Nguyễn Trung
Nội dung
I. Đòi hỏi sinh tử: Cải cách đổi đời đất nước
II. Cải cách phải là sự nghiệp của toàn dân
III. Cái đích phải tới
Cải cách thường phải do một lực lượng chính trị có ảnh hưởng và quyền lực chi phối quốc gia tiến hành – ví dụ như đảng nắm quyền, chính phủ, một lực lượng chính trị mạnh áp đảo… Nhưng tôi vẫn đặt vấn đề cả nước cùng tham gia cải cách vì các lý do sau đây:
I. Cải cách đã trở thành đòi hỏi sinh tử của đất nước.
II. Vì là cải cách đổi đời đất nước, nên phải là sự nghiệp của toàn dân.
III. Cái đích cải cách phải tới là hình thành một thể chế chính trị - nhà nước dân chủ dựa trên kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự.
Xin trình bầy lần lượt như sau.
I. Đòi hỏi sinh tử: Cải cách đổi đời đất nước
Cục diện thế giới hiện nay đặt nước ta vào tính thế nguy hiểm chưa từng có kể từ khi giành được độc lập thống nhất 30-04-1975:
• Tranh chấp Mỹ - Nga – Trung rất phức tạp nói riêng và những vấn đề kinh tế, chính trị và an ninh nóng bỏng ở phạm vi toàn cầu trong cục diện thế giới đa cực hiện nay nói chung đặt ra cùng một lúc nhiều vấn đề lớn chưa có lời giải. Chiến tranh lạnh II ngày càng quyết liệt trên các mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự. Đang tiềm tàng cùng một lúc các nguy cơ xung đột lớn ở châu Á, châu Âu và Trung Đông có thể dẫn tới chiến tranh thế giới III.
Giới chiến lược Mỹ cho rằng cả Trung Quốc và Nga vì lợi ích riêng đều muốn khai thác sự lúng túng của Mỹ trong vấn đề tên lửa và vũ khí A của Bắc Triều Tiên. Vì thế cho đến nay hai nước này vẫn không đi đến cùng với Mỹ (trên thực tế gần như bỏ mặc cho Mỹ) trong việc gây sức ép phải có đối với Bắc Triều Tiên. Sự nghi ngờ của Mỹ đi xa tới mức cho rằng: Bắc Triều Tiên được sự giúp đỡ nào đấy về kỹ thuật, vật chất..; có người nói tiềm tàng những vụ đổi chác lớn – ví dụ đổi vấn đề tên lửa và vũ khí A của Bắc Triều Tiên lấy “cái lưỡi bò” ở Biển Đông… (chẳng lẽ lịch sử có thể lập lại chuyện “Kissinger – Chu Ân Lai 1972”?)
Trong cuộc đấu tay ba Mỹ - Nga - Trung mỗi bên đều có cái mạnh và cái yếu riêng với sự tập hợp lực lượng và phe cánh riêng rất phức tạp, có nhiều mặt trận đối kháng chính/phụ, nóng/lạnh khác nhau, cục diện thay đổi từng giờ.
Cái mạnh nổi bật của Trung Quốc là sự phát triển năng động của kinh tế thế giới cần thị trường rộng lớn của Trung Quốc, sự nổi trội sức mạnh tại chỗ so với các nước láng giềng, có tiềm lực thực hiện chiến lược thâm nhập, câu giờ và phân hóa đối phương, chuẩn bị sẵn mọi trận địa khác nhau tại nhiều châu lục và lấn từng bước, kết hợp với các thủ đoạn: gặm dần (thái xúc-xích salami), lấy thịt đè người, phản ứng nhanh, mục tiêu biện minh cho biện pháp (vô luật và vô đạo đức)… Chỗ yếu lớn nhất của Trung Quốc là tình hình nội trị Trung Quốc có nhiều vấn đề lớn (đồng thời rất nguy hiểm cho bên ngoài), kinh tế đang trong thời kỳ phải chuyển đổi mô hình phát triển do kinh tế thế giới đã thay đổi. Hiện nay Trung Quốc đang trở nên nguy hiểm nhất đối với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á - trong đó dặc biệt là Việt Nam, đã thao túng được đáng kể ASEAN.
