HỘI ĐỒNG LIÊN TÔN VIỆT NAM
THƯ CẢM ƠN VÀ KIẾN NGHỊ
gởi đến Tiến sĩ
Heiner Bielefeldt,
Báo cáo viên Đặc biệt của Liên
Hợp Quốc về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng
Kính gởi:
- Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên Đặc biệt
của Liên Hợp Quốc.
Đồng kính gởi:
- Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
- Chức sắc và tín đồ các Tôn giáo tại Việt Nam.
Kính thưa Ngài Tiến sĩ
Kể từ khi vị tiền nhiệm của Ngài, ông Abdelfattah Amor đến thăm Việt Nam vào năm
1998 với không mấy tiếng vang,
nay đất nước chúng tôi lại được đón tiếp Ngài -với tất cả sự quan tâm của công
luận- trong tư cách Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín
ngưỡng.
Nhà cầm quyền Hà Nội đã mời Ngài đến
vì Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc và đang phải
trả lời các khuyến nghị của cuộc Kiểm điểm định kỳ về Nhân quyền. Nhưng nhân
dân Việt Nam, đặc biệt là các tín đồ, mong chờ Ngài đến để tai nghe mắt thấy
tại chỗ, viếng thăm gặp gỡ trực tiếp các chứng nhân đích thực về tự do tôn
giáo, ngõ hầu Ngài cũng sẽ trở thành một chứng nhân trước Hội đồng Nhân quyền
Liên Hiệp Quốc.
1-
Hiệp thông đồng cảm
Trước hết, chúng tôi, các chức sắc
ký tên dưới đây, xin bày tỏ lòng hiệp thông đồng cảm với những khó khăn trắc
trở mà Ngài đã gặp phải trong chuyến đi đến VN, ngay từ ngày đầu tiên ở Hà Nội,
dù nhà cầm quyền đã cam kết tuân giữ các quy định về việc viếng thăm và làm
việc tại thực địa của Báo cáo viên LHQ. Việc tiếp xúc một cách bí mật và không bị giám sát của Ngài với các nhân chứng và nguồn tin riêng đã nhiều lần chẳng được tôn trọng. Nhiều
người Ngài muốn gặp gỡ lại bị thô bạo ngăn chận, còn một số người đã tiếp xúc chính thức hoặc riêng tư với Ngài thì đã bị chất
vấn, theo dõi, hăm dọa sau đó. Vài buổi gặp gỡ của Ngài với các đại diện tôn giáo
đã diễn ra trong tình trạng căng thẳng, vì có công an bao vây dày đặc bên ngoài.
Đáng tiếc và đáng phẫn nộ nhất là 3
ngày cuối cùng, dự định đi thăm
An Giang, Gia Lai và Kon Tum của Ngài lẫn tùy tùng đã bị gián đoạn, khiến Ngài
phải thốt lên: “Đây là một hành động vi phạm rõ
rệt thẩm quyền điều tra của đặc phái viên LHQ trong chuyến đi thăm bất cứ quốc
gia nào.”
Trong một đất nước dưới chế độ Cộng
sản độc tài với công an hoàn toàn nằm trong tay của đảng, chỉ biết đảng chứ
không biết dân, thì các sự kiện đáng buồn trên đây chẳng phải là do “hiểu lầm” từ
phía công an như Bộ ngoại giao VN tuyên bố để tự bào chữa.
2-
Chân thành cảm ơn
Chúng tôi chân thành cảm ơn Ngài đã
bay qua nửa vòng trái đất để đến thăm đất nước chúng tôi, và rồi còn lặn lội tới
các vùng sâu vùng xa, bất chấp những quấy rối và đe dọa (như nguy hiểm do Fulro…
mà thực ra do công an mật vụ) để gặp cho được các cộng đoàn tôn giáo mà Ngài đã
được báo cáo là đang gặp khó khăn trong niềm tin của họ. Cảm ơn Ngài đã đến
thăm đồng bào H’Mông theo đạo Dương Văn Mình mà mới đây 5 thành viên của họ đã
bị án tù bất công; cảm ơn Ngài đã muốn đến thăm -nhưng bất thành- phu nhân của
mục sư Nguyễn Công Chính vốn đang lãnh một bản án hết sức nặng nề dù vô tội; cảm
ơn Ngài đã muốn đến thăm -song bất lực- một trong những cộng đoàn tôn giáo bị
bách hại nặng nề nhất Việt Nam là Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tại An
Giang; cảm ơn Ngài đã đến viếng thăm cộng đoàn Cao Đài tại Vĩnh Long (một trong
những cuộc gặp gỡ hiếm hoi có đông người), nơi đó Ngài đã nghe bao sự kiện đau
thương và thấy bao tín đồ can đảm; cảm ơn Ngài đã đến viếng thăm Hội đồng Liên
tôn chúng tôi tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, tiếc rằng chúng tôi không đủ mặt
vì bị ngăn chận.
