Lê Thường
Sự tan rã đó sẽ lọc phong trào đối kháng Việt Nam, sẽ lựa lại những thành
phần yêu dân chủ nhất, dù đó là dân chủ ở Mỹ hay ở Việt Nam, những người không
theo những tiêu chuẩn kép, những người không “lấy cứu cánh để biện minh cho
phương tiện”.
6/6/2020: Hàng ngàn người biểu tình đang tập trung trên đường phố thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ, đây có thể là cuộc biểu tình lớn nhất tại thủ đô chống lại sự tàn bạo của cảnh sát sau cái chết hôm 25 tháng 5 của George Floyd người Mỹ gốc châu Phi không mang vũ khí dưới tay cảnh sát. Nguồn: DW |
Chúng ta đang chứng kiến một sự chia rẽ của những người trong phong trào
đối kháng với đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều người trong số họ đang chống nhau,
tôi cho là như thế, dù tôi tự nhận mình là người lạc quan.
Sự suy sụp của phong trào này có hai nguyên nhân: Thứ nhất là khách quan,
do sự đàn áp của nhà cầm quyền, thứ hai là do chính phong trào này, hay nói
đúng hơn là do những con người đã tạo nên phong trào này.
Nguyên nhân khách quan rất dễ thấy, đó là sư gia tăng đàn áp của nhà cầm
quyền. Sự đàn áp này vốn lúc nào cũng có, và Đảng Cộng sản (ĐCS) thường ưu tiên
nhắm vào những nhóm người có tổ chức. Sau khi đã dẹp xong các tổ chức, họ quay
sang những nhân vật có sức thu hút, có biện luận chống lại lý thuyết cộng sản
đó là trường hợp những người như ông Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy. Sự đàn áp
hiện nay còn được thực hiện dễ dàng hơn khi ĐCS lấy lại uy tín cao sau khi
chống dịch Covid-19 thành công.
Nguyên nhân khách quan còn gồm chính sách trục xuất người bất đồng chính
kiến ra nước ngoài. Chính sách này chứng tỏ một hiệu quả rất lớn. Những người
bất đồng chính kiến ra nước ngoài, phải hội nhập với cuộc sống mới không còn
sức lực để đấu tranh nữa. Đây là một biện pháp cổ điển mà các quốc gia cộng sản
Đông Âu từng sử dụng, trong đó có việc dời cả một cộng đồng sắc tộc đối kháng
với chế độ vào trong lòng một cộng đồng khác để triệt tiêu sức chống đối của
họ.
Nhưng tôi cho là nguyên nhân chủ quan là quan
trọng hơn.
Các đây bốn năm, khi Donald Trump chưa lên cầm quyền ở Mỹ, phong trào đối
lập tại Việt Nam cũng đã có nhiều khuynh hướng khác nhau: Hợp tác với nhà cầm
quyền để cải cách, sử dụng chính những thiết chế của nhà cầm quyền như bầu cử
để đấu tranh, vận động đường phố bằng những cuộc biểu tình dân sinh, đòi bầu cử
đa đảng, thành lập những tổ chức từ dân sự đến chính trị,…
Thành phần của giới đối kháng rất khác nhau, từ quan chức chính quyền còn
tại chức, đến dân oan bị mất đất; từ giới trí thức không tán đồng chính sách
cộng sản cho đến những người hoạt động công đoàn bí mật.
Điểm đáng chú ý nhất của phong trào đối kháng Việt Nam là chủ nghĩa dân tộc
chống Trung Quốc. Chủ nghĩa dân tộc này mạnh hơn tất cả những mục đích khác
nhau, của những nhóm khác nhau, đã góp phần đoàn kết được những người đối
kháng, vượt qua được những sự dị biệt của họ với nhau. Chủ nghĩa dân tộc này
thậm chí còn giúp tìm được tiếng nói chung giữa những người chống cộng, hậu
thân của Việt Nam Cộng hòa ngày trước ở hải ngoại, với những người đối kháng có
nguồn gốc là những người cộng sản cũ trong nước.
