PGS Đào Công Tiến
Những góp ý dưới đây với Đại
hội XII của Đảng (cả Đại hội các cấp tiến đến Đại hội XII), không có
chủ đích nào khác ngoài sự mong muốn Đại hội đừng quay lưng lại với
đòi hỏi cải cách thể chế chính trị để thoát ra khỏi sự ràng buộc vô lý của ý
thức hệ XHCN theo chủ thuyết Mác – Lênin và sự lệ thuộc vào những thế lực
bành trướng, bá quyền Trung Quốc.
1. Đừng quay lưng lại với đòi hỏi cải cách thể chế chính
trị, đang là đòi hỏi nóng bỏng của đất nước
Thể chế chính trị mà Đảng Cộng sản đã chọn và áp đặt
lên đường lối phát triển của Việt Nam là CNXH dựa trên học thuyết
Mác – Lênin một thời tồn tại ở Liên Xô, tức CNXH theo mô hình Xô Viết,
và ở Trung Quốc – có lúc được gọi là CNXH đặc sắc Trung Quốc. Đổi
mới thể chế chính trị mà Đại hội Đảng lần này phải trực diện
không thể chỉ là “cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy” như Tổng Bí
thư đã và đang chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân thực thi những công việc của
Đại hội.
Thể chế chính trị đó- CNXH dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin- đã
phá sản ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, mà người trong cuộc ở
đấy cho rằng vì nguyên nhân tự thân của nó.
Một số nước khác vốn đã nhân danh là quốc gia XHCN, trong
đó có Việt Nam, mặc dù phải đổi mới kinh tế để tồn tại và phát
triển, nhưng đổi mới không toàn diện, không triệt để, vì vẫn còn lệ
thuộc vào ý thức hệ XHCN và chế độ độc quyền lãnh đạo của Đảng
Cộng sản dựa trên siêu quyền lực.
Học thuyết Mác – Lênin và CNXH về lý thuyết thì mù mờ
và đã thực sự bị phá sản trong đời sống hiện thực. Mù mờ đến mức ngay
cả người sùng bái CNXH nhất cũng phải nói: “Đến hết thế kỷ này
không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam chưa” [2]Thế
mà phải cứ lắp ghép một cách sống sượng XHCN với kinh tế thị trường
để có ‘kinh tế thị trường định hướng XHCN’, và cứ phải thúc đẩy
nhau đi tìm cái thể chế đó mà có tìm được đâu, bởi: “Làm gì có
cái thứ đó mà tìm”[3] và
mù mờ đến mức “đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến” [4]
Mù mờ, cùng với quá lúng túng và bế tắc, bởi
có nguyên nhân tự thân từ thể chế và cách tiếp cận không qua lăng
kính của cuộc sống.
Nguyên nhân tự thân của những lúng túng và bế tắc gắn
liền với quá nhiều khiếm khuyết trong nội hàm của mô thức tổ chức
xã hội XHCN mà các nhà sáng lập ra CNXH đã chọn:
(a) Tổ chức xã hội theo thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp, coi
đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội, coi chuyên chính vô sản là
nguyên tắc và trên thực tế đã không tránh khỏi tình trạng lấy vô sản chuyên
chính dân tộc đánh vào khối đại đoàn kết dân tộc. Kích động hận thù, bạo
lực và tội ác cũng sinh ra từ những điểm đặc trưng nổi bật này.
(b) Mô thức tổ chức nền kinh tế bị chi phối gần như tuyệt đối bởi
những nét đặc trưng như công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu là nền tảng, kinh
tế Nhà nước chủ đạo, việc thực hành kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp và
tự túc tự cấp. Mô thức tổ chức nền kinh tế với những đặc trưng vừa kể rất xa
lạ với kinh tế thị trường trên phương diện sản xuất và tái sản xuất
trong đời sống hiện thực.
(c)Tập quyền đến mức quyền lực thành siêu quyền lực cho sự độc
quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản vừa làm cho Đảng bị tha hóa vừa làm
cho các tổ chức chính trị, kinh tế xã hội khác mất quyền, trở
thành hữu danh vô thực. Không có quyền cũng dẫn đến tình trạng phổ biến
quay lưng với trách nhiệm đến mức vô cảm, khiến xã hội không còn có người
chủ nào là đích thực.
