26 février 2016

Sự thật của chiến tranh vệ quốc chống xâm lược cần được đưa vào sách giáo khoa



Xuân Trung



GS. Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội): "Về vấn đề chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 phải làm rõ 60 vạn quân Trung Quốc đã xâm lược vào các tỉnh biên giới của chúng ta, và nhân dân ta, quân đội ta đã chiến đấu để chống xâm lược, bảo vệ biên cương của tổ quốc. Điều này để bác bỏ luận điệu của Bắc Kinh nói rằng họ phản kích tự vệ. 
Còn về biển đảo, chúng ta phải làm rõ cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, khi đó những người lính Việt Nam (dù là Việt Nam cộng hòa) cũng đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ đảo."

 (GDVN) - Chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh chống xâm lược phía Bắc và cuộc chiến bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ từ đất liền tới hải đảo cần được đưa vào sách.

Thông tin thời gian tới, khi công bố khung chương trình tổng thể, chương trình bộ môn, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để đưa nội dung về các cuộc chiến tranh vệ quốc bảo vệ biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa khiến dư luận hết sức quan tâm.
 

Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc phỏng vấn với GS. Đỗ Thanh Bình, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
PV: Ông có ý kiến gì về việc sẽ đưa nội dung chiến tranh bảo vệ tổ quốc chống xâm lược ở biên giới năm 1979 vào sách giáo khoa trong thời gian sắp tới?.
GS. Đỗ Thanh Bình: Việc đưa sự kiện chiến tranh biên giới bảo vệ tổ quốc năm 1979, hay các cuộc chiến bảo vệ hải đảo vào sách giáo khoa là điều tất yếu trước sự đòi hỏi của đất nước, của xã hội nói chung.
Điều này tôi cho là rất cần thiết và cũng là vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, đồng thời cũng là giáo dục lòng yêu nước và trách nhiệm của lớp trẻ với đất nước.
Hiện nay, bảo vệ đất nước là trách nhiệm của thế hệ trẻ, do đó thế hệ trẻ phải được biết, được học về chủ quyền đất nước.
Nếu sách giáo khoa sắp tới không có nội dung này là điều khiếm khuyết rất lớn.


GS. Đỗ Thanh Bình. Ảnh Xuân Trung
Theo ông, các cấp học nào sẽ phải đưa nội dung này vào dạy?
GS. Đỗ Thanh Bình: Tôi nghĩ từng mức độ. Ở bậc tiểu học mức độ nhẹ nhàng, đặc biệt là trung học cơ sở hiện nay chưa có chương trình cụ thể, nhưng hướng tới cũng có chương trình thông sử.
Ý tưởng sắp tới với cấp THPT là theo chủ đề, và sẽ phải càng chuyên sâu hơn như “biển đảo”, “chiến tranh bảo vệ tổ quốc”.
Nếu chúng tôi tham gia chúng tôi sẽ đưa ý tưởng như thế, và hầu hết những người có khả năng tham gia viết sách giáo khoa đều có ý tưởng như thế.
Những nội dung cần thiết nào của các sự kiện lịch sử nên đưa vào sách giáo khoa?
GS. Đỗ Thanh Bình: Thứ nhất là chiến tranh biên giới bảo vệ tổ quốc năm 1978 ở Tây Nam và 1979 ở biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược.
Thứ hai, chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Có thể chuyên sâu tùy theo cấp học. Như cấp THPT có thể nói về sự hình thành chủ quyền biển đảo của chúng ta từ xa xưa cho đến nay, những cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền của các chiến sỹ...
Thậm chí cũng cần phải nói cả giai đoạn Việt Nam cộng hòa, vì giai đoạn này chính quyền Việt Nam cộng hòa cũng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Hiện nay chưa có chương trình cụ thể, phải chờ chương trình tổng thể, sau tổng thể mới đến chương trình các bộ môn.
Quan điểm đưa nội dung chiến tranh biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa đã có từ rất lâu. Đến bây giờ mới có thể hiện thực hóa, như vậy là quá muộn?
GS. Đỗ Thanh Bình: Trước kia sách cũng đã đưa, nhưng đưa quá đơn giản, khiêm tốn. Có thể là do hoàn cảnh từng giai đoạn lịch sử, nhưng giờ đã khác trước thì cần phải cụ thể hơn, rõ hơn. 
Ông có nghĩ rằng, để soạn thảo từng chương trình cụ thể, nhất là môn lịch sử thì Bộ GD&ĐT cần tập hợp các nhà chuyên môn, chuyên gia, giới sử học để tổ chức hội thảo lấy ý kiến?
GS. Đỗ Thanh Bình: Nếu làm được điều đó là rất tốt vì  ý kiến chuyên gia sẽ chính thống, nhiều ý kiến sẽ tốt hơn. Các ý kiến mang tính tập thể, khoa học và đầy đủ hơn, làm được như thế thì quá tốt.
Trân trọng cảm ơn ông.

 Sách giáo khoa phải thể hiện rõ sự thật lịch sử

GS. Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, vừa rồi có thảo luận về cuộc chiến tranh chóng xâm lược, bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, Bộ GD&ĐT cũng đã có ý kiến sẽ đưa vào sách giáo khoa.

Nhưng nhìn rộng ra chúng ta phải đưa vào sách giáo khoa lịch sử cuộc đấu tranh, bảo vệ biên cương tổ quốc trên đất liền cũng như hải đảo thì mới trọn vẹn được.

GS. Vũ Dương Ninh. Ảnh Xuân Trung

Về biên giới Tây Nam chúng ta phải làm rõ quân Khơ Me Đỏ đã tấn công xâm lược các tỉnh biên giới, chúng ta đã đánh trả các cuộc xâm lược đó.

Theo yêu cầu đề nghị của nhân dân Campuchia, chúng ta đã tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng Campuchia khỏi ách thống trị tàn bạo của Khơ Me Đỏ, phải làm rõ vì mang tính chất nhân đạo, chính trị để bác bỏ luận điệu của các phe đối lập nói rằng Việt Nam xâm lược Campuchia. 

Về vấn đề chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 phải làm rõ 60 vạn quân Trung Quốc đã xâm lược vào các tỉnh biên giới của chúng ta, và nhân dân ta, quân đội ta đã chiến đấu để chống xâm lược, bảo vệ biên cương của tổ quốc. Điều này để bác bỏ luận điệu của Bắc Kinh nói rằng họ phản kích tự vệ. 

Còn về biển đảo, chúng ta phải làm rõ cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, khi đó những người lính Việt Nam (dù là Việt Nam cộng hòa) cũng đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ đảo.

Chúng ta phải làm rõ những hoạt động phía Trung Quốc xâm chiếm biển đông với những lý thuyết ngụy biện.

Tóm lại chúng ta phải làm rõ những sự thật lịch sử khách quan, nó có liên quan tới độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Đó là điều thiêng liêng mà bất cứ người Việt Nam nào cũng phải đấu tranh, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Xuân Trung
 
Nguồn: Theo GDVN