Sông Hàn
Người Việt Nam hạnh phúc chẳng qua chỉ là cái tồn dư
rơi rớt của văn hóa làng xã ngàn năm ngay trong sóng gió cuồn cuộn của thế kỷ
XXI. Nếu không tự khai phóng, e rằng trăm năm nữa Việt Nam chưa thoát khỏi cảnh
một nước thu nhập trung bình thấp.
Cầu học bằng khát vọng chinh phục là
nền tảng để thịnh vượng. Ta còn chờ đến lúc nào?
Tại sao chúng ta nghèo? Ảnh minh họa: vneconomy |
Vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên không chắc đã
làm nên một quốc gia, một dân tộc hùng mạnh, giầu có. Một nền quản trị công
tốt, chính sách vĩ mô tốt, một quốc gia hùng cường không thể bắt đầu từ những
tồn đọng trong quá khứ.
Tại sao chúng ta nghèo?
Khi xưa ở Trung Quốc, ông Mạnh tử nói rằng: “Quốc dĩ
dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên”; sau, cũng lại người Trung Quốc khẳng định
rằng “Dân dĩ thực vi thiên”. Oái oăm thay, những câu đó lại đúng với người Việt
Nam.
Chúng ta là một dân tộc nông nghiệp là chính, bị dằn
vặt và lo âu bởi hạt lúa, củ khoai. Rất chua xót, nhưng khó có thể phủ nhận
được rằng chúng ta ưu tiên trước nhất và gần như dành cả cuộc đời công dân của
mình để lo miếng ăn cho mình và gia đình.
Như thế tự bản thân đã "gông cùm" chính tư
duy, lòng khám phá và khát vọng chinh phục của mình. Mắt chỉ nhìn dạ dày của
mình thì làm sao có tư duy mới, làm sao nghĩ tới triết học, hay “bay những chân
trời chưa có người bay” – như ý thơ của nhà thơ Trần Dần?
Vì cái ăn có thể làm được tất thẩy, còn cái ăn thì còn
sinh tồn, điều này làm tôi bất giác nghĩ đến lời nhân vật Hamlet “tồn tại hay
không tồn tại” - William Shakespeare. Có thật chúng ta tồn tại như một dân tộc
giầu khát vọng và một tư duy cởi mở, ham khám phá?
Ồ không! Nền văn minh lúa nước, những đồng bằng, dòng
sông, thung lũng nuôi lớn bản làng, nuôi lớn dân tộc này, bảo vệ dân tộc này.
Nhưng mặt trái là trói buộc người Việt Nam trong cái khuôn chung- văn hóa làng
xã.
Đó là một không gian văn hóa đặc quánh và cô tịch và
cái ăn “đo” vị trí con người “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”. Tư duy
sở hữu “tấc đất cắm dùi”, sống với đất đai tổ tiên, bà con chòm xóm khiến ngàn
năm người Việt ở ngay ngã ba đường của thế giới (tức là biển Đông) mà không thể
trở thành một quốc gia hàng hải, không thể có một đội thương thuyền mạnh.
Với người Việt Nam, biển cả không khác gì một con
sông, cho cá cho tôm, nhưng giương buồm ra khơi buôn bán lại là cái gì đó mênh
mông, choáng ngợp, bất trắc và đầy nguy hiểm. Đến cả nhà buôn rồi cũng quay về
mua đất để cải thiện giai tầng của mình.
“Phi thương bất phú”, không có thương mại biển nghĩa
là không có đô thị đúng nghĩa. Không có đô thị, nghĩa là không có được những
sinh lực mạnh mẽ cho kinh tế bản địa, trói buộc nó trong tự cung tự cấp. Không
có đô thị đúng nghĩa cũng dẫn tới việc chậm thích ứng với cái mới bao gồm cả
tri thức, tư tưởng, và những giá trị văn minh.
Đất đai của Việt Nam chỉ vừa đủ cho người dân sống,
đại khái chăm cấy chăm cày thì không phải lo đến cái ăn, nhưng ngược lại cũng
khó giầu. Kinh tế, tư duy làng xã cũng không cho phép, không mong muốn anh trở
thành một cá nhân giầu “xuất chúng”.
Theo dòng lịch sử ta thấy sự thịnh vượng của vương
triều Đại Việt đều phải trông đợi vào sự cân bằng trong chính sách ruộng
đất. Khi chính sách không thể giữ sự cân bằng, xã hội phát sinh biến động
đỉnh cao là các cuộc khởi nghĩa nông dân. Và trong các cuộc khởi nghĩa nông
dân, kinh tế nông nghiệp lại bị tàn phá, những người làm kinh tế giỏi nhất ở
nông thôn sớm trở thành những "nạn nhân" đầu tiên.
Tất cả tạo nên cái vòng luẩn quẩn khiến nông thôn Việt
Nam không thể bứt ra được cái nghèo truyền thống và khá thơ mộng với mái nhà
tranh và đồng lúa chín vàng.
Các nước phương Tây, nền văn minh của họ là sự Phục
hưng văn minh Hi – La. Nhận ra được những chân giá trị, cốt lõi của văn hóa –
văn minh, người phương Tây mới buôn bán chinh phục khắp thế giới, riêng ở Á
Châu các công ty Đông Ấn từng mọc lên như nấm. Tại Châu Á, thời cận – hiện đại,
Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã khai phóng chính mình, rũ bỏ đi những thủ cựu,
lạc hậu của văn hóa Á Đông “bơi nổi hưởng lạc cùng văn minh phương Tây” – lời
Fukuzawa Yukichi.
Còn ta, ta hài lòng với chính ta. Người Việt Nam hạnh
phúc chẳng qua chỉ là cái tồn dư rơi rớt của văn hóa làng xã ngàn năm ngay
trong sóng gió cuồn cuộn của thế kỷ XXI. Nếu không tự khai phóng, e rằng trăm
năm nữa Việt Nam chưa thoát khỏi cảnh một nước thu nhập trung bình thấp.
Cầu học bằng khát vọng chinh phục là nền tảng để thịnh
vượng. Ta còn chờ đến lúc nào?
Sông Hàn