16/06/2020
TTO -
Đa số thành viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội phát biểu tại cuộc họp sáng nay 16-6
đã đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án Hồ
Duy Hải là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án.
Bị cáo Hồ Duy Hải tại một phiên tòa - Ảnh tư liệu |
Gần 12h trưa ngày 16-6, phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư
pháp của Quốc hội thảo luận về quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của Hội
đồng thẩm phán TAND tối cao diễn ra với sự tham gia của hầu hết thành viên ủy
ban, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online.
Không có đại diện cơ quan tố tụng tham gia
phiên họp này.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã xem
xét, thảo luận và cho ý kiến về toàn bộ quá trình tố tụng, từ điều tra, truy tố
đến xét xử.
Đặc biệt, các thành viên đã bàn, thảo luận về tính đúng đắn, sự
phù hợp pháp luật của quyết định giám đốc thẩm.
Theo thông tin của Tuổi
Trẻ Online, đa số thành viên Ủy ban Tư pháp tại phiên
họp này đã đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ
án là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án.
Do đó các thành viên này kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề
nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm theo đúng thẩm quyền tại điều 404 Bộ
luật tố tụng hình sự.
Cũng theo nguồn tin, sau cuộc họp, Ủy ban Tư pháp sẽ có báo
cáo quan điểm của ủy ban về toàn bộ vụ án, bởi ủy ban là cơ quan chuyên môn,
không thể không có quan điểm.
Trước đó, tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII,
Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm
trưởng đoàn, thực hiện giám sát về tình hình oan, sai, trong đó có nghiên cứu
một số vụ án cụ thể để phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội, bao gồm vụ Hồ Duy
Hải.
Đoàn giám sát này đã có báo cáo số 870 ngày
20-5-2015 về kết quả giám sát về "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng
pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan
trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật".
Trong báo cáo này, đoàn giám sát đánh giá
về vụ Hồ Duy Hải là có những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách
quan của kết luận điều tra, truy tố, xét xử.
LÊ KIÊN - TIẾN LONG