Một điều rất bất ngờ đã xảy ra với phong trào đối kháng Việt Nam là một yếu
tố vô cùng ngoại lai, Donald Trump, chia rẽ họ đến tận gốc rễ.
Trớ trêu thay, sự chia rẽ này lại có nguồn gốc chính là nguyên nhân đã đoàn
kết họ trước đây, chủ nghĩa dân tộc. Với lối tuyên truyền dân túy rất
gần với lối tuyên truyền cộng sản, Donald Trump làm cho nhiều người nghĩ rằng
ông ta sẽ rất cứng rắn với Trung Quốc và qua đó với chủ nghĩa cộng sản. Lối
tuyên truyền này làm mủi lòng rất nhiều người Việt đối kháng.
Những người đối kháng Việt Nam hay biện luận và suy xét hơn thì không tin
những điều ông Trump nói, họ nhìn kỹ ông ta đang gây tai họa cho nền dân chủ Mỹ
như thế nào. Mà một kẻ phá hoại dân chủ thì làm sao có thể là chỗ dựa cho
một phong trào đối kháng đòi dân chủ?
Nhưng điều đó, tôi cho rằng chỉ là bề mặt mà thôi. Ông Trump giống như một
chất xúc tác, làm lộ ra căn cốt thâm sâu của những nhóm người Việt ủng hộ ông
ta.
Minnesota yêu cầu Vệ binh Quốc gia dập tắt các cuộc biểu tình bạo lực ở Minneapolis vì cái chết của George Floyd. Nguồn: VOA 29 tháng 5 năm 2020 |
Họ không ngần ngại áp dụng những tiêu chuẩn kép để ca ngợi ông Trump. Việc
này thể hiện rõ rệt nhất qua cuộc khủng hoảng sắc tộc và chính trị ở Mỹ trong
những ngày cuối tháng 5 đầu tháng 6/2020. Họ hoan hô ý định của ông Trump trong
việc sử dụng vũ lực để đàn áp biểu tình, trong khi từ trước đến nay họ chỉ
trích mạnh mẽ bộ máy công an cộng sản đàn áp những cuộc biểu tình trong nước.
Có những vụ hôi của, đập phá xảy ra trong các cuộc biểu tình ở Mỹ, liền bị ngay
những “nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam” lên án rất gắt gao, trong khi họ
cho rằng cuộc biểu tình tại Phan Thiết và Phan Rí vào tháng 6/2018 là ôn hòa
mặt dù cũng có đốt nhà và đốt xe.
Ngoài yếu tố Trung Quốc ra cũng khó mà phân tích rốt ráo tại sao nhiều
người Việt thích ông Trump. Lý giải dễ hiểu nhất là tâm lý gia trưởng, bộ lạc
còn sâu thẳm trong nhiều tầng lớp xã hội Việt Nam, và tâm lý đó rất rõ ràng ở
ông Trump. Tính cách của một kẻ lọc lừa, cơ hội, có lẽ cũng phù hợp với một số
người Việt lớn lên thời “kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Ngoài ra sự phỉ báng
trí thức của Trump cũng phù hợp với giai đoạn “công nông” của xã hội
Việt Nam.
Nếu những giả định đó của tôi là đúng, thì ta dễ dàng trả lời câu hỏi:
Những người đối kháng Việt Nam, họ là ai? Hay nói đúng hơn, một số đông trong
họ là ai? Với một cái nhìn lạc quan, tôi cho rằng sự tan rã hiện nay của “phong
trào đối kháng” là một điều may mắn cho tương lai dân chủ của Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia lớn với 100 triệu dân, tương lai của nó là thế
giới, chứ không phải là một sự co cụm dân tộc chủ nghĩa kiểu bộ lạc ngu xuẩn
của Donald Trump. Tại sao lại chỉ trích các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam là
dối trá mà không tiếng chống những câu nói kích động chia rẽ, dối trá của
Donald Trump?
Sự tan rã đó lọc của phong trào đối kháng Việt Nam sẽ lựa lại những thành
phần yêu dân chủ nhất, dù đó là dân chủ ở Mỹ hay ở Việt Nam, những người không
theo những tiêu chuẩn kép, những người không “lấy cứu cánh để biện minh cho
phương tiện”.