21 juin 2017

Tham gia “ Tìm hiểu về Thể chế “ của blog Dân Quyền


Thể chế nào phù hợp cho Việt Nam



Trần Trương Sa
 

Sau nhiều năm nghiên cứu đặc tính của dân tộc và xã hội Việt Nam tôi thấy rằng người Việt có một số tính cách như sau khi tham gia bầu cử :

1. Phần lớn  cử tri chọn lựa ƯCV bằng tình cảm của con tim (yêu-ghét, tốt-xấu).

2. Ít cử tri đủ năng lực đánh giá cụ thể xã hội đang cần gì ; ƯCV nào có khả năng giải quyết những vấn đề đó; ƯCV nào phù hợp trong vai trò hành pháp hay lập pháp.

3. Nhiều cử tri xem việc đi bầu như là một nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện cho xong (đây là hậu quả của chế độ “dân chủ bề ngoài” dưới sự lảnh đạo độc tôn của đảng cộng sản).

4. Tình trạng mua phiếu cũng có nhiều tiềm năng xảy ra.

Cho nên, tôi đề xuất một số đặc điểm cần có trong bầu cử để thiết lập nhà nước như sau :



1. Không bắt buộc cử tri đi bầu. Tỷ lệ số phiếu chỉ tính trên số cử tri đi bầu.

2. Không được phép vận động trực tiếp “từng” cử tri đi bầu. Chỉ được vận động chung toàn thể cử tri trên các phương tiện truyền thông. Chỉ đưa hòm phiếu phục vụ tận nơi cho cử tri khi có yêu cầu trực tiếp của cử tri đó.

3. Số lần toàn dân tham gia bầu cử nên giãm đến mức thấp.

Qua tìm hiểu các thể chế dân chủ đã được áp dụng trên thế giới, để phù hợp với dân tộc tính và tình hình xã hội dân chủ quá non trẻ, tôi đề xuất một thể chế chính trị như sau :


          1. Thể  chế “Bán tổng thống – nữa đại nghị” : Sở dĩ gọi tên như thế là vì trong thể chế này người dân xây dựng hai cơ quan hành pháp độc lập. Thủ tướng không do Tổng thống chỉ định - Quốc hội thông qua mà Thủ tướng do Quốc hội bầu ra - Tổng thống phê chuẩn.

Những người tham gia cơ quan hành pháp hoặc tư pháp bắt buộc phải rời khỏi cơ quan lập pháp.

Tổng thống là người đứng đầu quốc gia về mặt danh nghĩa. Đồng thời Tổng thống là người đứng đầu cơ quan hành pháp thứ nhất được gọi là Phủ Tổng thống. Phủ Tổng thống bao gồm ba tổng : Tổng Ngoại giao, Tổng Quốc phòng và Tổng tiền tệ (Tổng trưởng tiền tệ đồng thời là Thống đốc Ngân hàng nhà nước).

Tổng thống (kèm theo 1 Phó Tổng thống) do toàn dân bầu ra.

Thủ tướng là người đứng đầu cơ quan hành pháp thứ hai được gọi là Chính phủ. Chính phủ bao gồm các Bộ cần thiết (không có Bộ ngoại giao, bộ Quốc phòng và Ngân hàng nhà nước).

Thủ tướng (kèm theo 1 Phó Thủ tướng) do Quốc hội bầu ra.


2. Dân chỉ bầu trực tiếp “Đại biểu nhân dân” (có thể gọi là Đại cử tri). Người dân chỉ đi bầu 4 năm một lần bao gồm: Bầu Tổng thống và bầu Đại biểu nhân dân.

Tất cả các cuộc bầu cử (dân bầu trực tiếp hoặc đại biểu bầu) đều có thể phải trải qua hai vòng nếu ở vòng một ƯCV không đạt được số phiếu quá bán (số cử tri đi bầu hoặc số đại biểu)

Người nào tham gia cơ quan hành pháp hoặc tư pháp thì phải từ bỏ vai trò Đại biểu nhân dân.

Đơn vị cơ sở xây dựng Hội đồng Đại biểu nhân dân là cấp Quận, Huyện. Số lượng đại biểu nhân dân chiếm chừng 1-2 phần ngàn dân số (tỷ lệ những nơi thưa dân phải cao hơn nơi đông dân). Đại biểu nhân dân không hưởng lương, chỉ nhận công tác phí khi tham gia bầu cử.

Mỗi Quận, Huyện nên có khoảng 5-10 phần trăm Đại biểu nhân dân dự khuyết để Hội đồng Đại biểu nhân dân bầu bổ sung vào vị trí chính thức khi có sự khiếm khuyết trong hội đồng.

Hội đồng Đại biểu nhân dân các Quận, Huyện trong tỉnh, thành phố hợp thành Hội đồng Đại biểu nhân dân tỉnh, thành phố. Hội đồng Đại biểu nhân dân các Quận, Huyện trong cả nước hợp thành Hội đồng Đại biểu nhân dân quốc gia.

Lưu ý rằng “Hội đồng Đại biểu nhân dân” chỉ là tập hợp các Đại cử tri chứ không phải là cơ quan dân cử. Đại biểu nhân dân tham gia bầu cử là bắt buộc.


3. Xây dựng chính quyền dân cử cấp Quốc gia.

Hội đồng Đại biểu nhân dân quốc gia bầu ra

- Nghị viện (Thượng nghị viện) gồm 96 nghị sĩ chính thức và 12 nghị sĩ dự khuyết. Các ƯCV ra tranh cử theo liên danh. Mỗi liên danh có 8 ứng viên chính thức và 1 ứng viên dự khuyết. Các Đại biểu nhân dân bầu chọn 12 liên danh.

