năm trước, ngày 15/5/2004 báo điện tử
Vnexpress.net đăng một bài viết, xin trích dẫn một đoạn: [2]
“Trả
lời phỏng vấn của báo chí về vấn đề từ chức của mình, ông Ngọ hầu như
lảng tránh trả lời, mà chỉ nói rằng "mình là người của tổ chức thì phải
làm theo tổ chức"…
Nhớ lại, cách đây
mấy năm khi đọc đơn từ chức trước Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông
Võ Viết Thanh khi đó cũng rầu rĩ nói rằng "hôm nay, theo yêu cầu của trên,
tôi làm đơn từ chức Chủ tịch Uỷ ban nhân dân" ”.
Có ba nguyên nhân khiến người ta thôi chức, hoặc là
muốn dành vị trí cho lớp kế cận như ông Bí thư Hội an Nguyễn Sự, hoặc là “thấy
động” như trường hợp bà Phó Bí thư Đồng Nai xin
thôi làm Đại biểu Quốc hội hoặc do yêu cầu của cơ quan, đoàn thể.
Cả ba trường hợp này nếu thống kê tỉ mỉ có lẽ không
khác mấy so với tỷ lệ những người kê khai tài sản không trung thực.
Điều này cho thấy nếu ai đó chủ động từ chức sẽ được
xem thuộc diện “cá biệt”.
Nói theo ngôn ngữ Công nghệ Thông tin là “Hệ điều hành
chưa thiết kế bộ lệnh Từ chức”.
Một khi “Hệ thống” vận hành thiếu những lệnh cơ bản
thì lỗi của người sử dụng chắc hẳn sẽ nhẹ đi phần nào, phải chăng đó chính là
ẩn ý của người thiết kế Hệ điều hành?
“Chức” có được do “phân công”, do được chọn để bầu thì
giữ chức là “trách nhiện và nghĩa vụ” không thể thoái thác?
Thế có nghĩa là đương chức hay từ chức không phải do
năng lực, không phải do uy tín, càng không phải do sĩ diện!
Chịu gánh nặng trên vai cho đến hết nhiệm kỳ, rủi có
vấn đề gì thì nhường “nhiệm kỳ sau” giải quyết hộ, đó
phải chăng là nguyên tắc, là “quy trình” mà ai dấn thân vào con đường quan lộ
cũng phải thuộc nằm lòng?
Sau nhiều sự việc, năm 2009 Bộ Chính trị ban hành Quy
định số 260-QĐ/TW “Về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ”.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ khi đó thực hiện một
việc hơi lạ mà Tienphong.vn trường thuật như sau:
“Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ rà soát các quy định của Đảng và pháp luật
hiện hành, xây dựng các nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định
về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm,
điều động và luân chuyển cán bộ”. [3]
Người ta vẫn có quan niệm “rà soát các quy định của
Đảng” thì phải do các ban ngành của Đảng thực hiện, còn ra soát các quy định
của “pháp luật hiện hành” phải là cơ quan lập pháp tức là Quốc hội hoặc Hội
đồng Nhân dân.
Một khi Chính phủ quyết định rà soát cả quy định của
Đảng lẫn pháp luật của Nhà nước thì Hiến pháp sẽ như thế nào?
Một công chức nhà nước không hoàn thành nhiệm vụ thì
trước hết hãy để người ta từ chức, nếu người ta không chịu từ chức thì phải kỷ
luật, nếu kỷ luật cũng không được thì chắc chắn phải hỏi “quy trình”!
Trường hợp của ông Bộ trưởng Giao thông đương nhiệm,
dư luận nêu nhiều câu hỏi, đại biểu Quốc hội cũng nêu nhiều câu hỏi, thậm chí
có vị đại biểu đã làm văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Vậy có nên đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội
ngay mà không cần chờ đúng thời hạn?
Năng lực điều hành của Bộ trưởng Thể rõ ràng là cần
phải xem xét, bên cạnh đó những nguyên tắc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ có cần
phải cân nhắc lại?
Uy tín của tổ chức, của cả hệ thống chính trị được
hình thành bởi uy tín từng thành viên, không thể nói một cá nhân không làm ảnh
hưởng đến tập thể bởi như dân gian chỉ rõ “con sâu làm rầu nồi canh”.
Với người kỹ tính, người ta sẽ đổ cả nồi canh chứ
không vớt con sâu bỏ đi rồi tiếp tục bữa cơm với nồi canh bị “rầu”.
Một đảng viên có trách nhiệm với tổ chức, một thành
viên có trách nhiệm với Chính phủ sẽ không làm khó cơ quan, đoàn thể theo kiểu
“cố đấm ăn xôi”.
Có điều, nhìn quanh thấy mình chẳng kém ai, cá mè sinh
cùng một lứa, dẫu trên có nóng thì nhiều nơi vẫn “lạnh” thế nên việc gì
phải tự “nóng”.
Lò ít “củi” nhiều, muốn đốt hết phải có thời
gian, chưa biết chừng chờ lâu củi biến thành mùn mà vẫn chưa đến lượt.
Vậy nên có câu:
“Thế chiến quốc, thế xuân thu, thế kiểu gì cũng thế.
Quan thượng lộ, quan hoàng hôn, quan sáu tấm vẫn
quan”./.
Tài liệu tham khảo:
[1]
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Nghich-ly-Tien--Quyen-post154239.gd
[2]https://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/viec-tu-chuc-cua-ong-ngo-co-thuc-su-dang-kham-phuc-1980575.html
[3]
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/som-sua-quy-dinh-ve-bo-nhiem-tu-chuc-mien-nhiem-can-bo-676036.tpo
[4] https://thanhnien.vn/thoi-su/thong-bao-hoi-nghi-lan-thu-6-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-52546.html
Xuân
Dương