06 septembre 2017

Ngu trung

Trần Trường Sa: "Tại sao dân ta bị lừa mãi thế ? Nguồn cơn cũng bởi hai chữ “ngu trung”. Mà đã trung thì rất dể bị ngu hóa."







Học thuyết Nho giáo của Khổng tử ra đời gần 500 năm trước Công nguyên. Khổng tử đi rao giảng khắp Trung nguyên, chẳng có ai dùng, hoặc dùng thì lại chẳng đem lại hiệu quả cao. Bởi đó là thời bá đạo, các chư hầu tranh giành thế lực, nhà Chu chỉ là hư vị không đủ uy lực và chẳng có giá trị gì để một chư hầu nào đó tôn làm thiên tử kêu gọi dân chúng trung thành. Hơn 300 năm sau, khi Lưu Bang nhất thống thiên hạ, theo ý Trương Lương dẹp bỏ chư hầu, ban ân bố đức cho các tướng lỉnh phò tá và trung thành với mình, Nho giáo trở nên có giá với các triều đại vua chúa, nguyên nhân là do một chữ “trung”. Các luận điểm khác như “hiếu”, “nghĩa”, “tiết hạnh”, “tam cương”, “ngũ thường”, …. có cái hay, có cái dở được diển giải tùy thời đại cho phù hợp. Nhưng nếu không đề cao chữ “trung” làm đầu thì chẳng có nhà nước nào xiển dương Nho giáo cả.

Cộng sản các nước Á đông lúc chưa giành được chính quyền thì coi Nho giáo là một học thuyết phản động . Cộng sản cho triệt hạ Văn miếu ở các làng xã nông thôn . Nông dân nghèo khó phấn khởi tin theo vì suy nghỉ từ nay họ khỏi phải trung thành cung phụng cho một thế lực nào cả. Khi các nước cộng sản đi theo nền kinh tế thị trường, của cải xã hội do người trực tiếp làm ra có quyền quản lý, nhà nước lạm thu để ngoài việc chi dùng cho quốc kế dân sinh còn có phần (ngày một lớn) tư túi cho tổ chức, cá nhân riêng thì mầm mống phản kháng trong dân chúng xuất hiện. Không thể sáng tác ra bài mới nào hay hơn họ đành dùng lại bài củ là “Học thuyết Nho giáo của Khổng tử”: đề cao chử “trung”. Nhưng vì nhà nước cộng sản không có vua nên họ thay bằng cụm từ “trung với Đảng”. Các Văn miếu được khôi phục, viện Khổng tử ra đời còn hoành tráng gấp trăm lần dưới các triều đại vua chúa. Các cụ già xưa lúc đầu hớn hở cho là cộng sản đã giác ngộ nhận ra sai lầm mà đổi mới, đạo đức xã hội ắt hẳn đi lên. Các cụ lầm to vì cộng sản ngày nay chỉ đề cao chữ “trung” còn cái đạo làm người quân tử của Khổng Khâu đề ra thì vứt đi. Vì thế đạo đức xã hội lao dốc phi mã. Từ đó xã hội phong kiến mới lộ rỏ hơn bao giờ hết. Xin nhắc lại nghĩa của từ phong kiến ở đây là “phong chức tước và kiến (lập) ấp (lảnh địa); không như cách hiểu thông thường của dân dã đồng nghĩa phong kiến với chế độ quân chủ. Hầu hết các chức vụ chủ chốt ở trung ương và địa phương là do Đảng cử theo thước đo lòng trung với đảng. Rất nhiều địa phương, đơn vị cả họ, cả bè cùng làm quan do cá nhân thủ trưởng ở đó phong, cơ cấu vào đúng quy trình. Đất đai được cấp cho cá nhân sử dụng một cách tùy tiện . Đất rừng, đất nông nghiệp dể dàng chuyển đổi mục đích thành đất ở để kiến ấp (xây biệt thư). Các tổ chức kinh tế dể dàng được cấp hàng chục thậm chí hàng trăm hecta đất thu hồi của dân để làm dự án kinh tế cho riêng mình. Dĩ nhiên là chỉ dể đối với những người, đơn vị có thế lực trong tập đoàn phong kiến đương thời

Tại sao dân ta bị lừa mãi thế ? Nguồn cơn cũng bởi hai chữ “ngu trung”. Mà đã trung thì rất dể bị ngu hóa.

Ngày nay khi quyền con người được đề cao, vai trò mọi người bình đẳng hơn, thông tin đầy đủ và dể dàng tìm kiếm hơn ngày xưa rất nhiều. Nếu ai đó đặt lòng tin tuyệt đối vào người khác mà không tự suy xét và kiểm chứng thì có thể xem đó là một dạng thiểu năng trí tuệ. Tính “trung với cá nhân” cần phải loại bỏ. Ngày xưa ông cha ta cũng đã từng có kinh nghiệm “chim khôn biết chọn cành mà đổ, tôi trung biết chọn chúa mà thờ”. Nhưng lở chọn sai mà chọn lại thì bị coi là bất trung. Điều này thật vô lý! Thôi thì không trung với ai cả. Lúc này, việc này tôi thấy ông làm đúng, hợp ý tôi thì tôi theo ông , phò tá ông hết mình. Lúc khác , việc khác tôi thấy ông không đúng, không hợp ý tôi thì tôi không theo, không ủng hộ thậm chí chống lại nếu việc ấy có hại lớn cho cộng đồng.

Đối với một tổ chức có lúc này lúc khác tùy người lảnh đạo. Khi tôi tham gia tổ chức thì tôn chỉ, mục đích và cụ thể là các hoặt động của tổ chức đó đang thực hiện phù hợp với ý nguyện, lý tưởng của tôi nhưng đến lúc các hoạt động của tổ chức không còn phù hợp với lý tưởng của tôi nữa thì tôi từ bỏ tổ chúc đó. Việc đòi hỏi cá nhân trung thành với tổ chức thật là phi lý. Ở Hoa Kỳ một nghị sỉ hay dân biểu đảng Cộng Hòa bỏ phiếu bác bỏ một dự luật do Tổng thống là người của đảng mình đưa ra là chuyện bình thường; đảng Dân Chủ cũng vậy. Reagan và Trump đều là người bỏ đảng Dân Chủ để sang đảng Cộng Hòa, cử tri Mỹ chẳng vì thế mà coi họ bất trung để không bỏ phiếu cho họ.

Những tấm gương trung kiên trong lịch sử dân tộc Việt như Tô Hiến Thành, Chu Văn An, Trần Bình Trọng, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương là trung với quốc gia, dân tộc, trung với lý tưởng chứ chẳng phải trung với triều đại đương thời hay với một ông vua nào cả.

Vì thế mai sau nếu như có điều kiện xây dựng một thể chế dân chủ thực sự thì nhớ đưa vào Hiến pháp điều khoản “cấm tổ chức, cá nhân yêu cầu người khác tuyên thệ trung thành với bất cứ cá nhân, tổ chức nào cả”. Mỗi công dân chỉ có nhiệm vụ trung thành với quốc gia, dân tộc.


                                                             Tháng  9 - 2017