Thời Tập Cận Bình, đặc biệt là trong những năm gần đây và hiện tại, Trung Quốc đã có những bước leo thang cao nhất đến nay, quyết thực hiện “đường lưỡi bò” tại Biển Đông, hoàn tất việc xây các căn cứ quân sự trên các đảo đã chiếm, tiến hành nhiều hoạt động gây căng thẳng phía Bắc là Biển Hoa Đông, kết hợp chặt chẽ với những bước đi kinh tế, chính trị của Trung Quốc ở phạm vi toàn cầu.
Cục diện thế giới hiện tai có nhiều hệ lụy toàn cầu rất sâu sắc, trong đó đã làm xuất hiện một trong những hệ quả rất nhạy cảm và trực tiếp tác động vào nước ta: Vì nhiều lý do toàn cầu và khu vực tại những nơi khác nhau trên thế giới, Biển Đông nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đang dần dần trở thành một khu vực trống có lợi cho Trung Quốc, hoặc trong tình huống nhất định có thể đột biến trở thành vùng trống – dù chỉ trong khoảnh khắc, và Trung Quốc đã sẵn sàng. Tình hình này còn có nguyên nhân: Vì nhiều lý do trên thực tế ảnh hưởng và sự có mặt của Mỹ tại khu vực này từ thời Obama và nhất là hiện nay không đủ mạnh để kiểm soát có hiệu quả sự bành trướng tại chỗ quyền lực của Trung Quốc, giữa lúc thế giới có nhiều cơ hội “đục nước béo cò” khác với những hệ lụy có thể liên quan đến Biển Đông.
Việt Nam hiện nay đứng trước thách thức quyết liệt
chưa từng có kể từ sau chiến tranh 17-02-1979. Điều gì sẽ xảy ra và Trung Quốc
có thể đi xa tới đâu, nếu xu thế nói trên ở Biển Đông diễn tiến tiếp tục, hoặc
khi xảy ra đột biến lớn tại bất kỳ một điểm nóng nào đó trong cục diện thế giới
hiện nay? Trong khi đó Trung Quốc đã tạo ra được ở Việt Nam ở mức cao nhất đến
nay sự phụ thuộc về kinh tế, sự lệ thuộc về chính trị, sự uy hiếp nghiêm trọng
về an ninh quốc phòng, và triển khai tiếp sự can thiệp sâu hơn nữa vào nội bộ
nước ta.
- Trong cục diện quốc tế và khu vực rất nguy hiểm và nhạy cảm hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ trầm trọng của cuộc khủng hoảng toàn diện bắt đầu từ Đại VII (1991). Nghĩa là Viêt Nam đang ở trong tình thế bị uy hiếp nghiêm trọng nhất trên cả hai phương diện đối nội và đối ngoại. Đặc biêt là: Kinh tế tuy đạt mức thu nhập trung bình thấp, song không bền vững, đang ở thời kỳ khó khăn nhất sau 30 năm đổi mới với nhiều vấn đề cơ bản, ách tắc, nóng chưa có lời giải (vốn, nợ, tham nhũng, kết cấu hạ tầng, quy hoạch phát triển, môi trường, năng lượng, nước, năng lực quản trị quốc gia, giáo dục, biến đổi khí hậu…), nội trị rối ren, an ninh quốc phòng bị uy hiếp quyết liệt nhất trong tình thế phải đối mặt với nguy cơ bị cô lập rất cao.
