Quá trình chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ thường rất phức tạp. Có những nước
đã chuyển đổi thành công như Đài Loan, song cũng có những nước chuyển đổi
không thành công như Ukraine.
Dưới đây là một số kinh nghiệm được rút ra từ quá trình chuyển đổi và củng cố dân chủ ở Ba Lan, Ukraine, Thái Lan, Indonesia,
Brazil, Mexico, Nigeria, và Nam Phi, được các học giả I. Coleman,
Lawson-Remer giới thiệu trong cuốn Pathways to Freedom: Political and Economic Lessons
From Democratic Transitions (2013).
Isobel Coleman hiện là đại diện của Mỹ ở cơ quan Quản
lý và Cải cách của Liên Hiệp Quốc, mang hàm đại sứ. Bà cùng với Lawson-Remer
cũng từng là học giả của tổ chức nghiên cứu Council on Foreign Affairs.
1. Cơ hội dân chủ hoá từ khủng hoảng kinh tế
Người ta thường tin rằng tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến dân chủ, vì khi kinh tế ngày càng phát triển, sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu lớn hơn, chính tầng lớp này với
các nhu cầu về các quyền, tự do và quản trị minh bạch sẽ tạo ra áp lực khiến
chính quyền phải chuyển đổi sang hình thức cai trị
dân chủ.
Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi này có thể xảy ra,
thường đòi hỏi phải có một tác động lớn, khiến chính quyền suy yếu, hoặc mất đi
tính chính danh của nó, và tác động này thường đến từ các cuộc khủng hoảng kinh tế.
Có rất nhiều ví dụ chứng minh điều này, như cuộc khủng hoảng tài chính Châu
Á năm 1997 đã làm sụp đổ chế độ cai trị độc tài cá nhân của
Suharto ở Indonesia, hay như cuộc khủng kinh tế trong những năm 1980 ở Brazil đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài quân sự, và làm quốc gia Nam Mỹ này
chuyển đổi sang chế độ dân chủ.
2. Dân chủ hoá từ những cuộc bầu cử phi dân chủ
Các cuộc bầu cử – ngay cả các cuộc bầu cử giả mạo –
cũng có thể đóng góp quan trọng cho việc chuyển đổi sang chế độ dân chủ.
Người ta thường phủ nhận các cuộc bầu cử giả mạo này, coi đó như là lớp vỏ
dân chủ để hợp pháp hóa cho sự cai trị độc tài. Tuy nhiên, ở một thời điểm nào
đó, chính các cuộc bầu cử này lại là phương tiện cho việc chuyển đổi sang chế độ
dân chủ.
Mexico là một ví dụ điển hình. Trước những năm 1970, Mexico nằm dưới sự cai trị độc
đoán của Đảng IRP. Để gia tăng tính hợp pháp của chế độ, IRP đã nới lỏng luật bầu cử để cho phép phe đối lập giành được một số ghế trong
quốc hội. Đến năm 1980, do khủng hoảng kinh tế, phe đối lập đã tận dụng sự nới
lỏng này vận động các tổ chức xã hội dân sự để thúc đẩy cho các cuộc bầu cử
minh bạch và công bằng hơn. Kết quả là sau đó phe đối lập đã giành chiến thắng
trong cuộc bầu cử, kết thúc chế độ cai trị lâu đời của Đảng IRP.
Tương tự như vậy, ở Brazil, chế độ quân sự cho phép phe đối lập tồn tại. Tuy
nhiên, do khủng hoảng kinh tế trong những năm 1980, chế độ quân sự mất dần sự
kiểm soát, và phe đối lập đã giành được chiến thắng lớn
trong các cuộc bầu cử quốc hội năm 1982, cũng như cuộc bầu cử tổng thống năm
1986, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ độc tài quân sự.
3. Bạo động tất tử
Các cuộc nổi loạn vũ trang thường không dẫn đến dân chủ hóa, ngay cả khi chế độ
bị lật đổ. Lịch sử chứng kiến vô số các cuộc nổi dậy, đảo chính, cách mạng bạo
lực, song chúng chỉ thay thế chế độ độc tài này bằng một chế độ độc tài khác.
Chính các cuộc biểu tình hòa bình đã làm thức tỉnh người dân, và tạo ra một xã hội dân sự có tổ chức tốt hơn, và điều này góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi dân chủ cũng như
duy trì nền dân chủ sau đó.
Ba Lan là một ví dụ. Chính Công đoàn Đoàn kết – một
phong trào mà vào đỉnh điểm có đến ¼ dân số Ba Lan tham gia – đã khiến cho
chính quyền phải đối thoại, và tạo ra sự chuyển đổi hòa bình từ chế độ cộng sản
sang chế độ dân chủ sau đó.
4. Tăng trưởng kinh tế được phân bố đồng đều
Sự thành công của các nền dân chủ mới phụ thuộc vào việc
dân chủ hóa có cải thiện đời sống vật chất của người dân hay không.
Khi người dân nhận thấy có sự cải thiện về chất lượng cuộc sống, họ sẽ tin tưởng
vào nền dân chủ, từ đó họ sẽ tích cực ủng hộ việc củng cố dân chủ. Trái lại, nếu
dân chủ hóa dẫn đến thất nghiệp gia tăng, hay các lợi ích không được phân bố đồng
đều, người giàu thì giàu lên trong khi hoàn cảnh của đa số người dân lại
không có gì thay đổi, thì họ sẽ quay sang ủng hộ cho sự cai trị độc tài.
