07 août 2014

Nhật tránh Trung Quốc: Cơ hội để Việt Nam "thoát Trung"

Nguồn: Theo Đất Việt

 Nguyên Thảo (thực hiện)

Về mặt công nghệ, Việt Nam cũng đã qua thời gian dài làm dễ dãi, công nghệ nhập nhiều từ Trung Quốc, thị trường phụ thuộc nhiều thị trường Trung Quốc. Khảo sát hiện nay cho thấy trình độ công nghệ của Việt Nam là thấp, công nghệ mới, công nghệ cao chỉ chiếm một vài %. Trung Quốc đã có xu hướng chuyển giao công nghệ lạc hậu và Việt Nam là địa bàn quan trọng tiếp nhận công nghệ thải loại, doanh nghiệp Việt Nam chỉ nhìn thấy lợi ích ngắn hạn… Việc nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cũng mở ra cơ hội để Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.


(Đất Việt) - Việt Nam nhập công nghệ nhiều từ Trung Quốc việc Nhật Bản tăng đầu tư vào Việt Nam mở ra cơ hội để Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào TQ.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu quan điểm về thông tin 30% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu, 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh.

Doanh nghiệp Nhật Bản lãi lớn ở Việt Nam

PV: - Tại một cuộc tiếp xúc mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đưa ra thông tin 30% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu, Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) khảo sát có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh. Ông bình luận như thế nào về thông tin này?

Ông Vũ Tiến Lộc: - Trước hết phải khẳng định phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam rất có hiệu quả. Tỷ lệ các doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam có lãi tương đương với tại các nước trên thế giới từ 60-70%.

Năm 2013-2014 đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc cũng như một số nước cũng giảm nguyên nhân vì nền kinh tế Nhật Bản đang trong quá trình phục hồi tương đối tốt với những chính sách của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Khi kinh tế phục hồi kinh tế đã mở ra những cơ hội đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp Nhật Bản ở chính Nhật Bản nhiều hơn, các doanh nghiệp Nhật Bản không có nhu cầu bức xúc về việc chuyển đầu tư ra nước ngoài như những năm trước đây.

Việc các nhà đầu tư của Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc sang nước khác, đáp ứng hai yêu cầu là tránh tình trạng bỏ trứng chung một giỏ trong đầu tư kinh doanh và thứ 2 là tránh được xu hướng tăng chi phí do giá nhân công tại Trung Quốc đang tăng cao, vì vậy những năm gần đây đã xuất hiện khái niệm Trung Quốc +1.

Với Việt Nam, đầu tư của Nhật năm 2014 thấp hơn so với năm 2013 vì năm 2013 riêng dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã vào khoảng 3 tỷ USD làm tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam rất cao. Trong 6 tháng đầu năm nay vì không có dự án lớn nên đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam thấp hơn so với năm ngoái, đang ở mức hơn 800 triệu USD.

Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã vào Việt Nam và hiện nay đầu tư của các doanh nghiệp lớn khi lựa chọn địa điểm đầu tư chọn Việt Nam với các nước khác trong khu vực trên cơ sở so sánh nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có xu hướng tăng cường đầu tư vào Việt Nam, có cơ hội cho làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào Việt Nam.

Hiện nay phải nói rằng những chi phí sản xuất của Nhật Bản đang trong xu hướng tăng cao, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đặc biệt doanh nghiệp khu vực vừa và nhỏ ở nông thôn đang trong tình trạng thiếu lao động, không có lao động kế tục vì lực lượng trẻ không muốn làm trong khu vực nông thôn, khu vực vừa và nhỏ mà muốn làm việc tại các doanh nghiệp lớn tại khu vực thành thị nên đang trong tình trạng thiếu hụt lao động khu vực vừa và nhỏ.

Chúng ta cũng dự báo dưới tác động của Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới Nhật Bản buộc phải mở cửa thị trường trong nhiều lĩnh vực do chi phí sản xuất cao, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục ở lại Nhật Bản sẽ giảm đi nên đang có xu hướng doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm địa chỉ đầu tư mới, vừa đảm bảo vấn đề giảm chi phí vừa đảm bảo vấn đề có nguồn lao động thích hợp.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản rất nhiều các doanh nghiệp nhỏ nhưng công nghệ hiện đại, có bí quyết nghề nghiệp, tham gia được vào chuỗi giá trị thế giới. Việc tiếp nhận thế hệ công nghệ và làn sóng doanh nghiệp vừa và nhỏ vào nền kinh tế Việt Nam có lợi cho cả 2 bên.

