TTCT – Nhắc đến cuộc
chiến bảo vệ biên giới năm 1979, không một người Lạng Sơn nào không biết câu
chuyện về cái chết của cả trăm người dân và cán bộ chiến sĩ dưới tầng hầm của
pháo đài Đồng Đăng.
Đến
bây giờ pháo đài vẫn nằm đó, bên đường lên thị trấn Đồng Đăng.
Dẫn
đường đưa chúng tôi lên pháo đài là đại tá Triệu Văn Điện, Anh hùng lực lượng
vũ trang nhân dân, trưởng Phòng cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Lạng
Sơn. 35 năm trước, với chiến công trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc,
binh nhì Triệu Văn Điện được phong vượt cấp lên hạ sĩ và trở thành anh hùng khi
mới tròn 20 tuổi.
Thảm sát dưới hầm ngầm pháo đài
Mất
chừng 15 phút lội bộ từ chân đồi, chúng tôi lên tới đỉnh pháo đài. Án ngữ trên
một điểm cao, từ đây có thể trông ra khắp vùng biên ải mênh mông. Đập vào mắt
chúng tôi là hai khối bêtông khổng lồ bị xô ngã chồng lên nhau, đó là dấu tích
của lô cốt dẫn lối vào pháo đài bị địch đặt thuốc nổ giật sập vào tháng 2-1979.
Chiếm
giữ vị trí trọng yếu nhất của thị trấn Đồng Đăng, pháo đài này được xây từ thời
Pháp (trước năm 1945) và trở thành cứ điểm vô cùng kiên cố nhờ hệ thống hầm ngầm
bên trong pháo đài chia làm nhiều tầng, có sức chứa hàng trăm người. Tất cả xây
chìm khuất dưới lòng đất, chỉ nhô lên trên đỉnh đồi những lô cốt kiên cố với lỗ
châu mai vừa phòng thủ, vừa là chỗ thông gió cho hệ thống hầm ngầm bên dưới.
Từ
điểm cao này lên cửa khẩu Hữu Nghị chỉ chừng 2km. Đại đội 5 Công an vũ trang
(C5) Lạng Sơn – nay gọi là bộ đội biên phòng – với hơn 100 tay súng được bố trí
tại đây. Ngay buổi sáng đầu tiên quân Trung Quốc đồng loạt nổ súng xâm lược,
hàng trăm người dân Đồng Đăng chạy lên đây trú ẩn. Trong những ngày chiến sự,
dân vẫn cùng các chiến sĩ C5 chiến đấu, tải thương, lo cơm nước cho anh em.
Những
ngày đầu cuộc chiến, nhờ vị thế hiểm yếu của pháo đài, anh em C5 đã đánh bật
hàng chục đợt tấn công của địch hòng chiếm lấy cao điểm này. Hàng trăm tên địch
gục ngã sau những đợt xông lên.
Nhưng
sau hơn một tuần chiến đấu trong vòng vây chặt cứng của địch, khi anh em lùi
vào cố thủ trong pháo đài cùng với những người dân đang trú ẩn thì địch tiếp
cận đường hầm vào pháo đài, đặt thuốc nổ giật sập cửa vào hầm ngầm, dùng lựu
đạn cay thả xuống hầm qua các lỗ thông hơi, dùng cả súng phun lửa phun vào các
ngách hầm.
Trong
số hơn 100 người dân và chiến sĩ, chỉ có sáu người sống sót thoát ra được sau
đó, còn lại đều chết ngay trong lòng pháo đài. Thời khắc bi tráng đó sau này
được anh hùng Nông Văn Phia, chiến sĩ đại đội 5 C5, một trong số sáu người sống
sót sau vụ thảm sát, nhớ lại:
“Trong
pháo đài lúc này ngoài đơn vị chúng tôi còn có rất nhiều đồng bào. Hầu hết là
đàn bà, trẻ em từ dưới thị trấn Đồng Đăng chạy lên tránh đạn pháo từ sớm ngày
17-2. Vì đông người nên thức ăn thức uống dự trữ của chúng tôi sắp hết, chỉ còn
dăm cân mì sống và mấy lít nước cạn dưới đáy phuy. Trong pháo đài tối om và
ngột ngạt vì hơi người, trẻ con khóc lặng đi vì khát nước, khát sữa. Mệt quá,
khát quá, tôi ngồi dựa lưng vào góc tường, đầu choáng, người ớn lạnh và buồn
nôn vô cùng.
