(TBKTSG Xuân) - Kết thúc cuộc trò chuyện với các nhà báo tại trụ sở bộ
vào một ngày cuối năm 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
nán lại để chụp ảnh với từng người. Ông nói, đây là lần cuối ông trao đổi
với báo chí trên cương vị lãnh đạo.
TBKTSG: Tại lễ kỷ niệm 70 năm của ngành kế hoạch và đầu tư, bộ trưởng
kêu gọi cán bộ cần nghiên cứu trên tinh thần sáng tạo và đổi mới? Vì sao
ông lại muốn tinh thần đó?
- Bộ
trưởng Bùi Quang Vinh: Chúng tôi là cơ quan hoạch định chiến lược, xây dựng chính sách phát
triển cho đất nước. Đây là công việc cực kỳ hệ trọng, đòi hỏi tư chất đổi
mới, đòi hỏi những con người có tư duy tốt, kiến thức toàn diện, không chỉ
kiến thức trong nước mà kiến thức của thế giới. Chúng ta không thể một mình
đi một đường. Chúng ta phải đi con đường chung của nhân loại. Muốn đi con
đường chung đó, chúng ta phải biết nhân loại đang làm gì, các quốc gia phát
triển họ đi ra sao, và Việt Nam đang đứng ở đâu trong lộ trình này. Đấy là
đòi hỏi thực tế, và cần kiến thức.
Bên cạnh đó, cũng cần có tâm
huyết với đất nước, phải trăn trở tại sao nước mình còn phát triển chậm và
kém thế, tại sao người dân còn ta thán nhiều như thế. Trăn trở vậy mới giúp
hoạch định chiến lược tốt, chính sách tốt. Đây là việc trí tuệ, không ai ép
buộc, nên phải tạo môi trường đổi mới sáng tạo cho cán bộ trong cơ quan.
Tôi muốn nói, sáng tạo chỉ có khi người ta hưng phấn làm việc. Tôi kêu gọi,
và cam kết môi trường bình đẳng thuận lợi cho nghiên cứu, sáng tạo để có
thể tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước những đột phá về thể chế. Tức là
phải suy nghĩ khác đi để làm khác đi.
TBKTSG: Với tinh thần đổi mới, ông đã được nhiều người ca ngợi, ngay cả
trên diễn đàn Quốc hội. Cá nhân ông có bị sức ép vì việc đó?
- Cạnh tôi có nhiều lãnh đạo cấp
cao ủng hộ và khuyến khích sự đổi mới này. Quốc hội cũng ủng hộ tôi đổi
mới, Chính phủ cũng ủng hộ. Tôi nghĩ, khi đổi mới được kiểm chứng là có lợi
cho dân tộc, cho đất nước thì sẽ được ủng hộ. Tuy vậy, để đổi mới không
thoát khỏi đụng chạm lợi ích của bộ này, ngành kia, hay các cá nhân. Có
người không đồng ý, họ phản ứng lại. Chúng tôi chịu không ít áp lực, và cá
nhân tôi cũng bị áp lực khi làm các luật.
Ví dụ khi làm Luật Đầu tư công
và Chỉ thị 1792, chúng tôi bị phản ứng quyết liệt, nhưng nay thì mọi người
đều thấy tốt. Nếu vì lợi ích cục bộ thì chúng tôi không làm để hàng năm có
người tới xin xỏ. Đặt đầu tư trong trung hạn (thay vì hàng năm), chúng tôi
phải vượt qua chính mình.
Đổi mới là đụng chạm, đổi mới mà
không bị phản ứng thì không phải đổi mới.
TBKTSG: Nhưng tinh thần đổi mới mà ông trăn trở lâu nay cũng gặp không
ít khó khăn. Chẳng hạn, dự luật quy hoạch ông chủ trì đang được ủng hộ sẽ
giúp cắt giảm chi phí tới 8.200 tỉ đồng. Nhưng ông đã không thành công!
- Đó là câu hỏi hay. Tôi có thể
nói không phải chỉ 8.200 tỉ đồng đâu. Đó chỉ là số tiền bỏ ra để làm các
luật, và các quy hoạch. Cái tác hại phải lên đến nhiều lần như thế ở đất
nước này khi các luật, các quy hoạch được ra đời tràn lan, chồng chéo lẫn
nhau và hạn chế phát triển. Tôi rất tiếc là Chính phủ không thông qua luật
này để trình Quốc hội dù nó được đánh giá là rất đổi mới theo tinh thần
nhiều luật mà chúng tôi đã làm. Nó đụng chạm đến quá nhiều ngành, quá nhiều
cá nhân nên không được ủng hộ. Có thế thôi. Để cho nhiệm kỳ sau thì làm lỡ
cả nhịp phát triển của đất nước. Tôi rất tiếc điều này, nhưng tôi không thể
làm gì hơn được.
