Tô
Văn Trường
Cư tri cả nước
vẫn còn nhớ phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức Chánh án Tòa án Nhân dân tối
cao, ông Nguyễn Hòa Bình hứa sẽ cùng tập thể lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao:
“Chăm lo xây dựng đội ngũ thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp
luật, công tâm và bản lĩnh, để nhân danh Nhà nước đưa ra những phán quyết
thượng tôn pháp luật, nghiêm minh và công bằng”.
Ông Nguyễn Hòa
Bình cũng đề nghị: “Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội ủng hộ và tăng cường
giám sát hoạt động của Tòa án các cấp”. Có thể coi lời hứa của ông
Nguyễn Hòa Bình trước Quốc hội cũng là lời hứa trước nhân dân cả nước bởi Quốc
hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.
Nếu “cơ chế” mà
biết nói năng, khi chứng kiến trên diễn đàn Quốc hội trong phiên thảo luận về
kinh tế xã hội vừa qua tranh luận đánh giá về lĩnh vực tư pháp cụ thể là ngành
tòa án, cử tri thấy cảnh tượng “ông nói gà, bà nói vịt” chắc nó sẽ phải thú
nhận rằng :
“Tại ai cũng
chẳng tại ai cả
Thôi cứ cho
rằng nó tại tôi”
Một số vị đại
biểu Quốc hội có tâm và tầm khi phát biểu, họ chỉ nhằm vào một hướng: “Hãy cứu
lấy nền tư pháp VN”. Ngược lại, ông Chánh án tòa án tối cao Nguyễn Hòa Bình và
nhóm của ông nói lảng, thoạt tiên bằng kết quả tổng kết hai nghị quyết quan
trọng của Bộ Chính trị là Nghị quyết 48 về xây dựng pháp luật và Nghị quyết 49
về cải cách tư pháp; sau đó chuyển qua vụ án Hồ Duy Hải bằng trống lấp:
"Câu chuyện đặt ra là có oan sai hay không? Tôi sẽ trả lời câu hỏi Hồ Duy
Hải có oan sai hay không, có phạm tội hay không?" và hoàn toàn lờ tịt sai
phạm về thủ tục tố tụng hình sự.
Xưa nay, nhiều
cử tri vốn không tin tưởng vào chất lượng các vị quan tòa nói chung, từ thực tế
xét xử, rất đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Văn Hiện, (khi đó là Chánh án Tòa
án tối cao) đã công khai than phiền về việc phải "vơ bèo vạt tép" để
có các "quan tòa".
Những phát biểu
gần đây của mấy vị quan tòa tối cao, chứng tỏ là họ không hiểu/ không tôn trọng
luật pháp, không biết "nói năng cho phải đạo"- những yêu cầu tối thiểu
đối với ai khoác áo quan tòa. Sự dựa dẫm lâu nay vào "cấp ủy" (thực
ra phần lớn là bí thư các cấp), và hoạn lộ không mấy sạch sẽ là nguyên nhân
chính sự tha hóa toàn diện của nhiều người trong họ.
Phát biểu của
ông Nguyễn Hòa Bình trên diễn đàn Quốc hội vừa không đúng chỗ, vừa không đúng
cương vị, vừa sai về nội dung nên không thuyết phục. Không đúng chỗ vì nếu Quốc
hội muốn nghe về vụ án Hồ Duy Hải thì không thể chỉ nghe ông Bình mà không nghe
những ý kiến khác. Nếu diễn ra như vậy thì "vỡ trận". Không đúng
cương vị vì chánh án phải nói theo luật chứ không phải là trình bày chi tiết vụ
án. Đây là việc của cơ quan điều tra. Ông Bình vẫn chưa thuộc vai.
Sai nội dung vì
nếu cần trình bày thì ông Bình phải giải trình kết luận ngang xương của Hội
đồng thẩm phán tối cao: "Có sai sót về tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến
bản chất vụ án". Ông Chánh án và hội đồng của ông có quyền "dẫm lên
luật" như vậy không? Người ta chất vấn là sai về trình tự tố tụng, vi phạm
điều tra thì ông Bình lại nói lại cái mà các ông ấy đã khẳng định tại toà theo
hướng có tội.
Đây là lần thứ
hai, ông Nguyễn Hoà Bình đã tự mình biến cơ hội thành mối nguy hại sẽ giáng
xuống chính ông ta. Ấy là cách nghĩ và làm của những “giả nguyên khí, ngụy tinh
hoa”, đang nhan nhản trong hệ thống hiện nay, vốn chỉ thạo đường chui lủi bằng
mưu hèn, kế bẩn. Một chính trị ra đường hoàng, có trí tuệ và minh triết không
ai ngu xuẩn hành xử theo kiểu chợ búa như vậy! Và một nền chính trị minh bạch
không cho phép những hành xử ấy ngang nhiên xuất hiện trước hội trường Diên
Hồng.
