Nguyễn Hoàng Việt
1/ 'Đừng mượn bóng ma thế lực thù địch để công kích người góp ý'
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói đừng vội quy kết những người phản
ứng với chính sách là "thế lực thù địch", trước hết cán bộ hãy tự
kiểm vì sao không nhận được sự đồng thuận.
Ông Nghĩa nêu quan điểm trên khi phát biểu tại Quốc hội chiều
15/6. Đây là lần thứ hai trong hai ngày Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội,
luật sư này phát biểu về nội dung liên quan đến "thế lực thù địch".
Theo ông Nghĩa, từ cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua, Việt Nam nên
rút ra ba bài học. Bài học đầu tiên, xưa nhưng không bao giờ cũ là khi chủ
trương, đường lối của Đảng phù hợp với lợi ích, nguyện vọng của nhân dân thì dù
phải hy sinh xương máu hay tài sản, hoặc hạn chế tự do, chấp nhận giảm thu
nhập, mất việc làm, nghỉ học, đảo lộn cuộc sống thường ngày của từng gia
đình... như trong cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua, nhân dân vẫn hưởng ứng,
ủng hộ.
"Khi ý Đảng hợp lòng dân thì không thế lực thù địch nào có
thể phá hoại được", ông Nghĩa nói và cho rằng, mỗi khi người dân phản ứng
với chính sách, hành động của chính quyền, cán bộ, công chức thì các tổ chức,
cá nhân liên quan phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận.
"Đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Vì như
vậy là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch", ông Nghĩa
nêu vấn đề.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, các cơ quan chức năng có
trách nhiệm "tìm cho ra, cho đúng" thế lực thù địch để nghiêm trị,
nhưng không được mượn "bóng ma" của vấn đề này để công kích những
người góp ý, dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử.
Ông Nghĩa nói "trong hội trường Diên Hồng (tòa nhà Quốc hội)
này, nếu có thế lực thù địch thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người
quy chụp mà thôi, chứ không ở đâu cả".
Vị đại biểu phân tích, trong thể chế chính trị Việt Nam, Quốc hội
- cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, vững mạnh là tiền đề
và điều kiện thiết yếu để tăng sức mạnh, hiệu quả trong hoạt động cho các cơ
quan hành pháp và tư pháp cũng như cả hệ thống chính trị. Từ cách tiếp cận này,
ông đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cử tri cả nước quan tâm "xây dựng Quốc
hội mạnh, tốt, hiệu quả hơn nữa trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV tới
đây".
Cuộc tranh luận trên nghị trường bắt đầu từ sáng 13/6, khi đại
biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, nhiều vụ án vừa qua gây bức xúc, nghi ngờ trong
nhân dân về tính đúng đắn trong phán quyết của tòa án cũng như những vi phạm
trong hoạt động tố tụng. Đơn cử vụ án Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên cao tốc, vụ án
Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước... Theo ông Thắng,
những vụ án này là "phần nổi của tảng băng chìm, gây xói mòn lòng tin của
người dân vào hệ thống tư pháp".
Tuy nhiên sau đó, ông Phạm Hồng Phong, Phó chánh án TAND cấp cao
tại TP HCM, phản biện rằng "không nên qua một vài thông tin mà đưa ra nhận
định thiếu cơ sở, để thế lực phản động lợi dụng, chống phá".
Đáp lại, ông Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh, muốn không để thế lực thù
địch lợi dụng chống phá thì "chúng ta phải sửa mình cho tốt, không được
làm sai, làm trái thì ai chống phá chúng ta được".
Tiếp đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng tham gia tranh luận, bày
tỏ không đồng tình ý kiến của ông Phong. "Nếu không muốn kẻ địch phản
tuyên truyền thì không gì hơn là đánh giá, sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã
phạm khuyết điểm thì bưng bít người ta cũng biết", ông Nghĩa nói và dẫn
lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "không phải cứ đỏ mà tưởng là chín".
