Thiện
Tùng
Quốc hội là cơ
quan quyền lực cao nhứt nước, là “sân chơi” công cộng, nơi duy nhứt để người
dân thưc hiện quyền của mình. Người dân phải bám Quốc hội như ngư dân đeo bám
ngư trường. Dân không làm chủ Quốc hội, ngư dân không làm chủ ngư trường coi
như rời bỏ cơ sở sinh sống.
Theo lẽ công bằng, Đảng CSVN với 4,5 triệu đảng viên,
là một bộ phận của dân tộc Việt Nam, họ có quyền tham gia “sân chơi” Quốc hội,
nhưng tuyệt nhiên không được quyền độc chiếm Quốc hội như họ đã từng làm.
Khi chấp nhận
vào quỷ đạo “Cộng hòa” có nghĩa là Việt Nam chấp nhận bình đẳng trong cộng đồng,
tổ chức quản lý xã hội theo hệ thống Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Cử tri cả
nước cử và bầu ra cơ quan Lập pháp (Quốc hội), đại diện cho toàn dân, có quyền
hành nhứt nước.
Vì vậy, để áp đặt thể chế chính trị Độc tài Đảng trị,
Đảng CSVN chỉ cần độc chiếm Quốc hội là đủ để cho mình thống trị xã hội. Khi
chiếm được thế thượng phong, Đảng CSVN áp dụng ngay thể thức “Đảng cử, Dân bầu”,
cử đảng viên của mình vào nhuộm đỏ Quốc hội – bao giờ cũng có hơn 90% đại biểu
Quốc hội là đảng viên. Quốc hội đỏ thì
những đứa con do nó sinh ra như Chủ tịch nước, Hiến pháp, Hành pháp, Lập pháp
cũng đỏ - đỏ từ trên xuống, từ trong ra ngoài. Thế là tất cả “dài tóc” hay “trọc
đầu” đều là màu đỏ, là cánh tay nối dài của đảng cầm quyền, hình thành một cách
hoàn hảo bộ máy cầm quyền “Độc tài Chuyên chế”.
Khi nắm được bộ máy cầm quyền, Đảng CSVN nghĩ ngay đến
luật lệ để buộc người dân phải “sống và
hành động theo Pháp Luật”. Hiến pháp là luật cơ bản (luật mẹ), đảng cầm quyền
đặc biệt quan tâm về nó. Cái khó là, thời đại ngày nay, hơn nữa với danh xưng
“Cộng hòa”, Hiến pháp chỉ một màu đỏ không thể “trình làng” (quốc dân và quốc tế),
đành phải pha màu cho đỡ chướng mắt. Hiến pháp trước đây hay Hiến pháp hiện
hành (2013), pha ở đâu thì pha, Đảng
CSVN chỉ cần nhuộn đỏ chói mắt điều 4. Điều 4 như “túi càng khôn” với cụm từ:“Đảng
lãnh đạo Nhà nước và Xã hôi trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối”. Để cho
công chúng yên lòng, Đảng CSVN duyệt và cho ghi trong Hiến pháp hiện hành, tại
điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin,
hội họp, lập hội, biểu tình – Việc thực hiện các quyền nầy do luật định”.
Và tại điều 27:“Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có
quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân” – Việc thực hiện các quyền nầy do
luật định”.
Có lẽ, sợ công dân áp dụng điều 25 và 27 của Hiến pháp
vào cuộc sống, làm phương hại đến việc áp đặt thể chế chính trị Độc tài, Đảng
CSVN không quên chỉ đạo cho ghi sau 2 điều 25 và 27 câu thòng: “việc
thực hiện các quyền nầy do luật định”.
Thế rồi, hết năm nầy qua năm khác, Đảng CSVN hiệu cho Quốc hội làm động tác giả:
cứ “rặn” mãi nhưng phải hạn chế đến mức thấp nhứt lọt ra Luật. Để thủ lợi cho
mình, Luật nào lỡ/phải lọt ra đừng ngại cho nó vi Hiến. Những văn bản sau Luật
thì tha hồ vi Luật – người ta gọi “luật rừng” là căn cứ vào sự rối tung trong
luật lệ. Khi chưa có luật thì người dân không được tùy tiện áp dụng điều 25 và
27 của Hiến pháp vào cuộc sống. Nếu ai cả gan sẽ có công an, Dư luận viên, côn
đồ... đến “làm việc”.