Việt Nam vẫn được coi là địa điểm đầu tư với chi phí thấp, có sự ổn định về chính trị, xã hội, có quan hệ hữu nghị tốt đẹp, tiềm năng về thị trường tương đối lớn. Cơ cấu lao động của Việt Nam Nhật Bản hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau vì Nhật Bản có cơ cấu lao động già. Bổ sung cho nhau về mặt công nghệ khi Nhật Bản cần sự chuyển giao công nghệ ra nước ngoài ở những khâu Nhật Bản không cần nắm giữ vì Nhật đang tập trung vào những mắt xích cao hơn của chuỗi giá trị. Sự dịch chuyển một số công nghệ của Nhật sang Việt Nam đặc biệt ở doanh nghiệp vừa và nhỏ là xu thế diễn ra mạnh mẽ trong khi các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản khâu nghiên cứu phát triển thị trường không vào theo thì các doanh nghiệp lớn chỉ là lắp ráp đơn thuần.

Giữa Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam còn có sự hợp tác về công nghiệp đặc biệt là 6 lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam là cơ hội cho nhà đầu tư kinh doanh Nhật Bản góp phần xây dựng chiến lược phát triển của Việt Nam và trong đó cũng lựa chọn nhiều ngành Nhật Bản có lợi thế có sức cạnh tranh có thể hợp tác với Việt Nam. Cụ thể là điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; môi trường và tiết kiệm năng lượng; đóng tàu; và ô tô.

Đặc biệt gần đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã đề cập đến việc phải tìm đối tác chiến lược để phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam. Tất nhiên phát triển phải kèm theo việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn có thể thành đối tác của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô và tôi cũng nghĩ Nhật Bản là đối tác thích hợp.

Sự hợp tác 2 bên xây dựng quan hệ đối tác trong những lĩnh vực này mở ra cơ hội lớn cho những doanh nghiệp lớn và nhỏ. Đặc biệt gần đây Nhật hợp tác với Việt Nam, phối hợp với Việt Nam xây dựng chương trình hành động công nghiệp hỗ trợ nên chúng ta hi vọng giai đoạn tới có làn sóng đầu tư của Nhật trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đặc biệt gắn liền với những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam.

Thời gian vừa qua ngoài đầu tư trực tiếp các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã đầu tư vào Việt Nam qua hình thức đầu tư gián tiếp, mua bán sáp nhập công ty tìm kiếm công ty kinh doanh trên lợi thế tiềm năng tham gia góp vốn.

Cũng phải nói thêm một điểm rất quan trọng là nhiều doanh nghiệp nhà nước trong số 432 doanh nghiệp phải cổ phần hoá đang nằm trong “tầm mắt” của các doanh nghiệp Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm tham gia đầu tư vào đây cũng là cơ hội. Cơ hội và xu hướng hiện nay cho thấy có triển vọng, cơ hội cho làn sóng đầu tư của Nhật vào Việt Nam.

Thoát khỏi sự phụ thuộc Trung Quốc

PV: - Tuy nhiên, trong một cuộc hội thảo về môi trường đầu tư ở Việt Nam, các chuyên gia đã chỉ ra rất nhiều điểm hạn chế: chính sách thiếu đồng bộ, tham nhũng, thuế cao… Vậy theo ông, điểm nào trong môi trường đầu tư ở Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Nhật Bản tới đầu tư, Việt Nam cần làm gì để cải thiện môi trường đầu tư?

Ông Vũ Tiến Lộc: - Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản rất lo ngại về thủ tục hành chính phức tạp, phiền hà, chi phí cho thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật chồng chéo thiếu minh bạch rõ ràng trở thành gánh nặng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khi các doanh nghiệp lớn họ có đủ mối quan hệ, cách để giải quyết.

Muốn đón nhận dòng vốn đầu tư lớn của Nhật Bản vào Việt Nam cần có sự cải thiện môi trường kinh doanh nói chung đặc biệt là việc cải thiện thủ tục hành chính để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì các doanh nghiệp này thường dễ tổn thương hơn. Họ cũng không đủ người để đi làm các thủ tục hành chính phức tạp, không sẵn sàng bỏ ra chi phí tương đối lớn để giải quyết. Hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ bày tỏ sự quan ngại về thủ tục hành chính như sự quan ngại quan trọng nhất.
 
Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao có tiềm năng hợp tác rất lớn giữa hai bên.
 
