22 septembre 2017

Thảm trạng cộng đồng người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện


Vương Thuyên: "Thảm trạng người Rohingya bị chính quyền Miến Điện ngược đãi phải đi lánh nạn ở các nước Hồi giáo lân bang làm cộng đồng thế giới căm phẫn. Càng căm phẫn hơn nữa là người có quyền lực nhất hiện nay lại là người đã được cộng đồng thế giới ngưỡng mộ trong cuộc đấu tranh vì lý tưởng cho dân chủ tự do trong quá khứ nay lại quay mặt vì đam mê quyền lực. Thật là đáng tiếc. Vẫn biết rằng bà ASSK buộc phải chia quyền lực với quân đội do điều kiện của Hiến pháp áp đặt. Nhưng điều này không cấm cản bà ASSK lên tiếng theo lương tâm của bà."
 

 

I-Lời nói đầu

Trong những tuần vừa qua, cảnh 420.000 người Hồi giáo Rohingya, một sắc tộc thiểu số ở bang Arakan mà chính quyền Miến Điện gọi là Rakhine, bị quân đội Miến Điện xua đuổi phải chạy qua xứ Bangladesh làm chấn động dư luận thế giới. Họ bị quân đội xứ này đốt phá nhà cửa, tra tấn dã man và đặt mìn nên không còn cách nào khác là buộc phải ra đi không hy vọng ngày trở lại. Nhưng khi qua đến xứ Bangladesh, một số người bị chận lại ở biên giới, một số khác bị đưa đến một đảo hoang vu sống trong cảnh bần cùng tột độ. Đây không phải là lần đầu tiên người Rohingya đi lánh nạn. Trước đó kể từ năm 2012 đã có nhiều chục vạn người bị xua đuổi đi lánh nạn ở các nước Hồi giáo lân cận.
Cho đến nay, cộng đồng thế giớị, ngoài các nước Hồi giáo phái sunnite, chưa có nước nào phản ứng mạnh mẽ để lên án chính quyền Miến Điện cũng như đưa ra chương trình trợ giúp họ. Tổ chức Liên Hiệp Quốc sau nhiều tháng chần chờ, họp lần đầu tiên ngày 13-9-2017 ra nghị quyết kêu gọi tiến hành các bước khẩn cấp nhầm chấm dứt bạo lực. Đúng là một lời kêu gọi chung chung vô tội vạ trước thảm hoạ nhân đạo.
Rồi người ta nghĩ ngay đến bà Aung San Suu Kyi (ASSK), người đã từng bị chính quyền quân phiệt Miến Điện giam lỏng trong 15 năm vì đấu tranh cho lý tưởng dân chủ tự do. Bà  được giải thưởng Nobel Hoà bình năm 1991 và nay là người có quyền lực nhất của xứ này.
Trong bài viết này, chúng ta hãy thử tìm hiểu lý do vì sao đã đưa đến thảm trạng này cũng như vai trò của bà ASSK.


Cảnh hình người tị nạn Rohingya tạm nghỉ ở Ukhia, biên giới giữa Miến Điện và Bangladesh ngày 4-9-2017. Nguồn AFP

II-Người Rohingya là ai?


Người Hồi giáo Rohingya gốc người Bangladesh (Bengalis) sang di dân lập nghiệp bang Arakan Miến Điện vào cuối thế kỷ thứ 19  trong thời kỳ Anh đô hộ xứ Ấn Độ. Sau khi thu hồi độc lập, Ấn Độ bị chia làm hai xứ năm 1947: Ấn Độ và Pakistan. Xứ Hồi giáo Pakistan bao gồm hai lãnh thổ đông và tây. Lãnh thổ phía tây trở thành xứ Bangladesh năm 1971 sau một cuộc nội chiến khủng khiếp.

Bang Arakan với diện tích 36.760 cây số vuông nằm về phía Tây Bắc của Miến Điện sát cạnh biên giới về phía Bắc với Bangladesh mà Sittwee (Akyab cũ) vừa là thủ đô vừa là hải cảng quan trọng. (xem bản đồ Miến Điện trên).

Theo thống kê năm 2014, dân số bang Arakan có 3,2 triệu người trong đó có khoảng ngoài một triệu người Rohingya.

