Phong Khê
Ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: Anh Hoàng.
|
Tỉnh ủy Hậu Giang cử cán bộ ra Hà Nội tìm ông Trịnh Xuân Thanh vì không liên lạc được cán bộ này qua điện thoại.
Sáng 10/9, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, đơn vị đang cần gặp ôngTrịnh Xuân Thanh(nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) để làm rõ những thông tin liên quan đến báo cáo mà ông này gửi Thường trực Tỉnh ủy.
Văn phòng Tỉnh ủy cũng có giấy triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh nhưng chưa liên lạc được.
“Vài ngày trước Tỉnh ủy cử cán bộ ra Hà Nội tìm ông Thanh vì không gọi điện thoại được. Chúng tôi cho người đến tận nhà riêng nhưng gia đình nói không biết ông Thanh đi đâu”, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nói.
Hai ngày trước, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra TƯ, Ban Bí thư đã kết luận nhiều nội dung liên quan đến sai phạm của vị này.
Đó là trong thời gian từ năm 2007-2013, ông Thanh đảm nhiệm các cương vị là Phó Bí thư Đảng uỷ, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, ông Trịnh Xuân Thanh cùng với Ban Thường vụ Đảng uỷ, Hội đồng quản trị, Ban Tổng GĐ, Ban Kiểm soát Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế.
Từ đó để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Những vi phạm, thua lỗ nêu trên là rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Với cương vị là người đứng đầu, ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.
Mặc dù vậy, trong kiểm điểm, ông Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực, chưa thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của mình.
Nội dung thứ hai Ban Bí thư kết luận là, khi thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng ông Thanh dùng biển số xe công gắn vào ôtô tư nhân để sử dụng là trái quy định của pháp luật, gây phản cảm và tạo dư luận xấu, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Việc làm đó của ông Thanh là thiếu gương mẫu, vi phạm quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.
Nội dung thứ ba Ban Bí thư kết luận ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty.
Ông Thanh không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển theo Thông báo kết luận số 146-TB/TW, ngày 4/10/2013 của Bộ Chính trị khoá XI.
Nhưng ông vẫn đề nghị và để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện sự thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu.
Những khuyết điểm, vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông. Trong quá trình kiểm điểm, đồng chí Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thiếu trung thực; chưa thành khẩn, tự giác nhận các vi phạm, khuyết điểm.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị khoá XI về xử lý đảng viên vi phạm, Ban Bí thư đã nhất trí rất cao (biểu quyết 100% bằng phiếu kín) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
____
Mời xem thêm: Hậu Giang cử người ra Hà Nội tìm ông Trịnh Xuân Thanh(VNN).
Hà Phan (tổng hợp)
Hôm qua, tôi thấy hai ông cưa bom thật lại thương vong. Còn vài vị cưa bom miệng cũng chẳng có kết cục tốt đẹp gì. Con đường của Trịnh Xuân Thanh đang hẹp dần nhưng ông ấy đang ở đâu thì chưa ai biết. Người ta chỉ biết Phạm Công Danh vừa nhận án sơ thẩm 30 năm và 5.000 tỷ đã có địa chỉ rõ ràng. Nhưng thưa tất cả các ông! Tôi đã có thần tượng…
Ông Thanh đâu rồi?
Con đường của Trịnh Xuân Thanh đang hẹp dần với quyết định khai trừ Đảng chiều qua. Nhưng bây giờ ông ấy ở đâu vẫn còn là dấu hỏi rất to.
Mốc 13.9 mà Tỉnh ủy Hậu Giang ấn định cho ông Thanh phải có mặt đang rất gần. Ông ấy sẽ xuất hiện hay lại bặt âm vô tín thì chúng ta phải chờ. Đoán già đoán non cuối cùng cũng chỉ chốt được câu: Ông ấy không thể biến mất được đâu. Nhưng dù thế nào đi nữa cũng thật là khó tin nếu chuyện ông Thanh chỉ là của ông ấy.
