Huỳnh Ngọc Chênh
Rất hoan nghênh ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang, vào ngày 17/2, đã vào nghĩa trang ở Lạng Sơn thắp hương cho các liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ biên giới năm 1979, dù ông chỉ nhân tiện ghé qua khi đi công tác ở Lạng Sơn.
Đây là lần đầu tiên từ sau hội nghị Thành Đô 1990, lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước Việt Nam dám công khai tưởng niệm liệt sĩ chống Tàu Cộng.
Thật ra ông Sang chỉ dám có hành động "ngoan cường" như trên là sau khi ông đã rớt uỷ viên bộ chính trị, rớt uỷ viên trung ương ương đảng và chuẩn bị trở thành một đảng viên hưu trí không còn chức vụ nhà nước vào tháng 5 năm nay.
Sự việc nầy cũng trùng hợp với hoàn cảnh của ông Nguyễn Tấn Dũng, người vừa tuyên bố rất "ngoan cường" tại Sunnyland là yêu cầu Mỹ cần có thái độ mạnh mẻ hơn trong việc can thiệp vào Biển Đông. Ông cũng chỉ dám mạnh miệng như vậy sau khi đã mất hết các chức tước quan trọng trong đảng và sắp trở thành ông già hưu trí như đồng chí, đồng hương Nam Bộ Trương Tấn Sang của ông
Công bằng mà nói thì trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản VN, chỉ có ông Nguyễn Tấn Dũng khi còn đương chức dám có những phát biểu mạnh mẻ về chủ quyền, dù rất hiếm hoi và bóng gió, nhưng cũng đủ làm nức lòng người dân. Và cũng vì thế mà ông đã thất thế trong cuộc tranh dành quyền lực vừa rồi với ông Nguyễn Phú Trọng, là người chưa hề có một động thái hay phát biểu gì nghe tạm được về vấn đề chủ quyền đất nước, chưa nói là những phát biểu của ông làm mọi người nghi ngờ ông là người mạnh mẻ ...thân Tàu.
Có một nổi sợ hãi bao trùm và xuyên suốt từ lãnh đạo cao cấp xuống đến tận các đảng viên lèn quèn là các nhân viên an ninh được phân công canh gác tại nhà các công dân dám thể hiện tinh thần chống xâm lược phương Bắc.
Sáng nay, ngày 17/2, ngày tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận chiến chống xâm lược năm 1979, hơn 50 công dân ở Sài gòn bị nhân viên an ninh đến canh cửa không cho ra khỏi nhà đi dự lễ, trong đó có tôi.
Sau khi bị 6 nhân viên an ninh quyết liệt không cho ra khỏi cửa, tôi bèn quay vào lập bàn thờ trước sân để thắp hương làm lễ tưởng niệm liệt sĩ. Tôi nghiêm túc và chân thành mời các nhân viên an ninh vào làm lễ và thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ. Tất cả các nhân viên đó đều giãy nãy lên như đĩa phải vôi, vội vàng lãng tránh đi nơi khác.
Tôi chọc ghẹo họ vài câu, nhưng lòng nhói đau như cắt. Ngay tức khắc, tôi cảm nhận ra rằng các nhân viên thấp bé nầy cũng được truyền vào máu một nổi sợ hãi ghê gướm giống hệt như các lãnh đạo cấp cao của đảng.
Tôi tin rằng, các nhân viên an ninh đáng thương ấy nếu vào thắp hương cho các liệt sĩ thì sẽ bị giáng chức hoặc bị đuổi ra khỏi ngành giống y như các lãnh đạo cấp cao sẽ bị mất ghế nếu có lời lẽ gì đụng chạm đến chủ quyền quốc gia.
Vì lẽ đó mà các bia ghi lại chiến công chống Tàu cũng như các bia ghi lại tội ác man rợ của giặc Tàu bị đục xoá.
Vì lẽ đó mà ông Trương Tấn Sang đợi cho đến khi gần về hưu mới dám bén mảng đến nghĩa trang thắp hương cho các liệt sĩ chống Tàu.
Làm sao mà thấy được những người đương chức như các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang, Đinh Thế Huynh... hay vừa lên chức như Võ Văn Thưởng, Phạm Bình Minh, Đinh La Thăng...dám có phát biểu gì mạnh mẻ về chủ quyền, dám dự lễ tưởng niệm hay thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ chống Tàu.
Đài VOA vừa phỏng vấn tôi về lễ tưởng niệm, phóng viên đã đưa ra một nhận định rất hay là liệu có sự mâu thuẫn giữa nỗi sợ mất ghế của lãnh đạo và nổi sợ mất nước của người dân qua việc ngăn cấm người dân làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ chống Tàu hay không. Câu hỏi đã có ngay câu trả lời qua thực tế đã và đang diễn ra.
Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì bảo vệ biên giới phía Bắc, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa không những để khắc cốt ghi ơn người đã vị nước hy sinh mà còn đề nhắc nhớ cho các thế hệ Việt Nam nhớ rằng Hoàng Sa và một phần Trường Sa bị Tàu cộng chiếm đóng trái phép là của Việt Nam cần phải đòi lại bằng mọi giá, và quan trọng là nếu lơ là với bọn bành trướng phương Bắc thì sẽ mất nước.
Mất nước mới đáng sợ các ông ạ.