Ngoài nguyên nhân tự thân như đã nêu ở trên, còn có nguyên
nhân từ cách tiếp cận không qua lăng kính của cuộc sống, để nhận
biết học thuyết Mác – Lênin và CNXH có cái gì trước đúng nay vẫn
đúng, cái gì trước đúng nay không còn phù hợp vì bối cảnh xã hội
đã có quá nhiều thay đổi, và cái gì cả trước và nay đều không
đúng, để có sự lựa chọn vận dụng.
Mô thức tổ chức xã hội XHCN với những đặc trưng như trình bày ở
trên đã phá sản ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu.
Chọn học thuyết Mác – Lê nin và CNXH, Việt Nam đã phải trả
giá quá đắt bởi những sai lầm, khuyết điểm, nhất là sai lầm, khuyết điểm nghiêm
trọng trong việc chọn con đường và giải pháp cải tạo XHCN và xây dựng
CNXH từ 1954 ở miền Bắc và từ 1975 trên phạm vi cả nước.
Có thể đơn cử như:
(a) Sai lầm trong Cải cách ruộng
đất.
(b) Triệt phá kinh tế tư bản tư
nhân ở miền Bắc sau 1954 và sau 1975 ở miền Nam.
(c) Xóa bỏ kinh tế cá thể của hàng
chục triệu hộ nông dân, thợ thủ công và tiểu thương.
(d) Kỳ thị kinh tế tư nhân và cấm
đảng viên làm kinh tế tư nhân mãi tới những năm gần đây, trong chừng mực
mới có được tháo gỡ.
(e) Thái quá trong phân định và
phân biệt đối xử giữa các thành phần giai cấp trong xã hội, nên đã nêu khẩu
hiệu “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” trong phong trào Xô
Viết Nghệ Tĩnh, đàn áp trí thức, nhân sĩ yêu nước trong vụ Nhân văn Giai
phẩm và trong vụ án Xét lại hiện đại.
(f) Chọn đổi mới kinh tế với cái
cốt lõi là phát triển sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế
thị trường có sự quản lý của nhà nước, nhằm sửa chữa những sai lầm về đường lối
kinh tế dựa trên học thuyết Mác – Lê nin và CNXH theo mô hình Xô Viết và mô
hình “đặc sắc Trung Quốc”, nhưng đổi mới không toàn diện, không triệt để
cũng bởi những rào cản từ ý thức hệ sợ “đổi mới được kinh tế nhưng mất
tư tưởng, được bộ phận nhưng mất tổng thể, được trước mắt nhưng mất
lâu dài, được kết quả hiển nhiên nhưng xa rời mục đích và những
nguyên tắc cơ bản, được của cải nhưng hỏng quan hệ sản xuất và con
người”, như không ít lý luận gia “cộm cán” của Đảng đã răn dạy, ngay cả
khi công cuộc đổi mới hết sức sôi động và nền kinh tế thoát dần ra khỏi khủng
hoảng và lấy đà tăng trưởng.
(g) Chậm nhận biết sự tất
yếu mang tính quy luật của phát triển bền vững, nên kinh tế có tăng
trưởng nhưng tình trạng lâm nguy đối với văn hóa và sự tàn phá môi
trường càng lớn, càng gay gắt. Chạy theo tăng trưởng nhất là trên diện
rộng và số lượng, gây bất ổn kinh tế vĩ mô và cái giá phải trả từ
đó là chất lượng tăng trưởng không cao, chất lượng cuộc sống của
người dân chậm được cải thiện, mức tụt hậu so với các nước trong khu
vực ngày càng lớn.
