Thế Giới
& Việt Nam
Các hoạt động vi phạm của tàu Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính từ ngày 3/7-21/7. (Nguồn: Maritime Issues) |
Bình luận trên trang Maritime Issues, chuyên gia Swee Lean Collin Koh thuộc Học viện Chiến lược và Quốc phòng Singapore cho rằng, nếu không có một phản ứng cứng rắn từ cộng đồng quốc tế đối với các hành động của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), các vụ việc tương tự sẽ còn lặp lại.
•
Chuyên gia Swee Lean Collin Koh phân tích, lý do đơn giản là Bắc Kinh rất
hào hứng nhận ra rằng các hành động cưỡng ép của họ đã mang lại những hiệu quả
nhất định. Từ đó, điều này sẽ trở thành động lực không chỉ cho Trung Quốc mà
còn là các nước khác trong và ngoài khu vực đang nhen nhóm ý định bình thường
hóa các hành vi cưỡng ép trở thành bộ công cụ tiêu chuẩn trong cách hành xử
quốc gia khi mà lẽ phải "sẽ thuộc về kẻ mạnh".
Trung Quốc
đã phớt lờ PCA
Va chạm đang diễn ra hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông vẫn chưa có dấu
hiệu kết thúc. Việc Hà Nội công khai yêu cầu Bắc Kinh rút tàu, bao gồm cả tàu
HD08 (Haiyang Dizhi 08) ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế
của mình cho thấy Việt Nam đang thể hiện và duy trì lập trường khá cứng rắn đối
với Trung Quốc. Thêm vào đó, Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây cũng tuyên bố phê phán
việc Trung Quốc có các hành vi leo thang, làm phương hại đến các hoạt động khai
thác năng lượng của các quốc gia trong khu vực.
Hành vi của Trung Quốc là khá khó hiểu với nhiều người: Tại sao Trung Quốc
lại tiến hành một hoạt động bất hợp pháp như thế trên vùng biển của Việt Nam
cũng như cản trở các hoạt động khai thác năng lượng hợp pháp của Malaysia tại
bãi Luconia khu vực Sarawwak? Thế nhưng, Tuyên bố sau cuộc Cuộc gặp giữa các Bộ
trưởng Quốc phòng ASEAN tại Bangkok gần đây thể hiện sự kiềm chế liên quan tới
vấn đề Biển Đông khi không nhắc đến việc Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa khu vực
tranh chấp.
Từ thực tế này, dư luận đặt ra câu hỏi: nếu Trung Quốc thành công trong
việc phổ biến luận điệu của mình về việc tình hình Biển Đông đang hoàn toàn hòa
bình và ổn định, nước này sẽ không vấp phải bất kỳ can thiệp nào từ phía bên
ngoài. Liệu rằng va chạm tại bãi Tư
Chính sẽ có khả năng đảo lộn ưu thế này của Bắc Kinh hay
không?
Để có thể hiểu hành động của Bắc Kinh cần quay lại tìm hiểu các vấn đề cốt
lõi nhất trong yêu sách mà nước này đưa ra.
Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam,
nhưng đồng thời cũng nằm trong đường yêu sách 9 đoạn do Trung Quốc tự vạch ra.
Rõ ràng, Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vào ngày 12/7/2016 với
nội dung vô hiệu hóa yêu sách đường 9 đoạn đã không hề có bất kỳ tác dụng nào
tới các tính toán của Trung Quốc về các bước đi trên Biển Đông.
Vì thế, không giống với nhiều bình luận trước đây về vấn đề này, va chạm
tại Bãi Tư Chính đã chỉ ra rằng chính sách của Trung Quốc không hề bị Phán
quyết tác động. Bắc Kinh vừa không công nhận vừa không tuân thủ Phán quyết của
Tòa Trọng tài Thường trực...
Lý lẽ của
Bắc Kinh
Trung Quốc vẫn duy trì lập luận rằng các hoạt động năng lượng mà các bên
yêu sách thực hiện trong phạm vi đường 9 đoạn - bao gồm bãi Tư Chính và Bãi cạn
Luconia- là bất hợp pháp bởi các khu vực này được coi là nằm trong vùng nước
tranh chấp, bất chấp nội dung của đường 9 đoạn đã bị vô hiệu hóa từ ba năm
trước.
