Theo
ông Vũ Ngọc Hoàng, chúng ta đã, đang tụt hậu và có nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa
nếu như không đổi mới.
Báo cáo của Tổng cục
Thống kê tại Hội thảo: "Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và
phát triển giai đoạn 2015-2035" mới đây có lẽ khiến tất cả những ai đón
nhận thông tin đều cảm thấy buồn và lo. Buồn vì theo Tổng cục Thống kê, thu
nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang tụt hậu với Hàn Quốc khoảng 30-35
năm, Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan khoảng 20 năm, Indonesia và Philippines
khoảng 5-7 năm. Còn theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015 vừa được
công bố, năng lực cạnh tranh của Việt nam cũng thấp hơn nhiều so với Thái lan,
Indonesia.
Thực tế này cho thấy
nếu không có những giải pháp thích hợp, thì nguy cơ tụt hậu của Việt nam so với
khu vực sẽ càng lớn. Về đến vấn đề này, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông
Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên
giáo Trung ương trong chương trình Theo dòng thời sự, phát sóng trên Hệ Thời sự
- Chính trị - Tổng hợp (VOV1).
Để đổi mới phải chống
bảo thủ
PV: Ông nghĩ sao về
những con số mà hội thảo "Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và
phát triển giai đoạn 2015-2035" vừa mới đưa ra? Liệu có quá bi quan không
khi nói rằng chúng ta đang đứng trước nguy cơ tụt hậu?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Tôi nghĩ rằng một mặt chúng ta phải hết sức trân trọng tất cả những thành quả,
thành tích đã đạt được vì đó là công sức chung của nhân dân, của Đảng, Nhà
nước, nhưng mặt khác phải có cách tiếp cận mới. Liệu có bi quan hay không nói
rằng chúng ta đang đứng trước nguy cơ tụt hậu?
Tôi nghĩ rằng nói vậy
không có gì là bi quan. Không phải là nguy cơ tụt hậu mà chúng ta đã tụt hậu,
chúng ta đang tụt hậu và chúng ta có nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa nếu như không
đổi mới.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương (Ảnh: Lê Anh Dũng/Vietnamnet) |
Chúng ta đang rơi vào
bẫy thu nhập trung bình thấp và việc này thể hiện trên nhiều mặt: năng xuất lao
động thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp. Sau 30 năm, hàng công nghiệp để
xuất khẩu, có uy tín trên thị trường quốc tế không đáng kể.
Chúng ta có thế mạnh
về nông nghiệp, nhưng sản phẩm thô về nông nghiệp của ta thấp hơn so với nhiều
nước. Chúng ta chỉ có 70 triệu/ha giá trị sản phẩm, trong khi các nước đã có
hàng mấy tỷ, có chỗ mấy chục tỷ rồi. Hay như chúng ta có thế mạnh về phát triển
du lịch, nhưng cho tới giờ này vẫn rất ít, trong khi ở khu vực người ta hơn
chúng ta hàng chục lần. Nợ nhiều, hiệu quả đầu tư thấp, chưa biết lấy nguồn tài
chính ở đâu để trả nợ…Tất cả những vấn đề như vậy báo hiệu đã tụt hậu, đang tụt
hậu và nguy cơ sẽ tụt hậu xa hơn.
PV: Thời điểm năm
1986, nước ta cũng đã gặp rất nhiều khó khăn và nhờ quyết tâm Đổi mới mà đất
nước đã phát triển. Nhìn lại công cuộc Đổi mới, không thể phủ nhận Việt Nam đã
có một sự chuyển đổi mạnh mẽ trong suốt gần 30 năm qua. Trong 20 năm đầu đổi
mới, chúng ta đã đạt tới 8 - 9% tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng 10 năm qua
chỉ đạt 5-6%, thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng phát triển của đất nước. Tại
sao lại có sự chững lại như vậy trong khi lẽ ra nước ta đã phải phát triển ở
một tốc độ cao hơn, thưa ông?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: 20
năm đầu chúng ta đã đạt được khá nhiều thành tích. Nói khá nhiều là đúng chứ
không phải cao lắm, bởi vì có nhiều nước đạt trên 10%, GDP tăng, trong khi
chúng ta đạt 8-9%. Đúng là như vậy, điều đó đã làm cho đất nước thay đổi nhiều
mặt, nhưng 10 năm sau lại chững lại. Nguyên nhân của câu chuyện này, theo tôi
cũng có một phần khách quan do tình hình thế giới khủng hoảng, song chủ yếu vẫn
là do chúng ta chậm chạp, dập dừng trong đổi mới.
