09 novembre 2016

Nhìn Mã Lai, nghĩ lại công thức Minh Chúa


Vũ Thạch 

Thủ tướng Mã Lai Najib Razak vừa ký kết các giao ước trị giá 34 tỷ mỹ kim với Trung Quốc chưa ráo mực, lập tức vang lên hàng loạt tiếng kêu báo động ông Najib đang "bán nước". Đặc biệt trong những tiếng báo động là lời của cựu thủ tướng Mohamad Mahathir.  

Chỉ mới 5 tháng trước, cũng chính ông Mahathir kêu gọi đương kim Thủ tướng Najib hãy từ chức khi cơ quan điều tra rửa tiền của Hoa Kỳ, theo yêu cầu của các NGO Mã Lai, đưa ra bằng chứng cho thấy ông Najib đã lén chuyển tiền từ quĩ đầu tư quốc gia về túi riêng và túi của đảng ông.

 


Trong một xã hội bị kiểm soát nghiêm ngặt như Mã Lai, loại lên tiếng công thẳng như ông Mahathir quả là can đảm. Và càng can đảm hơn nữa khi dám lên tiếng kêu gọi người đang đứng đầu đảng mạnh nhất, UMNO, và đang đứng đầu chính phủ hãy từ chức.  

Nhưng nếu ôn lại sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Mahathir trong suốt 22 năm nắm quyền (1981 - 2003), khó ai có thể phủ nhận chính ông đã góp phần không nhỏ vào tình trạng lãnh đạo tệ hại hiện nay tại Mã Lai. 

Trong hơn 2 thập niên ngồi ghế thủ thướng, Tiến sĩ Mahathir có công đẩy nhanh vận tốc phát triển kinh tế Mã Lai. Nhưng về mặt chính trị quốc gia, thay vì xây dựng một nền tảng dân chủ bền vững cho các thế hệ tương lai, ông chỉ muốn duy trì hệ thống cai trị vững chắc cho đảng của ông và cá nhân ông. Mọi bất đồng ý kiến đều bị trừng trị không thương tiếc, dù kẻ đó là ai. 

Thí dụ điển hình là khi Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim bất đồng với Thủ tướng Mahathir về cách đối phó cơn khủng hoảng tài chính 1998. Lập tức ông Ibrahim bị xem là đối thủ rồi từng bước trở thành kẻ thù của Thủ tướng. Ông Mahathir không ngần ngại dùng cả hệ thống tòa án để buộc cho được lên đầu ông Ibrahim tội gian dâm đồng tính với cậu tài xế riêng, một tội rất nặng và nhục nhã tại đất nước Hồi giáo Mã Lai. Vợ ông Ibrahim là một bác sĩ y khoa đã nhiều lần lên tiếng minh oan cho chồng và chứng minh cái oan đó bằng sự hiện hữu của 6 đứa con của ông bà, nhưng vẫn bị xử thua kiện. Hiện nay ông Ibrahim vẫn đang ngồi tù.   

Thật ra, nếu nói một cách công bằng thì ông Mahathir không phải là người duy nhất tại châu Á chạy theo công thức Hệ thống cai trị cậy dựa tuyệt đối vào một "minh chúa". Theo công thức này, người đang cai trị tin chắc mình là một minh chúa, với đầy đủ tài năng và đức độ, cũng như hết lòng vì nước. Và ông sẽ chọn lựa một minh chúa xứng đáng kế tiếp để "truyền ngôi". Dân chúng không có khả năng chọn lựa sáng suốt như ông. Nhân tài dù có đi nữa mà không qua được cặp mắt lượng giá sáng suốt của ông thì cũng chưa phải là những kẻ tài giỏi nhất.  

Rất tiếc, đến nay thực tế đã cho thấy, không biết vì xui xẻo hay vì tiềm thức của chính người chọn lựa, các vị lãnh đạo sau đều thua người minh chúa chọn lựa mình. Tài năng, đức độ của ghế lãnh đạo cao nhất quốc gia do đó càng lúc càng thấp xuống. Hậu quả là các thành tựu phát triển, kinh tế đã đạt được đều bị khựng lại hay ngay cả giật lùi dần trong các đời minh chúa sau. 