Ông Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội nói thế này: “Vụ việc này phải làm đến nơi đến chốn, không phải chỉ xử lý một mình ông Trịnh Xuân Thanh và một mình ông Thanh không thể làm được như vậy. Phải làm rõ trách nhiệm này là của ai và phải nói cho rõ, bởi vì ông Trịnh Xuân Thanh không thể tự chọn chỗ cho mình được”.
Rất đúng, ông ấy không thể tự chọn chỗ cho mình thì phải có ai đó chọn cho ông ấy chứ nhỉ? Câu hỏi hơi khó trả lời nhưng cũng rất khó lảng tránh. Trịnh Xuân Thanh, ông đang ở đâu? Chỉ có ông mới có lời đáp rõ ràng nhất vè chỗ của mình, chỗ mà ông mà nhiều người đã chọn.
9000 tỷ và 30 năm tù
Cuối cùng thì phiên sơ thẩm xử đại án Phạm Công Danh cũng kết thúc quý vị ạ! Ông Danh đã lãnh mức án không thể nào cao hơn được nữa cho các tội danh của mình. Nhưng điều mà chúng ta quan tâm nhất có lẽ là 9.000 tỷ mà Danh cuỗm của Ngân hàng CB còn lại được bao nhiêu?
Ít nhất thì “5.190 tỷ đồng Trần Ngọc Bích đã vay của ngân hàng CB là vật chứng của vụ án, cần thu hồi lại cho ngân hàng CB”. Và hàng trăm tỷ nữa mà những chủ nợ lớn của Danh như bà Bích, bà Phấn đã nhận từ Danh cùng cấp dưới sẽ phải quay về với khổ chủ. Chưa kể những tài sản Danh đứng tên riêng hay chung với hoặc danh nghĩa tập đoàn Thiên Thanh cũng phải gánh trách nhiệm bồi thường.
Có thể còn phúc thẩm, còn kháng án, kháng nghị hay tranh cãi nhưng trên lý thuyết, hơn 5.000 tỷ đã không còn bóng chim tăm cá nữa. Tuy nhiên từ bản án đến thi hành là con đường rất dài, có khi không thể tới đích trọn vẹn. Thôi cứ hy vọng, còn hơn không có gì để trông chờ. Ở đất nước mà ngân sách chắt bóp từng tỷ thì 5.000 tỷ cực kì lớn. Còn vì sao 9.000 tỷ ấy ra đi cực kì dễ có lẽ mình Phạm Công Danh cũng chưa lý giải đủ.
Con nợ cái trả
Hi hữu, rất hi hữu quý vị ạ! Nhưng họ vẫn mắc phải, một món nợ khó để phân trần. Văn bản của UB Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương gửi cấp trên ghi rõ: “Dù đã cố gắng tiết kiệm để trang trải chi phí, nhưng do quá nhiều đoàn đến thăm vào khoảng thời gian ngắn nên đơn vị không có đủ kinh phí đón tiếp. Hiện nay UB Kiểm tra tỉnh ủy còn nợ 310 triệu đồng mà không có nguồn để chi trả”.
Tôi không biết được mời hay chưa nhưng “đột xuất có nhiều tỉnh đến thăm, trao đổi kinh nghiệm như Hậu Giang, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Thuận, Lâm Đồng, Sơn La, Hòa Bình, Thái Bình, Quảng Ninh…” thì tiền nào cũng túng huống gì nơi chỉ có mỗi nguồn từ ngân sách. Không tham ô, không tư túi cũng chẳng khuất tất chỉ cần khách khứa kiểu này đã thủng túi rồi.
Tôi chỉ thắc mắc, thời gian tiền bạc và công sức đâu mà họ đi thăm và trao đổi kinh nghiệm lắm thế? Một người, hai người hay rồng rắn cả chục để UBKT tỉnh phải “nhắc khéo”? Nợ nào chắc chắn chủ nhà cũng phải trả, còn tiền đâu tôi không biết. Chỉ mong đừng lấy từ thuế của chúng ta.
Đừng cưa bom nữa các ông à!
