Nguyệt Quỳnh
Trong cái không khí ảm
đạm của tình “đồng chí” những ngày cuối năm, sau Đại Hội Đảng 12, tôi lại tha thiết muốn viết về tình yêu.
Tại sao vậy? Bởi khi chấm dứt
cũng là điểm khởi đầu. Cái khoảnh khắc con sâu hoá bướm là sự kết thúc chuỗi ngày của
nó trong cái tổ kén. Ngày cuối năm sẽ chấm dứt để bắt đầu một mùa xuân mới,
và thói quen người Việt chúng ta là “tống cựu nghinh tân” để cầu chúc cho nhau
những điều tốt đẹp nhất trong ngày đầu năm. Do đó, bài viết từ giã năm cũ, tạm
quên những hy vọng kéo dài đến thất vọng của thực trạng đất nước, tôi xin được
viết về tình yêu.
Ở đây tôi muốn nói đến cái nghĩa rộng của tình yêu, không nhất thiết
là tình cảm trai gái. Khi con người biết yêu thương, cảm thấy yêu thương thì cùng lúc họ trở nên hạnh phúc. Tôi nói điều này mà không cần minh chứng vì tin
rằng ai ai cũng cảm hết được nỗi ấm áp khi biết mình được yêu thương hoặc khi
mình yêu thương ai đó.
Thi sĩ Tagore, người được
mệnh danh là “người tình của nhân loại” đã nói lên sự diệu kỳ của lòng yêu thương nơi con người. Trong
bài thơ “Người Làm Vườn”, Tagore kể chuyện về một thương lái rời gia đình, chia
tay vợ để đi làm ăn. Không may, chàng
thua lỗ, trở về trắng tay. Đã mất tiền, nay chàng lại đối diện với nỗi lo mất vợ,
mất tình yêu. Chàng trở về nhà vào lúc nửa đêm, hoang mang, mệt mỏi, lo lắng:
Tôi trở về nhà vào lúc nửa đêm
với hai bàn tay trắng
Em đợi tôi ngoài cửa với
đôi mắt lo âu
Lặng im và thao thức
như một
con chim e sợ
Em bay đến lòng tôi yêu mến, nồng nàn
Ôi! Chúa ơi, tôi còn lại rất nhiều
Từ tâm trạng
hoang mang của một kẻ thất bại, mất trắng, thế mà chàng trai đã thảng thốt kêu
lên với lòng mình: Ôi, chúa ơi, tôi còn lại rất nhiều. Đủ hiểu những điều kỳ diệu
trên đời này thường đến với chúng ta từ cánh cửa của yêu thương.
Nhưng nói về
tình yêu giữa bối cảnh cuộc tranh giành quyền lực của các vị lãnh đạo đất nước
như “một thảm kịch hỗn loạn” trong Đại Hội Đảng 12, dường như là một điều ngớ
ngẩn!? Không hẳn vậy, có lần tôi cũng đã được nghe trong một bối cảnh tương tự.
Vào khoảng năm 1979, thời mà cả đất nước đang phải ăn cơm độn bột mì và bo bo;
chúng tôi xếp hàng trước một cửa hàng rau quả để được mua phân phối bầu và rau
muống. Có lẽ do cô bán mậu dịch hôm đó không khéo, hoặc có lẽ vì bầu thì có quả
tươi quả héo cho nên mới xảy ra một cuộc cãi vã, tranh giành gay gắt giữa những
người trong hàng với nhau. Trong không khí căng thẳng, tưởng như sắp xảy ra
cảnh thượng cẳng chân hạ cẳng tay thì chúng tôi nghe một giọng nói nhỏ nhẹ của
một vị cao niên vang lên ở cuối hàng:
“Các đồng chí ơi, ngày xưa ở trong rừng mình chia
nhau từng miếng cơm hẩm, mình chia cả mạng sống cho nhau. Sao bây giờ hòa bình
rồi, có quả bầu thôi, mà các đồng chí lại thế!”