Năm 1828, sau cuộc chiến tranh Anh-Miến, người Anh chiếm Arakan và khuyến khích nông dân người Hồi giáo sunnite sang lập nghiệp khai khẩn đồn điền. Giữa 1890 và 1911, dân số người Hồi giáo di dân ở thủ đô Akyab (nay là Sittwee) tăng 77%. Điều này làm người bản xứ đa số theo Phật gíáo bất mãn. Khi Nhật Bản chiếm Miến Điện năm 1942, cộng đồng Phật giáo nương dựa vào Nhật để đánh đuổi người Anh ra khỏi bang Arakan. Ngược lại, người Anh thành lập một đội dân quân phần lớn bao gồm người Hồi giáo chống Nhật. Dân quân người Hồi giáo thay vì đi tấn công Nhật lại thường đi đốt phá làng người Phật giáo. Sự kiện này làm quan hệ giữa hai cộng đồng trở nên xấu đi. Sau khi Miến Điện thu hồi độc lập đầu năm 1948, một tổ chức người Hồi giáo bang Arakan tuyên bố đòi thiết lập, năm 1951, một ''quốc gia tự do Hồi giáo bình đẳng cũng như 135 sắc tộc khác của Liên Bang Miến Điện''. Khi đông Pakistan trở thành Bangladesh năm 1971, tên Rohingya được ra đời. Chính quyền Miến Điện dĩ nhiên là không chấp nhận và chỉ xem họ là những người lưu vong. Tình trạng trở nên bi đát khi nhóm quân phiệt Miến Điện lên nắm lấy chính quyền năm 1962. Người Rohingya bị phủ nhận quyền công dân và trở thành người vô cư trong xứ. Năm 1982, một đạo luật khác khép họ vào những người ''vô tổ quốc''. 


III-Lý do bạo lực đưa đến thảm trạng


Như đã thấy ở trên, quan hệ giữa hai cộng đồng không những không hài hoà mà còn được chính quyền quân phiệt khuyến khích cổ vũ.

Lý do bạo lực đưa đến thảm trạng hiện nay bắt nguồn từ tháng 5- 2012 sau một vụ hãm hiếp rồi giết chết một phụ nữ Phật giáo bởi ba người Rohingya. Tiếp theo đó là một sự trả thù khủng khiếp của cộng đồng Phật giáo làm khoảng 50 đến 80 ngàn người Rohingya bị di chuyển. Thiết quân luật được ban hành trên toàn bang Arakan ngày 12-6-2012. Từ đó trở đi, người Rohingya bị sách nhiễu và họ buộc phải bỏ xứ ra đi. Giữa năm 2014 và 2015, gần 100.000 người đi theo đường ''boat people'' trốn sang tị nạn ở Mã Lai, Nam Dương hoặc Bangladesh. Cho đến tháng 5-2017, hơn 300 ngàn người Rohingya sang lánh nạn ở Bangladesh không kể 33 ngàn trong hai trại ở Nayapara và Kutupalong do Liên Hiệp Quốc quản lý.

Sự kiện gần nhất đây là một vụ tấn công ngoài 20 trạm cảnh sát biên phòng ngày 25-8-2017 do ''quân đội cứu quốc người Rohingya (Arsa)'' làm 12 cảnh sát biên phòng tử nạn. Quân đội trả thù giết hại hơn 1000 dân theo điều tra của Liên Hiệp Quốc. Tiếp theo đó là cảnh quân đội xua đuổi người Rohingya như mọi người thấy hiện nay.


IV-Phản ứng cộng đồng quốc tế


Như đã nói trên, các nước Hồi giáo sunnite như Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Bangladesh, Mã Lai và Nam Dương lên tiếng phản kháng mạnh mẻ, không ngần ngại nói là một  vụ ''thanh lọc sắc tộc''. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ông Antonio Guterres nói là một thảm hoạ nhân đạo và hy vọng bà ASSK có cơ hội cuối cùng để chấm dứt bạo lực dù ông không nhiều tin tưởng. Còn các nước Tây phương hay Mỹ phản ứng một cách yếu ớt chỉ nói ''không thể chấp nhận''. Họ lo ngại lên án mạnh sẽ đưa Miến Điện vào quỹ đạo Trung Quốc trong khi Bắc Kinh ủng hộ quân đội nước này.

Song song đó là những người có giải thưởng Nobel Hoà Bình, đặc biệt là đức Đạt Lai Đạt Ma lên tiếng kêu gọi chính quyền Miến Điện thực tế là bà ASSK phải giải quyết và cư xử nhân đạo đối với người Rohingya.

Riêng cô Malala Yousafzai sinh năm 1997, người Pakistan được giải thưởng Nobel Hoà Bình năm 2014 trực tiếp chỉ trích nặng bà ASSK, cô nói: ''Mỗi lần tôi xem thời sự, tôi cảm thấy đau lòng trước cảnh khổ đau của người Rohingya. Trong những năm gần đây, tôi không ngừng lên án sự đối xử nhục nhã đối với họ. Tôi vẫn chờ đợi bà ASSK, người có giải thưởng Nobel Hoà Bình như tôi lên án”. Thậm tệ hơn nữa, một kiến nghị gửi cho Uỷ Ban Nobel Hoà Bình yêu cầu huỷ bó giải thưởng của bà ASSK đã thu được 364.000 chữ ký. Nhưng ít người hy vọng việc huỷ bỏ sẽ được thực hiện vì không có điều lệ nào dự trù trong Hiến chương của Uỷ Ban Nobel.


