Lê Thọ Bình
Giáo sư Hồ Ngọc Đại |
“Khi soạn thảo Văn kiện Đại hội Đảng VIII, về phần giáo dục, tôi được ông Đào Duy Tùng khi ấy là Thường trực Ban soạn thảo Cương lĩnh Chính trị và Chiến lược kinh tế-xã hội trình Đại hội VIII mời đến để trao đổi và báo cáo cho ông nghe về Công nghệ giáo dục. Ông thỏa thuận lấy 2 câu của tôi để đưa vào Nghị quyết, câu 1: “Học sinh là nhân vật trung tâm, thầy giáo đóng vai trò quyết định.”, và câu 2: “Đưa công nghệ giáo dục mới vào nhà trường.” Nhưng bất ngờ là khi Nghị quyết ra câu 1 lại sửa thành: “Học sinh là nhân vật trung tâm.”, đánh dấu chấm ngay sau chữ “tâm”; còn câu 2 thì đảo thành: “Đưa công nghệ mới vào giáo dục nhà trường.”– GS TSKH Hồ Ngọc Đại nói với VietTimes.
“Cây cầu” Hồ
Ngọc Đại
Lần đầu tiên
tôi gặp GS Hồ Ngọc Đại là năm 1987, tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục. Mặc dù
khi ấy ông đã rất nổi tiếng bởi ông không chỉ là con rể của Tổng bí thư Lê Duẩn
(vừa qua đời mấy tháng trước đó) từng từ chối chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục chỉ
để đi dạy lớp 1, mà Công nghệ giáo dục (CNGD) của ông đang gây khá nhiều tranh
cãi, nhưng tôi vẫn bị sốc khi nghe ông kết thúc bài tham luận tại hội nghị:
“Các anh có thể không đồng ý với tôi, chống lại tôi, nhưng nền giáo dục hiện
nay đang ở bên này bờ sông. Còn nền giáo dục của tôi đã ở bên kia bờ sông rồi.
Muốn đi từ bên này sang bên kia bờ sông thì không có con đường nào khác là phải
qua cây cầu Hồ Ngọc Đại”. Nhiều tràng pháo tay vang dội, nhưng cũng không ít
cái lắc đầu, tặc lưỡi.
Ở giờ giải
lao của hội nghị hôm ấy tôi đã tìm gặp GS Hồ Ngọc Đại. Trong lúc ông đang vui
tôi rụt rè hỏi ông, khi nghe GS phát biểu như vậy nhiều người cho rằng ông hơi
“kiêu”. Ông nhìn tôi, đặt ly càphê xuống bàn, bảo: “Tôi nói như vậy là với
trách nhiệm cao với nền giáo dục nước nhà. Hồ Ngọc Đại không phải là cá nhân Hồ
Ngọc Đại, mà Hồ Ngọc Đại là tư duy mới, là CNGD, là một giải pháp, một thực
tiễn”.
Cũng hôm ấy GS
Hồ Ngọc Đại đã giải thích một cách đơn giản nhất cho tôi, rằng CNGD của ông
được xây dựng trên 3 nguyên tắc: Ai cũng học được; Học gì được nấy; Học đâu
chắc đó. Do vậy giúp học sinh đọc thông viết thạo, đúng chính tả, không thể tái
mù chữ. Bất kỳ tiếng nào miễn là nghe được, nhắc lại được thì viết được. Nếu
học theo cách của ông thì xong lớp 1 đọc thông viết thạo, hết lớp 2 viết thành
câu, hết lớp 3 không bao giờ viết sai câu.
Sau này còn
rất nhiều lần tôi được trò chuyện với ông về CNGD. Có lần tôi hỏi ông rằng khi
đưa CNGD về nước thì ai là người cản trở ông nhiều nhất, ông kể: “Có một lần
ông Đỗ Mười (khi ấy đang là Tổng bí thư) hỏi tôi: “Trong công việc của mình, ai
gây khó khăn cho anh nhiều nhất?”. Tôi trả lời là “Toàn người tốt gây khó khăn
cho tôi”. “Tại sao lại thế?” – ông Đỗ Mười ngạc nhiên. Tôi trả lời: “Vì những
người tốt đó họ tưởng tôi làm sai, để bảo vệ nền giáo dục đương thời nên họ
phải chống lại lý thuyết của tôi”.
