Thành Luân (ghi)
(Đất Việt) - Một nền nông nghiệp đầu độc cả dân tộc một cách hợp pháp thì không có nước nào dám mua sản phẩm của nền nông nghiệp ấy.
PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tại TP.HCM nhận xét.
Hám lợi chụp giật thì chỉ có thể bán cho Trung Quốc!
Vụ việc chế biến chè bẩn tại một số tỉnh phía Bắc năm 2011 khiến ngành chè lao đao |
Việt Nam là một trong 5 nước sản xuất chè lớn nhất thế giới, tuy nhiên, giá xuất khẩu lại ở mức thấp nhất thế giới, thậm chí chè Việt Nam còn bị một số thị trường chê, trả lại hàng. Tình trạng của cây chè cũng giống như nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam như gạo, sắn, cao su... khi có một nền thương mại buôn chuyến, có gì bán nấy với giá rẻ.
Vụ việc chế biến chè bẩn tại một số tỉnh phía Bắc năm 2011 khiến ngành chè lao đao
Đây không phải là nghịch lý mà là điều đương nhiên bởi một nền nông nghiệp không được đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm là một nền nông nghiệp đầu độc cả dân tộc một cách hợp pháp thì không có nước nào dám mua sản phẩm của nền nông nghiệp ấy. Hàng ngày chúng ta đều buộc phải ăn chất độc.
Một nền nông nghiệp mà nông dân sản xuất một cách manh mún và tùy tiện, công nghiệp chế biến nông phẩm lạc hậu, doanh nghiệp làm ăn chộp giật, chỉ biết lợi ích trước mắt, không tạo dựng được liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thì tất nhiên điều đó phải xảy ra.
Còn nhớ 1, 2 năm trước, hàng loạt lô chè xuất khẩu sang châu Âu bị trả về do có hàm lượng hóa chất vượt quá mức quy định. Điều đáng nói các hợp chất này vẫn được Việt Nam cho phép sử dụng nhưng lại cấm bị sử dụng ở các nước châu Âu. Chính vì thế những sản phẩm như vậy chỉ có thể xuất sang Trung Quốc. Tình trạng này kéo dài nhiều năm khiến người nông dân và doanh nghiệp cũng trở nên lười thay đổi, do đó chất lượng và khối lượng nông phẩm không thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường các nước phát triển, buộc phải bán rẻ cho các thị trường dễ tính như Trung Quốc.
Có người từng hỏi, Bộ Nông nghiệp có thể đa dạng hóa thị trường để giảm xuất khẩu sang Trung Quốc được không? Câu trả lời có thể khẳng định là không, Việt Nam không thể xuất cho ai ngoài Trung Quốc với nền nông nghiệp hiện nay.
Ngành chè và nông dân Việt đã phải nhận nhiều "quả đắng" khi bị thương lái Trung Quốc chơi xấu. Đó là đầu những năm 2000, thương lái Trung Quốc đổ xô thu mua chè vàng nguyên liệu tại Việt Nam với giá quá cao rồi mang về Trung Quốc sản xuất chè vàng chính hiệu. Lợi nhuận trước mắt đã làm người trồng chè đổ xô đi hái chè không tuân theo kĩ thuật. Người dân còn trộn cả các loại chè khác không phải chè Shan Tuyết, bỏ lẫn tạp chất vào và thương lái Trung Quốc không thu mua.
Một bài học cay đắng khác là vào năm 2011 thương lái Trung Quốc cố tình thu gom chè bẩn khiến người dân đã trộn cả trộn phân lân, bột đá, bùn, chất thải làm ngành chè lao đao.
Đây không phải là hành vi thương mại bình thường mà là hành vi phá hoại mang tính chất lưu manh. Không phải tự dưng mà mấy thương lái Trung Quốc sang Việt Nam làm việc này, nếu không có chính quyền bảo lãnh họ chẳng dám làm.
Trong khi đó, cơ quan chức năng Việt Nam lại phản ứng quá yếu ớt. Thương lái Trung Quốc xúi nông dân Việt làm tầm bậy tầm bạ tại sao chính quyền Việt Nam không trừng trị theo luật pháp? Theo quy định của WTO, từ năm 2011, doanh nhân nước ngoài có quyền vào Việt Nam mua nông sản nhưng họ phải lập một pháp nhân có quốc tịch Việt Nam. Thương nhân Trung Quốc không lập pháp nhân mà họ đưa người len lỏi vào, thuê thương lái Việt Nam làm trung gian gom mua nên đã gây ra những hậu họa như nói ở trên.
Thương nhân bình thường không ai làm việc đó. Bởi điều đó không những không mang lại lợi nhuận mà còn gây bất an cho tính mạng của họ. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nông dân Việt Nam hám lợi, muốn kiếm tiền dù biết đó là tiền bẩn, tiền bất chính nên thương lái Trung Quốc mới có cơ hội làm bậy.
Phải có Nông dân lớn và Doanh nghiệp lớn
Nhiều người bảo nền kinh tế Việt Namn không muốn lệ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc thì phải xây dựng được thương hiệu. Muốn thế, nền nông nghệp phải thực hiện GlobalGAP. Khi đó, nông sản Việt Nam không cần bán cho thị trường Trung Quốc mà có thể bán thẳng cho thị trường EU, Nhật, Mỹ mang lại giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều.
PGS.TS Vũ Trọng Khải |
Doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản phải được áp dụng công nghệ cao. Doanh nghiệp phải đóng vai trò nhạc trưởng trong mối liên kết này, thể hiện qua việc: cung ứng giống xác nhận cho nông dân theo nhu cầu thị trường; hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình GlobalGAP hoặc ít nhất là VietGAP; có thể cung ứng vật tư hoặc làm trung gian để ngân hàng cho nông dân vay tiền mua vật tư. Cuối cùng là doanh nghiệp phải mua hết nông sản cho nông dân và có công nghệ chế biến hiện đại.
Như vậy doanh nghiệp sẽ có chất lượng và khối lượng nông sản đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường các nước phát triển như EU, Nhật Bản, Mỹ. Khi đó, doanh nghiệp mới chiếm lĩnh được những thị trường này và dần dần tạo dựng được thương hiệu của mình.
Mặt khác, Nhà nước phải có chính sách để khuyến khích phát triển liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp. Nhà nước phải có khung pháp lý để cho việc mua bán quyền sử dụng đất đai một cách thuận lợi. Đào tạo miễn phí cho thanh niên nông dân để họ trở thành những nông dân chuyên nghiệp, những “thanh nông tri điền” chứ không phải nông dân cha truyền con nối,“lão nông tri điền”.
Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ chế biến và bảo quản nông sản bằng việc tài trợ lãi suất khi họ đầu tư mua sắm các thiết bị công nghệ hiện đại và thực hiện liên kết với nông dân. Có thể giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vài ba năm đầu khi họ thực hiện mối liên kết với nông dân ở những vùng sản xuất hàng hóa theo quy hoạch của Nhà nước. Làm được điều này Việt Nam sẽ có hàng nông sản chất lượng cao và ổn định.
Chọn mua rẻ, bán rẻ:Việt Nam chủ động phụ thuộc Trung Quốc?