Chúng tôi đặc biệt cảm ơn Ngài đã
đưa ra một Tuyên bố dài (và rồi đây sẽ là một Báo cáo dài hơn nữa) về tình
trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam, với những đánh giá tổng quát -mà chúng tôi
rất tâm đắc- liên quan đến biện pháp luật lệ và thái độ hành xử của nhà cầm
quyền đối với tôn giáo: (1) Thái độ nhìn chung là
tiêu cực và tùy tiện đối với các quyền của các nhóm thiểu số và cá nhân thực
hành tôn giáo ngoài các kênh chính thức đã được thiết lập; (2) Việc thường xuyên viện dẫn một cách thiếu cụ thể về “lợi ích của đa số”
hoặc lợi ích của “trật tự xã hội”; (3) Các điều khoản hạn chế
quá rộng về nhân quyền nói chung và quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng nói
riêng; (4) Cách trình bày không rõ ràng trong Bộ luật Hình sự,
cụ thể là Điều 258 liên quan đến việc “lạm dụng” tự do dân chủ; (5) Hệ thống tư pháp chưa có cơ chế truy đòi khắc phục pháp lý đủ hiệu quả mà
người dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng, v.v…
Xin cảm ơn Ngài đã vạch
mặt chỉ tên cái biện pháp đàn áp tôn giáo đầu tiên và cơ bản nhất là việc đăng
ký (nghĩa là xin phép, điều 16 của Pháp lệnh Tôn giáo và tín ngưỡng), theo
đó các tổ chức tôn giáo cần phải đáp ứng
một số tiêu chí để được pháp luật công
nhận bản chất và cho phép hoạt động. Đây là kiểu đưa các giáo hội vào trong sự
kiểm soát chặt chẽ của nhà cầm quyền để dễ bề công cụ hóa họ. Thế nhưng Ngài đã xác định: “Việc thực thi quyền con
người đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, bởi cá nhân và/hoặc trong một cộng
đồng với những người khác, không thể diễn ra phụ thuộc vào bất kỳ hành vi công
nhận hay phê duyệt hành chính cụ thể nào. Là một quyền phổ quát, tự do tôn giáo
hay tín ngưỡng vốn có trong tất cả con người và vì thế có vị thế quy chuẩn cao
hơn bất kỳ một hành vi hay thủ tục hành chính nào… Như vậy, quyền của một cá nhân hay một nhóm đối với tự
do tôn giáo hay tín ngưỡng của họ không bao giờ có thể “được tạo ra” bằng bất
kỳ thủ tục hành chính nào cả”.
Xin cảm ơn Ngài đã tỏ ra
thông hiểu tình trạng các cộng đồng tôn giáo độc lập. Ngài đã rất chí lý khi
cho rằng “điều kiện hoạt động của các cộng đồng tôn giáo độc lập là phép thử để đánh giá sự phát triển quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở VN” cũng như khi nhận xét rằng: “Theo tình hình hiện nay,
khả năng để họ hoạt động như các cộng đồng độc lập rất không an toàn và rất hạn
chế; điều này rõ ràng là một vi phạm đối với Điều 18 của Công ước Quốc tế về
Quyền Dân sự và Chính trị mà VN là một quốc gia thành
viên”. Họ hoạt động trong sự mất an toàn và trong cảnh bị
hạn chế thường xuyên chính vì họ muốn bảo tồn truyền thống, bảo vệ bản chất và
bảo toàn sứ mạng tôn giáo của mình trong một xã hội bị thống trị bởi một chế độ
vô thần đấu tranh, một nhà nước độc tài toàn trị. Chế độ và nhà nước này chỉ
muốn công cụ hóa mọi thực thể và mọi thực lực tại VN để duy trì quyền lực của
họ lâu dài. Chính vì thế họ đã lập ra Mặt trận Tổ quốc để nhốt vào đó những
cộng đoàn hay tổ chức tôn giáo chịu lụy phục họ để an thân mà sinh hoạt (chứ
không phải vì “các giá trị tôn giáo và lợi ích Nhà nước trùng nhau”). Cho nên tuy là thiểu số -do đó luôn bị
sách nhiễu, cấm cản, bách hại, cầm tù- các cộng đồng tôn giáo độc lập mới là
bằng chứng thực sự của việc có hay không tự do tôn giáo ở VN. Cho rằng một số cá nhân (chức sắc hay tín đồ trong các cộng đồng độc
lập này) có “quan điểm riêng” là do tham vọng ích kỷ, có vấn đề đạo đức, đi ngược “lợi ích đa số”, thành thử không đáng được lưu tâm, lối lập luận đó là sự vu cáo thô bỉ
giáng xuống những con người đang đau khổ vì niềm xác tín tôn giáo và sự dấn
thân cho công lý của họ.
