08 août 2014

Sự thật về Sự thật rẻ tiền

Phạm Thị Hoài/ pro&contra
Nhà văn Phạm Thị Hoài
1.
 
Đầu tiên là một bài đăng ngày 25/7/2014 trên Die Allgemeine Morgenpost Rundschau, một trong hàng triệu hay hàng chục triệu trang cá nhân ở Đức: “Phi công Ukraine thú nhận bắn rơi MH17“. Chủ nhân trang này ghi rõ: “Die Allgemeine Morgenpost Rundschau là một trang châm biếm. Tất cả những nội dung mà bạn đọc được ở đây đều hoàn toàn là hư cấu và đôi khi thậm chí là bịa trắng trợn. 


Trong trường hợp có bài này hay bài khác kéo theo nguy cơ nhầm với hiện thực thì xin đừng ghè đầu chúng tôi, mà hãy ghè đầu hiện thực.” Song khó mà có nguy cơ nhầm. Phương châm “Liêm chính và bán mình, phiến diện và độc lập, công bằng và cơ hội” ghi ngay trên đầu trang, cùng những cái tít kiểu “tin khó tin” như “Mỹ không thể trưng bày bằng chứng vì Colin Powell còn đi nghỉ“… báo hiệu hơi quá rõ rằng chúng tôi đang đùa, bạn chuẩn bị cười dần đi là vừa. Mẫu mực của những trang trào phúng như vậy, trang Củ hành của Mỹ, vẫn là đỉnh cao chưa ai vượt qua.