Sai lầm trong
việc chọn đường lối cùng với bộ máy cầm quyền yếu kém, hư hỏng, cộng với sự
lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính và tham nhũng, đã đưa nước ta vào tình
trạng khủng hoảng, tụt hậu về kinh tế, lâm nguy về văn hóa và môi trường bị
xâm hại vô phương cứu chữa.Toàn Đảng
với gần bốn triệu đảng viên, phải chịu trách nhiệm về những sai lầm
như đã nêu ở trên và phải sửa sai, bằng cách từ bỏ đường lối
xây dựng CNXH dựa trên chủ nghĩa Mác – Lênin, chuyển sang đường lối dân
tộc, dân chủ theo tinh thần của nền cộng hòa dân chủ với sự tôn vinh
nhân quyền và pháp quyền. Sứ mệnh và tầm nhìn đó đòi hỏi
Đại hội XII (cả đại hội các cấp tiến đến Đại hội XII) không
được quay lưng lại với yêu cầu cải cách thể chế chính trị.
2. Trong quá
trình dựng nước và giữ nước, có cả ngàn
năm phải đối đầu với mưu đồ đặt nước ta vào vị thế lệ thuộc nhằm phục vụ lợi
quyền của Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong khoảng 40 năm gần đây (từ sau
1975), các thế lực bành trướng bá quyền Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa (năm
1974); đánh chiếm Gạc Ma (năm 1988), đứng sau lưng “Khơme đỏ” đánh Việt Nam ở
biên giới Tây Nam (1976-1978), đưa 60 vạn quân tấn công Việt Nam trên toàn
tuyến biên giới phía Bắc (1979), hạ đặt giàn khoan HD981 trong vùng biển
thuộc chủ quyền Việt Nam, và một chuỗi hành động rất đáng quan ngại là
việc “xây dựng các đảo nhân tạo” đang được ráo riết thực hiện ở Trường
Sa, Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Sự ngang ngược và ngạo mạn hết sức
nguy hiểm đó, phải được coi là những hành vi xâm lược, và phải được đối
phó bằng hành động chống xâm lược với ý chí và quyết tâm chính trị cao của khối
đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, của Nhà nước và của đảng cầm quyền.
Thế nhưng, tại nhiều diễn đàn
trong nước và quốc tế, nhất là tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9
Khóa 11 và tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 13 không những không ra được
tuyên bố chỉ trích xâm lược và kiên quyết chống xâm lược, mà còn có
không ít những phát ngôn làm được lòng Trung Quốc nhưng mất lòng dân vì
những mơ hồ mất cảnh giác từ nhận thức “cùng ý thức hệ XHCN” và
những lời ngon ngọt “bốn tốt”, “16 chữ vàng”. Thái độ mơ hồ mất
cảnh giác, không giống một số nước bạn như Nhật Bản, Philippines, đã, đang
và sẽ tự mình đánh mất chủ quyền, vừa không làm tròn trách nhiệm với
các quốc gia, các cộng đồng dân tộc thuộc khu vực ASEAN trong mối liên
kết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như trong quyền sử dụng tài
nguyên trên không, trên biển theo luật quốc tế.
3. Chuẩn bị
cho Đại hội XII là việc phải làm và cấp ủy
các cấp của khóa XI có trách nhiệm trong việc chuẩn bị này. Nhưng chuẩn
bị chứ không phải áp đặt, và càng không thể là thủ đoạn lấn quyền của Đại
hội. Chuẩn bị Đại hội phải thực sự coi trọng dân chủ, công khai, minh bạch (cả
trong Đảng và trên toàn xã hội).
Qua hệ thống thông tin đại chúng
và tiếp cận bước đầu với các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII, thì thấy việc
cải cách thể chế chính trị (cả chế độ và đảng), không những chưa được quan tâm,
mà còn buộc phải theo tinh thần Cương lĩnh 2011 và Hiến pháp 2013, vốn cố bám
giữ đường lối XHCN theo chủ nghĩa Mác – Lê nin và sự độc quyền lãnh đạo của
Đảng bằng siêu quyền lực. Đây đang là vấn đề nóng bỏng phải xem xét triệt để mà
Đại hội XII không thể quay lưng lại được.
Về nhân sự cho cơ quan lãnh đạo
các cấp trong nhiệm kỳ Đại hội XII theo quyết định ngày 09/6/2014 của Ban Chấp
hành Trung ương Khóa XI, vẫn không có dân chủ thực chất và trên thực tế không
tránh được sự sắp đặt của cấp ủy khóa trước cho nhân sự của khóa sau, và cũng
không tránh được sự chi phối của một số ít người có quyền. Quy chế mới còn hạn
chế hơn nữa quyền ứng cử, đề cử, quyền bảo lưu ý kiến thiểu số và quyền
được báo cáo với cấp trên cho đến đại hội đại biểu toàn quốc của
đảng viên, trong đó có những quy định không phù hợp với điều lệ Đảng hiện
hành.[5]
23.8.2015
Đ.C.T.
