25 novembre 2021

Phản biện có công hay có tội?


Thiện Tùng

22/11/2021


Phản biện là sản
phẩm trí tuệ
 Ảnh minh hoạ

Phản biện là dùng lập luận khoa học phân tích, phản bác…một chủ trương, chính sách, dự án hay lời nói, bài viết nào đó của tổ chức hay cá nhân mà mình tự thấy nó chưa/không xác đáng, phản khoa học, có thể làm phương hại đến bản thân hay cộng đồng. Vì vậy, phản biện phải được xem như là hồi chuông cảnh báo, là hành động phòng vệ chính đáng, phải được tôn trọng và khuyến khích. 


Trước đây, suốt 10 năm (1976-1986) nhiều ý kiến phản biện về “Cải tạo XHCN”, thậm chí ở miền Nam có nhiều nơi tự động “xé rào”, bị Đảng cầm quyền liệt vào tội “Xét lại chống Đảng”. Mãi đến khi kinh tế sụp đổ không phương cứu chữa, Đảng cầm quyền mới từ bỏ chủ trương “Cải tạo XHCN” theo kiểu tập trung bao cấp, trở lại thực hiện kinh tế thị trường Tư bản chủ nghĩa theo quy luật cung cầu như nó vốn có ở Nam Việt Nam – tức là Đảng cầm quyền làm theo những gì mà nhiều người đã phản biện, rồi xem đó  là sự sáng suốt, sáng tạo của mình.  

Cũng như mới đây, trong việc “phòng, chống dịch COVID 19”, nhiều ý kiến phản biện về chủ trương, biện pháp phòng chống dịch do trên đề ra. Ngoài bị Đảng cầm quyền  xem đây là những  phần tử “bất hảo, còn để mặc cho gánh dư luận viên chửi bới thứ điếu tắt bếp. Suốt gần 2 năm, cứ bổn cũ soạn lại, dịch bịnh tiếp tục bùng phát lan tràn vượt ra ngoài  vòng kiểm soát, người tử vong tăng vọt, kinh tế lụn bại, “mục tiêu kép” có nguy cơ sụp đổ toàn diện. Trước thảm cảnh, Đảng cầm quyền mới ngầm chấp nhận những ý kiến phản biện, ngưng chủ trương dùng hệ thống chính trị “chống dịch như chống giặc”, bỏ “cấm chợ ngăn sông”, “bao vây phong toả” theo chỉ thị 15,16,19 của Chính phủ, thay vào đó bằng nghị quyết 128 của Chính phủ: chấp nhận sống chung với dịch; xoá bỏ phong toả, kết nối lại giao thông, giao thương; thực hiện đồng bộ “mục tiêu kép”..v.v…

 Để trấn an lòng người, Trung ương chủ trương cả nước tổ chức lễ  tưởng niệm cho hơn 23.000 người trên cả nước tử vong trong đợt dịch COVID 19 lần thứ 4, riêng TP HCM chiếm 74% trong tổng số người chết đó. Khởi lễ tưởng niệm bắt đầu lúc 20 giờ ngày 19/11/2021, TP HCM được chọn làm tâm điểm tưởng niệm, vì nơi đây có nhiều người chết vì dịch bịnh lần thứ 4 nầy. Ngoài Tổng Bí thư Trọng gởi lẵng hoa vào, các quan chức tập trung về đây, sướt mướt thắp hương tưởng niệm, đỗ hết tội lỗi lên đầu lũ virus Corona quái ác nầy. Qua xem lễ truy điệu trên truyền hình, sáng hôm sau, có người phân tâm cho rằng đây là lễ “tạ tội, sám hối” thì đúng hơn, vì đã phạm sai lầm quá lớn trong chủ trương, biện pháp phòng chống dịch ở TP HCM trong suốt thời gian dài ?!.

Lễ tưởng niệm, thả hoa đăng đêm 19/11/2021- Ảnh báo Tiền Phong

Ngày 1/10/2021, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Trung ương ra lịnh “xoá phong toả, chung sống với dịch” thì sau đó, ngày 5/10/2021, luật sư Ngô Ngọc Trai phàn nàn: “Nhiều ý kiến phản biện có chiều sâu về kiến thức và tâm huyết đã đưa đến Nhà cầm quyền tiếp thu ý kiến phản biện, điều chỉnh nhất định trong các chủ trương, chính sách… Nhưng lại hầu như những phản biện đúng đắn ấy chưa được ghi nhận và chưa được vinh danh”.

Thôi đi LS Trai ơi, bộ ông từ trên trời mới rơi xuống hay vừa tĩnh cơn ác mộng mà nói thế?!. Bộ Luật sư không nghe ông Nguyễn văn Hưởng nói: “Nước ta Đảng lãnh đạo, không có phản biện gì cả, phản biện là phản động” sao?

Thượng tướng Nguyễn văn Hưởng, cựu Bộ trưởng Bộ Công an.

Không phải “rung cây nhát khỉ đâu”, nghe tôi nói để mà dè chừng: “Ông Hưởng là thượng tướng, cựu bộ trưởng Bộ Công an nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một quan chức cấp cao của chế độ chớ đâu phải hạng thường. Tiếng nói của ông vừa mang tính chất khẳng định, cảnh cáo, tuyên chiến… chớ không phải đùa. Ngày nào câu nói nầy chưa được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhứt là Tổng Bí thư Đảng CSVN công khai phủ định thì nó còn có giá trị thi hành”.

Độc tài đồng nghĩa với “có một không hai”. Đảng CSVN tự nhận mình là Đảng duy nhứt, có đủ tài, đức lãnh đạo Nhà nước và Xã hội. Không như Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ (trong truyền thuyết Tây Du Ký bên Tàu) là 2 con tép rêu của Thiên triều, có tầm nghe/nhìn trong không gian chỉ ngàn dậm, còn Đảng CSVN có tầm nghe/nhìn vượt thời gian chẳng những ngắn hạn 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa, thậm chí xuyên thế kỷ. Từ đó, những gì Đảng phán như Vua ban, thuộc hạ chỉ có trách nhiệm thi hành- dù quần thần có trung ngôn cũng nghịch nhĩ đối với Đảng CSVN ?.

Thiên Lý Nhãn (trái), Thuận Phong Nhĩ (phải) .

Những năm tháng gần đây, nhiều chủ trương của cấp trên thường bị cấp dưới phản biện,  khiến cho Thủ tướng Phạm Minh Chính phải cảnh báo: “trên nói dưới không nghe”. Nhờ phản biện bằng những luận điểm khoa học, chặt chẽ, có lý có tình, Đảng cầm quyền ngầm mặc nhận chớ đâu đã công khai chấp nhận mà bảo Nhà cầm quyền vinh danh ?.

Chỉ cần cấp trên thông cảm và hiểu cho: Nhà sắp sập, nếu bỏ mặc nó sẽ sập. Cấp dưới phản biện có khác chi dùng cây, dây chóng chỏi, ràng rịt cho nhà đừng sập, đó là hành động xây dựng chớ không phải đả phá, là hành động tự vệ chính đáng để cùng sinh tồn. Nếu nhà cầm quyền thật sự vì dân hãy nghe những tiếng “kêu than” của họ để xem xét, điều chỉnh chủ trương chính sách… sao cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của đất nước.

Không mơ mộng viễn vong như LS Ngô Ngọc Trai, tôi chỉ mong những gì mình tham gia phản biện, Nhà cầm quyền có nghe hay không thì tuỳ, có chửi rủa cũng được, miễn đừng bắt đánh đập, bỏ tù là tốt lắm rồi. -/-