3-
Tha thiết kiến nghị
Tuy nhiên, vì Ngài có nói: “Để phân tích một cách toàn diện về các trường hợp
cụ thể, cần có nhiều thông tin hơn nữa để có một bức tranh đầy đủ về các sự
kiện thực tế liên quan và được nhìn từ góc độ của tất cả các bên liên quan”, chúng tôi có vài kiến nghị và minh định:
a- Sau khi nói đến vấn đề đăng ký, Ngài đã tỏ ra quan ngại liệu các cộng đồng tôn giáo không đăng ký được có tư cách pháp nhân chăng. Xin
thưa Ngài rằng: dù có một số cộng đồng tôn giáo đã đăng ký và được nhà nước cho
phép hoạt động, nhưng thực tế, chưa có một tôn giáo và tổ chức tôn giáo nào tại
VN có tư cách pháp nhân cả! Điều này, chính ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng
Ban Tôn giáo Chính phủ, đã phát biểu ngày 3-12-2013: “Hiện nay, vấn đề “thể nhân” và “pháp nhân” của các tổ
chức tôn giáo chưa rõ ràng. Các tổ chức tôn giáo được công nhận, được đăng ký
hoạt động, song lại không có quyền pháp nhân, như các hội đoàn, các tổ chức phi
chính phủ…”. (http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2013/24790/
Tiep-tuc-doi-moi-cong-tac-ton-giao-dap-ung-yeu-cau.aspx). Đây là một sự cố
ý trì hoãn của nhà cầm quyền để gây khó khăn cho các giáo hội, nhất là các cộng
đồng tôn giáo độc lập, ngõ hầu giữ họ trong cơ chế xin-cho đầy trói buộc và
trong tình trạng sống cầm chừng bất phát triển.
b- Ngài cho
biết “có nhiều mâu thuẫn về
đất đai đã được thông tin đến tôi. Một số mâu thuẫn có vẻ
có liên quan đến khía cạnh tự do tôn giáo, ví dụ như khi mảnh đất trước kia đã
được dùng cho nghĩa địa tôn giáo hay các nhà thờ tự đã bị lấy đi để phục vụ
phát triển kinh tế”. Đáp lại, đại diện của nhà nước công nhận rằng ở Việt Nam có mâu thuẫn đất đai như ở
nhiều nước khác.
Xin thưa Ngài rằng
đúng là như ở nhiều nước khác, tại VN có mâu thuẫn đất đai liên quan đến tôn
giáo. Nhưng ở các nước khác, mâu thuẫn đất đai đó xảy ra giữa một cộng đồng hay
tổ chức tôn giáo với một cộng đồng, tổ chức hay cá nhân nào đó, hoặc thậm chí
với một cơ quan nhà nước. Và đó là một tranh chấp dân sự. Song tại Việt Nam,
đất đai không thuộc quyền sở hữu của cá nhân hay tập thể (vốn chỉ có quyền sử
dụng) mà thuộc quyền sở hữu của nhà nước, như Hiến pháp 2013 điều 51 đã minh
định: “Đất đai, tài nguyên
nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên
nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở
hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Quy
định quái gở và bất công này giúp củng cố lâu dài quyền lực của đảng và nhà cầm
quyền Cộng sản. Thành ra những cuộc tranh chấp đất đai mà các cộng đoàn tôn
giáo tại VN gặp phải kể từ năm 1954 -lúc CS bắt đầu nắm quyền- do việc nhà cầm
quyền trung ương hay địa phương tước đoạt bất động sản và ruộng vườn của họ,
những tranh chấp mâu thuẫn đó còn mang tính chất chính trị nữa. Thành thử tự do
tôn giáo đi liền với việc các giáo hội và tổ chức giáo hội phải có quyền tư hữu
đất đai.
