Bùi Quang Vơm
17-2-2016
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ ASEAN được chuẩn bị từ rất sớm, Quốc hội và Thượng viện Mỹ đều ủng hộ, cùng với chuyến đi thăm Lào, Cămpuchia và Trung Quốc của bộ trưởng ngoại giao John Kerry trước đó một tháng, cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc thiết lập một trật tự nhằm chống lại sự bành trướng cũng như những hành động bất chấp pháp luật quốc tế của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.
Đứng trước một thực tế chia rẽ khá rõ trong nội bộ ASEAN, đặc biệt trên vấn đề biển Đông, ngoài tổng thống Philippines, ông OBAMA đặt hy vọng nhiều vào ông Dũng. Nhưng, sau hai ngày họp, tuyên bố chung đã không nhắc tới Biển Đông.
Đây trước hết là thất bại của Mỹ, thất bại của chính ông OBAMA. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu trong hội nghị có nói ý rằng, ông OBAMA muốn đặt những viên đá lát đường, để cho chính quyền tiếp theo, dù tổng thống kế nhiệm là ai, thuộc đảng nào, cũng sẽ dẫm lên những viên đá đó để bước tiếp.
Việc tuyên bố chung không nhắc tới biển Đông, và không có từ nào động đến Trung Quốc, một mặt phản ánh tình trạng chia rẽ trong khối ASEAN là rất lớn, mặt khác chứng tỏ thủ đoạn vận động hành lang của Trung Quốc là rất thâm độc.
Nhưng điều chúng ta, những người dõi theo từng bước đi thành bại của ông Dũng, có thể nói rằng đây một lần nữa là thất bại của ông Dũng. Một lần nữa chứng minh bản lĩnh của ông Dũng, không phải như nhiều người vẫn tưởng. Có thể nói có phần hơi tệ rằng “ông thực chỉ là sắt rỉ”.
Ai cũng biết rằng, dù ở đâu, ở chỗ nào, dù ông là Thủ tướng, ông cũng chỉ được phép phát ngôn những gì mà Bộ Chính trị hoặc chính đích thân ông Trọng, nhân danh tập thể Bộ Chính trị cho phép. Đáng lẽ ông không được phép có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh này, vì ông không còn tư cách đại diện chính trị nữa. Theo truyền thống, ông thừa biết, thực chất từ sau Đại hội 12, ông đã bị loại khỏi cuộc chơi, ông không vai trò gì. Người tháp tùng ông, Phạm Bình Minh, uỷ viên bộ chính trị, dù vẫn là phó thủ tướng, nhưng theo cơ chế đảng lãnh đạo, đã trở thành cấp trên trực tiếp của ông. Nếu mới đây ông Minh còn là người giúp việc cho ông, thì bây giờ ông Minh là người giám sát ông và ra chỉ thị trực tiếp cho ông. Và bổn phận của ông là chấp hành. Đây chính là cái trớ trêu luôn có vị đắng trong trò chơi chính trị.
Trước một hội nghị thượng đỉnh có ý nghĩa quan trọng đặc biệt với Việt Nam, lại bao gồm tất cả các nguyên thủ của ASEAN với Tổng thống Mỹ, mà cho đến tận hai ngày trước ngày khai mạc, vẫn “không biết Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ có mặt hay không”, trong khi BBC ngày12/02 đưa tin “Người phát ngôn của Miến Điện nói Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng không dự hội nghị ở California”. Rõ ràng là trong bộ chính trị người ta đang cãi nhau, và ông Phạm Bình Minh đã được chỉ định thay thế. Người ta vẫn theo cách truyền thống là không để người hết vai trò, nhất là do bị loại, được phép xuất hiện trong các sự kiện. Trên bàn cân lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích của đảng, lại một lần nữa khẳng định lợi ích của đảng có sức nặng hơn, coi trọng hơn.