Bỗng
“Ầm…! …Ầm!” – hai tiếng nổ khủng khiếp nối nhau. Pháo đài rung chuyển. Tiếp đó
hàng chục, hàng trăm tiếng nổ chói tai rung óc. Hơi khói cay sè, đen đặc cuồn
cuộn ùa vào từng căn phòng trong pháo đài. Tiếng kêu nhốn nháo: “ Địch giật bộc
phá lấp đường hầm rồi. Địch thả lựu đạn cay các đồng chí ơi! Ai có khăn ướt thì
đậy ngay lên mặt đi”.
Một
giọt nước uống còn không có, đào đâu ra khăn ướt. Tiếng trẻ con sặc sụa rồi
lặng đi. Mấy đồng chí thương binh kêu nấc lên hai, ba cái rồi lịm. Tôi bò sờ
soạng lần về lỗ thông hơi để thở nhưng từ ngoài địch nhét lựu đạn cay vào. Qua
ánh lửa, tôi thấy đàn bà, trẻ em nằm la liệt, co quắp, giãy giụa. Một thứ khói
khủng khiếp xộc vào họng cháy bỏng và lửa cháy bừng bừng. Địch phun hơi độc hóa
học và phun xăng xuống đốt, tôi thoáng nghĩ rồi ngất lịm.
Tỉnh
dậy, tiếng nổ vẫn ầm ầm, máu ứa ra từ miệng, từ mũi, từ tai tôi. Tôi bò đi sờ
trong đống thi thể người nằm co quắp ấy xem có ai còn sống không. Tất cả dường
như đã chết…”.
Chúng
tôi đặt bó hoa cúc vàng trên khoảng bêtông trước lối xuống cửa hầm ngầm, đốt
nhang tưởng niệm những người lính, người dân đã hi sinh năm nào dưới lòng công
sự rồi chui xuống tầng hầm pháo đài, từng tầng từng tầng một, tâm trí như thấy
lại sống động cảnh tượng kinh hoàng ngày đó.
Hi sinh ngay phút đầu cuộc chiến
Không
xa pháo đài là đền Mẫu của thị trấn Đồng Đăng. Anh hùng Triệu Văn Điện bảo
chúng tôi dừng xe ở ngôi nhà cạnh đền Mẫu. Vừa mở cửa xe, ông Điện đã vội bước
vào kêu lớn: “Anh Bình ơi, anh Bình”. Một người đàn ông trạc tuổi 60, đội chiếc
mũ mềm che kín tai của lính biên phòng bước ra ôm chầm lấy ông Điện. Quay sang
chúng tôi, ông Điện bảo: “Anh Bình là anh nuôi của tôi, cũng là ân nhân của tôi
và mấy trăm người dân Đồng Đăng cách nay tròn 35 năm”.
“Năm
đó tôi vừa tròn 20 tuổi” – đại tá Triệu Văn Điện nhớ về tháng 2-1979. Nhập ngũ
năm 1978, sau khóa huấn luyện binh nhất Triệu Văn Điện, chiến sĩ dân tộc Nùng
quê ở huyện Bình Gia – được điều về tiểu đoàn cảnh sát cơ động của Công an Lạng
Sơn. “Biên giới dạo ấy “động” lắm. Đêm nào anh em trong đơn vị cũng đi tuần
tra. Lạnh, rét và đói.
Khuya
16-2, tôi với hai anh em trong tổ của mình là Vi Văn Cao, người dân tộc Tày ở
huyện Lộc Bình và Trần Văn Thái, đồng hương của tôi ở Bình Gia, đi tuần tra về
đã là 3g sáng 17-2. Vừa nhóm bếp sưởi cho bớt lạnh, còn ít gạo nếp tôi nấu xôi
cho cả ba anh em cùng ăn.
Xôi
chín, vừa ăn tôi vừa bảo Vi Văn Cao: “Mày ăn no rồi mai nhớ thổi sáo cho tao
nghe”. Vi Văn Cao cũng trạc tuổi tôi, thổi sáo hay kinh khủng. Ăn xong, ba
chúng tôi lên chiếc sạp kê bằng mấy mảnh ván, lưng chưa ngả xuống chiếu thì đã
nghe tiếng pháo dập ầm ầm rền vang bầu trời yên tĩnh trước lúc bình minh.
