Tổng thống Nga Vladimir Putin đang lắng nghe Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong cuộc gặp ở thành phố nghỉ mát Sochi bên bờ Biển Đen hồi năm 2018.
Trong chuyến thăm Nga năm 2018,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vàTổng và Nga Putin hội kiến. |
Đại sứ 21 nước châu Âu vừa viết một bài xã luận chung trong đó bày tỏ thất vọng với phiếu trắng của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, kêu gọi Hà Nội ‘sát cánh cùng Ukraine’ và vận dụng ảnh hưởng mà họ có với Nga để tác động đến Moscow.
Cuộc xâm lược của Nga, mà Moscow gọi là ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’, đã bước sang tuần lễ thứ ba trong lúc phương Tây đang tăng cường sức ép cấm vận lên Nga cũng như tìm cách cô lập Moscow trên trường quốc tế.
Mặc dù có đến 141 phiếu thuận trong tổng số 193 nước đã bỏ phiếu lên án cuộc xâm lược của Nga tại Đại hồi đồng Liên Hiệp Quốc hôm 2/3, Việt Nam là một trong 35 nước đã bỏ phiếu trắng.
‘Liên Xô tan rã từ lâu’
Các đại sứ châu Âu chỉ ra số phiếu thuận áp đảo này để cho thấy ‘mức độ đồng thuận toàn cầu’ trong việc lên án Nga, nhưng cũng chỉ ra ‘chỉ có hai nước ASEAN bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam’.
“Liên hợp quốc đã cùng lên tiếng vì sự tôn trọng các giá trị và nguyên tắc đã được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc,” bài xã luận đăng trên trang web của phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội hôm 8/3 khẳng định.
Một mặt, các nước châu Âu bày tỏ cảm thông quyết định của Việt Nam dựa trên lịch sử và mối quan hệ của nước này với Nga. Mặt khác, bài xã luận lập luận rằng lập trường không lên án cuộc xâm lược của Nga ‘là có hại’ cho Việt Nam.
“Chúng tôi hiểu mối quan hệ lịch sử quan trọng mà Việt Nam đã có với Liên Xô. Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam vào những thời điểm cần thiết trong khi các nước khác thì không,” các đại sứ châu Âu nhìn nhận nhưng đồng thời cũng nhắn nhủ Hà Nội rằng ‘Liên Xô đã tan rã từ lâu và chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới’.
Bài xã luận thừa nhận Việt Nam có những lợi ích riêng và quan điểm khác với châu Âu là ‘điều đương nhiên’, nhưng cũng nhắc Hà Nội cân nhắc lợi hại nếu như luật pháp quốc tế bị phá vỡ để một nước lớn bắt nạt và xâm lược nước láng giềng nhằm vẽ lại bản đồ, ngụ ý dường như so sánh tình thế Nga-Ukraine hiện nay với mối quan hệ nhạy cảm giữa Việt Nam và Trung Quốc.
“Việt Nam liệu có được lợi ích khi thế giới được cai trị bằng logic đó hơn là bằng luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình?” bài viết lập luận.
‘Tiếng nói mạnh mẽ với Nga’
Các vị đại sứ châu Âu liên hệ cuộc chiến ở Ukraine hiện nay với lịch sử chiến tranh đau thương của Việt Nam để cho rằng Việt Nam sẽ thấu hiểu tình cảnh người dân Ukraine cũng như biết được giá trị của việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
“Và chính vì những ký ức cay đắng của chiến tranh và bởi vì tất cả chúng ta đều coi trọng hòa bình thực sự, mà tất cả chúng ta nên sát cánh cùng người dân Ukraine và tuyệt đại đa số cộng đồng quốc tế, đồng thời kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột phi nghĩa này,” bài xã luận kêu gọi Hà Nội.
Bài xã luận nhắc đến tầm ảnh hưởng của Hà Nội đối với Nga vì ‘Việt Nam là một đất nước xinh đẹp mà du khách Nga rất thích đến, đồng thời Việt Nam cũng có mối quan hệ sâu rộng với Liên bang Nga’. “Chúng tôi biết rằng Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ với Nga,” các đại sứ khẳng định
Từ đó, đại sứ các nước châu Âu kêu gọi Việt Nam vận dụng ảnh hưởng của mình để hướng đến ‘một kết quả tích cực cho cả Nga và Ukraine’ – kết cục đó, theo phía châu Âu, là Nga ‘giảm leo thang và rút lui quân sự khỏi Ukraine’.
Ngoài 21 đại sứ các nước châu Âu tại Hà Nội, bao gồm Ailen, Anh, Áo, Ba Lan, Bỉ, Bulgaria, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hungary, Hy Lạp, Na Uy, Pháp, Phần Lan, Rumani, Séc, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ và Ý, bài xã luận còn có đại sứ Liên minh châu Âu đứng tên chung.
‘Chọn phe rõ ràng’
Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tiến Trung, một cựu tù nhân chính trị, nhận định với VOA rằng lá thư chung này cho thấy châu Âu thấy được vị thế quan trọng của Hà Nội đối với Moscow nên châu Âu muốn Hà Nội ‘có tác động đến Tổng thống Nga Vladimir Putin’.
