03 mai 2017

Để dễ phòng ngừa móc ngoặc


Danh Đức


Những phát biểu, thậm chí là kết luận tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) hôm thứ Năm tuần rồi, như “không nên cứng nhắc vì cá nhân, doanh nghiệp tặng tài sản cho Nhà nước là điều bình thường, quan trọng là người sử dụng có đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn không” hoặc “không nên cấm việc cho/biếu/tặng tài sản mà quan trọng là sử dụng như thế nào”... là thực tế “tư duy lập pháp” ở thời điểm tháng 4-2017 về vấn nạn tham nhũng cùng quyết tâm chống tham nhũng.
Tất nhiên, hai ý kiến nêu trên không phải là của toàn thể các đại biểu dân cử tham gia thảo luận nhưng nó lại cho thấy một thứ tâm lý tạm gọi là “bỏ thì thương, vương thì tội”. Trong đó tình cảm “bỏ thì thương” hay gọi cho đúng là “bỏ thì tiếc” lớn hơn, tuy rằng cũng có tâm lý ái ngại chuyện “vương thì tội”.



Thiết tưởng, Việt Nam - như là thành viên Liên minh Nghị viện thế giới, mà cách đây vừa đúng hai năm Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới thứ 132 (IPU-132) đã tổ chức thành công tại Việt Nam với sự tham dự của 900 đại biểu - không xa lạ gì luật pháp hiện hành cũng như tinh thần lập pháp của các nghị viện đồng liêu về vấn đề chống tham nhũng. Vì vậy sẽ là không thừa khi mong mỏi rằng Việt Nam cũng cần suy nghĩ theo “cái chung” của toàn cầu. Bắt đầu là Công ước chống tham nhũng mà Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) đã thông qua ngày 1-10-2003 và Việt Nam đã sốt sắng ký ngay, chỉ hai tháng mười ngày sau đó, trở thành một trong số chục nước thành viên LHQ đầu tiên ký công ước này. Công ước trên nêu rõ trong chương 2 “Các biện pháp phòng ngừa”, ở điều 8.5: “...Mỗi quốc gia thành viên nỗ lực thiết lập các biện pháp và cơ chế yêu cầu công chức báo cáo... các quà tặng giá trị lớn, những thứ mà có thể gây xung đột lợi ích khi họ thực hiện công vụ”.
Tại sao đến hôm nay vẫn chưa yên những vụ quà tặng xe hơi sang trọng? Không thể không nhận thấy rằng các vụ này chỉ “lùm xùm” sau khi bị dư luận xầm xì, báo chí phản ánh! Phải chăng ở các trường hợp “nhận quà” đó, đã thiếu việc thực hiện “yêu cầu công chức báo cáo... các quà tặng giá trị lớn”, và cả việc nhắc đi, nhắc lại yêu cầu báo cáo này? 
Thành ra, nếu muốn phòng ngừa tham nhũng và các nghi kỵ lùm xùm, có lẽ cần phải nhắc lại điều 8.5 trong công ước nêu trên và nhất là việc yêu cầu mỗi quốc gia thành viên phải nỗ lực thiết lập các biện pháp và cơ chế báo cáo các quà tặng có giá trị lớn.
Trên một bình diện khác, không thể không nhận ra hiện đang có tình trạng mỗi nơi một cách hiểu về phòng chống tham nhũng khác nhau do không có một quy tắc ứng xử thống nhất theo như yêu cầu của điều 8.5 trong công ước để đảm bảo việc thực hiện chức năng công được chính xác, chính trực và đúng đắn.
Tất nhiên, mỗi ngành nghề có những đặc thù cần có những quy tắc ứng xử riêng, song cũng cần có một quy tắc ứng xử chung làm nền tảng cho tất cả. Những “the Do’s and the Don’ts” (điều được làm, không được làm), như ở Singapore và ngay cả ở... Myanmar từ năm ngoái là rất cần thiết để tất cả cùng “hợp xướng” chớ không “loạn xướng”. Rượt theo Singapore e là khó, song rượt theo Myanmar chắc không khó lắm. Từ ngày 4-4-2016, Myanmar đã ban hành “bộ hướng dẫn...”, theo đó các quà tặng mà các cá nhân hay tổ chức được nhận không được có trị giá vượt quá 25.000 kyat (tức 21 đô la Mỹ). Myanmar thực thi tới đâu, chưa rõ, song ít nhất cũng không “lấn cấn” cân đong “bỏ thì tiếc, vương thì tội”. Nguyên tắc cơ bản của luật pháp, trong giáo trình Công pháp năm thứ nhất (ở đâu cũng vậy), khi nêu tới “Luật La mã” là nhắc đến “Dura lex, sed lex” tức “luật pháp khắc nghiệt thật đấy, song luật là luật.