Thoạt
tiên cũng chỉ nghĩ là như mọi hôm, bên kia vẫn thỉnh thoảng bắn một trận pháo
như thế. Nhưng lần này có vẻ khác, pháo cấp tập hơn. Cả bầu trời rực sáng. Chỉ
kịp lăn xuống khỏi giường, ba chúng tôi theo lệnh chỉ huy tổ chức đội hình
chiến đấu ngay. Pháo vẫn từ phía biên giới nã cấp tập vào khu vực Đồng Đăng
xuống tới thị xã Lạng Sơn. Lúc này hàng trăm người dân Đồng Đăng đã hoảng loạn
tìm nơi trú ẩn” – ông Điện kể.
Đơn
vị của Triệu Văn Điện cơ động lên phía đền Mẫu chiến đấu và bảo vệ dân. Chỉ hơn
một giờ sau, tổ “tam tam” của Triệu Văn Điện chỉ còn lại mình anh, hai đồng đội
Vi Văn Cao và Trần Văn Thái hi sinh ngay trước mặt anh vì một quả đạn pháo của
địch. Ngồi với chúng tôi nhớ về buổi sáng chiến tranh ấy, ông Điện ngậm ngùi:
“Thương nhất thằng Vi Văn Cao, nó hiền lắm, giờ tôi vẫn còn nhớ như in tiếng
sáo của nó mỗi chiều thổi cho đồng đội trên chốt nghe…”.
Thị trấn Đồng Đăng nhìn từ đỉnh pháo đài – Ảnh: Ngọc Quang |
Có
lên đây mới hình dung được những gì xảy ra 35 năm trước. Đưa tay chỉ xuống khu
nhà trụ sở của UBND thị trấn Đồng Đăng, ông Bình nói: “Chỗ đó xưa là sân vận
động thị trấn. Địch kéo quân qua, bố trí ở đó mấy khẩu đội pháo 122mm, cứ thế
nã thẳng về phía núi Chóp Chài của thị xã Lạng Sơn. Anh em trong đơn vị nấp sau
các khe đá nhắm thẳng vào tụi lính pháo mà tỉa xuống.
Súng
đạn mù trời. Nhìn xuống thị trấn, tụi tôi thấy xe tăng địch chạy ầm ầm bao vây
nã pháo vào pháo đài Đồng Đăng. Khi ấy, trong hang đá còn hơn 300 bà con là dân
thị trấn đang trú ẩn. Vội vàng chạy giặc, không ai kịp mang theo thực phẩm.
Nhờ
là dân bản địa, thông thuộc địa hình địa vật, đêm đến ông Bình dẫn đường cho
anh em trong đơn vị của ông Điện xuống các nhà dân gom góp đồ ăn mang lên hang
tiếp viện, bất chấp nguy hiểm chực chờ bởi lán trại của quân Trung Quốc đang
dựng lên ngay cạnh đó. Cầm cự được vài hôm thì anh em được lệnh dò đường đưa bà
con thoát khỏi hang đá, đồng thời đưa anh em thương binh trong đơn vị về tuyến
sau.
Tuy
địch chiếm được Đồng Đăng nhưng rừng núi mênh mông, khó có thể chặn hết các
ngả. Ba hôm sau, đơn vị của Triệu Văn Điện lần theo lối xuống con suối phía sau
triền hang, đưa từng nhóm dân vượt qua vòng vây của địch về tuyến sau rồi trở
lại bám trụ hang đá đền Mẫu chiến đấu.
Từ
đỉnh núi đá trên đền Mẫu nhìn xuống có thể thấy cả thị trấn Đồng Đăng, từ nhà
ga quốc tế, nơi đón những chuyến tàu liên vận đến những dãy phố cao tầng, những
cửa hàng sáng rực ánh điện. Cửa khẩu Tân Thanh nhộn nhịp xe đến xe đi. Cũng dễ
hơn mấy chục năm rồi, Đồng Đăng được nhắc đến như một thị trấn biên mậu sôi
động trên biên giới Việt – Trung của tỉnh Lạng Sơn.
Có
ai đó nói rằng quá khứ rất cần được khép lại để tương lai đâm chồi, nhưng cũng
rất cần trân trọng những năm tháng thuộc về quá khứ!