c-
Ngoài ra, bên cạnh việc xây dựng cơ sở thờ phượng và cơ sở hoạt động, việc tổ
chức lễ hội và tổ chức huấn luyện, việc chức sắc hay tín đồ ra ngoại quốc vì
chuyện tôn giáo (3 việc này thực ra chỉ được ban cho các cộng đoàn và cá nhân
không có vấn đề với chế độ), chúng tôi nghĩ rằng tự do tôn giáo tại VN còn bao
hàm nhiều yếu tố sâu xa và căn bản hơn, dựa trên Điều 18 và 19 Công ước về các Quyền Dân sự
và Chính trị: “Mọi người đều
có quyền tự do tư tưởng,
tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền
này bao gồm tự do có hoặc
theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng
do mình lựa chọn, và tự
do bày tỏ tín ngưỡng hoặc
tôn giáo một mình hoặc
trong cộng đồng với
những người khác, công khai hoặc
kín đáo, dưới các hình thức
như thờ cúng, cầu nguyện, thực
hành và truyền giảng”. Do đó chúng tôi đòi hỏi các quyền
đang bị nhà cầm quyền tước đoạt sau đây:
- Các tôn giáo phải được tham gia
vào việc giáo dục học đường và giáo dục quần chúng, để đem tinh thần nhân bản
và giá trị đạo đức vào lương tâm con người, bầu khí xã hội, nhất là trong hoàn
cảnh VN đang bị băng hoại vì ý thức hệ vô thần Mác-xít vốn dìm cả xã hội trong
gian dối và bạo lực, ích kỷ và đàn áp.
- Các tôn giáo phải có quyền mở
trường học đủ mọi cấp, từ mẫu giáo đến đại học (như đã có tại miền Nam trước
năm 1975, trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa). Các tôn giáo phải có quyền sở hữu
nhà xuất bản riêng, cơ quan báo chí riêng, đài phát thanh và đài truyền hình riêng
(như đã có trước năm 1975 và như mọi tôn giáo đang có tại các quốc gia văn minh
dân chủ).
- Các học viện tôn giáo phải được
độc lập trong tổ chức và tự do trong sinh hoạt, toàn quyền quyết định nhân sự
giảng dạy và nội dung giảng dạy. Phải chấm dứt tình trạng chương trình đào tạo còn bao gồm các môn học về
lịch sử và luật pháp Việt Nam cũng
như chủ nghĩa Mác-Lênin, với giáo khoa và giáo viên do nhà cầm quyền cung cấp. Đây là kiểu trộn thuốc độc vào thức ăn và
nhất là một hình thức theo dõi, kiểm soát các lãnh đạo tôn giáo tương lai.
Đấy là những minh định và kiến nghị
chúng tôi trình lên Ngài, ngõ hầu Ngài có thêm thông tin để làm một bản báo cáo
đầy đủ cho Hội đồng Nhân quyền LHQ, một bản báo cáo có sức mạnh kiến tạo một
nền tự do tôn giáo đích thực trên quê hương chúng tôi.
Chúng tôi chân thành cảm ơn Ngài và
kính chúc Ngài hoàn thành nhiệm vụ cao quý.
Làm
tại Việt Nam ngày 9 tháng 8 năm 2014
Hội
đồng Liên tôn Việt Nam:
- Cụ Lê Quang Liêm, Hội trưởng PGHH (đt: 0199.243.2593).
- Hòa thượng Thích Không
Tánh, Phật Giáo (đt: 0165.6789.881)
- Thượng tọa Thích Viên Hỷ,
Phật Giáo (đt: 0937.777.312).
- Linh mục Phêrô Phan
Văn Lợi, Công Giáo (đt: 0984.236.371)
- Linh mục Giuse Đinh
Hữu Thoại, Công Giáo (đt: 0935.569.205)
- Linh mục Antôn Lê
Ngọc Thanh, Công Giáo (đt: 0993.598.820)
- Chánh trị sự Hứa Phi, Cao Đài (đt: 0163.3273.240)
- Chánh trị sự Nguyễn
Kim Lân, Cao Đài (đt: 0988.971.117)
- Chánh trị sự Nguyễn
Bạch Phụng, Cao Đài (đt: 0988.477.719)
- Mục sư Nguyễn Hoàng
Hoa, Tin Lành (đt: 0949.275.827)
- Mục sư Nguyễn Mạnh
Hùng, Tin Lành (đt: 0906.342.908)
- Mục sư Lê Quang Du, Tin Lành (đt: 0121.2002.001)
- Mục sư Nguyễn Trung
Tôn, Tin Lành (đt: 0162.838.7716)
- Mục sư Đinh Thanh Trường, Tin
Lành (đt: 01202352348)
- Mục sư Đinh Uy, Tin Lành (đt:
01635847464)
- Ông Phan Tấn Hòa, PGHH (đt: 0162.630.1082)
- Ông Tống Văn Chính, PGHH (đt: 0163.574.5430)