• Và 30 năm đổi mới cho thấy ý thức hệ, con đường ĐCSVN; từ đại hội VII đất nước đi vào thời kỳ khủng hoảng toàn diện, từ mấy năm gần đây là thời kỳ trầm trọng nhất chưa từng có kể từ sau 30-04-1975. Đấy cũng là những nguyên nhân gốc gây ra lãng phí, tham nhũng và bất công xã hội vô cùng nặng nề, cướp đi của đất nước nội lực phải có để có thể đương đầu với mọi thách thức sống còn trong cục diện quốc tế ngày càng nóng bỏng hôm nay. Đồng thời đã áp dụng quá nhiều chủ trương chính sách sai lầm, bưng bít sự thật và ngu dân, kèm theo những hành động trấn áp khắc nghiệt, tất cả khiến cho khối đại đoàn kết dân tộc bị phân hóa sâu sắc, trí tuệ và ý chí phấn đấu vươn lên của đất nước bị tê liệt, làm tổn thương nghiêm trọng tinh thần tự trọng dân tộc và thể diện quốc gia, lòng dân phân tán và mất lòng tin vào sự lãnh đạo của đảng.
Từ Hội nghị Thành Đô đến nay cho thấy đường lối ngoại giao leo dây để giữ “đại cục”, nhưng không có nội lực vững mạnh của quốc gia làm nền tảng, lại thêm những yếu kém của đội ngũ lãnh đạo, nên đã thất bại nghiêm trọng. Mỗi ngày ta phải nhân nhượng một tý để giữ “đại cục” như thế, để hôm nay là cả một cái thòng lọng không gỡ ra nổi siết trên cổ đất nước, uy tín quốc tế giảm sút nặng nề, biên cương bờ cõi tổ quốc bị xâm phạm, đất nước lâm vào thế vừa lệ thuộc và phụ thuộc, vừa đơn độc một cách nguy hiểm.
Toàn bộ tình hình nêu trên còn cho thấy đường lối đối nội và đối ngoại của đảng chẳng những đem lại cho đất nước những tổn thất lớn, mà còn đẩy đất nước vào con đường phát triển vừa lạc hậu, vừa lạc lõng trong xu thế phát triển chung của thế giới ngày nay. Xem xét kỹ thực chất, quan sát trên thế giới sẽ thấy Việt Nam hiện nay là nước duy nhất còn lại đang cố tìm cách níu kéo ý thức hệ có cỗi rễ là chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa cộng sản để duy trì chế độ toàn trị và quyền lực của đảng trong điều hành đất nước – mặc dù lãnh đạo đảng cũng thừa nhận chưa biết cuối thế kỷ này liệu sẽ có chủ nghĩa xã hội hay không! Nghĩa là trên thực tế về nhiều mặt sâu sắc bên trong, nước ta vẫn đang một mình một đường đi trong thế giới hôm nay.
Sau ba thập kỷ hội nhập quốc tế, nền kinh tế đất nước vẫn gia công là chủ yếu và chưa xác lập được vị trí phải có trong nền kinh tế toàn cầu (ngôn ngữ chuyên môn thường nói về các chuỗi cung / ứng). Chế độ toàn trị nặng về trấn áp các quyền tự do dân chủ, cùng với nền kinh tế yếu kém đày rẫy bất công và tham nhũng đã dựng nên một nền nội trị vừa không có khả năng vừa không cho phép thực hiện đường lối đối ngoại dấn thân.
Cho nên trên thực tế nước ta chỉ giành được vai trò
quốc tế thấp, không đúng với tầm vóc và vị trí chiến lược của quốc gia, chưa
đáp ứng được những đòi hỏi quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc;
đất nước bị thua thiệt nhiều mặt, thậm chí bị xâm phạm, mặc dù trên danh nghĩa
đã thiết lập được mối quan hệ đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện trên mọi
châu lục.
Một mình một đường đi như vậy, nước ta càng đuổi theo thiên hạ, nhưng hôm nay càng tụt hậu xa hơn và yếu đi – ngay cả so với tất cả các nước láng giềng, tiếp tục lạc lõng.
Trong khi đó địa kinh tế và địa chính trị của cục diện quốc tế hôm nay khách quan đặt ra đòi hỏi phải có một Việt Nam là một quốc gia độc lập tự chủ, vững mạnh và phát triển, để có thể đóng góp tích cực vào lợi ích của hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực ĐNÁ và trên thế giới. Lợi ích sống còn của Việt Nam cũng đòi hỏi phải tận dụng được yếu tố mới này để tạo cho mình một tập hợp lực lượng rộng khắp hậu thuẫn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đảng hôm nay quên mất bài học việc tạo ra được một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước – kể cả ngay trong lòng nước Mỹ - là một trong những yếu tố quyết định giành thắng lợi.
