16 septembre 2017

Vợ Nông Đức Mạnh bị luật sư tố ‘thầu’ chợ Bưởi


Bà Đỗ Thị Huyền Tâm tại một phiên họp Quốc Hội năm 2013. (Hình: VietNamNet)


HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bà Đỗ Thị Huyền Tâm, vợ cựu Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nông Đức Mạnh, bị Luật Sư Trần Đình Triển, văn phòng luật sư Vì Dân làm đơn tố cáo về việc thầu chợ Bưởi ở quận Tây Hồ, Hà Nội.

Bà Đỗ Thị Huyền Tâm, 51 tuổi, là cựu đại biểu Quốc Hội Việt Nam khóa 12 và 13, thuộc đoàn đại biểu Bắc Ninh.

Tuy vậy, công luận chỉ biết đến bà với vai trò là vợ của ông Nông Đức Mạnh từ năm 2012.

Luật Sư Triển viết trên mạng xã hội: “Thông thường, những chợ truyền thống có vị trí đắc địa luôn có kẻ nhòm ngó muốn nuốt chửng chợ.”

“Với nhiều lý do khác nhau: mất vệ sinh, phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông, xây dựng mới cho khang trang hơn, các nhóm lợi ích nhảy bổ vào lập dự án chiếm lĩnh chợ hoặc giải tán chợ cũ buộc tiểu thương thuê điểm kinh doanh của họ. Có chợ, hàng ngàn hộ tiểu thương sống dở chết dở ngửa mặt lên trời mà than.”

 phòng khách
nguyên TBT 
Nông Đức Mạnh
“Đất chợ rơi vào tay một nhóm người, nhà nước thất thu tiền cho thuê điểm kinh doanh, tiểu thương phải thuê của chúng với giá cắt cổ, ngậm miệng không dám kêu la.”

Theo luật sư này, chợ Bưởi “kêu gọi tiểu thương đóng góp với hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm” nhưng khi xây xong, “đột nhiên từ trên trời rơi xuống Công Ty Cổ Phần Chợ Bưởi toàn quyền sở hữu và quản lý.”

Ông Triển cho hay, công ty này có bốn cổ đông gồm hai công ty và hai cá nhân (là bà Tâm và một người khác).

Trong lá đơn gửi chủ tịch thành phố Hà Hội được đăng kèm, Luật Sư Triển nói Công Ty Cổ Phần Chợ Bưởi “thường xuyên đe doạ, thúc ép các hộ kinh doanh tại chợ đóng tiền đợt hai.”

Trong một diễn biến khác, báo điện tử Nhà Đầu Tư cho hay, bà Tâm vừa rút hết vốn khỏi Tập Đoàn Minh Tâm. Tỷ lệ sở hữu của bà Tâm tại tập đoàn này được ghi nhận “giảm từ 81% về 0%” theo “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” thay đổi ngày 22 Tháng Tám.

Báo này cũng viết, “Dưới sự lãnh đạo của bà Tâm, Tập Đoàn Minh Tâm Group đến nay đã trở thành một nhóm doanh nghiệp hàng đầu tỉnh Bắc Ninh, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, giáo dục, kinh doanh khách sạn, sản xuất phân bón, bao bì, thức ăn chăn nuôi…”

“Chưa rõ động thái rút vốn có đồng nghĩa với việc vị cựu đại biểu Quốc Hội thoái lui khỏi tập đoàn, hay chỉ đơn thuần là chiến thuật tái cơ cấu cổ phần của bà Tâm,” theo báo Nhà Đầu Tư.

Hồi Tháng Tám, nhà báo Huy Đức viết trên Facebook: “Trước năm 2013, bà Đỗ Thị Huyền Tâm ở trong tình trạng thua lỗ, nợ nần tới mức bị ngân hàng liệt vào danh sách kiểm soát đặc biệt. Thế nhưng, không hiểu sao ‘tập đoàn’ của bà vẫn được giao hai dự án BOT: Nâng cấp sửa chữa đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ và dự án làm đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc Lộ 18 đoạn Hạ Long-Mông Dương.”

“Đoạn Pháp Vân-Cầu Giẽ, giai đoạn một chỉ ‘cải tạo, nâng cấp’ vẫn bốn làn xe, được tính giá 1,974 tỷ đồng ($87 triệu, hoàn thành 2015); giai đoạn hai, mở rộng thành sáu làn xe, 4,213 tỷ đồng ($185 triệu, dự kiến hoàn thành 2018).

“Từ chỗ nợ như chúa chổm, tay đã chạm tới hơi lạnh của còng, chỉ cần nhận được hai dự án BOT, các khoản nợ ‘nghìn tỷ’ trở thành tiền lẻ. Hãy nhìn phòng khách trọc phú của vợ chồng bà Tâm hiện nay, để thấy bản chất của BOT. Tiền đấy là tiền dân, tiền của chúng ta, chứ không phải là tiền anh Thăng [Đinh La Thăng].” (T.K.)

Nguồn: Theo NV