Hội đồng Đại biểu nhân dân cấp tỉnh bầu ra

- Một số lượng dân biểu  (theo luật định) đại diện cho cử tri tỉnh mình để tham gia vào Dân viện (Hạ nghị viện).

Các ƯCV nghị sĩ hoặc dân biểu phải là Đại biểu nhân dân.

Nghị viện và Dân viện hợp thành Quốc hội.

Quốc hội là cơ quan dân cử thường trực có hưởng lương. Quốc hội bầu ra :

- Thủ tướng (kèm theo 1 Phó Thủ tướng); thông qua các chức danh Bộ trưởng (kèm theo 1 thứ trưởng) do Thủ tướng đề cử. Quốc hội có quyền bãi nhiệm các chức danh này.

- Hội đồng thẩm phán tối cao. Các ứng cử viên phải có trình độ luật học nhất định (do hiến pháp quy định). Nhiệm kỳ thẩm phán tối cao là suốt đời. Thẩm phán chỉ rời vị trí khi chết, mất tích …hoặc được bầu vào các vị trí khác hoặc từ chức hoặc bị phế truất (Quốc hội bỏ phiếu).

- Quốc hội có quyền triệu tập Hội đồng Đại biểu nhân dân quốc gia để bỏ phiếu biểu quyết các vấn đề hệ trọng của Quốc gia (xem như trưng cầu dân ý) hoặc truất phế Tổng thống, Phó Tổng thống, Tổng trưởng, Phó Tổng trưởng nếu đương sự bị Hội đồng thẩm phán tối cao luận tội.



4. Xây dựng chính quyền dân cử cấp tỉnh, thành.

Hội đồng Đại biểu nhân dân cấp tỉnh bầu ra

- Tỉnh, Thành trưởng (kèm theo 1 phó).

Hội đồng Đại biểu nhân dân quận, huyện bầu ra :

- Một số lượng nghị viên (theo luật định) tham gia vào Hội đồng nhân dân tỉnh, thành. Các ƯCV nghị viên phải là Đại biểu nhân dân.

Hội đồng nhân dân tỉnh, thành là cơ quan dân cử thường trực có hưởng lương. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành bầu ra :

- Hội đồng thẩm phán tỉnh, thành. Các ứng cử viên phải có trình độ luật học nhất định (do hiến pháp quy định). Nhiệm kỳ thẩm phán là suốt đời. Thẩm phán chỉ rời vị trí khi chết, mất tích …hoặc được bầu vào các vị trí khác hoặc từ chức hoặc bị phế truất (Hội đồng nhân dân tỉnh, thành bỏ phiếu).

- Hội đồng nhân dân tỉnh, thành có quyền triệu tập Hội đồng Đại biểu nhân dân cấp tỉnh để bỏ phiếu biểu quyết các vấn đề hệ trọng của tỉnh có nhiều ý kiến trái chiều hoặc bãi nhiệm Tỉnh, Thành trưởng; Phó Tỉnh, Thành trưởng .

- Hội đồng nhân dân tỉnh, thành thông qua các chức danh Sở trưởng (kèm theo 1 phó) do Tỉnh, Thành trưởng đề nghị và có quyền bãi nhiệm các chức danh này.


5. Xây dựng chính quyền dân cử cấp địa phương.

Hội đồng Đại biểu nhân dân quận, huyện bầu ra :

- Quận, Huyện trưởng (kèm theo 1 phó). Các ƯCV các chức danh này phải ra ứng cử cùng lúc với các đại biểu nhân dân (không ứng cử cùng lúc cả 2 chức danh Đại biểu nhân dân và Quận, Huyện trưởng).

- Hội đồng thẩm phán quận, huyện. Các ứng cử viên phải có trình độ luật học nhất định (do hiến pháp quy định). Nhiệm kỳ thẩm phán là suốt đời. Thẩm phán chỉ rời vị trí khi chết, mất tích …hoặc được bầu vào các vị trí khác hoặc từ chức hoặc bị phế truất (Hội đồng Đại biểu nhân dân quận, huyện bỏ phiếu).

- Hội đồng nhân dân quận, huyện (khoảng 10-15 ủy viên). Các ƯCV phải là Ủy viên nhân dân của đơn vị. Đây là cơ quan dân cử địa phương có hưởng lương.

- Hội đồng nhân dân quận, huyện cử từ các ủy viên nhân dân khác: một (hoặc hai) ủy viên nhân dân cho mỗi phường, xã (có hưởng lương thường xuyên).

- Hội đồng nhân dân quận, huyện thông qua : việc bổ nhiệm một ủy viên pháp lý cho mỗi phường, xã do Hội đồng thẩm phán quận, huyện đề cử; một Phường, Xã trưởng (kèm theo 1 phó) cho mỗi phường, xã do Quận, Huyện trưởng đề cử. Hội đồng nhân dân quận, huyện có quyền bãi nhiệm các chức danh này.

- Hội đồng nhân dân quận, huyện có quyền triệu tập Hội đồng Đại biểu nhân dân quận, huyện để bỏ phiếu biểu quyết những vấn đề hệ trọng của địa phương có nhiều ý kiến trái chiều; bỏ phiếu bầu bổ sung hoặc phế truất một số chức danh dân cử.