Có thể kết luận:
Thất bại của 42 năm đầu tiên độc lập thống nhất đất nước phải hứng chịu về nhiều mặt chính là thất bại của việc lấy chủ nghĩa trà đạp trí tuệ và các giá trị của tự do – dân chủ - quyền con người, là do người nắm quyền giành được một số lợi ích phe nhóm nhưng phải hủy hoại nhiều lợi ích quốc gia và lợi ích của dân tộc, là thất bại của xây dựng chủ nghĩa xã hội - với kết quả gặt hái được là để mọc lên trên đất nước ta hôm nay một chế độ toàn trị khắc nghiệt, nhưng đối với bên ngoài độc lập 42 năm mà vẫn chưa độc lập!
Thất bại của 42 năm trước hết là do để cho tha hóa của chế độ một đảng biến đảng thành đảng cai trị hôm nay cướp đi mất tiền thân của nó là một đảng cách mạng đã từ thế hệ này sang thế hệ khác hy sinh chiến đấu vì nước và đã làm nên sự nghiệp giành lại độc lập thống nhất, là thất bại của sự hiểu biết mơ hồ cái thế giới khắc nghiệt chúng ta đang sống, là thất bại của sự giác ngộ kém cỏi – hay là không giác ngộ được – lợi ích quốc gia của ta nằm ở chỗ nào trong cái thế giới quyết liệt này – điển hình là đường lối ngoại giao bắt đầu từ Thành Đô, mới đây lại xảy thêm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Khái quát lại:
Bốn cuộc kháng chiến cứu nước vỹ đại và 42 năm độc lập thống nhất, công sức tiền của đổ ra cho công nghiệp hóa như núi biển, song tất cả chỉ để đạt được nền kinh tế gia công, lãng phí và tham nhũng làm cạn kiệt mọi nguồn lực và tài nguyên quốc gia, đã đạt mức có thu nhập trung bình (thấp) song kinh tế không bền vững, năng suất lao động rất thấp, môi trường tự nhiên bị hủy hoại nặng nề, chế độ toàn trị đầy rẫy bất công và trấn áp, vị thế quốc gia èo uột… Trong khi đó từ sau chiến tranh 17-02-1979 đến nay không một lúc nào Trung Quốc ngừng nghỉ thực hiện dã tâm bành trướng “đường lưỡi bò”; ngay trong những tuần vừa qua Trung Quốc ép ta phải rút việc khai thác dầu khí khỏi lô 136.03 với lời đe dọa trực diện trắng trợn sẽ chiếm nốt tất cả các đảo còn lại ở Trường Sa, tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông ở quy mô lớn nhất, nằm sâu vào vùng biển nước ta 11.000km2 và cách Đà Nẵng 75 hải lý!
Đau quá! Nhục quá! Có lời lẽ nào nói hết được hiểm nguy phía trước đang chờ đợi đất nước!?
Toàn bộ sự vận động nói trên của đất nước trong xu thế
phát triển hiện nay của chế độ toàn trị với ý thức hệ như vậy phải được chấm dứt, để
tìm đường hòa bình cải cách chuyển đất nước đi lên con đường: Giải phóng nội
lực và xây dựng cho đất nước vị thế quốc gia mới. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
tổ quốc trong cục diện quốc tế ngày nay đòi hỏi phải có đủ sức mạnh nội lực để
phát triển và đồng thời để tập hợp được sự[M1] hợp
tác và hậu thuẫn rộng rãi trên thế giới. Một sự nghiệp như vậy đòi hỏi phải có
một thế chế chính trị quốc gia mới phù hợp. Cải cách để đổi đời đất nước trở
thành đòi hỏi sinh tử, cả nước phải đứng lên thực hiện.