Chưa hết, cũng để cho dân chúng yên lòng, Đảng CSVN
đưa ra cơ chế phân định vai vế cũng khá rạch ròi: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý,
Dân làm chủ”.
Với nhận thức của mình, người viết xin mạn phép giải
mã cơ chế chính trị nầy: Đạo có nghĩa là
đường, Đảng lãnh đạo là Đảng có
trách nhiệm vạch ra đường hướng (như người thiết kế bản vẽ) đệ trình lên cơ
quan quyền lực cao nhứt nước là Quốc hội để thông qua. Nhà nước quản lý có nghĩa là bộ máy Nhà nước có trách nhiệm tổ chức
thực hiện (thi công bản vẽ) do Đảng đệ trình được Quốc hội xét duyệt. Dân làm chủ, ngoài làm chủ bản thân,
công dân từ 18 tuổi trở lên có trách hiệm tham gia chọn người có tài đức cử vào
cơ quan quyền lực cấp TW và địa phương, đó là Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các
cấp; đồng thời tham gia kiến tạo Pháp Luật (Hiến pháp và những luật cơ bản).
Nói vậy chớ không/chưa làm như vậy, khi đã nhuộm đỏ hệ
thống chính trị, Đảng CSVN chiếm dụng cả hệ thống truyền thông đại chúng để tô
son trét phấn cho cả hệ thống chính trị của mình. Khi có hệ thống tổ chức đỏ và
hệ thống truyền thông đại chúng đỏ, Đảng CSVN không cần che giấu sự độc tài của
mình: Họp Quốc hội mà đại biểu xưng hô với nhau là “đồng chí”; Chủ tịch Quốc nội vung tay chém gió trước nghị trường
Quốc hội: “Bộ Chính trị đã quyết không thể
không làm”; Bộ trưởng, thậm chí Thủ tướng Chính phủ sai phạm không chịu từ
chức còn nói trước Quốc hội: “Tôi được Đảng
phân công, khi nào Đảng bảo từ chức tôi mới từ chức”. Tòa án Nhân dân mà
treo bảng to tướng với câu “Đảng Cộng sản
Việt Nam quang vinh”; Công an Nhân dân mà treo bảng trước trụ sở: “Công an chỉ biết còn Đảng còn mình; Họp
Đảng mà buộc dân treo cờ Tổ quốc; Tại
những hội trường công cộng mà, ngoài những “ông râu”, còn treo cả 2 cờ Tổ quốc và cờ Đảng..v.v... – phải chăng muốn nói
Đảng là ta, Tổ quốc cũng là ta?.Hơn nửa thế kỷ qua, Đảng CSVN chiếm dụng trái
phép Quốc hội Việt Nam, biến nó thành của riêng mình, sử dụng nó như một công cụ
phục vụ cho lợi ích cục bộ.
Phải nhận diện thảm họa của nạn độc tài: Quan
trí ngày một thấp: Vì cố áp đặt thể chế chính trị Độc tài, Đảng CSVN không chọn hiền tài trong
hơn 90 triệu dân mà, như gà con vướn tóc, cứ lẻo đẻo chọn trong phạm vi 4,5 triệu
đảng viên của mình cử vào bộ máy cầm quyền, từ đó dẫn đến quan trí thấp (so với
mặt bẳng Dân trí). Quan trí thấp lại mắc thêm bịnh độc tài, bảo thủ, chủ quan, gây hậu
quả nghiêm trọng từ khâu chỉ đạo đến khâu tổ chức thực hiện: Lãnh đạo mà “không biết làm gì”, thường sai phạm trong khâu vạch đường hướng
như: đeo bám chủ thuyết hoang tưởng; để chính trị, kinh tế lệ thuộc Trung Quốc;
cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây nguyên, ngoài luôn thua lỗ còn ảnh hưởng
Quốc phòng, An ninh; Cho người Trung Quốc
vào sinh sống, chiếm cứ khắp cùng đất nước, nhất là ở khúc ruột Miền Trung .v.v....Quản lý mà “không biết làm thế
nào”, làm đâu thua/hư đó, tham nhũng lan tràn, nợ nần chồng chất; xã hội rối
ren, xã hội đen xuất hiện ngày càng nhiều, đến mức một số nơi Công an cũng phải
nễ/chạy mặt chúng, và ..v.v....