Chuyển đổi dân chủ ở Brazil được củng cố phần lớn vì sự
tăng trưởng kinh tế ở đó được phân bố đồng đều. Bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế, chính phủ dân chủ của Brazil đã thông qua các chính sách phúc lợi, và
điều này đã mang lại sự thay đổi rõ rệt cho đa số người dân Brazil. Đây là lý
do chính khiến cho người dân
ủng hộ nền dân chủ.
Trái lại, ở Thái Lan, sau khủng hoảng tài chính năm
1997, dù các chính sách kinh tế mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư và giới
chóp bu kinh tế trong nước,
song lại hy sinh lợi ích của đa số người dân. Điều này đã dẫn đến sự xuất hiện của Thaksin, một nhà lãnh đạo dân túy với phong cách
cai trị độc đoán.
5. Pháp quyền
Một nền dân chủ mới phải cho người dân thấy rằng nó có thể bảo vệ các quyền căn bản
của người dân, thiết lập một nền tảng kinh tế công bằng và năng lực cai trị. Nếu
người dân tin rằng hệ thống pháp luật và các thiết chế công hoạt động vì họ chứ không chống lại họ, thì họ sẽ tin tưởng vào pháp luật và sẵn lòng khoan dung cho những vấn đề không thể tránh khỏi trong quá trình chuyển
đổi.
Một hệ thống pháp luật hiệu quả, minh bạch và có thể dự
đoán được sẽ giúp ngăn chặn những người bên trong chính quyền thâu tóm tài sản
công bằng các giao dịch mờ ám.
Ba Lan là hình
mẫu của một nền dân chủ chuyển đổi gần đây. Thành công của nó một phần nhờ vào
các cải cách kinh tế, đặc biệt là quá trình tư nhân hóa
tài sản nhà nước. Quá trình này chỉ xảy
ra sau khi các nhà làm chính sách hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo ra một sân
chơi công bằng và thiết lập những hàng rào bảo vệ chống lại tham nhũng.
Ngược lại, Ukraine đã thất
bại trong việc thiết lập một hệ thống pháp luật công bằng, thay vào đó là một hệ
thống tùy tiện. Ở đó không có sự bình đẳng trước pháp luật và các cơ chế minh bạch, trong
khi quá trình củng cố pháp lý lại không thể dự đoán,
khiến cho phần lớn tài sản rơi vào tay giới đầu sỏ trong quá trình tư nhân hóa những năm 1990.
6. Tản quyền về các địa phương
Việc gia tăng quyền lực cho địa phương hay tản quyền
có những lợi ích to lớn.
Thứ nhất, nó giúp giảm bớt quyền lực của chính quyền
trung ương, qua đó tránh được nguy cơ độc
đoán và tham nhũng vốn từng xảy ra dưới sự cai trị chuyên chế trước đó.
Thứ hai, nó giúp cho địa phương có sự tự chủ lớn hơn
trong việc quyết định các vấn đề mang tính địa phương, điều mà trung ương không thể nắm được, qua đó
gia tăng hiệu quả quản lý.
Thứ ba, nó làm cho người dân cảm thấy việc quản lý gần gũi hơn với họ, khiến họ tích cực tham
gia đóng góp vào quá trình quản lý, cũng như giám sát hoạt động của các quan chức, qua đó gia
tăng tính trách nhiệm của bộ máy cũng như niềm tin của người dân.
Indonesia là một ví dụ. Dưới thời độc tài Sukarto họ đã áp dụng một trong những hệ thống chính trị tập trung nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi sang nền dân chủ, Indonesia đã áp dụng một hệ thống
tản quyền, trao quyền nhiều hơn cho các địa phương.
Sự chuyển dịch này đã mang lại nhiều lợi ích cho
Indonesia, như nhu cầu ly khai giảm bớt khi
chính quyền địa phương được tự trị nhiều hơn, không còn tình trạng tham nhũng chính sách tràn lan ở trung ương, ngân sách minh bạch hơn, cũng như chất lượng
chính sách được cải thiện.
7. Cẩn thận với những láng giềng xấu
Các nước láng giềng tốt có thể giúp các nền dân chủ non trẻ củng cố thành công,
thông qua việc cung cấp các hỗ trợ về kỹ thuật và kinh tế, chia sẻ các kinh
nghiệm quản lý nền dân chủ, và tạo ra các áp lực chính trị mang
tính xây dựng.
Trái lại, các nước láng giềng xấu có thể can thiệp vào nội bộ, cung cấp nguồn lực cho các
lực lượng độc tài, và gây áp lực từ bên ngoài nhằm làm suy yếu quá trình chuyển đổi dân chủ.
Các nước như Ba Lan, Cộng hòa Séc được hưởng lợi từ sự
giúp đỡ của Liên minh Châu Âu, khiến cho quá trình chuyển đổi và củng cố dân chủ
diễn ra thuận lợi, và họ đã trở thành các nền dân chủ ổn định.
Ngược lại, các nước như Ukraine, Belarus, do chịu tác động tiêu cực của Nga
nên đến nay vẫn nằm dưới các chế độ cai trị độc tài – như Belarus, hay bán độc
tài và bất ổn chính trị liên tục – như Ukraine.
* Bài sử dụng ảnh của pace.edu và brookings.edu.
Tổng hợp từ:
·
I. Coleman, Lawson-Remer, và những người khác; Pathways to Freedom:
Political and Economic Lessons From Democratic Transitions; Council on
Foreign Relations Press; 2013.
·
I. Coleman, Lawson-Remer; A
User’s Guide to Democratic Transitions A how-to guide for reformers around the
world; Foreign Policy; 18/6/2013.
FRIED; The Transition to Democracy in Poland; bài giảng tại hội thảo Democratic Transition and Consolidation 2001 –
2002; 5/3/2012.