II. Cải cách phải là sự nghiệp của toàn dân
- Đổi mới từ 1986 bắt nguồn từ phong trào “phá rào” của nhân dân, trong tình thế đất nước vô cùng hiểm nghèo. Khi trở thành chủ trương của đảng, đổi mới giành thành tựu ngoạn mục, vì nó giải phóng sức mạnh của toàn dân – nguyên nhân cốt lõi là thực hiện dân chủ và thừa nhận kinh tế thị trường.
Qua đổi mới 1986, bộ mặt đất nước bắt đầu có da có thịt, bè bạn ngạc nhiên và vui mừng, còn mọi kế hoạch thù địch và bao vây cấm vận hiển nhiên đã thất bại. Sức mạnh và nghị lực sáng tạo của nhân dân là như vậy. Trong 30 năm sau đổi mới 1986, có thể nói sức mạnh và tiềm năng của nhân dân - ở đây tôi muốn nhấn mạnh trước hết là vai trò của nông dân nói riêng và của toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân nói chung – luôn luôn là chỗ dựa vững chắc, thậm chí không hiếm lúc gian nan là chiếc phao cứu sinh, hoặc là bệ đỡ cho những bước phát triển mới.., của nền kinh tế. Lùi nữa về quá khứ, sức mạnh toàn dân tộc là yếu tố quyết định làm nên thắng lợi vẻ vang của 4 cuộc kháng chiến cứu nước vỹ đại.
Truyền thống và sức mạnh nêu trên vừa là yếu tố quyết định thắng lợi, vừa là đòi hỏi như một điều kiện tiên quyết: Cuộc cải cách vỹ đại đổi đời đất nước cần phải được tiến hành với tính chất là sự nghiệp của toàn dân, do toàn dân, và vì toàn dân. Bởi vì đây là cuộc cải cách sâu rộng làm thay đổi triệt để mọi lĩnh vực của cuộc sống đất nước để trở thành một quốc gia phát triển, trước hết là thay đổi chính từng người dân từ đây thành người chủ của đất nước.
Xin nhấn mạnh như một nguyên lý: Không bao giờ có thể có một nước giầu mạnh của một nhân dân bị nô lệ!
Một đất nước giầu mạnh chỉ có thể được kiến tạo nên bởi một nhân dân tự do và là người chủ của quốc gia mình. Mục tiêu chiến lược này lẽ ra đã phải được thực hiện ngay sau 30-04- 1975, bây giờ không thể trì hoãn được nữa. Mục tiêu chiến lược này khi trở thành khát vọng của nhân dân, đất nước hôm nay sẽ có nguồn lực sáng tạo và sức mạnh bất khả kháng để phát triển.
- Trong chế độ toàn trị, cái gì nhà nước không quản được thì cấm, thần dân của nó phải chấp nhận và buộc phải quen sống trong cái lồng quản/cấm này; mấy chục năm quản và cấm như thế chế độ toàn trị đã tạo ra cho thần dân của nó những tập quán và một văn hóa sống lạc hậu.
Trong chế độ dân chủ của nhà nước pháp quyền, công dân chẳng những phải tự giác ngộ tất cả về quyền và nghĩa vụ để vươn lên làm người trưởng thành, để tự quản chính mình, và còn phải làm nhiệm vụ chủ động tham gia vào đời sống mọi mặt của đất nước với tính cách là chủ nhân của quốc gia. Hơn thế nữa, mỗi công dân như vậy còn vừa là đối tác của nhau, vừa là đối tác của cả thế giới, để có khả năng tạo ra cho mình khả năng hợp tác theo tinh thần đồng đội (teamwork skill), đồng thời cũng phải có bản lĩnh và khả năng chịu đựng hoặc xử lý được mọi tác động từ thế giới bên ngoài, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế của đất nước vừa là với tính chất công dân Việt Nam, vừa với tính cách là công dân thế giới…
Như vậy về tính chất, khả năng và quyền năng của một bên là thần dân của chế độ toàn trị, và một bên là công dân của chính thể dân chủ pháp quyền có sự khác nhau một trời một vực. Đây là lý do cơ bản nhất khiến sự nghiệp cải cách đổi đời con người và đổi đời đất nước sẽ phải bặt đầu từ học.