Làm cho nền
giáo dục mất thiêng
Trong một
lần trò chuyện tôi từng hỏi GS Hồ Ngọc Đại khi triển khai CNGD ở Việt Nam ông
có lường được trước những khó khăn, cản trở như vậy không, ông bảo, không có
cản trở mới là chuyện lạ. “Phải nói thật là lý thuyết của tôi đã đảo ngược lại
toàn bộ nền giáo dục của nước ta. Ví dụ, tôi đề ra các nguyên tắc: học trò là
trung tâm chứ không phải là thầy giáo; học là chơi chứ không phải là quá trình
vật lộn đau khổ; học không có thi cử, không có chấm điểm”- GS Hồ Ngọc Đại nói.
Rồi ông bảo: “Khi tôi về nước, tôi hy vọng sau 20 năm sẽ có nền giáo dục mới.
Tôi bỏ ra 10 năm đầu chỉ để làm cho nền giáo dục đương thời mất thiêng; cùng
lúc đó, tôi thiết kế một nền giáo dục khác”.
Cũng trong
lần trò chuyện ấy GS Hồ Ngọc Đại đã kể cho tôi nghe một câu chuyện khá lý thú:
“Năm 1978, khi Nghị quyết về cải cách giáo dục (CCGD) vừa ra đời, thì cũng là
lúc tôi tốt nghiệp về nước. Sau khi về nước, tôi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng
và Hội đồng Chính phủ tổ chức đón tiếp tại Văn phòng chính phủ, rất thân mật.
Ông hỏi rất nhiều chuyện.
Cuối cùng,
ông hỏi về CCGD. Tôi nói: “Cái cải cách giáo dục mà chúng ta đang làm hiện nay
sẽ thất bại”. Ông đứng dậy đi đi lại lại (sau này người ta nói với tôi là khi
nào cụ Đồng giận lắm thì mới làm thế). Một lúc sau, ông trịnh trọng: “Thưa tiến
sĩ, tại sao chưa làm mà tiến sĩ đã thấy thất bại?”.
Tôi chỉ nói
mấy lý do của sự thất bại. Thứ nhất, cuộc CCGD này được chuẩn bị trong vòng hơn
20 năm, lại chuẩn bị trong thời chiến. Nay sang thời bình rồi nên phải khác.
Thứ hai, đòi hỏi của cuộc cách mạng hiện nay đã khác. Thứ ba, những mục tiêu kinh
tế, chính trị của đất nước sau chiến tranh hoàn toàn khác. Nếu giả dụ như 20
năm chuẩn bị vừa rồi là đúng thì khi sang tình hình mới đã là không đúng nữa.
Nếu như 20 năm trước chuẩn bị không đúng thì sang quá trình mới càng không
đúng.
Sau gần hai,
ba tiếng đồng hồ trao đi đổi lại, cuối cùng ông Đồng hỏi: “Vậy thì tiến sĩ muốn
gì? Có đề nghị gì với Chính phủ không?”. Tôi nói: “Tôi xin đi dạy lớp 1”. Kết
thúc cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng quyết định: “Thôi, cứ để chị Bình (bà
Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục thời bấy giờ – NV) triển khai cải cách
giáo dục, còn anh Đại cho mở trường thử nghiệm lớp 1”.
GDVN: phải
thay đổi toàn diện
Mùng 5 Tết
năm nay tôi lại có dịp ngồi với GS Hồ Ngọc Đại, lại nói về giáo dục. Tôi hỏi
ông: “Gần 50 năm đã trôi qua kể từ khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị về CCGD,
không năm nào chúng ta không nói đến CCGD, đã có không biết bao nhiêu công
trình nghiên cứu, hội thảo tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền thuế của dân,
nhưng cho đến nay nền giáo dục của chúng ta vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập.
Vậy, đâu thực sự là nguyên nhân?”.
GS Hồ Ngọc
Đại nói: “Nếu so với thế giới, nền giáo dục của chúng ta quá lạc hậu. Tôi có
thể nói thế này: Vào thời điểm này từ cuộc sống, tất cả các ngành, các nghề của
con người và xã hội đã biến đổi rất lớn so với cách đây 15-20 năm, nhưng nghiệp
vụ sư phạm của chúng ta thì từ nửa thế kỷ nay không thay đổi gì cả. Thậm chí
còn tệ hại hơn trước vì trước là thầy giảng, trò ghi nhớ nhưng bây giờ là thầy
đọc, trò chép.
