19 février 2016

‘Người ta lớn bởi vì mi quỳ xuống’ - Chính quyền và công an TP HCM phục vụ ai?


         Blog Phạm Chí Dũng


18.02.2016

17/2/2016 - ngày tưởng niệm hàng chục ngàn cái chết của người dân và quân nhân Việt Nam trong Chiến tranh vệ quốc 1979 chống Trung Quốc xâm lược - cuộc dâng hoa thắp nhang của giới trí thức Sài Gòn đã bị chính quyền và công an thành phố này đàn áp và ngăn chặn thô bạo.
Đây cũng là lần thứ năm liên tiếp trong 5 năm qua “thành phố mang tên Bác” cấm chỉ các cuộc kỷ niệm, tưởng niệm về những sự kiện liên quan đến Trung Quốc.


Trong số hàng trăm trí thức, người dân dự định tưởng niệm năm nay, chỉ có khoảng vài chục người đến được tượng đài Trần Hưng Đạo ở quận Nhất. Nhưng xung quanh tượng đài này nhan nhản đến vài trăm công an, dân phòng. Rất nhiều người khác đã bị lực lượng an ninh huy động số đông chặn ngay tại nhà.

Mới 6 giờ sáng, một chiếc xe tải bất chợt bị “hư máy” ngay trước nhà ông Huỳnh Kim Báu - một trí thức thuộc Phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn trước 1975, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, tổ chức dân sự đứng tên thông báo tưởng niệm ngày vào ngày 17/2/2016. Có đến hai chục nhân viên an ninh bao vây nhà ông Báu và hùng hổ ngăn chặn không cho ông bước ra ngoài.

Cũng từ sáng sớm ngày 17/2, nhà bác sĩ Nguyễn Đan Quế - một nhà đấu tranh dân chủ có bề dày ở Sài Gòn - đã bị đông đảo nhân viên an ninh phong tỏa. “Không cho đi vì là ngày kỷ niệm chiến tranh biên giới Việt - Trung” - công an tuyên bố không giấu giếm. Nhưng khác với một số lần trước, những nhân viên an ninh còn huỵch toẹt “đây là lệnh của chính quyền TP HCM” - bác sĩ Quế cho biết.

Song trong lúc chính quyền và giới công an trị TP HCM mẫn cán và rắp tâm hành động theo một cách bị cho là “bảo vệ Trung Quốc”, một thực tế hầu như đối nghịch đã sáng lên ở Hà Nội: có thông tin cho biết có đến 500-600 người dân và trí thức đã tổ chức tưởng niệm tại những điểm khác nhau. Đông nhất tại tượng đài Lý Thái Tổ. Khác hẳn lần tưởng niệm đầu năm ngoái, vào lần này không còn cảnh chính quyền Hà Nội nghĩ ra các tiểu xảo như dùng công nhân vệ sinh phun nước, công nhân đập gạch, mở loa khiêu vũ cho các dư luận viên... để càn phá cuộc tưởng niệm. Chỉ có một nhóm nhân viên an ninh đứng xung quanh và cũng chỉ làm nhiệm vụ ghi hình.

Trong vòng chưa đầy một tháng, chính quyền và công an Hà Nội đã hai lần tỏ ra tự kiềm chế hơn, có văn hóa và cũng có liêm sỉ hơn. Lần trước, ngày 19/1/2016, hàng trăm trí thức và người dân đã tưởng niệm 74 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh để bảo vệ Trường Sa năm 1974, cũng tại tượng đài Lý Thái Tổ, mà không bị công an lao vào cắn xé đám đông và giật phá tan nát vòng hoa tưởng niệm như ở Sài Gòn.

Chính vào ngày 19/1 ấy, nhà cầm quyền TP HCM đã một lần nữa tự lột mặt nạ. Hàng trăm người bị đàn áp, bị đánh đập, bị cấm ra khỏi nhà.

Hãy nhìn về trước nữa. Trong khi cuộc tuần hành phản đối chuyến công du Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra bình yên ở thủ đô vào tháng 10/2015, vài chục người tuần hành tương tự ở Sài Gòn đã bị đánh đến đổ máu. Gương mặt đẫm máu của người tuần hành Trần Bang hoàn toàn xứng đáng là một bằng chứng không cần lời tố cáo về việc chính quyền và công an TP HCM đàn áp không nương tay đối với những người phản đối Trung Quốc.

Một kỷ lục buổi giao thời! Chỉ trong hơn 3 tháng, ba lần chính quyền và công an đại diện cho vùng Nam Bộ tỏ rõ thái độ sắc máu hơn hẳn Hà Nội. Sau những hành động  đã lui vào quá khứ của Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Chí Thành, giờ đây đến lượt tân bí thư thành ủy Đinh La Thăng, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong, và giám đốc công an Lê Đông Phong.

Biểu lộ ý đồ và hành động đàn áp “thoát Trung” một cách có hệ thống.

Nhưng những con người đàn áp tinh thần thoát Trung liệu sẽ chạy nhanh đến mức nào nếu lính Tàu tràn vào biên cương nước Việt một lần nữa?

Muộn còn hơn không bao giờ, Bộ Chính trị của Tổng Bí thư Trọng cần điều tra ngay lập tức: Ai đã ra lệnh cho những hành động ấy?

***

Ngày 17 tháng Hai năm nay, hình ảnh người con gái Việt bị lính Tàu hãm hiếp đến chết rồi cắt vú lại hiện về.

Oan hồn của ngàn vạn oan hồn. Những oan hồn sục sôi đòi nợ. Tiếng đòi nợ kinh động cả núi rừng!

Cùng nỗi đau và thảm nhục đến tận cùng...

Đau cho cái chết còn lâu mới nhắm mắt của người dân chống Trung Quốc.
Nhục cho “người ta lớn bởi vì mi quỳ xuống”.