Lần thứ nhất, ấy
là khi mở phiên toà giám đốc thẩm, thay vì đón lấy cơ hội sửa sai, ông Bình đã
cố đấm ăn xôi, theo đuổi ý kiến cũ khi còn là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân
dân tối cao để bảo vệ cái được coi là danh dự cá nhân ông ta, mà xem nhẹ uy tín
của hệ thống xét xử.
Lần thứ hai,
trước cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và trước toàn thể quốc dân đồng bào,
ông ta tiếp tục phạm phải sai lầm như lần thứ nhất. Thay vì phải giải trình
những vấn đề mà dư luận và đại biểu Quốc hội nêu ra, ông ta lại đóng vai của cả
điều tra viên, kiểm sát viên và của quan toà để khẳng định việc tuyên Hồ Duy
Hải là đúng, mà cái đúng ấy dựa căn bản trên lời khai của bị cáo. Việc kể lể vụ
án theo cách suy diễn ấy, được ông ta mô tả rất kỹ lưỡng, chuyên nghiệp ở phần
nói về cơ thể phụ nữ.
Qua hai lần cố
thủ trước sự thật cho thấy: Nguyễn Hoà Bình đã và đang tìm mọi cách bảo vệ cái
gọi là thanh danh cho bản thân, mà tuyệt nhiên không màng đến uy tín, danh dự
của Đảng và Nhà nước, vốn đang bị suy giảm từ hàng loạt vụ án oan sai thấu
trời, dội đất trong thời gian qua. Đừng quên luật nhân quả sẽ sớm muộn phát
tác. Đó chính là luân hồi, quả báo.
Phát biểu
của ông Phạm Hồng Phong Phó chánh án tòa án cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh,
cấp dưới của ông Nguyễn Hòa Bình tại Quốc Hội là không thể chấp nhận được.
Không thể mượn “bóng ma” thế lực thù địch để quy chụp những người góp ý cho
ngành tư pháp. Ngẫm suy, cũng phải xem lại ngay cả quan điểm cho rằng đòi
hỏi Việt Nam có tam quyền phân lập là luận điệu của thế lực
thù địch. Phải thấy rằng đòi hỏi tam quyền phân lập hay đòi hỏi cân
bằng và giám sát quyền lực là đòi hỏi tất yếu cho sự phát
triển lành mạnh của đất nước. Mọi người dân có quyền nêu ý kiến về
các giải pháp chính trị để đất nước phát triển. Từ nay, các nhà lãnh đạo các
cấp cần bỏ cách tư duy và phát biểu "để thế lực thù địch lợi dụng",
cũng như đầu những năm 1990, báo chí đã nêu rất chính xác kiểu tư duy, hành xử,
xét xử " lợi dụng sự sơ hở của luật pháp", luật pháp sơ hở thì phải
điều chỉnh để không còn sơ hở nữa. Xử sự với mọi công dân chỉ trên cơ sở luật
pháp.
Nếu ví von
thì có thể ví: thời kinh tế tập trung quan liêu bao cấp những
người đề nghị phá bỏ hợp tác xã kém hiệu quả cũng bị quy
tội phá hoại chủ trương đường lối của Đảng và Nhà Nước,
thậm chí cán bộ cấp cao ở cấp Bí thư tỉnh uỷ như ông Kim Ngọc
bị kỷ luật, sau đó được sửa sai. Hôm nay, những người đề nghị
kiểm soát, cân bằng quyền lực để chống tha hoá, trong đó tam
quyền phân lập là một giải pháp đã chứng tỏ thành công về
cân bằng, kiểm soát quyền lực là những người nêu giải pháp
xây dựng, phát triển đất nước lành mạnh. Không thể xếp họ
vào “thế lực thù địch”.
Các vị công bộc
của dân, đặc biệt là quan tòa nên nhớ một câu nói thâm thúy của Mark Twain, đại
ý: "Anh không nói thì người ta còn nghi hoặc về sự kém cỏi của
anh, nhưng anh nói thì người ta biết chắc như vậy".
Sự thật là sau
các vụ việc này, sau phát ngôn của các vị quan tòa, tín nhiệm của dân đối với
hệ thống này xuống rất thấp. Cứu vãn nó không phải bằng cách lấp liếm mà phải
bằng đại phẫu, trước hết thay thế các quan tòa tối cao, kết hợp cải cách tư
pháp với "đào tạo lại các quan tòa".