Dân trí: Giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang dùng các chiến thuật ngày càng hung hăng ở Biển Đông trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề và mối q uan hệ với phương Tây căng thẳng do Covid-19.
Trung Quốc ngày càng hung hăng
Giữa tháng 4 năm nay, trong suốt một tháng, một tàu địa chất của Trung Quốc đã đối đầu với tàu khoan thăm dò West Capella của Malaysia ở Biển Đông. Đây không phải lần đầu tiên tàu Trung Quốc cho thấy hành động gây hấn ở Biển Đông trong năm nay.
Hồi đầu năm, một cuộc đối đầu giữa tàu Trung Quốc và tàu Indonesia cũng xảy ra ở vùng biển quanh quần đảo Natuna, phía nam Biển Đông, sau khi các tàu cá của Trung Quốc hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Giới chức Indonesia sau đó buộc phải triển khai máy bay chiến đấu F-16 và tàu hải quân tới khu vực. Tổng thống Indonesia Joko Widodo thậm chí đã đích thân tới thị sát khu vực này nhằm phát đi thông điệp cứng rắn.
Đến tháng 4 năm nay, một tàu khảo sát hải dương của Trung Quốc ngang ngược đâm chìm một tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao lên Liên Hợp Quốc để lên án hành động của tàu Trung Quốc, đồng thời khẳng định quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông.
“Mặt trận mới” ở Biển Đông
Indonesia từng điều F-16 để đối phó việc tàu cá Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế ở vùng biển thuộc quần đảo Natuna. (Ảnh minh họa: Reuters) |
Sự gia tăng đối đầu giữa các tàu của Trung Quốc với các tàu của Malaysia và Indonesia ở Biển Đông thời gian gần đây cho thấy Bắc Kinh dường như đang thay đổi chiến thuật nhằm bành trướng ở vùng biển này.
Nhận định với CNN, ông Greg Polling, Giám đốc Viện minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), cho rằng Malaysia và Indonesia ngày càng đóng vai trò quan trọng trong vấn đề Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên bành trướng trong khu vực với việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
"Các đảo này nhằm tạo căn cứ tiền đồn cho các tàu của Trung Quốc, điều đó khiến Malaysia và Indonesia trở thành các quốc gia ở tiền tuyến. Mỗi ngày có tới hơn 10 tàu hải cảnh (của Trung Quốc) hoạt động ở quần đảo Trường Sa, và hàng trăm tàu cá sẵn sàng ra biển", chuyên gia Polling nói.
Giới chuyên gia nói rằng, Bắc Kinh đã lập ra một biên đội gồm cả tàu hải cảnh và tàu đánh có có thể triển khai ở Biển Đông để có thể ngang ngược quấy rối tàu của nước ngoài ở các khu vực nhạy cảm bất cứ lúc nào. Bắc Kinh từng nhiều lần bị lên án vì các hành động gây hấn với các tàu nước ngoài ở Biển Đông, chủ yếu là với tàu của Việt Nam, Philippines và thi thoảng là của Malaysia và Indonesia.
Theo các chuyên gia, việc Bắc Kinh gia tăng các hành động hung hăng ở khu vực gần đây một phần là do đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, làm xấu đi hơn nữa hình ảnh của Bắc Kinh. Do tác động của Covid-19, GDP quý I của Trung Quốc tăng trưởng âm 6,8%, đánh dấu quý tăng trưởng âm đầu tiên trong gần 30 năm. Tại kỳ họp quốc hội tháng 5, chính phủ Trung Quốc cũng lần đầu tiên không đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, việc Bắc Kinh ngày càng hung hăng trong khu vực một phần do căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu leo thang khi các nước này cáo buộc Bắc Kinh giấu dịch khiến thế giới chậm trễ ứng phó đại dịch đã cướp đi hơn 400.000 sinh mạng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, chính quyền Trung Quốc hướng sự tập trung vào các chính sách theo chủ nghĩa dân tộc, dân túy trong đó có vấn đề bành trướng ở Biển Đông.
Ian Storey, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu at ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nhận định Trung Quốc muốn thúc đẩy một kịch bản rằng Mỹ đang từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu để củng cố cho lập luận Trung Quốc phải tăng tầm ảnh hưởng ở khu vực.
“Họ muốn cho các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thấy rằng sức mạnh quân sự của Mỹ đang suy giảm và những cam kết với khu vực đang dần lỏng lẻo. Họ muốn thể hiện ra rằng các vấn đề kinh tế mà Trung Quốc đang đối mặt sẽ không ảnh hưởng đến chính sách của họ ở Biển Đông”, ông Storey bình luận.
Mỹ làm đối trọng
Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ (Ảnh: Reuters) |
Sự hiện diện của Mỹ ở khu vực được đánh giá tiếp tục đóng góp đáng kể nhằm tạo đối trọng với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ đã tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Washington cũng phối hợp trực tiếp với các nước Đông Nam Á ở Biển Đông. Hải quân Malaysia đã nhận được lô máy bay không người lái tuần tra đầu tiên từ Mỹ hồi tháng 5 năm nay. Trong vụ việc của tàu West Capella, các tàu hải quân Mỹ đã hiện diện ở khu vực đối đầu giữa tàu Malaysia và tàu Trung Quốc nhằm phát đi thông điệp cứng rắn. Thời điểm đó, Phó Đô đốc Bill Merz, tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, tuyên bố: “Mỹ ủng hộ các nỗ lực của đồng minh và đối tác theo đuổi các lợi ích kinh tế hợp pháp”.
Giáo sư James Holmes thuộc Học viện Hải quân Mỹ, nhận định: “Tôi cho rằng Trung Quốc đã vung tay quá trán khi đe dọa và hung hăng (ở Biển Đông). Điều đó sẽ khiến các đồng minh vốn lo ngại về sự hung hăng của Trung Quốc sẽ xích lại gần nhau. Trung Quốc càng hung hăng, liên minh này càng gắn kết và đáp trả”. Ông Holmes cho rằng, Trung Quốc sẽ tổn thất kinh tế nặng nề nếu bị đáp trả.
Trung Quốc có quan hệ thương mại gần gũi với nhiều nước trong khu vực và đó được coi là những mắt xích quan trọng trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” mà Bắc Kinh đang theo đuổi. “Trung Quốc sẽ không muốn phá hủy hoàn toàn mối quan hệ với Đông Nam Á vì sự bành trướng thái quá”, ông Storey nói.
Minh Phương
Tổng hợp
Tổng hợp