Tuy nhiên, theo các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm
1982 (UNCLOS 1982) - bộ luật hình thành nên các nguyên tắc cơ bản của trật tự
luật pháp trên biển và đồng thời là văn kiện Bắc Kinh vẫn liên tục tuyên bố là
mình tuân thủ - các quốc gia ven biển như Việt Nam đang thực thi quyền chủ
quyền hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Nhưng cách thức diễn giải của Bắc Kinh đằng sau các động thái gần đây của
nước này sẽ luôn kèm theo nhân tố về bài học cho các bên liên quan - nhân tố
mang tính động lực đối với các động thái của Bắc Kinh - thậm chí đó là các động
thái sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nó sẽ vẫn được diễn giải là phản ứng
đối với sự kích động của các bên khác. Trong trường hợp này, Trung Quốc sẽ giải
thích hành động vi phạm của họ ở Bãi Tư Chính là "nhằm đáp lại các hoạt
động dầu khí của Việt Nam trong khu vực".
Thông điệp đằng sau hành động của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính không gì
ngoài sự mập mờ: Sẽ không ai theo đuổi các hoạt động khảo sát và khai thác
nguồn năng lượng tại các “vùng biển tranh chấp”, và bất chấp việc liệu Bắc Kinh
có tiến hành các hoạt động tương tự hay không.
Nói cách khác: Trung Quốc cho rằng, nếu họ không chạm vào các nguồn tài
nguyên này, các nước khác cũng không thể làm điều đó. Điều này đồng nghĩa với
cái gọi là “đảm bảo sự từ chối lẫn nhau” đối với quyền sử dụng các nguồn tài
nguyên.
Toan tính
của Bắc Kinh
Bắc Kinh có thể đã đánh giá một vài nhân tố có thể cho phép nước này mở
rộng việc sử dụng các hành vi áp đặt để đạt được mục tiêu trên Biển Đông. Nhân
tố đầu tiên sẽ là việc kích hoạt bộ phận thuộc các tiền đồn trên Trường Sa để
cung cấp cơ sở cho các hành vi cưỡng chế khác.
Nhân tố thứ hai là đánh giá của Trung Quốc về việc các nước Đông Nam Á sẽ
không cố gắng công khai hóa các hành vi cưỡng ép trên biển của họ do không muốn
“đâm đầu vào đá”, đặc biệt khi ASEAN và Bắc Kinh gần đây đã công nhận việc có
những tiến triển tích cực đối với Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đó còn
chưa kể đến việc hai bên đã đạt được một vài thành tựu mang tính biểu tượng về
mặt chính trị từ lễ khai mạc cuộc tập trận chung trên biển ASEAN - Trung Quốc
vào tháng 8 năm ngoái.
Cuối cùng, nếu có bất kỳ chuyện gì xảy ra, Trung Quốc tin rằng họ có lối
thoát rất đơn giản khi tái sử dụng kịch bản việc giải thích tất cả các hành
động của mình đơn thuần là phản ứng lại với các hành vi kích động, bao gồm việc
"buộc tội ngược" rằng các bên yêu sách khác mới là các bên làm phương
hại đến thiện chí của Trung Quốc trong tiến trình tìm kiếm hòa bình trên Biển
Đông.
Bắc Kinh có thể tự tin vào phán đoán của mình vào thời điểm các va chạm mới
nổ ra, khi mà các hành vi cưỡng chế đối với Malaysia ở dàn khoan Sapura
Esperanza tại Luconia chỉ được công khai qua mạng xã hội chứ không phải các
kênh truyền thông chính thống. Đồng
thời các trang báo trong nước cũng không hề đề cập tới các hành động này.
Nhưng thực tế trên đã thay
đổi với phát ngôn cứng rắn hơn từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam. Liệu điều này có
làm thay đổi các bước đi tiếp theo của Trung Quốc? Có thể không vì Bắc Kinh
dường như sẽ không rút các tàu của mình ra khỏi Bãi Tư Chính mà không tìm được
một cách thức phù hợp để giữ thể diện. Nhưng ít nhất điều này đã tạo thêm một
khó khăn về mặt chính trị đối với Trung Quốc. Nguy cơ xung đột sẽ ngày càng rõ
ràng với Bắc Kinh, buộc Trung Quốc sẽ phải thận trọng hơn.
Điều này cũng đồng nghĩa
với việc các tàu Trung Quốc có thể sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện tại Bãi Tư Chính,
nhưng sẽ có các chỉ đạo chính trị nhất định để ngăn cản bất kỳ hành động nào có
thể làm gia tăng căng thẳng. Cùng lúc đó, có thể kịch bản tương tự năm 2014 sẽ
lặp lại, các hoạt động ngoại giao đằng sau hậu trường, sẽ diễn ra sôi động.
(Còn tiếp)