2/ Vụ án Hồ Duy Hải “Đa số ủy viên Ủy ban Tư pháp đề nghị xem lại
quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải”
Đa số thành viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội phát biểu tại cuộc họp
sáng nay 16-6 đã đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét
xử vụ án Hồ Duy Hải là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án.
Gần 12h trưa ngày 16-6, phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của
Quốc hội thảo luận về quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của Hội đồng
thẩm phán TAND tối cao diễn ra với sự tham gia của hầu hết thành viên ủy
ban.Không có đại diện cơ quan tố tụng tham gia phiên họp này.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã xem xét,
thảo luận và cho ý kiến về toàn bộ quá trình tố tụng, từ điều tra, truy tố đến
xét xử. Đặc biệt, các thành viên đã bàn, thảo luận về tính đúng đắn, sự phù hợp
pháp luật của quyết định giám đốc thẩm.
Đa số thành viên Ủy ban Tư pháp tại phiên họp này đã đánh giá
những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án là nghiêm trọng,
có thể làm thay đổi bản chất vụ án.
Do đó các thành viên này kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề
nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm theo đúng thẩm quyền tại điều 404 Bộ
luật tố tụng hình sự.
Cũng theo nguồn tin, sau cuộc họp, Ủy ban Tư pháp sẽ có báo cáo
quan điểm của ủy ban về toàn bộ vụ án, bởi ủy ban là cơ quan chuyên môn, không
thể không có quan điểm.
Trước đó, tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thành lập
đoàn giám sát do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, thực hiện
giám sát về tình hình oan, sai, trong đó có nghiên cứu một số vụ án cụ thể để
phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội, bao gồm vụ Hồ Duy Hải.
Đoàn giám sát này đã có báo cáo số 870 ngày 20-5-2015 về kết quả
giám sát về "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự,
tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố
tụng hình sự theo quy định của pháp luật".
Trong báo cáo này, đoàn giám sát đánh giá về vụ Hồ Duy Hải là có
những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết luận điều
tra, truy tố, xét xử.
3/ RSF lên án việc bắt giam nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn:
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ngày 15/6 lên án việc Hà
Nội bắt giữ ông Lê Hữu Minh Tuấn, thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
RSF nói động thái của Hà Nội như một dấu hiệu lo lắng trong giới cầm quyền Việt
Nam trước những tiếng nói chỉ trích nhà nước.
“Việc bắt giữ thêm một nhà báo độc lập là Lê Hữu Minh Tuấn xác
nhận sự lo lắng trong giới lãnh đạo hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam 6 tháng
trước đại hội đảng lần thứ 13 tổ chức mỗi 5 năm một lần,” ông Daniel Bastard,
người đứng dầu Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói. “Nhà báo trẻ tuổi
này đã đóng một vai trò chính trong tường thuật một cách ôn hòa những ước vọng
của xã hội dân sự Việt Nam. Bằng cách bóp nghẹt những người lên tiếng, các nhà
lãnh đạo Đảng Cộng sản đã hành xử như một giai cấp cai trị chỉ tìm cách bảo vệ
những đặc quyền của họ.”
Việt Nam lâu nay đứng gần cuối bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới
của RSF, và hiện xếp 175/180 nước trong bảng xếp hạng năm 2020.
4/ Vấn đề Biển Đông: “Trung Quốc phản ứng trước ba nhóm mẫu hạm
Mỹ”
Lần đầu tiên kể từ ba năm qua, Hải quân Hoa Kỳ triển khai cùng lúc
các nhóm hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương.
Hôm thứ Năm tuần trước, ba mẫu hạm sử dụng năng lượng hạt nhân
cùng nhóm các tàu tuần dương hạm và khu trục hạm hộ tống đã đi vào vùng biển
được đánh giá là nhạy cảm chiến lược đối với Trung Quốc đại lục.
Các tàu USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đang tuần tra
ở vùng Tây Thái Bình Dương, còn tàu USS Nimitz hoạt động ở vùng phía Đông,
theo nội dung thông cáo báo chí của Hải quân Hoa Kỳ.