Chúng ta chưa đổi mới
một cách mạnh mẽ tiếp theo những động lực cũ của 20 năm trước, nhiều cái đã hết
tác dụng thì cần tạo ra những động lực mới tiếp tục phát triển mạnh hơn. Có
những cơ chế phát huy tác dụng trong một thời gian nhất định. Trước đây chúng
ta tập trung phát triển theo chiều rộng, bây giờ là phát triển theo chiều sâu.
Chính vì vậy, phải có những cơ chế phù hợp với nó, trong khi quá trình đổi mới
chưa được khẩn trương, mạnh mẽ, còn chậm chạp, dập dừng.
Việc lựa chọn cách ưu
tiên ngành và sản phẩm để phát triển cũng không phải được chúng ta lựa chọn
đúng và tốt. Nhân lực chất lượng cao thiếu, nền giáo dục yếu, quản trị quốc gia
vẫn còn nhiều mặt yếu… tất cả những việc đó làm chậm lại.
VOV.VN - PGS.TS Phạm Xanh: Để đổi mới toàn diện, triệt để thì phải học thuộc bài, những bài học mà Hồ Chí Minh đã để lại trong lịch sử đất nước. |
PV: Trong một hội
thảo mới đây, một chuyên gia kinh tế đã dẫn lại lời của các chuyên gia kinh tế
nước ngoài nói một cách hài hước nhưng cũng rất chua chát rằng “Việt Nam là một
quốc gia không chịu phát triển”. Sự “không chịu phát triển” ở đây nằm ở rất
nhiều yếu tố, buộc chúng ta phải nhận diện những yếu kém đặt ra. Khi nói tới
câu chuyện cần phải Đổi mới tư duy lần 2, chúng ta cũng sẽ phải tính tới chuyện
xoá bỏ lực cản tồn tại từ rất lâu; bóc tách riêng rẽ những hạn chế để tìm ra
một giải pháp thích hợp. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Đúng là không phải dễ dàng nhưng cũng không phải đến nỗi quá khó. Bản thân cuộc
sống luôn đặt cho chúng ta những câu hỏi rắc rối, phức tạp nhưng bản thân cuộc
sống luôn luôn manh nha câu trả lời trong thực tế. Hãy lắng nghe thực tế, lắng
nghe nhân dân rồi sẽ có câu trả lời.
Từ trước đến nay, mỗi
lần Đảng yêu cầu nhân dân, cán bộ đảng viên phải nói thẳng, nói thật. Những lúc
khó khăn Đảng lắng nghe nhân dân thì đều có cách giải quyết. Nhân dân ta cũng
thông minh lắm, vì vậy cứ thảo luận kỹ để tìm nguyên nhân và giải pháp thì nhất
định sẽ có cách giải quyết vấn đề.
PV: Nếu đi trên con
đường Đổi mới, quyết tâm Đổi mới dư duy điều hành, quản lý thì có lẽ chúng ta
sẽ gặp khá nhiều thách thức. Chúng ta sẽ phải đổi mặt với những thách thức đó
như thế nào và giải quyết nó ra sao, thưa ông?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Để
đổi mới thì chúng ta phải vượt qua thách thức. Thứ nhất là chúng ta đã nhìn
thấy tình hình rõ chưa? Tôi nghĩ nhiều người đã nhìn thấy tình hình nhưng không
phải tất cả đã nhìn thấy. Và nhìn thấy rồi có dám đương đầu, có dám đối mặt với
nó để giải quyết không hay lảng tránh, hay vì các lẽ khác?
Để đổi mới phải chống
bảo thủ, vượt qua được tư tưởng bảo thủ vì có những thứ đã thành thói quen,
thành sức ì, có những cái do tư duy thiển cận không theo kịp những bước tiến
mới của tình hình đất nước và của thời đại. Do đó phải đổi mới mạnh mẽ, bắt đầu
từ tư duy.
VOV.VN - Phóng viên
VOV trao đổi với chuyên gia về vấn đề lợi ích nhóm và cách ứng xử với lợi ích
nhóm.
Yếu tố con người là
quyết định nhất
PV: Ông cũng đã từng
trả lời báo chí rằng để xoá bỏ lực cản tạo ra những động lực mới về tư duy,
chúng ta phải chống được tham nhũng, “lợi ích nhóm” và chống lối tư duy bảo
thủ. Vì sao ông lại đưa ra quan điểm này?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Cho tới bây giờ tôi vẫn bảo lưu quan điểm này. Trong các nguy cơ thì nguy cơ
lớn nhất thuộc về lợi ích nhóm. Còn trong các giải pháp, giải pháp lớn nhất
thuộc về đổi mới căn bản, mạnh mẽ.
