18 septembre 2017

Có Những Phiên Tòa, Có Những Nỗi Sợ


  Trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày nay có nhiều phiên tòa xử người bất đồng chính kiến nhiều hơn, qua mỗi phiên tòa dư luận lại nhìn thấy sự sợ hãi càng tỏ tường hơn. Vậy người bị điệu ra công đường sợ hãi trước bản án sắp định khung sẵn lo sợ hay những người nhân danh Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa cùng cả hệ thống cầm quyền lo sợ ?



Ngày 18.9.2017, nhà cầm quyền cộng sản Nghệ An đưa tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai ra tòa xét xử với hai cáo buộc; chống người thi hành công vụ và không chấp hành án quản chế. Trong khi đó ngày 16.9, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ra thông báo về việc cấm đường quanh khi vực phiên tòa diễn ra. Tại sao lại cấm đường đi lại trong một phiên tòa công khai ?

Sự sợ hãi của nhà cầm quyền

Trước hết, về mặt ngoại giao thì những vụ án về tôn giáo, chính trị luôn được thế giới quan tâm. Nhà cầm quyền Hà Nội thường bị lên án về vi phạm nhân quyền, xâm phạm các quyền cơ bản của con người, quyền tự do tôn giáo. Họ sợ hãi truyền thông quốc tế có mặt tại phiên tòa sẽ thông tin trung thực và khách quan cảnh tượng tòa án xét xử áp đặt, phiến diện và quy chụp, vi phạm tố tụng và bịt miệng người bị xét xử.



Thứ hai, yếu tố này quan trọng và có sức mạnh thực tại hơn cả, đó là lòng dân. Nhìn lại lịch sử một thập niên vừa qua chúng ta thấy rõ ràng, người dân đã can đảm, dần dần nỗi sợ hãi biến mất, dòng người kéo nhau đến tòa mỗi ngày một đông hơn, mạnh hơn, lỳ hơn và ý thức hơn, lòng người phẫn uất trước những bản án bất công, họ tôn vinh những người tù.

Năm 2008, phiên tòa xét xử 8 giáo dân Thái Hà cho thấy một bước ngoặc lớn trong ý thức vượt qua sự sợ hãi của người dân đối với nhà cầm quyền, đồng thời có suy nghĩ trưởng thành hơn về công lý và sự thật trong nhận thức xã hội của người dân. Hàng chục ngàn người xuống đường cầm lá thiên tuế đi từ nhà thờ Thái Hà ra tới phiên tòa. Đoàn người đông đảo này đã làm rúng động nhà cầm quyền lúc bấy giờ và đó là hình ảnh đầu tiên người dân công khai bằng hành động phản đối một phiên tòa kể từ khi cộng sản cầm quyền.

Các năm tiếp theo, người dân không còn ngần ngại bày tỏ quan điểm phản kháng của mình qua việc ào ào đến phiên tòa đòi trả tự do cho người bị xét xử. Cho dù bị đàn áp, đánh đập và bắt bớ vậy mà số lượng và chất lượng người dân phản kháng như được nhân lên bội lần, nó diễn ra khắp cả nước, và đủ mọi thành phần tham gia.

Vụ án 14 thanh niên Công giáo và Tin lành tại Nghệ An năm 2013, và qua các vụ án xử nhỏ lẻ khác cho đến ngày hôm nay diễn ra ở đâu, ta lại thấy từng đoàn người kéo đến phiên tòa đông đúc và kiên cường hơn khiến cho nhà cầm quyền trở nên run sợ trước sức mạnh của người dân, khiến cho quan tòa vừa xử vừa run.

Nhà cầm quyền sợ người dân đến tòa gây áp lực, trên bình diện thực địa, ngoài phương pháp đàn áp, bắt bớ truyền thống, bây giờ họ kết hợp phương pháp ngăn sông cấm đường phòng chống dân tình kéo đến.

Mọi phương pháp sẽ bị xóa bỏ khi sự hình thành nhãn quan, nhận thức của người dân cả nước qua từng phiên tòa xử người vô tội mới là một điều đáng sợ khủng khiếp mà cộng sản khó lòng hình dung và ngăn chặn được.

Khi nỗi sợ hãi trong dân đã hết. Ý thức phản kháng của toàn dân đã đến cao trào, không chỉ còn dừng lại ở những con số vài ngàn, chục ngàn nữa. Lúc đó, nỗi sợ hãi của quan tòa, của nhà cầm quyền trở thành sự thật. Khi dân không còn sợ hãi thì gió sẽ đổi chiều. Chính người cộng sản sẽ là người phải sợ hãi.

Xử tù người yêu nước, ai sợ ai ? đây chẳng phải là một câu hỏi để ngõ hay sao ? mà có thể nó đã, đang được trả lời theo thời gian và qua từng phiên tòa. Sự chính nghĩa của những người tù yêu nước được kể như là một nỗi sợ hãi gậm nhấm trong tâm hồn quan tòa. Sự hiên ngang của người công chính trước gông cùm nhà tù được kể như là sức mạnh của biển nước nhấn chìm cả hệ thống cầm quyền cộng sản trong nay mai.


16.9.2017
Paulus Lê Sơn
Nguồn: Theo TMCNN