V-Vai trò của bà Aung San Suu Kyi hay “Dame Rangoon''


Mọi người đặt hy vọng và hướng về phía bà ASSK để xem phản ứng ra sao?. Họ hoàn toàn thất vọng. Bà ASSK không những không có lời thương hại nào cho số phận hẩm hiu của người Rohingya mà còn biện bạch một cách khó hiểu. Theo Huffingtonpost, trong cuộc điện đàm với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Receep Tayyip Erdogan ngày 6-9-2017, bà nói rằng cuộc khủng hoảng đang bị ''bóp méo bởi những thông tin sai lệch'''. Trước đó vài tháng (ngày 6-4-2017), ký giả Fergal Keane của đài BBC, người đã gặp bà ASSK trong tháng 7 năm 1995 khi bà vừa được trả tự do vài ngày, sang thủ đô Naypyitaw phỏng vấn bà về việc này thì bà tránh né giải thích lý do tại sao bà không công khai lên tiếng vì ''không muốn việc lên án sẽ làm tăng ngọn lửa hận thù''. Kết luận của ký giả Fergal Keane sau cuộc phỏng vấn là:'' Người đàn bà mà tôi gặp năm 2017 rõ ràng đã thay đổi''. Đúng như Lord Acton đã nói năm 1887: ''Quyền lực dẫn đến hủ bại, quyền lực tuyệt đối dẫn đến hủ bại tuyệt đối'' (Power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely). Bà ASSK do đam mê quyền lực nên đã bị hủ bại. Bà biết rõ Liên Đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà và đa số dân chúng còn ủng hộ bà. Có lẽ vì sợ cộng quốc tế chất vấn nên bà huỷ bỏ tham gia Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc trong tháng 9 này. Thay vào đó, bà tổ chức một buổi họp ngoại giao (briefing diplomatique) và phát biểu bằng tiếng Anh trước một số đại sứ và ký giả nước ngoài ngày 19-7 để biện bạch. Trước đó ba ngày, tướng Min Aung Hlaing, tổng tham mưu trưởng quân đội tuyên bố: ''Vấn đề người Rohingya là sự nghiệp quốc gia, chúng tôi phải đoàn kết trong sự thiết lập sự thật''.

Cần nhắc lại, Hiến pháp Miến Điện cho phép quân đội chiếm 25% ghế ở Quốc hội mà không qua phổ thông đầu phiếu và hai bộ trưởng quan trọng nhất trong chính phủ là Quốc phòng và An ninh do quân đội nắm giữ. Do vậy mà bà ASSK buộc phải chia quyền và tránh né chỉ trích thẳng quân đội. Trong buổi họp nói trên, bà ASSK thay vì nhìn thẳng vào sự thật lại tìm cách ngoắt ngoéo (louvoyer) như bài tường thuật của nhật báo Le Monde Pháp. Bà khởi đầu nói bà ''sâu sắc đau buồn'' về sự khổ đau của tất cả những người bị vướng vào cuộc xung đột. Về cách giải quyết, bà nói sẽ ''trừng phạt những người bị buộc tội bất cứ thuộc nguồn gốc hay địa vị nào trong chính quyền'' nhưng lại nói thêm ''cần phải đưa ra bằng chứng vững chắc''. Bà còn nói ''sẵn sàng'' chấp nhận người tị nạn trở về nước với điều kiện phải ''thẩm tra tư cách công dân''. Không lẽ bà ASSK quên rằng đạo luật 1982 đã khép người Rohingya vào những người ''vô tổ quốc''. Như vậy, những điều bà đưa ra khó mà thực hiện. Nói tóm lại, buổi họp có mục tiêu làm xoa dịu phản ứng phẫn nộ của dư luận quốc tế và kêu gọi cộng đồng thế giới hợp tác một cách tích cực và táo bạo hơn. Nhưng không chắc lời kêu gọi của bà được tích cực đáp ứng. Bằng chứng là tổ chức Ân Xá quốc tế ngay sau đó lên án chính sách đà điểu của bà (không dám nhìn thẳng vào nguy cơ) và khẳng định có bằng chứng không thể chối cãi là quân đội đã tiến hành một chiến dịch thanh lọc sắc tộc.


 VI-Thay lời kết


Thảm trạng người Rohingya bị chính quyền Miến Điện ngược đãi phải đi lánh nạn ở các nước Hồi giáo lân bang làm cộng đồng thế giới căm phẫn. Càng căm phẫn hơn nữa là người có quyền lực nhất hiện nay lại là người đã được cộng đồng thế giới ngưỡng mộ trong cuộc đấu tranh vì lý tưởng cho dân chủ tự do trong quá khứ nay lại quay mặt vì đam mê quyền lực. Thật là đáng tiếc. Vẫn biết rằng bà ASSK buộc phải chia quyền lực với quân đội do điều kiện của Hiến pháp áp đặt. Nhưng điều này không cấm cản bà ASSK lên tiếng theo lương tâm của bà, ngưởi đã từng được gọi là ''nữ cộng đồng nhân quyền'' và đã bị quân đội ngược đãi. Điều chắc chắn là hình ảnh của bà trên chính trường quốc tế đã bị tổn thương một cách thảm hại và làm không ít người thất vọng.


Paris ngày 20-9-2017
Vương Thuyên