Nhưng khi ồ ạt đăng cái tin “phi công Ukraine thú nhận bắn rơi MH17″ ấy thì truyền thông Việt Nam – không chỉ những tờ lá cải mà cả hàng loạt cơ quan truyền thông chính thức, từ  Đài Tiếng nói Việt Nam đến báo Công an, thậm chí cả tờ Tuổi Trẻ – lại trưng ra một nguồn tin khác, được gọi là “tờ báo Đức” mang tên Wahrheit für Deutschland (Sự thật cho nước Đức). Đã chọn một cái tên như thế thì chủ nhân trang ấy dĩ nhiên không biết đùa, ông ta đăng uỵch cái “tin khó tin” kia lên như một sự thật sâu sắc. Rồi đến lượt những tờ báo Nga của Putin khuếch trương sự thật ấy. Truyền thông Việt Nam hồ hởi ăn theo. Cho đến tận bây giờ, trừ tờ Tuổi Trẻ đã lẳng lặng rút bài nhưng để lại dấu vết trên đường link, câu chuyện có phần củ chuối thay vì củ hành này vẫn hiện diện nguyên vẹn trên rất nhiều trang báo trong nước, như một sự thật. Một sự thật rẻ tiền.
2.
Một tờ báo khác, cũng mang tên Sự thật, tờ Комсомольская правда (Sự thật Komsomol), sáu năm trước đã thực hiện một đoạn phim phóng sự về một cựu chuyên gia Liên Xô ở Việt Nam, ông Yury Trushyekin, người cho biết rằng mình đã đích thân bắn rơi máy bay của viên phi công Mỹ John McCain ngày 26/10/1967, nay đang sống nghèo khổ và bị lãng quên. Tin này cũng được Hãng Thông tấn Nga RIA Novosti loan tải. Nhân vụ ông Phạm Quang Nghị mang “quà độc” sang Mỹ tặng ông Thượng Nghị sĩ John McCain, một bài viết trên trang Dân Làm Báo, được nhiều website tiếng Việt ở hải ngoại chia sẻ, lại dẫn tin này để đưa ra những kết luận rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam bị bẽ mặt vì cố tình giấu diếm việc Liên Xô Trung Quốc trực tiếp tham gia chiến tranh, nay bị chính các nước này nói thẳng toẹt ra sự thật đó; vậy là Đảng nói láo; Quân đội Nhân dân Việt Nam kém cỏi, phải nhờ đến ngoại bang Liên Xô Trung Quốc mới thắng, vì thế phải mang ơn mà dâng đất, dâng biển đảo cho ngoại bang.
Sự thật Komsomol tránh được số phận của tờ báo Đảng Sự thật (Правда), bắt đầu chuyển sang hướng lá cải từ thời hậu Xô-viết và trở thành tờ báo rẻ tiền kinh hoàng và nhiều thế lực nhất ở nước Nga dưới thời Putin, từ lâu do đồng chí Vladimir Sungorkin phụ trách, người vừa được vị Tổng thống này thưởng Huân chương Tổ quốc vì những đóng góp xuất sắc trong Chiến dịch sáp nhập Krym. Cá nhân tôi sẽ xấu hổ nếu phải dẫn tờ báo này ra làm nguồn tin. Báo chí rẻ tiền thường lòi đẳng cấp của mình ngay trong những tiểu tiết. Theo tờ báo ấy, ông cựu sĩ quan Xô-viết bắn rơi chiếc F-4 Con Ma. Nhưng máy bay của “tên Jchn Sney Macan” mà chúng ta rất biết lại là Chim Ưng A-4. Tấm huy chương “Đoàn kết chiến thắng giặc Mỹ” đề tên ông là có thật, nhưng hàng trăm cựu chuyên gia Liên Xô từng giúp Hà Nội trong chiến tranh cũng có, họ có thể bắn rơi Jchn Sney Macan hàng trăm lần. Tìm ông Yury Trushyekin trên mạng, tôi có được vỏn vẹn 59 kết quả, trong đó 90 % từ các trang tiếng Việt.
Vì sao một phóng sự cẩu thả trên một tờ báo lá cải, chiếc loa tuyên truyền khổng lồ của một hệ thống chính trị càng ngày càng xích lại gần quá khứ Xô-viết chuyên chế, lại được một tờ báo tiếng Việt ở hải ngoại đang phấn đấu chống một chế độ cũng chuyên chế, cũng đầy gắn bó với Liên Xô, nghiễm nhiên coi là sự thật? Chiến tranh thông tin trên thế giới ngày nay đang khiến cả những cơ quan truyền thông uy tín ở phương Tây có nguy cơ sa bẫy tuyên truyền, song dù thế nào tôi vẫn có đủ lí do để tin BBC hơn truyền thông Nga. Ở đâu các nhà báo dám đương đầu với quyền lực cũng gặp rắc rối, song ở Nga họ bị bỏ tù, đầu độc hay ám sát là chuyện bình thường. Vâng, ở Nga, cách đây vài ngày, blogger độc lập Timur Kuashev chỉ còn là một cái xác bị quẳng trong rừng. Mới đầu tháng Sáu vừa rồi, hãng truyền hình Nga LifeNews, rất thân thiết với Putin, đăng tin quân Kiev ném bom phốt-pho xuống làng Semenovka, song đoạn video làm bằng chứng lại nguyên là của CNN trong Chiến tranh Iraq từ năm 2004, như trang stopfake.org của một nhóm nhà báo Ukraine, mới ra đời từ tháng Ba năm nay, chỉ rõ. Cảnh một vụ tai nạn đường sắt ở Quebec City, Canada, thì bị truyền thông Nga giả mạo thành hình ảnh thành phố Sloviansk của quân li khai chìm trong khói lửa. RIA Novosti thì lấy ngay bức hình một người Hồi giáo bị lính Nga hành hình trong chiến tranh Chechnya để biến hóa thành một trong 300 nạn nhân bị “mổ bụng moi gan” tại Ukraine những ngày này… Vụ “phi công Ukraine thú nhận bắn rơi MH17″ kể trên dĩ nhiên cũng nằm trong bộ sưu tập của stopfake.
Trở lại với bài viết trên trang Dân Làm Báo: Ngay cả khi cái phóng sự rẻ tiền nói trên có cho biết sự thật thì tôi vẫn không hiểu, từ một ông Liên Xô bắn rơi máy bay Mỹ làm cách nào có thể suy ra chuyện Đảng Cộng sản Việt Nam “dâng đất, dâng biển cho ngoại bang”. Liên Xô hình như không phải là Trung Quốc. Last but not least, hàng năm cứ đến ngày 5/8, ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân và Bộ đội Phòng không Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Nga đều tổ chức gặp mặt những cựu chuyên gia Liên Xô từng chung chiến hào chống Mỹ, trong tinh thầnVũ khí của Nga vẫn bảo vệ bầu trời Việt Nam“. Những hình ảnh còn nóng sốt của kỉ niệm tròn 50 năm vài hôm trước có đầy trên mạng, song thú vị nhất có lẽ qua ống kính của nhà báo Nga Vitaliy Ragulin.
 Ngắm những cụ ông cụ bà cựu công dân Liên Xô, ngực nặng huân huy chương ngồi nghe kể chuyện ngày xưa đánh giặc ở một xứ sở lạ hoắc, thưởng thức văn nghệ cây nhà lá vườn từ một sinh viên Việt Nam để kiểu tóc kết hợp giữa Kim Chính Ân và Kim Chính Nhật, ngoan ngoãn xếp hàng ăn buffet lèo tèo vài món cơm rang nem rán, rồi đứng nghiêm chụp hình lưu niệm để sang năm lại như thế, tôi chỉ thấy một cảnh thác ngộ thời đại, nửa gợi thương cảm, nửa gây cười. Không có gì chứng tỏ phía Việt Nam muốn giấu diếm hay thậm chí chối bỏ công lao của các bạn Xô-viết.