Câu nói của vị đảng viên lớn tuổi lúc ấy làm không
khí chùng hẳn lại, mọi người im lặng … rồi nhìn nhau với ánh mắt áy náy. Tình cảm
của con người thật lạ kỳ. Quả bầu ngày xưa, hay gì gì đi nữa của ngày hôm nay
thì cũng chỉ là quả bầu, nó không thể lớn hơn mạng sống của người đồng chí,
càng không thể lớn hơn những mục tiêu cao cả của những người lãnh đạo đất nước.
Hình như có một thành tố quan trọng nào đó của tình yêu đã bị lãng quên hay bỏ
sót, khiến đời sống chúng ta ngày nay trở nên cô độc, sợ hãi, tham lam, độc ác,
… và thiếu hẳn hạnh phúc.
Hoá ra, đối tượng đích thực của yêu thương không phải
là đích đến “Yêu ai? Yêu cái gì? Yêu bao nhiêu?” mà chính là “diễn trình sống
thật” với những giá trị cốt lõi tốt đẹp đến từ niềm ước muốn chung của mọi người
và cả môi trường xung quanh. Tôi tin rằng các giá trị này vẫn ẩn mình ngay nơi
chốn và thời khắc mình đang hiện hữu.
***
Tự bao giờ, người Việt chúng ta bỏ quên những điều cốt
lõi, đời sống tinh thần, văn hóa của nhiều thế hệ; để cuối cùng nhận ra rằng
hàng ngày mình đang phải sống trong một xã hội xuống cấp đến vô cảm. Nếu ngày
xưa, chúng ta vẫn thường tự hào về lối sống nhân ái, vị tha, đùm bọc “thương người như thể
thương thân”… thì đâu rồi cái nếp văn hóa ấy? Phải chăng môi trường sống tại VN ngày nay đang giết
chết dần những điều tốt đẹp, và chúng ta, vô tình lại là
những người trợ giúp và tạo nên môi trường này.
Tôi có cô cháu gái được qua Nhật học ba tháng trong chương trình trao đổi học sinh. Chỉ mới tuần đầu tiên,
lơ đãng cháu đã bỏ quên giỏ xách trong nhà vệ sinh một tiệm ăn ở Nhật. Trong giỏ
xách có đủ cả tiền bạc, giấy hộ chiếu, thẻ tín dụng... Khoảng hai mươi phút sau mới nhận ra, cháu hớt hải
quay trở lại tìm kiếm. Giữa đường cháu gặp một phụ nữ Nhật đang cầm cái bóp của cháu trên
tay, bà vừa nhìn hình trong thẻ học sinh của cháu vừa nhìn chung quanh để tìm cháu. Cả hai đều mừng rỡ khi gặp
nhau, người phụ nữ mừng vì tìm được cô học sinh đã để quên cái bóp. Cháu thì mừng
và cảm động vì sự tốt bụng của người phụ nữ kia.
Chính phủ Nhật chắc chắn đâu có cất công dạy dân
mình những điều chi tiết đó, nhưng người phụ nữ kia, tôi nghĩ ngoài lòng thương người có lẽ bà còn nghĩ
đến danh dự của nước Nhật. Bà không muốn một người ngoại quốc bị mất bóp
trên đất nước mình.
Giá mà 5 người Việt bị bắt ở Thái, 2 người Việt
bị bắt ở Singapore vì các tội trộm cắp; trước khi hành động, họ nghĩ đến danh dự của dân tộc
mình. Giá mà các nhân viên phi hành đoàn VN, trước khi chuyển đồ ăn cắp ở Nhật cũng nghĩ đến danh dự của
dân tộc mình. Giá mà Đại
tướng Phùng Quang Thanh khi họp với người Trung Quốc, trước khi ngồi xuống bàn
với cái bảng tên của mình được viết bằng tiếng Tàu; ông nghĩ đến danh dự của
Quân đội nhân dân Việt Nam. Giá mà lãnh đạo chúng ta, trước khi ngửa tay nhận
một tỉ nhân dân tệ
của Tập Cận Bình, họ nghĩ đến thi hài của
các ngư dân và những con tàu vỡ nát bị đâm chìm trên biển. Giá mà người trồng
rau chỉ trồng một vườn rau “sạch” để ăn và bán cho đồng bào mình…Giá mà mỗi người
trong chúng ta chịu nghĩ đến người khác một chút, hay một giá trị chung bên cạnh
món lợi riêng của mình.