TBKTSG: Tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm của ngành ông đã cam kết rất mạnh mẽ
về đổi mới thể chế. Vì sao ông cứ mãi trăn trở về chuyện này thế?
- Ba mươi năm đổi mới vừa qua,
chúng ta có nhiều thành tựu, nhưng có một thành tựu xuyên suốt, nguyên nhân
của mọi nguyên nhân, là chúng ta đổi mới được từ nền kinh tế kế hoạch hóa
tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này
đã tạo ra lớp lớp động lực để Việt Nam phát triển, và thay đổi xã hội như
hôm nay. Nhưng sau 30 năm, dư địa và các tác động đã dần cạn đi, chúng ta
đã chững lại trong vài năm vừa qua, nếu không cẩn thận có thể còn đi xuống.
Nếu Việt Nam cứ bình bình thế này chúng ta sẽ gặp khó khăn, và tụt hậu là
rõ ràng.
Chúng tôi đang phân tích, động
lực nào giúp Việt Nam tăng trưởng trong tương lai. Chúng tôi tập hợp xung
quanh mình hàng trăm chuyên gia hàng đầu thế giới, gồm cả những người đoạt
giải Nobel kinh tế, và nhiều chuyên gia hàng đầu của Việt Nam do Ngân hàng
Thế giới đứng đầu để nghiên cứu báo cáo 2035.
Chúng tôi thấy rằng, vấn đề sống
còn và căn cơ nhất là chúng ta phải tiếp tục thay đổi và hoàn thiện thể chế
kinh tế theo hướng xây dựng những nhân tố thị trường đầy đủ hơn. Chúng ta
mới chớm chân vào kinh tế thị trường, chưa xây dựng được các nhân tố thị
trường nền tảng. Đất đai là thí dụ. Chúng ta không có thị trường đất đai.
Nói đúng hơn là thị trường đất đai của Việt Nam rất méo mó do chưa phân
tách được quyền sử dụng và quyền sở hữu. Vì thế, thị trường này là thị
trường ngầm.
Nhìn rộng ra, việc phân bổ nguồn
lực của đất nước này vẫn theo mệnh lệnh hành chính là chính, không theo thị
trường. Nếu theo thị trường, ai sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên hiệu quả
nhất thì phải được tiếp cận chứ. Chúng ta có cơ chế này chưa? Chưa. Lao
động cũng vậy, kể cả trong bộ máy công quyền, trong doanh nghiệp nhà nước,
doanh nghiệp tư nhân, và thậm chí trong đời sống xã hội. Phải có thị trường
lao động, nơi anh làm tốt thì được sử dụng, đãi ngộ cao, không đáp ứng yêu
cầu thì phải bị sa thải.
TBKTSG: Báo cáo 2035 mà ông đang chủ trì có làm rõ định nghĩa kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là như thế nào không?
- Báo cáo 2035 không làm rõ định
nghĩa đó. Báo cáo nêu rằng, Việt Nam cần phải hoàn thiện thể chế kinh tế
thị trường vì kinh tế thị trường là tinh hoa của nhân loại. Còn mục tiêu xã
hội chủ nghĩa chúng ta đã lý giải trong báo cáo văn kiện chính trị trình ra
Đại hội Đảng lần thứ 12 rồi. Đó là sử dụng các nguồn lực để thu hẹp khoảng
cách giàu nghèo, chăm lo cho người yếu thế để không ai rớt lại đằng sau như
tuyên bố phát triển của Liên hiệp quốc đến năm 2030. Ai ai cũng được chăm
lo, đó là chủ nghĩa xã hội. Đảng đang làm điều đó.
Báo cáo 2035 phân tích cần hoàn
thiện kinh tế thị trường như thế nào để tạo ra những xung lực mới cho phát
triển.
TBKTSG: Nhìn lại nỗ lực thay đổi thể chế trong năm năm qua, ông có thể
nói gì?
- Đại hội Đảng lần thứ 11 đã xác
định là cải cách thể chế là một trong ba khâu đột phá. Trong năm năm qua có
bước chuyển mạnh mẽ về thể chế, bắt đầu từ Hiến pháp tới các luật tổ chức
bộ máy trung ương và địa phương; các luật dân sự, hình sự, kinh tế... mỗi
luật có tác động mạnh theo hướng tiến bộ. Nhưng những cố gắng đó chưa đủ vì
vấn đề then chốt nhất là phải hoàn thiện và thúc đẩy các nhân tố thị trường
đầy đủ và hiện đại. Chúng ta còn nhiều việc phải làm, còn tiếp tục phải
hoàn thiện theo các nấc thang phát triển của Việt Nam. Ngắn gọn, tôi có thể
nói đổi mới thể chế là điểm sáng ấn tượng trong năm năm qua nhưng còn phải
làm nhiều hơn nữa trong năm năm tới.
Nguồn: Theo Thời Báo Kinh Tế Saigon