[1] Những góp
ý với ĐH XII của PGS Đào Công Tiến (nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kinh
tế TpHCM, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt
và Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TpHCM và
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) đã được chuyển đi từ
Đại hội chi bộ sở tại (ngày 17/4/2015), từ Hội nghị lấy ý kiến ở
ĐHQG TpHCM (20/5/2015) và ở Hội Khoa học Kinh tế VN (5/6/2015).
Cũng như nhiều lần trướctrong hàng chục năm qua, những góp
ý như vậy thường không đến được số đông dảng viên và người dân, đặc
biệt, không bao giờ được phản hồi từ những tổ chức hoặc cá nhân hữu
trách của Đảng.
Nói khác đường lối “chính thống” của Đảng và nhất là
nói trên các phương tiện thông tin đại chúng là vi phạm những điều
đảng viên không được làm. Tôi biết, đó là điều không nhỏ, tức cũng
là việc lớn, nhưng những góp ý với ĐH Đảng không đơn thuần là chuyện
của Đảng, của một số ít người trong Đảng, mà lớn hơn, là chuyện
của dân của nước, của nhiều đảng viên, nhiều người dân vốn nặng lòng
với chuyện dân chuyện nước cần biết và có trách nhiệm biết.
[2] TBT Nguyễn
Phú Trọng tuyên bố: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH
còn dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện
ở Việt Nam hay chưa” – Báo Tuổi Trẻ online 23/10/2013
(http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20131023/du-thao-chua-vang-vong-nhu-loi-hieu-trieu/576098.html)
[3] Nhiều người
hỏi Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thế nào là thể
chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ông đáp: “Chúng ta cứ nghiên
cứu mãi cái mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có mà tìm.”
– Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 03/05/2014
(http://www.thesaigontimes.vn/114301/Cai-cach-the-che-tu-cau-hoi-chua-co-loi-giai.html)
[4] Thứ trưởng
bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Tôi cứ suy nghĩ mãi một
điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến
thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững được.” –Thời báo
Kinh tế Sài Gòn ngày 22/11/2014
(http://www.thesaigontimes.vn/124350/Thu-truong-Bo-KHDT-Chung-ta-di-ma-khong-biet-di-dau.html)
[5] Mấy điều
không phù hợp với Điều lệ Đảng trong Quy chế bầu cử trong đảng theo
Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 09/06/2014 của Ban chấp hành Trung ương
Đảng khóa XI:
§ Theo Quy chế, cấp Ủy viên và Ủy viên thường vụ,
Ủy viên Bộ chính trị và Ban Bí thư không được ứng cử và đề cử nhân
sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử. Quy định này không phù hợp với
quy định “Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu
và báo cáo lên cấp trên cho đến Đại hội Đại biểu toàn quốc” tại
Khoản 5, Điều 9 của Điều lệ Đảng hiện hành.
§ Quy chế bầu cử khống chế số dư tối đa không
quá 30% số lượng cần bầu là lấn quyền của Đại hội vì Điều lệ
hiện hành nêu rõ ở Khoản 2, Điều 9: “Cơ quan lãnh đạo cao nhất của
Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc, cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là
Đại hội Đại biểu hoặc Đại hội Đảng viên” và ở Khoản 3, Điều 12 quy
định: “Danh sách bầu cử do Đại hội thảo luận và biểu quyết thông
qua”.
Quy chế bầu cử trong đảng coi “danh sách do cấp ủy triệu
tập đại hội đề cử là danh sách đề cử chính thức với đại hội”,
thậm chí “có thể lấy danh sách đó làm danh sách bầu cử”. Như vậy
có sự phân biệt đối xử giữa những người trong danh sách của cấp ủy
và những người tự ứng cử và được đề cử tại đại hội. Nguyên tắc
dân chủ, bình đẳng trong bầu cử bị vi phạm bởi sự phân biệt đối xử
đó.