Người phụ nữ Nhật kia, một mình bà thôi, cũng đã làm
nên bản sắc của nền văn hóa Nhật. Tôi nghĩ mỗi hành động bằng ý thức và tình
yêu thương của mỗi người dân VN; chắc chắn sẽ thay đổi được tình trạng xuống cấp,
vô cảm của xã hội. Như bao quốc gia CS khác, bước vào những năm thứ 70 của
XHCN, chúng ta đã đụng đáy. Dân tộc Việt Nam đã hoàn toàn mất trắng, ba mươi năm chiến
tranh tiêu phí biết bao xương máu của người dân cả hai miền, để bây giờ là một
nền hòa bình đói nghèo, tụt hậu cả về vật chất lẫn linh hồn. Nhìn hình ảnh cuộc
tranh giành sống mái của lãnh đạo, người dân còn trông mong nỗi gì! Sự thay đổi
phải bắt đầu từ mỗi chúng ta.
Cuộc bầu cử dân chủ thành công của Miến Điện đã làm
nhiều người Việt Nam ước mơ. Cảm động nhất là sự thiết tha và những giọt nước mắt
của Ls Nguyễn Văn Đài. Trả lời trong một cuộc phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do,
anh bảo: “… tôi cảm thấy rất là xúc động, cái cảm giác như
là nước mắt trào ra khi mà Myanma có cuộc bầu cử có tự do và đảng đối lập đã
dành thắng lợi đó thì mình mừng cho họ 1 phần vì đất nước mình cũng rất gần vì
2 nước đều nằm trong khu vực Đông Nam Á đều là thành viên của Asean trong khi
đó trình độ phát triển của Myanmar thấp hơn VN rất là nhiều, họ cũng đã bị cai
trị quân sự đến hơn nửa thế kỷ nhưng mà sự đấu tranh rất là kiên cường, dũng cảm
của người dân thì bên này họ đã gặt hái được kết quả thành công.”
Sự phát triển của Myanmar có thể thấp hơn VN rất nhiều, nhưng lòng ái quốc của họ thì không. Ông Ko Ko Gyi, người đứng đầu Thế Hệ 88. Chàng sinh viên ngồi
tù 17 năm, người lãnh đạo phong trào đấu tranh chống độc tài quân phiệt từ những
năm 1988 đã hãnh diện chia sẻ: “chúng tôi
đã thay đổi quốc gia này mà không cần bạo động”. Những Ko Ko Gyi là những Ansan Suki thầm lặng; hàng ngàn những con người
thầm lặng đó đã làm nên sự thay đổi tuyệt vời cho Miến Điện. Chính sự khao khát
một xã hội dân chủ và sự cương quyết của người dân đã buộc chính quyền Thein
Sein phải thay đổi. Chính họ đã tạo nên Thein Sein.
Không một chính quyền nào có thể chống lại cái khát vọng của
những con người muốn sống cuộc sống có nhân phẩm và sự tôn trọng. Bước sang những
ngày đầu năm, hãy cùng chúc nhau một năm mới tràn đầy tình yêu thương. Hãy là
những Ko Ko Gyi, mỗi chúng ta sẽ thay đổi cái xã hội vô cảm này bằng tình yêu
thương.
Hãy là những Ko Ko Gyi chúng ta sẽ tìm được Thein Sein.