Bộ chính trị có thể chỉ tỉnh ngộ khi chính Mỹ, chính ông OBAMA là người thúc giục để ông Dũng tham dự. BBC đưa tin, “một nhân vật cao cấp trong bộ ngọai giao Mỹ điện đàm với bộ trưởng Phạm Bình Minh ngày12/02 và trước đó, đích thân Đại sứ Mỹ xin gặp phía Việt Nam để thuyết phục”.
“Đến cuối giờ chiều ngày thứ Sáu 12/2, Việt Nam xác nhận với Mỹ sẽ có thay đổi, để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn”.
Mỹ ý thức được ý nghĩa của Hội nghị đối với vấn đề chủ quyền biển của Việt Nam, và biết được giá trị của cá nhân ông Dũng. Bộ Chính trị đảng cộng sản, cuối cùng có vẻ cũng ý thức được điều đó.
Rất tiếc, người duy nhất không cảm nhận được, lại là chính ông Dũng. Ông đã không hiểu thông điệp mà chính phủ Mỹ, có thể của chính tổng thống OBAMA gửi gắm ông. Và nhất là ông không biết rằng, trên sân khấu chính trị Việt Nam, ông thực ra chỉ còn là cái xác. Ông sẽ vĩnh viễn biến mất. Sẽ không có ai để ý tới những gì ông làm, những điều ông nói nữa. Vì vậy, đây là cơ hội duy nhất còn lại, lần cuối cùng hiếm hoi, cờ lọt tay ông.
Đáng lẽ ông phải tuyên bố rằng Việt Nam hoàn toàn đứng về phía Mỹ để thiết lập lại trật tự trên biển Đông, kiên quyết đập tan mọi ý đồ quân sự hóa biển Đông và đe dọa chiếm đoạt biển Đông bằng sức mạnh quân sự. Việt Nam dứt khóa từ bỏ lập trường ba không, (không liên minh, liên kết, không đa phương hóa, quốc tế hóa biển Đông, không sử dụng vũ trang trong các tranh chấp chủ quyền), thực chất là lập trường “ba tự cô lập”, đúng với ý muốn của Trung Quốc, tự trói mình ngồi nhìn Trung Quốc tự tung tự tác, tự tạo ra sức mạnh cho phép chế ngự và chiếm đoạt vĩnh viễn. Đáng lẽ ông phải nói “Bạn xa tốt hơn láng giềng xấu”. Làm bạn với tất cả, nhưng phải trừ những kẻ xấu, bởi vì kẻ xấu làm mất giá trị của người tốt. Xếp tất cả vào một giỏ là xúc phạm quy tắc giá trị. Sẽ không có ai là bạn thật trong cái giỏ hổ lốn đó. Trong nguy nan, anh sẽ đứng một mình. Lúc cháy nhà tất cả sẽ chỉ đứng nhìn.
Ông phải đặt những viên đá lát, để những người đến sau ông, không có chỗ nào khác để đặt chân. Ông phải là người bẻ ghi, để con tàu Việt Nam không thể đi ngược lại. Và đó là ông làm lịch sử. Thật tiếc, ông đã chỉ nói những gì đảng của ông vẫn nói. Ông vẫn chỉ làm cái việc của một con vẹt.
“Những diễn biến phức tạp gần đây trên một số vùng biển ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, đang gây lo ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, bị đánh giá thuộc mức rủi ro cao nhất liên quan đến xung đột và có thể ảnh hưởng tiêu cực cho hòa bình và phát triển ở khu vực và toàn cầu”.
Ông mờ nhạt, trùng lặp và tẻ nhạt, có thể đã làm cho vấn đề biển đông trở thành nhạt nhẽo, khi chính ông đại diện nhà nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, bị mất nhiều nhất.
Và một trong những mục tiêu quan trọng của Hội nghị đã không đạt được. Vấn đề biển Đông đã “không được nhắc tới” trong tuyên bố chung.
Còn ông, sau cơ hội cuối cùng này, chắc sẽ chẳng còn ai nhắc đến nữa. Có thể nói lời vĩnh biệt.