Đã từ lâu, có lẽ quen kiếp đời nô lệ, luôn phải phủ phục
trước cường quyền, người dân Việt Nam chưa nhận ra mình đang sống trên đất nước
được mệnh danh là “Cộng hòa”, chưa nhận ra Quốc hội là nơi duy nhứt để người
dân thực hiện quyền của mình. Cả thời gian dài hoặc vì quá tin/sợ nên để cho đảng cầm quyền độc chiếm Quốc
hội – sân công cộng trung tâm quyền lực. Mang danh là chủ mà để mất sân chơi, mất
nơi thực thi quyền hành, trở thành bầy đàn đày tớ không hơn không kém.
Đảng CSVN đã và đang chiếm dụng trái phép Quốc hội Việt
Nam, chẳng khác mấy việc Trung quốc đã và đang lấn chiếm biên giới, biển, đảo của
Việt Nam. Nếu độc tài bắt nguồn từ Quốc hội thì Dân chủ cũng bắt nguồn từ Quốc
hội. Nếu Dân chủ là khắc tinh của Độc tài thì, theo hiến pháp hiện hành, điều
25 và 27 là khắc tinh điều 4. Khi màu xanh Dân chủ pha trộn với màu đỏ Độc tài,
nhiều hay ít tùy thuộc vào số lượng được pha trộn, sẽ làm màu đỏ không còn giữ
được trinh nguyên.
Gần đây, có lẽ những người cao kiến, thức thời đã nhận
ra những mâu thuẫn ấy, họ dựa vào điều 25 và 27 của Hiến pháp hiện hành làm cơ
sở pháp lý, đăng ký thi đấu “ai thắng ai” giữa Độc tài và Dân chủ tại sân chung
(Quốc hội), do cử tri làm trọng tài.
Có người cho rằng tự ứng cử vào Quốc hội đỏ là thỏa hiệp,
hữu khuynh,... nên tẩy chay nó. Những người tự ứng cử và một số khác lại cho rằng
đấu tranh bất bạo động phải “liệu cơm gấp mắm”, phải dựa vào điều 27 Hiến pháp
làm cơ sở pháp lý. Việc tẩy chay phải bằng
phong trào quần chúng mới thành công và an toàn, lẻ tẻ không làm được và nguy
hiểm - điều kiện hiện nay chưa cho phép, phải đấu tranh từng bước giành thắng lợi
từng phần. Biết rằng “đội hình” của đảng đương quyền đang chiếm thế thượng
phong, nhưng phải“vạn sự khởi đầu nan”,
“Có hơn không, có chồng hơn ở góa”. Trước tương quan bất lợi như thế, không
còn cách nào khác, cần có những người hùng dám xông vào phá thế độc chiếm trái
phép Quốc hội của đảng cầm quyền. Sự thách thức của số tự ứng cử nầy, khiến cho
đảng cầm quyền phải giở đủ trò ma mị để cho Quốc hội giữ được màu đỏ trinh
nguyên – không bị pha màu. Đảng cầm quyền càng phản ứng càng lộ rõ bộ mặt thật
của chế độ trước công chúng. Khi đông đảo dân chúng đã thức tĩnh, nếu Đảng cầm
quyền không chịu xuống thang, quyết độc chiếm Quốc hội thì, đây là cơ hội, áp dụng
hình thức tẩy chay Quốc hội bằng áp lực quần chúng.
Trừ những người có thiện chí góp ý về đấu pháp ở cuộc
bầu cử Quốc hội sắp tới, người viết củng khuyên những ai đó, chớ “tả khuynh”, nếu
không đủ dũng khí ra tranh cử thì “Đi chỗ
khác chơi” (lời của cố nhà văn Trang
Thế Hy), đừng “nhàn cư di bất thiện”, chuyên nghề thọt gậy vào bánh xe cản trở
bước tiến của lịch sử.
Phải chăng: Muốn chuyển đổi thể chế Độc tài sang Dân
chủ bằng hình thức bất bạo động, điểm xuất phát từ sân chung (Quốc hội), đấu
tranh từng bước, giành thắng lợi từng phần, nhầm chuyển đổi “Đảng hội” thành Quốc
hội đúng nghĩa.
23/02/2016
T.T