10 août 2014

Vietnam Airlines xin trợ cấp: Chuyện cứ như đùa!


Nguồn: Theo GDVN

 

Những tưởng việc xin trợ cấp chỉ có vào thời kỳ trước Đổi mới 1986, thế nhưng lối làm ăn, tư duy của Vietnam Airlines cũng như ngay cả một số cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang tồn tại cơ chế xin – cho. Tồn tại nghịch lý là doanh nghiệp nhà nước quản lý kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ lại xin thưởng còn những doanh nghiệp tư nhân “con nuôi", làm ăn có hiệu quả thì không được thưởng.




(GDVN) - Theo TS Trần Đình Bá, việc “ông lớn" Vietnam Airlines ngửa tay xin ưu đãi lúc này là "cực kỳ khôi hài và nghịch cảnh"...

 
LTS: Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy, lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ đạt 100 tỉ đồng trong tổng doanh thu 28.000 tỉ đồng nhưng Vietnam Airlines khiến dư luận bất ngờ khi đề xuất xin ưu đãi đặc biệt từ Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Gửi bài viết đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam phân tích về câu chuyện có vẻ "ngược đời" trên của Vietnam Airlines, TS Trần Đình Bá – Hội Khoa học kinh tế Việt Nam ví von: "Đứa trẻ học bài, làm bài tốt được 10 điểm thì mới dám mở lời xin bố mẹ  thưởng cái này cái kia, nhưng nếu bị điểm kém thì sợ “ăn” đòn nên lặng thinh để cố gắng. Một doanh nghiệp nếu muốn xin ưu đãi thì trước hết phải cho thấy rằng anh đáng được thưởng bằng thể hiện rõ ở kết quả tài chính tốt và rõ ràng. Thế nhưng “ông lớn" Vietnam Airlines lại ngửa tay xin ưu đãi lúc này thì "cực kỳ khôi hài và nghịch cảnh".  

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu tới độc giả bài viết thể hiện quan điểm của TS Trần Đình Bá dưới đây:

Đang lãi bỗng dưng... trợ cấp!

Vui chưa tầy gang: Từng dự kiến sẽ lỗ 160 tỷ đồng do tần suất khai thác trên đường bay tới Trung Quốc bị giảm sút nghiêm trọng, tuy nhiên kết quả sản xuất kinh doanh Vietnam Airlines vừa công bố cho thấy hãng này vẫn thu về khoản lợi nhuận trước thuế là 82,3 tỷ đồng thì nay lại bỗng dưng “vòi trợ cấp"!

Nguồn tin chính thống từ một lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết: “Vụ giàn khoan 981 trong tháng 5, tháng 6 làm chúng tôi lỗ mất gần 700 tỉ đồng, do vậy 6 tháng đầu năm chúng tôi chỉ lãi 100 tỉ đồng trước thuế. Hai tháng thôi mà nó làm mất gần hết thành quả của 4 tháng trước".

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn của doanh nghiệp hàng không Việt Nam do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến phức tạp trên biển Đông, đồng thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ.
 
 
Vietnam Airlines xin cơ chế ưu đãi như thời bao cấp (ảnh minh họa).
 
Báo cáo nêu rõ, sau các vụ bạo động tại Bình Dương, Vũng Áng từ sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981, khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm mạnh... Vietnam Airlines chịu ảnh hưởng nặng nhất khi mất đến hơn 2.880 tỉ đồng doanh thu, hệ số sử dụng ghế giảm một nửa so với các chuyến bay thông thường, các đối tác thuê chuyến cũng hủy hàng loạt chuyến bay trong giai đoạn hết lịch bay mùa hè.

Biến động chính trị ở Thái Lan và mới nhất là chiến sự ở Ukraine  ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh. Ngoài ra, do hệ số khai thác ghế trên thị trường Thái Lan, Nhật Bản và Nga sụt giảm, Vietnam Airlines còn thiệt hại do Hãng hàng không Cambodia Angkor Air – liên doanh hàng không với Campuchia - phải rút ngắn hợp đồng thuê và trả sớm một máy bay…   

Với hầu hết những lý do chính đáng trên, Vietnam Airlines khẩn thiết xin hỗ trợ của Chính phủ!  