Giữa Việt Nam và Nhật Bản đang thực hiện một chương trình “Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản”, các nhà đầu tư Nhật Bản cùng Việt Nam góp ý tư vấn cho Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.

Hiện các địa phương đang làm nhiều khu công nghiệp hỗ trợ và tổ chức xúc tiến kêu gọi đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản cũng là tốt nhưng điểm quan trọng trong xúc tiến vừa qua là mình kêu gọi đầu tư nhưng cụ thể công nghiệp hỗ trợ trong ngành nào lại chưa xác định rõ. Làm công nghiệp hỗ trợ có thể bán đi các nước trên thế giới cũng là một cách nhưng vận động đầu tư trên cơ sở chiến lược công nghiệp hóa thường sẽ có lợi thế khi gắn vào chuỗi giá trị trong nước và dây truyền lắp ráp trong nước vào những ngành kinh tế Việt Nam có lợi thế, xoay quanh để vận động xúc tiến đầu tư không thể làm chung chung sẽ có nhiều thuận lợi và hiệu quả hơn.

Một mặt thu hút đầu tư nước ngoài, mặt khác hết sức quan trọng là thúc đẩy các nhà kinh doanh nội địa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài FDI.

Một điểm không thành công của chúng ta trong thời gian vừa rồi là FDI đầu tư vào Việt Nam hình thành ốc đảo, nhập toàn bộ từ nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm bìa catton, vỏ nhựa, không tham gia vào chuỗi giá trị này. Nên vấn đề quan trọng là có chính sách tốt như hỗ trợ thuế đất, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực để các doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ.

Khi quan sát có thể thấy hiệu quả lan tỏa và hiệu quả chuyển giao công nghệ cũng không có vì vậy phải có những quy định, ràng buộc rõ ràngmvà các hàng rào kỹ thuật được thiết lập hợp lý để góp phần làm kinh tế Việt Nam được nâng cao hơn về mặt công nghệ, từng bước vươn lên trong chuỗi giá trị, không thể dừng mãi ở khâu lắp ráp gia công vấn đề phải dịch chuyển dần lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.

PV: - Theo thông tin từ các tỉnh, doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư về nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Khả năng đáp ứng của Việt Nam (công nghệ, nhân công…) trong hai lĩnh vực này như thế nào? Liệu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội sự đầu tư này mà từng bước thúc đẩy sự phát triển các ngành này ở Việt Nam hay không hay vẫn là phương thức truyền thông gia công để xuất khẩu?

Ông Vũ Tiến Lộc: - Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao có tiềm năng hợp tác rất lớn giữa hai bên. Nhật bản có công nghệ cao và tài chính lớn đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam và các sản phẩm bán ra các nước TPP và thế giới cũng là lợi thế cho cả Việt Nam và Nhật Bản.
 

Hiện nay, nguồn lao động và tay nghề cao của Việt Nam cũng như mặt công nghệ còn hạn chế. Đối với lao động, nếu tiền lương tối thiểu tăng quá nhanh, quá mạnh không phù hợp với điều kiện thực tế cũng sẽ là cản trở vì hiện nay Việt Nam đang thu hút đầu tư bằng lao động rẻ nhưng bên cạnh đó cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng, đào tạo nghề cho người lao động, tính kỷ luật của người lao động cũng là vấn đề chúng ta phải quan tâm.

Về mặt công nghệ, Việt Nam cũng đã qua thời gian dài làm dễ dãi, công nghệ nhập nhiều từ Trung Quốc, thị trường phụ thuộc nhiều thị trường Trung Quốc. Khảo sát hiện nay cho thấy trình độ công nghệ của Việt Nam là thấp, công nghệ mới, công nghệ cao chỉ chiếm một vài %. Trung Quốc đã có xu hướng chuyển giao công nghệ lạc hậu và Việt Nam là địa bàn quan trọng tiếp nhận công nghệ thải loại, doanh nghiệp Việt Nam chỉ nhìn thấy lợi ích ngắn hạn… Việc nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cũng mở ra cơ hội để Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Lĩnh vực nông ngiệp và khai khoáng lâu nay chủ yếu xuất khẩu thô, dồn sang Trung Quốc vừa qua đã có những cảnh báo về sự ổn định, an toàn của thị trường Trung Quốc buộc chúng ta phải tính đến những phương án chế biến, khai thác sâu hơn để trữ được dài ngày, đạt vệ sinh an toàn cao hơn, bán được ở thị trường khó tính hơn và có hàm lượng giá trị cao hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
 

Nguyên Thảo (thực hiện)