Toàn dân, bao gồm cả các đảng viên, không phân biệt bất kể một thứ bậc nào trong xã hội, đều phải học, học lại, giúp nhau học – để trở thành một công dân tự do của trưởng thành, có trí tuệ, ý chí, bản lĩnh và khả năng/quyền năng làm chủ chính mình và làm tròn trách nhiệm người chủ một quốc gia trưởng thành. Sự trưởng thành như thế của từng công dân trong chính thể mới được phát huy đến đâu, đất nước sẽ phát triển đi xa tới đấy!
Công dân của chính thể mới nhất thiết phải học để tự tay mình chủ động và cùng nhau xây dựng nên xã hội dân sự cho chính mình như là một trường học rèn luyện và phấn đấu để tự khẳng định mình, là môi trường thực thi trực tiếp quyền và trách nhiệm của mình đối với chính thể và nghĩa vụ đối với quốc gia, là môi trường quảng bá và vun đắp các giá trị và truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thụ những giá trị của văn minh nhân loại. Vì chính mình và vì đất nước này, cần phải học văn hóa sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của mọi người!”, không để cho dối trá, mỵ dân, cám dỗ lường gạt, quyết đối mặt với cái ác và bênh vực lẽ phải, làm cho tổ quốc của chúng ta là nơi đáng sống với tất cả niềm tự hào chính đáng của mình.
Công dân của chính thể mới cần đặc biệt quan tâm học hỏi và thay đổi chính mình, để thấu hiểu nỗi đau của đất nước, hiểu những bài học cay đắng trên chẳng đường đầy máu và nước mắt để đi tới được độc lập thống nhất hôm nay, qua đó xây dựng cho bản thân mình chính kiến về đường đi nước bước của đất nước trong thế giới đã thay đổi này. Phải học để hiểu nỗi nhục của đất nước phải chịu đựng những chén ép và tổn thất do tình trạng chậm phát triển của quốc gia mình, nên không thể mở mày mở mặt với thiên hạ, đến mức tổ quốc của chúng ta được thiên hạ tặng cho biệt danh: quốc gia không chịu phát triển! Nghĩa là mỗi người phải học để nhìn nhận công việc của quốc gia cũng là công việc của chính mình, không thể phó mặc cho ai khác tùy tiện.
Cần phải học nhiều nữa để thấm thía nỗi hèn kém và cả những hư hỏng của chính bản thân mình và của đất nước, do cái dốt, cái lạc hướng, và cái khiếp nhược trước quyền uy sinh ra
– trong đó cần phải thấy sự hèn kém này chính là một trong các thành tố tạo nên dinh lũy kiên cố của chế độ toàn trị hiện nay, những bước bị khuất phục đã xảy ra trước sự bành trướng và thâm nhập các mặt của Trung Quốc, cũng như thói tự ti và sính phương Tây, sính theo cái này hay theo cái khác và quên mất chính mình là ai. Đã xảy ra không hiếm trường hợp hèn kém đến mức đánh mất hoặc để bị cướp mất tinh thần tự trọng dân tộc và thể diện quốc gia…
Cần phải học bằng được hòa giải dân tộc, để hàn gắn vết thương tay trái chém tay phải đến hôm nay vẫn còn rỉ máu. Cần phải học bằng được điều này để làm cho quốc gia đủ mạnh và vững vàng, không để cho bất kể tình huống nào các mưu đồ hoặc quyền lực đen tối dù từ đâu tới lại có thể một lần nữa xô đẩy đất nước vào thảm họa nội chiến này. Và trên hết cả, cần thông qua hòa giải dân tộc, để có được sự cố kết dân tộc làm nên một quốc gia chẳng những có sức mạnh bất khả kháng với mọi thách thức từ bên ngoài, mà còn là môi trường nẩy nở các giá trị cao đẹp, là nơi nuôi dưỡng, làm bệ đỡ, và đồng thời là thành lũy bảo hộ cho mọi nỗ lực tinh hoa của từng công dân của nó…
Xem như thế, công dân của thể chế chính trị mới phải học rất nhiều, học tất cả, để phát huy lợi thế nước đi sau qua sự nghiệp cải cách này xây dựng thành công một thể chế chính trị dân chủ của nhà nước pháp quyền của Việt Nam, phù hợp cho Việt Nam, nhằm vào mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam độc lập của tự do - dân chủ - hạnh phúc, trên nền tảng một quốc gia giầu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh, như đã thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập 02-09- 1945 và Hiến pháp 1946.