Vietnam Airlines “thở ô xy”: Lợi bất cập hại! 

Những tưởng việc xin trợ cấp chỉ có vào thời kỳ trước Đổi mới 1986, thế nhưng lối làm ăn, tư duy của Vietnam Airlines cũng như ngay cả một số cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang tồn tại cơ chế xin – cho. Tồn tại nghịch lý là doanh nghiệp nhà nước quản lý kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ lại xin thưởng còn những doanh nghiệp tư nhân “con nuôi", làm ăn có hiệu quả thì không được thưởng.


Triết lý kinh doanh là “lời ăn lỗ chịu”, kiệt quệ thì phải phá sản theo luật doanh nghiệp. Nhưng ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhà nước được trợ cấp rất nhiều, lại không phải đối diện với giá thị trường trong bất kỳ yếu tố đầu vào nào, vì vậy Vietnam Airlines đã xin thêm hàng loạt cơ chế từ Bộ GTVT là giảm 25% giá các dịch vụ hàng không áp dụng cho Vietnam Airlines trong năm 2014, xin giảm mức thuế xuất nhập khẩu xăng dầu hàng không từ 7% xuống còn 3% ...

Thực chất cũng giống như EVN, Petrolimex... việc kêu để xin thêm ưu đãi thực chất là xin thêm tiền của nhà nước, nghĩa là làm ăn thua lỗ, lãi ít thì lại có quyền mò vào túi dân lấy tiền. Kiểu kinh doanh như vậy đang làm mất đi tính ưu việt của đại gia “Quốc doanh”.  

Thế mạnh của Vietnam Airlines là vé bao giờ cũng đắt hơn các hãng khác,TP.HCM đi Côn Đảo chỉ 230km mà đắt hơn TP.HCM đi Hà Nội, vé TP.HCM đi Đồng Hới, Chu Lai, Thanh Hóa… đắt gấp 1.5- 2 lần so với các hãng khác thì không lãi sao được!  

Vietnam Airline lại là “con đẻ", được hưởng thành quả học thuyết “bay vòng" của Cục Hàng không Việt Nam về nắn chỉnh đường bay chỉ sau 2 năm tiết kiệm tới những 3.000 tỷ đồng, lại bay nhiều nhất trên đường bay này, tất nhiên được hưởng trên 80% số tiền đó và của những năm tiếp theo thì lãi rất nhiều, sao nay lại xin trợ cấp? Sẽ ăn - nói làm sao trước các hãng hàng không đàn em khác như JPA, VJA, MCA, ICA...?

Giữa lúc Vietnam Airlines đang gấp rút thực hiện cổ phần hóa,  muốn IPO... điều kiện bắt buộc là liên tiếp nhiều năm làm ăn có lãi, kết quả tài chính rõ ràng minh bạch để mọi người có đủ lòng tin "mở hầu bao" mua cổ phiếu… thì nay lại xin hỗ trợ, liệu có làm khó cho chính mình? Ai dám bỏ tiền ra gửi niềm tin vào Vietnam Airlines? Rồi mấy năm liên tiếp vừa qua, năm nào Vietnam Airlines cũng báo cáo thành tích là có lãi thì liệu còn ai tin? Đúng là “lợi bất cập hại”, Vietnam Airlines đang làm hại uy tín “quốc doanh" của chính mình.

“Khổ nhục kế”?

Vụ Giàn khoan 981 thời gian qua, không chỉ Hàng không mà từ du lịch, các khu công nghiệp đến người nông dân làm ra quả dưa, trái thanh long, nuôi con cua, con ốc…, người ngư dân ra biển đánh bắt, xuất khẩu con cá con tôm cũng phải chịu thiệt thòi. 