Đổi mới thì mới giải
quyết căn bản tình hình lợi ích nhóm. Nếu không đổi mới, không có những cơ chế
mới mà cứ giải quyết từng vụ việc thì cứ bị động. Phải có tư duy đổi mới để
trên cơ sở đó đổi mới cơ chế quản lý.
PV: Các nước phát
triển nhanh hơn ta có lẽ một phần là họ triển khai tư duy Đổi mới nhanh hơn.
Mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng có những điều chúng ta phải học họ, rút
kinh nghiệm từ các nước để áp dụng vào môi trường Việt Nam. Ông nghĩ gì về câu
chuyện này?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Chúng
ta hoàn toàn có thể học được những kinh nghiệm của các nước. Nhiều nước đi
trước và đã trở thành nước phát triển. Còn chúng ta chưa phát triển và hoàn
toàn có thể nghiên cứu kinh nghiệm của họ để học tập, vận dụng một cách phù hợp
với tình hình của nước ta.
PV: Có nhiều ý kiến
cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do chúng ta chậm
chạp trong Đổi mới, và thiếu một sự nhanh nhạy trong tư duy điều hành và quản
lý. Như một số Tổng công ty rất lớn, Tập đoàn kinh tế các ngành rất lớn như
Điện lực, Bưu chính Viễn thông, trước khia trực thuộc các Bộ quản lý, rồi sau
đó trực tiếp chịu sự quản lý trực thuộc Chính phủ, nay lại chuyển cho các Bộ
quản lý. Nó cho thấy chúng ta có một sự lúng túng không nhỏ trong tư duy điều
hành. Và đây không phải là một chuyện đơn lẻ. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Tôi cũng nghĩ như vậy. Trong quản lý có nhiều mặt chúng ta còn chậm, lạc hậu và
cần phải nghiên cứu nghiêm túc câu chuyện này. Ngay cả việc lúc trực thuộc chỗ
này, mai trực thuộc chỗ kia… bản thân việc đó đã thể hiện sự lúng túng. Đến giờ
này, tôi cũng không hiểu tại sao cứ phải trực thuộc các cơ quan hành chính,
trong khi đã nhiều lần chúng ta nói đến chuyện tách ra giữa quản lý nhà nước
với quản trị của các doanh nghiệp, các tập đoàn.
“Lợi ích nhóm” cũng chính là một kiểu tham nhũng nghiêm trọng nhất, tham nhũng có tổ chức. |
PV: Từ lần Đổi mới
đầu tiên năm 1986 cho đến thời điểm hiện nay, có thể thấy rõ yếu tố con người,
đặc biệt là vai trò của những người đứng đầu là đặc biệt quan trọng. Yếu tố này
sẽ quyết định sự thành bại của chúng ta thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Yếu tố con người là quyết định nhất, vì có con người thì sẽ có tất cả. Và trong
những con người ấy, người lãnh đạo có vị trí quan trọng nhất. Và sự thay đổi tư
duy, quyết tâm, tâm huyết trong sáng, gương mẫu của những người lãnh đạo có tác
dụng rất lớn đối với sự phát triển của đất nước.
Cũng phải nói thêm
rằng, trách nhiệm của mọi người, của tất cả cán bộ đảng viên, của nhân dân cũng
hết sức quan trọng. Vì khi một vài người nói, lãnh đạo chưa nghe nhưng vạn
người nói thì lãnh đạo sẽ nghe. Do vậy, phải có trách nhiệm của tập thể, của
cộng đồng chứ không phải riêng của lãnh đạo, song các vị lãnh đạo ở vị trí quan
trọng nhất, chịu trách nhiệm lớn nhất.
Tất cả người dân Việt
Nam dù ở cương vị, lĩnh vực nào hãy tha thiết và quyết tâm đổi mới để đất nước
tiến lên. Bởi vì chúng ta hoàn toàn có khả năng thúc đẩy đất nước ta trở thành
một nước phát triển, miễn là làm đúng và tâm huyết.
Dân tộc ta có truyền
thống khi gặp khó khăn thì biết vượt qua. Đảng ta cũng có truyền thống khi gặp
khó khăn biết nghe nhân dân. Tôi tin chúng ta sẽ vượt qua, không lẽ lại chịu
thất bại.
PV: Xin cảm ơn ông./.
PV/VOV.VN
(ghi)
(Theo
VOV)
Nguồn: Theo Dân Trí