Cưa bom, lại cưa bom theo đúng nghĩa đen các bác ạ! Những vị liều mạng luôn đùa với thần chết từ nước ta thêm một phen làm thế giới trầm trồ. Còn chúng ta cứ tròn mắt hỏi nhau cưa bom thật kiếm sống qua ngày với cưa bom miệng kiếm ti tỉ chia nhau sao cứ mãi song hành thế nhỉ?
Câu chuyện mới ngày hôm qua: “Hai thanh niên gần 30 tuổi ở Đắk Lắk dùng hàn gió cưa bom tạ khiến nó phát nổ dẫn đến bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu”. Ba tháng trước, hai người ở Kon Tum đã bỏ mạng vì cưa bom khi mà dư âm vụ nổ bom Hà Đông vẫn ám ảnh.
Tôi chia buồn với các nạn nhân kiêm thủ phạm nhưng cũng cực lực phản đối những ai giỡn mặt tử thần. May mắn chỉ một vài người, ra đi vĩnh viễn. Tôi rất xót khi các ông đánh cược mạng sống với vài trăm ngàn nhưng mưu sinh mà không biết bay lên trời khi nào thì hãi lắm. Đem đèn khò rồi cưa bom tạ thì sống sót mới lạ. Đừng cưa bom nữa các ông ạ! Vì mạng mình vì gia đình và cả những người xung quanh. Bom đạn vô tình chẳng biết tránh né ai đâu.
Làm giàu không khó
Hai triệu tiền phạt cho một biệt phủ thiếu phép rất đáng để nộp phạt các bạn ạ! Một nơi mà “Dù vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhưng cảnh quan bên trong khiến người đến thăm có cảm giác như đang lạc vào một vương phủ nào đó” rất đáng để bỏ ra hai triệu.
Số tiền trên không lớn dù cho biệt phủ ấy đứng tên mẹ vợ Giám đốc Sở Tài Chính Thừa Thiên- Huế và ông ấy chỉ thường xuyên đến chỉ đạo thi công. Chốn như “vương phủ” này sẽ có 60 ngày để hoàn tất các thủ tục xin phép và nếu xin được, một xác suất rất lớn thì tất cả sẽ được hợp thức hóa.
Tôi có một đề nghi : nếu họ chưa xin xong phép cũng nên để biệt phủ ấy để thiên hạ biết nơi đó có những cảnh quan mà đại đa số dân nước này mơ ước. Nhìn vào mọi người còn có thêm gương tốt: làm giàu không khó.
Thần tượng của tôi
Tôi tin hôm qua nhiều người đã thấy thần tượng của mình. Tôi thấy anh trênLaodong.com.vn, đó là Lê Văn Công, người đã xuất sắc giành HCV cử tạ tại Pralympic Rio 2016 và phá kỷ lục thế giới ở hạng cân 49kg. Lực sĩ Hà Tĩnh đã đi vào lịch sử bằng nghị lực của một người từ lúc sinh ra đã bị teo tóp đôi chân vì di chứng mẹ bị sốt xuất huyết.
Dù chiến tích ấy không vang vọng như Hoàng Xuân Vinh nhưng với tôi khó có thể dùng cụm từ nào khác ngoài “ngả mũ khâm phục”. Đọc những dòng sau có chút gợn: “So với các VĐV tham dự Olympic, tiền thưởng theo quy định và tiền treo thưởng của các doanh nghiệp với VĐV Paralympic thấp hơn nhiều. Theo đó, với việc giành HCV, phá kỷ lục Paralympic và thế giới, Lê Văn Công được nhận số tiền thưởng khoảng hơn 400 triệu đồng (80 triệu quy định Nhà nước, còn lại là các khoản treo thưởng).
Nhưng tôi nghĩ những gì anh đã làm được lớn hơn rất nhiều với triệu kia tỉ nọ. Nghị lực ấy, số phận ấy và vinh quang ấy không thể tính bằng tiền các bạn ạ!
THƯ GIÃN ; TRỊNH XUÂN THANH XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ!