11 septembre 2017

Đảng Cộng sản Việt Nam, một tổ chức “tạp chủng” *



Thiện Tùng



Nhập cuộc trà đàm sáng 5/9/2017 hôm nay khởi đầu bằng đế tài “Cướp đường”, do cựu giám đốc Cầu-Đường khởi xướng. Hết BOT Cai Lậy chuyển qua BOT bà Đỗ thị HuyềnTâm, đại biểu Quốc hội, phu nhân nhí của cụ tổng Mạnh. BOT bà Tâm chưa kết thúc, bỗng dưng có tiếng đòi quyền ưu tiên vang lên mỗi lúc một gần, chúng tôi ùa ra sân xem cớ sự. Không phải xe chữa cháy hay cứu thương mà xe cảnh sát mở đường đưa đoàn xe của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân rời Mỹ Tho sau khi bà dự xong lễ khai giảng trường THCS Lê Ngọc Hân. Mọi người tỏ vẻ không hài lòng khi thấy đoàn xe nầy vượt đèn đỏ một cách tĩnh bơ. Khi được trả lại sự yên tĩnh, trên đường vào trong, tôi ứng khẩu nửa đùa nửa thật: “Bà Ngân là Cộng sản thứ thiệt” đấy. Không ngờ, câu nói nầy của tôi dễ dàng thay cho đề tài BOT vốn hơi nguội.

   
Chủ tịch QH Nguyển thị Kim Nân đánh trống khai giảng niên học 2017-2018

   tại trường THCS Lê Ngọc Hân, TP Mỹ Tho, Tiền Giang  -  Ảnh: Minh Trí .





Với vẻ không hài lòng, một đảng viên lão thành vào đề ngay: Có thứ thiệt ắt phải có thứ giả?.Cùng một Đảng CSVN làm gì có thật-giả ở đây?!. Anh Tùng đã nói thì phải chịu khó giải thích việc thật-giả nầy để cho chúng tôi “thọ giáo” ?.



Đúng là “thần khẩu hại xác phàm”, tôi ứng phó bằng cách: hỏi từng đảng viên trong số có mặt xem họ vào Đảng mang tên gì . Trong số có 2 U.80 nói vào “Đảng Lao động VN”, 4 người U.70 nói vào “Đảng Nhân dân Cách mang miền Nam VN”. Thế rồi, tôi nói tiếp: “Vấn đề đảng phái ở Việt Nam ta phức tạp lắm, nói có lớp lang mới “đã ngứa”, hơi dài dòng nếu anh em chịu nghe” ?.



Chúng tôi vừa uống vừa nghe, cứ nói đi, dành cho anh thời gian còn lại của buổi  – một người trong số đóc vô.



Tôi trả bài:



Trong chiến tranh, ở Việt Nam ta có nhiều đảng, phái, đạo giáo tham gia kháng chiến. Tất cả cùng chung mục đích là giải phóng dân tộc, xóa bỏ áp bức bất công, với đường lối Cách mạng “Dân tộc Dân chủ”.



Từ năm 1930-1940, Pháp chia VN ra làm 3 kỳ (Bắc kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) cộng với Lào và Miên (Campuchia) thành 5 nước Đông Dương, xài đồng tiền chung ( L endochine). Về phía Cách mạng, mỗi Kỳ của Việt Nam có Đảng mang tên khác nhau: An Nam CS Đảng, Đông dương CS Đảng, Đảng CS Liên đoàn.



Năm 1941, Cụ Hồ triệu tập 3 đảng ở 3 Kỳ VN sang Trung Quốc hợp nhứt thành một đảng với tên gọi là Đảng CS Đông Dương. Nhìn chung, dù mang tên gì có chữ Cộng sản trong đó dường như không “ăn khách”, ít được dân chúng ủng hộ, khởi nghĩa đâu thua đấy như “Nam kỳ Khởi nghĩa”, “Khởi nghĩa ở Hốc Môm Bà Điểm”, “Xô viết Nghệ Tĩnh” chẳng hạn.



Năm 1946, để cho các tầng lớp nhân dân chung lưng đậu cật tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, về công khai, Cụ Hồ tuyên bố giải tán Đảng CS Đông Dương – kỳ thực cho nó vào hoạt động bí mật. Với danh nghĩa Việt Minh, chỉ dưới cờ đỏ sao vàng, tiến hành cuộc kháng chiến 5 năm (1946-1951).



Năm 1951, Đảng CS Đông Dương “lộn kiếp” với tên gọi mới “Đảng Lao động Việt Nam” (bình mới rượu cũ), cờ hiệu búa liềm xuất hiện trở lại. Cũng để câu các tầng lớp nhân dân tham gia cuộc kháng chiến “thần thánh”: Ở miến Bắc, Cụ Hồ chủ trương đa nguyên về chính trị, cho thành lập thêm 2 đảng “Đảng Dân Chủ” của giới tư sản yêu nước, đảng “ Đảng Xã hội Cấp tiến” của giới trí thức yêu nước. Ở miền Nam, Đảng Lao động Việt Nam liên minh với phái Bình Xuyên và 2 đạo giáo có lực lượng vũ trang là Cao Đài, Hòa Hảo để cùng chống pháp.



Thời chống Mỹ, sau Đồng khởi 1960, năm 1964, Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam được thành lập (1), về danh nghĩa nó chỉ là thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, về thực chất nó là tổ chức chính trị, kết tập những “gạo cội”, có vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam VN.



Sau khi tuyên bố thống nhứt đất nước, dựa vào thế thượng phong (“anh cả đỏ”),  tha hồ tự tung tự tác, năm 1976, Đảng Lao động Việt Nam mở Đại hội IV, quyết định đổi tên Đảng Lao động VN thành Đảng Cộng sản VN, đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Để rồi liền sau đó, tiến hành cải tạo XHCN về mọi mặt trên toàn cõi Nam VN – theo mẫu hình miền Bắc.



Để thâu tóm quyền hành về một mối, Đảng CSVN lần lượt “khuyên” các Đảng chiến hữu: Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam VN, Đảng Dân Chủ, Đảng Xã Hội “tự nguyện” giải thể - được xem như cái chết tự chọn. Điều đáng nói ở đây: Các Đảng chiến hữu chỉ giải thể về mặt tổ chức, chớ thành viên các đảng bị giải thể được ê-ganh vào làm thành viên của Đảng CSVN. Chính vì vậy và bắt đầu từ đó, Đảng CSVN trở thành đảng tạp chũng”, xuât hiện ngày càng đậm độ bất đồng chính kiến (“đồng sàng dị mộng”). Mâu thuẫn trong nội bộ Đảng CSVN chung quanh 2 việc không hề nhỏ: đặt thứ nào lên trên giữa lợi ích quốc gia dân tộc lợi ích Đảng (lợi ích toàn bộ hay cục bộ); giữa Độc tài Đảng trị Đân chủ Đa nguyên, Nhà nước Dân chủ Pháp quyền.

Đảng là bộ phận của dân tộc, lợi ích quốc gia dân tộc đã bao hàm lợi ích Đảng trong đó?. Nếu lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm mục đích thì Đảng là phương tiện (công cụ) để thực hiện lợi ích chung cao cả ấy. Nếu lấy lợi ích Đảng làm mục đích thì dân chúng là phương tiện để Đảng trục lợi, mang tính chất ích kỷ, cục bộ. Còn chối cãi gì được nữa: hiện tại đất nước ta đang lâm vào cái nếu thứ hai ?.