Cảm động nhất sau vụ gây rối ở Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng... một số chủ doanh nghiệp đã đứng ra trợ cấp thất nghiệp cho công nhân nhưng nhiều người đã tình nguyện không nhận tiền trợ cấp để giảm khó khăn cho doanh nghiệp nhằm nhanh chóng phục hồi cơ sở sản xuất, đã vậy còn quyên góp tiền ủng hộ Cảnh sát biển – Kiểm ngư kiên cường bám đuổi giàn khoan 981 bảo vệ chủ quyền. Lẽ ra Vietnam Airlines cũng phải hiểu điều đó, có cái nhìn bằng hoặc cao hơn họ.

Việc giảm nhiều chuyến bay đi Trung Quốc hay nhiều nước thì “cơm chưa ăn gạo còn đó", cả một thị trường hàng không nội địa 90 triệu dân và 5 triệu Việt kiều thỏa sức cho Vietnam Airlines tha hồ vận tải, vậy mà việc chậm chuyến hủy chuyến ngày càng tăng thì còn kêu được ai!? 

Giá như lãnh đạo Vietnam Airlines và cục Hàng không Việt Nam cũng có được cái bản lĩnh và trách nhiệm công dân, không kêu ca đòi hỏi mà phải nghĩ cách khắc phục khó khăn, tìm mọi cách tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng vòng tăng chuyến, tăng năng suất để bù vào, có đóng góp nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, không phận...

Nếu Vietnam Airlines xin ưu đãi được chấp nhận, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của các hãng bay khác, nghĩa là thêm dung túng vị thế độc quyền “ông lớn Vietnam Airlines”. Nó cho thấy một điều ngược đời: Một “đại gia” quốc doanh, có vốn pháp định đưa ra quảng bá IPO tới 2,5 tỷ USD, quan hệ nhiều nước trên thế giới, với sứ mệnh vinh quang “Mang văn hóa Việt Nam ra nước ngoài lại “ngửa tay xin trợ cấp".

Học thuyết "bay vòng và thành quả tiết kiệm 3.000 tỷ đồng từ nắn chỉnh đường bay theo sáng tạo mà Cục Hàng không Việt Nam giành cho Vietnam Airlines vẫn còn nguyên giá trị, năm sau lãi hơn năm trước đang ở đâu?  Hơn nữa, tính năng động sáng tạo, tự chủ hạch toán kinh doanh của “quốc doanh" không cho phép Vietnam Airlines tự hạ mình. Hiểu thấu tình đạt lý thế này, chắc chắn Vietnam Airlines không bao giờ dám “vòi" tiền Chính phủ từ thuế đóng góp của dân!  

Kinh doanh "thuận buồm xuôi gió" nhưng cũng có khi gặp phải vận hạn, điều đó đòi hỏi tư duy kinh tế rất cao, từ hạch toán kinh doanh có lãi để có tích lũy tái sản xuất mở rộng, biết lường sức trước biển cả.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Công nghiệp Hóa chất (Vinachem) vừa đề xuất xin cơ chế đặc thù, ưu đãi để giảm bớt khó khăn nhưng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn bác bỏ với lời khuyên: “Không có cơ chế nào bằng cơ chế thị trường và các doanh nghiệp phải tuân thủ theo sự điều tiết của thị trường, tự thân vận động”.

Tiến độ IPO trong năm 2014 đang đến gần, Thủ tướng vừa nhắc doanh nghiệp nào không thực hiện được thì lãnh đạo sẽ phải từ chức cùng lời cảnh báo của Bộ trưởng GTVT:  Sẽ  “gõ đầu” cả Thứ trưởng lẫn lãnh đạo doanh nghiệp nếu chây lỳ tái cơ cấu, thì nếu có “thở ô xy" cũng phải cố lên! Vì vậy Vietnam Airlines cần rút lại lời xin trợ cấp của mình để hoàn thành nghiệp lớn IPO...