Vị Giáo sư già vẫn đau đáu, trăn trở với sự nghiệp giáo dục |
Tôi thấy đau xót vì không ai nhìn thẳng vào sự thật. Có thể nói thành lời, nhưng không ai cảm thấy rằng trẻ con là máu thịt của mình, không ai cảm thấy đứa con đau khổ chính là mình đau khổ. Và không thấy được sự tối ưu của mỗi giai đoạn khác nhau. Hiện nay từ lớp mẫu giáo cho đến các bậc tiến sĩ dạy đều có phương pháp dạy giống như nhau”.
Vậy, nền
giáo dục Việt Nam cần phải thay đổi như thế nào?”-Tôi hỏi. GS Hồ Ngọc Đại nói
ngay: “40 năm nay tôi đã nói rồi. Nay câu trả lời vẫn vậy thôi. Phải thay
đổi toàn bộ, thay đổi về nội dung, phương pháp, thể chế tổ chức, các quan hệ
trong nhà trường và quan hệ xã hội. Lớp học ngày xưa là “nhà thờ” nhưng lớp
học hiện đại phải là “cuộc sống”, giáo viên giao việc, học sinh làm. Điều
quan trọng nhất là phải tập trung vào giải quyết 2 bậc Tiểu học và Đại học. Và
phải làm mới hoàn toàn.
Thứ nhất,
bậc tiểu học có 2 đặc điểm cơ bản, học sinh tiểu học còn nhỏ, còn bố mẹ, ông bà
nội ngoại, còn họ hàng… có cả chục người gắn vào học sinh lớp 1. Nếu học sinh
lớp 1 chúng hạnh phúc thì cả chục người đó hạnh phúc. Nếu giáo dục nhà trường
tốt thì gia đình dễ yên ấm, xã hội dễ yên lành.
Thứ hai, hệ
thống giáo dục phổ thông nên là 11 năm, trong đó có 6 năm dành cho bậc tiểu
học, 3 năm cho trung học cơ sở và 2 năm cho trung học phổ thông. Vì sao bậc
tiểu học lại dành tới 6 năm? Vì giữ trẻ 12 năm (6 tuổi bắt đầu đi học + 6 năm
tiểu học) trong vòng tay gia đình và nhà trường thì an toàn hơn thả trẻ sớm 1
năm, nghĩa là 11 năm như hiện nay. Còn 3 năm trung học cơ sở bởi vì chỉ cần bổ
sung vào tiểu học một số tri thức và kỹ năng cơ bản cần cho sức lao động phổ
biến, chiếm tuyệt đại đa số trong nền sản xuất hiện nay. Và chỉ cần học thêm 2
năm PTTH cho những ai muốn học lên cao nữa hay vào Đại học, Cao đẳng hay chuyển
sang học nghề vì với sự phát triển tâm lý xã hội hiện đại, học phổ thông kéo
dài đến 18 tuổi là thừa, tốn kém.”
“Vậy, còn
bậc đại học thì sao?- tôi hỏi. GS Đại trả lời: “Nếu bậc học tiểu học là cơ
hội cuối cùng để duy trì, gìn giữ bản sắc dân tộc thì ở bậc đại học lại là cơ
hội đầu tiên để hòa nhập, hội nhập quốc tế. Một chương trình tiểu học không
cần phải giống nước nào và cũng không cần nơi nào công nhận thì ngược lại,
chương trình đại học phải là chương trình quốc tế và bằng cấp phải được thế
giới thừa nhận. Một bằng tốt nghiệp đại học chỉ dùng ở “tiêu thụ nội địa” là
một bằng đại học “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, chỉ có sức để kéo cày chìa vôi thôi”
Trời đã bắt
đầu tối. Các cột đèn góc đường Lê Duẩn đã bật sáng. Trước khi chia tay, GS Hồ
Ngọc Đại bảo tôi: “Đi đến đâu tớ cũng kể lại câu chuyện ông bố Kennedy mở lớp
dạy cho trẻ con và nói rằng, dòng họ Kennedy sẽ làm Tổng thống nước Mỹ. Nếu
không làm Tổng thống nước Mỹ mà làm bất cứ nghề gì, kể cả đó là nghề móc cống
thì cũng là người móc cống giỏi nhất nước Mỹ. Điều đó có nghĩa là xã hội đòi
hỏi sự chuyên nghiệp hóa, nhưng chúng ta hiện nay không có tính chuyên nghiệp
gì cả”.
Lê Thọ Bình
*********
Nguồn: Theo Người Đô Thị