Từ những cứ liệu vừa nêu trên cho thấy: về danh nghĩa, những ai xin vào Đảng từ năm 1976 trở về sau nầy (tức là từ khi Đảng đã mang tên Cộng sản) đều là đảng viên CS “thứ thiệt”- bà Ngân được liệt vào loại Cộng sản “thứ thiệt” như tôi đã nói, vì Bà xin vào Đảng CSVN năm 1981; Còn số đảng viên của đảng bất kỳ (trước 1976) thì CS thiệt hay giả khó nói chính xác. Sẽ mắc phải sai lầm, nếu ai đó cho rằng tất cả những thành viên của Đảng Lao động VN trước kia đều là “Cộng sản thứ thiệt”, cùng phe của Phú Trọng, Kim Ngân..v.v…, tôi cho rằng đó là thiển cận, quơ đủa cả nắm. Bằng chứng là, một số khá đông những vị đảng viên  thuộc hàng cán bộ cao cấp, cao niên vốn là thành viên Đảng Lao động trước kia, họ đã và đang “đúng mũi chịu sào”, ra mặt chống chủ thuyết Mác-Lê-Mao, chống CNXH như: Nguyễn Hộ, Nguyễn văn Chính (9 Cần), Ngyễn Thành Thơ, Trần Bạch Đằng, Nguyễn văn Trấn, Huỳnh văn Tiểng, Trần văn Trà, Lê Hiếu Đằng, Trần Xuân Bách, Trần Độ, Nguyễn Trọng Vĩnh..v.v… Và, gần đây nhứt, là ông Lê Đình Kình và GS Tương Lai. Lê Đình Kình ra mặt kêu gọi nhân dân Đồng Tâm tử chiến với bọn tham nhũng cướp đất. GS Tương Lai quyết liệt đến mức: “Tuyên bố dứt bỏ mọi quan hệ với Đảng Nguyễn Phú Trọng (CS thứ thiệt) thao túng, tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao đông VN của Hồ Chí Minh”.


    Giáo sư Tương Lai - Ảnh minh họa



          

“Đã ngứa” chưa ? Có gì trao đổi trước mặt, không nên lặt vặt sau lưng – tôi nói vui.



Vụ GS Tương Lai từ Đảng ông Trọng, dư luận đang bàn tán ỏm tỏi, kẻ khen, người chê, anh biết và nghĩ gì về ông ấy nói nghe coi ? - U80 đặt đề.



Theo suy luận chủ quan – tôi nói: Có người cho rằng GS Tương Lai tuyên bố như thế chứng tỏ ông ấy đã lú lẫn. Tôi không nghĩ thế, ông Tương lai là con người luôn thận trọng, trong nói và viết ông thể hiện rõ quan điểm, lập trường của mình. Ông chiến đấu không biết mệt mỏi vì lợi ích cộng đồng. Riêng chuyên đề “Mênh mong thế sự” của ông, vừa phản biện, cảnh báo với với nhà cầm quyền, vừa góp phần đáng kể vào việc nâng cao kiến thức cho cộng đồng. Theo suy đoán của tôi, có lẽ “thấy rượu trong bình đã chua”, đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, ông Lai xem đây là thời cơ tách Đảng theo kiểu “lấy bình cũ chứa rượu mới”- dùng bình cũ (Đảng Lao động) hợp lý vì có nhiều đảng viên như ông đã từng trú trong đó; hợp pháp vì, do bất đồng chính kiến, từ một đảng chia ra chớ đâu phải ai xa lạ, để tiện bề cho “ngưu tìm ngưu, mã tìm mã”, thuần chủng ở trong một chuồng hạn chế đến mức thấp nhứt cắn xé lẫn nhau?. Tuyên bố của Ông có thể trở thành lời kêu gọi  “Hãy theo tôi lo việc dân việc nước, đừng ở đó trùm mền rên rỉ ” thì sao?.  Và có lẽ GS Lai quá chán những ai “theo đốm ăn tàn”(2) hay những người đứng hàng hai, hả miệng chờ sung rụng. 



 Hãy lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm thước đo để phân biệt đâu đúng đâu sai, “tìm minh Chúa mà thờ”. Nếu đã tê liệt thì đừng chê người còn cựa quậy. Giữ bình thay rượu vẫn tốt hơn giữ rượu thay bình ?.



Mênh mông thế sự” như thế đủ rồi ! Về thôi các cha !!! – tôi nói.



10/09/2017

    T.T 



Chú thích:



(1)        Khi giải thể, Đảng Nhân dân Cách mạng Nam VN có khoảng 500.000 đảng viên.

(2)        Những con thú không khả năng săn mồi, chuyên men theo đốm lửa của thợ săn   

         nướng thịt để ăn những gì thợ săn chê bỏ lại.