Ngay lập tức, Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ.
Truyền thông Trung Quốc nói nước này sẽ không lùi bước trong việc
bảo vệ các lợi ích của mình ở khu vực.
Hoàn cầu Thời báo hôm Chủ Nhật 14/6 nói việc Mỹ triển khai ba
cụm tàu hùng hậu vào vùng biển gần Trung Quốc được hiểu theo nghĩa nhằm đưa ra
lời cảnh cáo cho Trung Quốc.
Báo này dẫn lời các chuyên gia quân sự, theo đó đánh giá rằng điều
này cho thấy Mỹ đang thể hiện ý định giành quyền bá chủ về chính trị trong khu
vực, và rằng Trung Quốc có thể sẽ ứng phó bằng việc tổ chức tập trận cũng
như thể hiện khả năng và lòng quyết tâm trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan vào Manila, Philippines
Dịch chuyển trên cho thấy Hoa Kỳ "có thể vào Biển Hoa Nam
(cách Trung Quốc gọi Biển Đông) và đe dọa quân lính Trung Quốc trên các quần
đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa, theo cách gọi của Việt Nam)",
Hoàn cầu Thời báo dẫn lời Lý Kiệt (Li Jie), chuyên gia hải quân từ Bắc Kinh,
nói.
Hiện Hoa Kỳ để tổng số bảy hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương.
Bốn chiếc khác đang nằm cảng để bảo dưỡng, theo tường thuật của CNN.
Việc triển khai tàu diễn ra vào thời điểm đang có căng thẳng gia
tăng giữa Washington và Bắc Kinh quanh chuyện quan hệ thương mại song phương
và các vấn đề liên quan đến Biển Đông, Đài Loan và Hong Kong.
Hồi tuần trước, một trực thăng vận tải của Hải quân Hoa Kỳ bay
qua bầu trời Đài Loan tới Thái Lan, thực hiện một chuyến bay mà Mỹ gọi là
phục vụ hậu cần.
Bắc Kinh gọi chuyến bay đó là "hành động bất hợp pháp và
khiêu khích nghiêm trọng", theo Tân Hoa Xã.
"Việc bay qua không phận đó làm xói mòn chủ quyền, an ninh
và các quyền lợi của Trung Quốc, và vi phạm luật quốc tế cùng các quy tắc căn
bản trong quan hệ quốc tế," Tân Hoa Xã dẫn lời Chu Phượng Liên (Zhu
Fenglian), phát ngôn viên phụ trách vấn đề Đài Loan của Quốc Vụ viện Trung
Quốc.
Các lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc trong năm nay cũng
đã nhiều lần tìm cách xua các tàu chiến Hoa Kỳ ra khỏi vùng biển quanh Quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa, trong hoạt động mà Mỹ nói là "thực thi quyền tự do
đi lại trên biển" nhưng Bắc Kinh nói là "tiến vào trái phép vùng lãnh
hải của Trung Quốc".
5/ Tin thế giới “Đối đầu Mỹ - Trung: Thủ tướng Anh biết chọn phe
nào?”
Trong hành trình rời xa mái nhà chung Liên Hiệp Châu Âu, Vương
Quốc Anh cần sự hỗ trợ của cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Nhưng cuộc đọ sức giữa hai
cường quốc kinh tế này đặt nước Anh trong thế khó xử.
Nhà báo Arnaud De La Grange của tờ Le Figaro khẳng định: Đây là
thời khắc sự thật cho « mối quan hệ đặc biệt ». Từ vài ngày qua, Hoa Kỳ gây áp
lực mạnh đối với đồng minh châu Âu của mình trước mối đe dọa của Trung Quốc.
Thủ tướng Anh Boris Johnson trên thực tế buộc phải chọn phe: Washington hay là
Bắc Kinh.