Có thể nói đây là cải cách của học tập. Học như thế là nội dung chiều sâu phải thực hiện được trong quá trình cải cách. Vì có con người như thế, đất nước sẽ có tất cả. Học như thế để dứt khoát không học đòi. Học để từng công dân trực tiếp tham gia cải cách vì chính mình và vì đất nước. Vì thế, cải cách như vậy phải là sự nghiệp của toàn dân, với tính chất là toàn dân giác ngộ trực tiếp tiến hành cuộc cải cách trong đại này, được khai thông con đường thực hiện đi qua ĐCSVN như đang là đã chuyển đổi thành đảng của dân tộc.
III. Cái đích phải tới
Nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại này của đất nước hôm nay đặt lên vai ĐCSVN và đội ngũ lãnh đạo không phải là đập vỡ “bình” hay sửa “bình”. Cả hai việc này đều không thể, không cần thiết, và đều không phải là giải pháp, thậm chí có thể nguy hiểm cho đất nước.
Nhiệm vụ lịch sử không được phép tránh né của đảng hôm nay là phải cất cái “bình” hiện nay vào nơi trang trọng nhất có thể trong bảo tàng – phần lịch sử Việt Nam cận đại, để đánh dấu sự kết thúc con đường đất nước đã đi từ năm 1930 đến hôm nay, để từ đây thông qua cải cách thể chế chính trị mở ra một thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam độc lập thống nhất trong thế giới đã sang trang.
Song ĐCSVN hôm nay như đang là không có trí tuệ, phẩm chất và khả năng thực hiện nhiệm vụ lịch sử nó phải làm nói trên. Và nếu cố tình vẽ ra một nhiệm vụ như thế cho đất nước thì nó cũng không thực hiện được, nhân dân cũng không tin. 42 năm độc lập thống nhất đã chứng minh thuyết phục: Ngoài đổi mới 1986 là nỗ lực của cả nước, ĐCSVN như đang là cho đến nay chỉ có thất bại trong mọi nỗ lực cải cách, dù đấy chỉ là những cải cách ở quy mô các vấn đề từng phần hay cục bộ (ví dụ: cải cách giáo dục, cải cách hành chính, tinh giảm biên chế…). Đơn giản vì bản chất và lợi ích của ĐCSVN hôm nay đối kháng với cải cách, do đó nó coi những ý tưởng cải cách là suy thoái đạo đức chính trị tư tưởng, là tự diễn biến, đặc biệt đố kỵ trong các vấn đề như xóa bỏ “Điều 4”, hòa giải dân tộc, xã hội dân sự…
Xin lưu ý: Cải cách đổi đời đất nước mang tầm vóc và nội dung quan trọng, bao quát toàn bộ đời sống mọi mặt của đất nước, làm nhiệm vụ thay đổi triệt để toàn bộ hệ thống chính trị
- nhà nước của quốc gia hiện có. Nhưng không được phép để xảy ra tình huống xuất hiện khoảng trống quyền lực trong khi tiến hành cải cách. Vì lẽ cốt tử này, cải cách phải được một lực lượng chính trị có ảnh hưởng chi phối quốc gia thực hiện. So sánh tương quan các lực lượng chính trị - kinh tế - xã hội ở nước ta trong tình thế cấp bách hiện nay, một lực lượng chính trị đủ mạnh và có sẵn như thế chỉ có thể là ĐCSVN đã chuyển đổi thành đảng của dân tộc. Đây cũng là điều lý tưởng nhất có thể lúc này để tiến hành cải cách trong hòa bình theo tinh thần khép lại quá khứ và không hồi tố, vì thời gian và nguy cơ không chờ đợi!Vậy chỉ còn con đường sống duy nhất: ĐCSVN như đang là phải lột bỏ ý thức hệ và tình trạng thoán quyền, chỉ giữ lại cho mình trách nhiệm ràng buộc với đất nước, tự thay đổi mình trước thành đảng của dân tộc với tinh thần “sống hay là chết!?”, để có phẩm chất và khả năng mới của sự giác ngộ Tổ quốc trên hết, để từ đó mới có thể đề xướng được cải cách, và vận động được cả nước đứng lên thực hiện.