Ông Trung bày tỏ hy vọng Hà Nội sẽ lắng nghe các đại sứ châu Âu để tiến đến ‘chọn phe rõ ràng’ là đứng về phía Ukraine vì đó là ‘lựa chọn đạo lý cũng như lựa chọn vì lợi ích dân tộc’.
“Ở đây phải có lập trường rõ ràng chứ không thể mập mờ hay nước đôi được,” ông Trung nói, ý nhắc đến phiếu trắng của Việt Nam. “Chúng ta phải bảo vệ người yếu, bảo vệ cái đúng thì sau này thế giới mới bảo vệ chúng ta được.”
Ông nói là người dân Việt Nam, khi nhìn thấy cuộc xâm lược của Putin đối với Ukraine, ông ‘nghĩ đến hoàn cảnh Việt Nam cũng giống Ukraine là ở cạnh một nước lớn mà hàng ngàn năm nay vẫn luôn xâm lược Việt Nam’.
“Lý do ông Putin biện minh cho hành động xâm lược Ukraine là dân Nga với dân Ukraine là một – đó là chủ nghĩa Đại Nga rất giống với chủ nghĩa Đại Hán của Trung Quốc,” ông phân tích và cho rằng đứng về phía Ukraine như lời kêu gọi của châu Âu là ‘phục vụ lợi ích cốt lõi của Việt Nam’.
“Về quyền lợi quốc gia dân tộc Việt Nam, vấn đề chủ quyền bị đe dọa nghiêm trọng nên tôi nghĩ trật tự quốc tế phải đảm bảo không có chuyện cá lớn nuốt cá bé, không có chuyện nước lớn xâm lược nước nhỏ là cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam,” ông Trung nói.
Ông đồng tình với lập luận các nước châu Âu là Hà Nội không nên viện đến quan hệ truyền thống với Liên Xô trước đây để biện minh cho lập trường hiện nay.
“Liên Xô và Nga là hai thực thể khác nhau. Ukraine cũng từng thuộc về Liên Xô vậy,” ông nói. “Không thể viện lẽ quan hệ truyền thống để chà đạp đạo lý và pháp lý được.”
Ông cho rằng Việt Nam ‘hoàn toàn có thể chấp nhận được thiệt hại’ nếu quan hệ với Nga xấu đi nhưng Hà Nội ‘có thể bù đắp bằng quan hệ thương mại, ngoại giao, quốc phòng với các nước khác’.
“Bản thân châu Âu cũng đã chấp nhận thiệt hại rất lớn để đảm bảo giữ vững luật pháp và trật tự quốc tế,” ông chỉ ra.
Trung gian hòa giải?
Cũng như ông Nguyễn Tiến Trung, ông Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến từ Hà Nội, nói với VOA rằng Hà Nội ủng hộ Ukraine và châu Âu là ‘hợp với đạo lý và lợi ích quốc gia về lâu dài’.
“Lẽ ra Việt Nam phải phản đối quyết liệt (cuộc xâm lược của Nga) cùng với cộng đồng quốc tế. Những tính toán ngắn hạn cũng có phần nào đấy nhưng xét về lâu dài thì không tốt cho Việt Nam,” ông A nhận định.
Ông cho rằng bài xã luận chung của các vị đại sứ châu Âu ‘dù lập luận rất chặt chẽ’ nhưng cũng sẽ ‘không hề khiến Việt Nam thay đổi lập trường’ mà nếu Hà Nội vì bị áp lực mà lên tiếng phản đối Nga cũng là không hay.
“Bản thân Việt Nam phải từ trong đáy lòng mình thấy sự bất công, thấy sự vi phạm quốc tế mà không lên án thì cái đấy mới đáng lo ngại,” ông phân tích.
Tuy nhiên, thay vì quay ngoắt lập trường sang lên án Nga, ông đề xuất các lãnh đạo Việt Nam, chẳng hạn như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, có thể nói chuyện trực tiếp với ông Putin để đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo lời ông thì nếu sát cánh với Ukraine như lời kêu gọi của các nước châu Âu thì Việt Nam ‘chắc chắn sẽ có hậu quả xấu trong quan hệ với Nga, chủ yếu là dầu khí và vũ khí’. Nhưng nếu không đứng về phía châu Âu và phương Tây thì ‘cái giá phải trả của Hà Nội mới đắt hơn nhiều’.
“Về mặt kinh tế, Việt Nam làm ăn với các nước phương Tây là chính,” ông A chỉ ra.
Ông nói ông đồng ý với bài xã luận là Việt Nam không viện đến những ‘ân tình sâu xa’ để xử lý vấn đề hiện nay trong quan hệ với Nga.
“Sự giúp đỡ của bất kỳ ai Việt Nam cũng đều phải ghi nhận nhưng đó là chuyện trong quá khứ. Nhưng người đã từng giúp mình bây giờ người ta làm bậy thì chẳng lẽ mình không nên nói,” ông đặt vấn đề và cho rằng Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trước đây ‘cũng chính vì lợi ích của chính Liên Xô mà thôi’.
“Ân tình sâu xa với Đảng Cộng sản Trung Quốc thế nào mà Trung Quốc vẫn xâm lấn Việt Nam? Còn thái độ của Nga và Putin hiện nay ủng hộ Trung Quốc như thế nào?” ông lập luận. -/-
11/03/2022