Ngay cả trường hợp Singapore, sau Lý Quang Diệu đến Lý Hiển Long đã là một bước hụt hẫng lớn, chứ chưa nói gì đến tương lai. Nếu ông Lý Quang Diệu thực sự nhìn xa và hết lòng vì đất nước, đáng lẽ ông đã phải dồn sức xây dựng nền móng dân chủ để toàn dân có thể chọn lựa những người giỏi hơn cả con ông ra lãnh đạo đất nước. Rõ ràng tuy có rất nhiều điểm xuất sắc, nhưng ông Diệu vẫn còn máu phong kiến khá đậm đặc và vẫn nhìn chưa qua được mái đầu con cái mình. 

Lịch sử nhân loại cho đến ngày nay đã chứng minh tính ưu việt của cơ chế dân chủ chọn lựa lãnh đạo; Hơn xa công thức dựa vào minh chúa, mà thực chất chỉ là hệ phong kiến già cỗi tro bụi khoác áo tân thời. 

Dân Nhật thật có phước từ khi nước Nhật không còn dựa vào vua làm minh chúa nữa. Dân Hàn Quốc cũng gặp may kể từ khi không còn dựa vào các minh chúa như Lý Thừa Vãn, Phác Chúng Hy nữa. 

Nhìn sang thế giới Tây Phương, có những vị như George Washington, tổng thống đầu tiên của nước Mỹ,  không chỉ được dân chúng Hoa Kỳ nhớ ơn mà còn cả thế giới kính phục. Ông có một danh hiệu khá đặc biệt là "Người từ chối làm vua". Thật vậy, khi lãnh đạo 13 nước thuộc địa đứng lên giành độc lập, vô số người biết ơn đã muốn tôn ông lên làm "tổng thống trọn đời", tức một loại vua khoác áo cộng hòa để đối trọng với vua Anh.  

May cho nước Mỹ, ông Washington không nhận lời. Ông nhìn rất xa. Ông thấy được giới hạn và sự độc hại của độc tài đối với quyền tự do con người. Ông không muốn người dân Hoa Kỳ, sau khi đổ bao xương máu giành độc lập, lại tự hủy các quyền tự do của mình để sống làm thần dân của một vương quốc mới. Ông đã để lại bài học lâu dài cho các thế hệ tổng thống kế tiếp bằng 2 hành động làm ngỡ ngàng vô số người: 

- Ông tự giới hạn mình vào 2 nhiệm kỳ tổng thống rồi bước xuống. Hành động này đã trở thành truyền thống cho các tổng thống khác đến tận ngày nay (ngoại trừ một ngoại lệ vì chiến tranh), và chỉ được luật hóa sau Thế chiến 2.

- Sau nhiệm kỳ tổng thống, ông Washington từ chối nghiêng về phe phái nào hay ủng hộ ứng viên nào. Nói cách khác, ông từ khước chọn "minh chúa" kế tiếp mà để việc đó cho dân. Ông chỉ cho mình vai trò "chính khách bô lão" của quốc gia, góp ý cho bất kỳ tổng thống nào nếu họ tìm đến ông, và hoàn toàn vì lợi ích của cả quốc gia.  

Với các bài học lịch sử từ Đông sang Tây, từ xa xưa đến cận đại, mà phần nêu trên chỉ là một vài thí dụ, rất mong các vị nguyên thủ Việt Nam đầu tiên sau khi đất nước thoát khỏi chế độ độc tài sẽ khôn ngoan áp dụng. Hãy đặt nhu cầu tạo nền tảng dân chủ bền vững cho các thế hệ mai sau lên trên hết, khuyến khích đa nguyên phục vụ quốc gia, và tạo cơ chế cho người dân tuyển chọn người tài giỏi nhất ra phục vụ đất nước, dù làm như thế có thể tạo thiệt thòi cho cá nhân mình hay đảng phái mình trong ngắn hạn.  

Xin đừng theo vết xe của chính phủ Ngô Đình Diệm, thu quá hẹp vòng tin cậy vào phạm trù những người có quan hệ gia đình hay theo kiểu "dưỡng phụ - dưỡng tử". Đừng theo  vết xe của chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, đặt ưu tiên quá cao vào việc tạo ảnh hưởng cho đảng phái mình. Và nhất là đừng theo vết xe của chính phủ Hồ Chí Minh, vừa nắm được quyền là dốc sức lo thủ tiêu các lãnh tụ không theo cộng sản.
 
Quả thật, chỉ những lãnh tụ để lại nền tảng vững bền cho đất nước hàng trăm năm sau, mới xứng đáng được nhân dân biết ơn và thế giới ngưỡng phục hàng trăm năm sau khi họ qua đời.