Khi cáo buộc Trung Quốc có những « chiến thuật bắt nạt cưỡng ép »,
lãnh đạo ngoại giao Mỹ rõ ràng muốn trấn an Luân Đôn rằng « Hoa Kỳ sẵn sàng
giúp đỡ những người bạn Anh Quốc về tất cả những gì mà họ sẽ cần đến », bất kể
là xây trung tâm khai thác hạt nhân hay mạng 5G mà không chịu ảnh hưởng của
Trung Quốc.
Theo nhật báo Pháp, chính hồ sơ mạng 5G mới là tâm điểm của cuộc
đọ sức. Vào tháng Giêng năm 2020, Boris Johnson đã từng thách thức Donald Trump
khi bật đèn xanh cho phép Hoa Vi tham gia phát triển mạng 5G của đất nước.
Quyết định mở cổng cho tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc
đã làm cho Washington khó chịu dù có lời bảo đảm là hãng này chỉ tham gia vào
những phần « không nhạy cảm » của cơ sở hạ tầng. Kể từ đó, thủ tướng Anh chịu
một áp lực lớn cả từ phía Hoa Kỳ lẫn ở trong nước, đòi xem xét lại quyết định
trên. Và nhất là phải xem lại mối quan hệ của Anh với Trung Quốc.
Trong tháng 5/2020, ông Boris Johnson nói đến khả năng có một lập
trường cứng rắn hơn khi đề nghị chính phủ nghiên cứu việc loại Hoa Vi ra khỏi
mạng lưới 5G của Anh từ đây đến năm 2023. Ông đưa ra ý tưởng thành lập một nhóm
gồm 10 nước có thể cùng phát triển một công nghệ mạng 5G riêng.
Vấn đề đặt ra hiện nay là vai trò của ngân hàng HSBC. Mike Pompeo
tố cáo trò mặc cả mà Bắc Kinh đưa ra và đe dọa có những biện pháp trả đũa nhắm
vào ngân hàng Anh Quốc này nếu thỏa thuận với Hoa Vi bị cắt đứt. Đối với ngoại
trưởng Mỹ, Trung Quốc dùng HSBC như là một « đòn bẫy chính trị chống lại Anh
Quốc ». Ông mỉa mai cho rằng việc lãnh đạo ngân hàng « bày tỏ thái độ trung
thành » với Bắc Kinh chẳng làm cho người dân Trung Quốc tôn trọng ngân hàng
nhiều hơn.
Le Figaro nhắc lại, trong một cử chỉ hiếm có, ngân hàng HSBC đã lên
tiếng ủng hộ chế độ cộng sản. Lãnh đạo HSBC, chi nhánh tại châu Á – Thái Bình
Dương, ông Peter Wong, còn ký vào một bản kiến nghị ủng hộ đạo luật an ninh
quốc gia gây tranh cãi mà Bắc Kinh áp đặt cho Hồng Kông.
Vốn dĩ lệ thuộc nhiều vào thị trường châu Á, HSBC giờ đây rơi vào
một thế lưỡng nan, giữa búa rìu (và lưỡi hái) Trung Quốc và chiếc đe phương
Tây. Hơn một nửa doanh thu của ngân hàng này – biểu tượng của cựu thuộc địa Anh
Quốc và trụ sở đã được di dời từ Hồng Kông về Luân Đôn năm 1993 – là tại châu
Á.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của ngân hàng đối với Bắc Kinh có thể sẽ làm
sứt mẻ nhiều hình ảnh của hãng. Xã luận của tờ Times hôm thứ Tư 10/6 viết rằng
« Thật xấu hổ cho HSBC ».
Trong cuộc chơi địa chính trị lớn này đang diễn ra với Trung Quốc,
Vương Quốc Anh nằm trong một vị thế tế nhị, vừa với lý do là cựu chính quyền
bảo hộ của Hồng Kông vừa do những biến chuyển mới của Brexit.
Khi quyết định rời xa châu Âu, với khái niệm « Global Britain »,
Luân Đôn cần một sự hỗ trợ tăng cường từ Mỹ cũng như là từ Trung Quốc.
Tác giả gửi tới Dân Luận