Muốn thế, ĐCSVN như đang là phải làm được 2 việc:
1.
Phải nhận thức được đòi hỏi sống còn đưa quốc gia bước
sang thời kỳ phát triển mới trong một thế giới đã hoàn toàn thay đổi là trách
nhiệm ràng buộc của đảng; nếu ĐCSVN hôm nay từ chối không
làm, chống lại, hoặc làm hỏng… đều sẽ đồng nghĩa với phạm trọng tội chống lại
quốc gia, đảng không còn chính danh để tồn tại; nếu để xảy ra như thế, cái
trước sau phải đến không thể tránh được sẽ là: Chế độ toàn trị sẽ dẫn tới
“dân lật thuyền”, hoặc bị tha hóa làm cho sụp đổ, đất nước lâm vào đại họa,
chôn vùi theo toàn bộ sự nghiệp của đảng;
2. đảng phải quyết tâm thay đổi chính mình trước, phải tin vào nhân dân, và tự tin chính mình, quyết đi cùng với nhân dân mở ra trang sử mới đổi đời này của đất nước. Làm được như thế, ngoài cái tha hóa và tham nhũng thối nát ra, đảng không có gì để mất! Nắm mọi quyền lực trong tay, đảng đã dẫn dắt đất nước đi vào tình thế đau lòng và hiểm nghèo hôm nay, đảng phải có trách nhiệm ràng buộc tự lột xác mở lối ra cho đất nước! Đảng ra đời từ yêu nước, hy sinh cứu nước đã làm nên sự nghiệp của đảng. Giữ được truyền thống này và có nhân dân, đảng sẽ thực hiện được sứ mệnh lịch sử mới này.
Như thế, ĐCSVN như đang là cần tự thay đổi mình trước thành đảng của dân tộc – như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cách đây 22 năm đã chính thức nêu ra với đảng (thư 09-08-1995).
Đây là điều kiện tiên quyết tất yếu. Chỉ trên cơ sở đó, đảng mới có thể đề xướng, có khả năng và có chính danh để tiến hành cải cách, động viên được sự tham gia của toàn dân.
Con đường đảng đã thay đổi thành đảng của dân tộc để cùng với toàn dân tiến hành cải cách đổi đời đất nước, sẽ là con đường tất cả cùng thắng rất lớn, và không gì có thể ngăn cản được. Tất cả chỉ còn phụ thuộc duy nhất vào việc ĐCSVN như đang là dám vứt bỏ mọi tha hóa và tham nhũng thối nát của mình, dám chặn đứng mọi sự can thiệp vào nội bộ ta từ bên ngoài.
Làm được như thế, đảng sẽ tránh được mắc phải trọng tội phản dân phản nước trước bước ngoặt của lịch sử, trở thành đảng của dân, của nước và xác lập được cho mình con đường vì dân, vì nước trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, kế thừa được truyền thống cách mạng vẻ vang cứu nước của các thế hệ đi trước.
Đảng cần nuôi cho mình khát vọng làm được như thế, vì còn gì đáng sống hơn cho một con người, cho một đảng viên và cho một đảng là trở thành người đề xướng và chung tay với cả dân tộc mở ra một thời kỳ phát triển mới của tổ quốc!? Đảng phải làm như thế để không phản bội các bậc tiền bối của mình!
ĐSVN như đang là quyết tự thay đổi mình trước để làm được như thế, có thể nói sự nghiệp cải cách có ý nghĩa sinh tử này của đất nước triển vọng thành công mười phần đã đạt được tới tám, chín phần! Làm được như thế, Việt Nam bước lên con đường phát triển mới trong thế giới mới hôm nay sẽ là lẽ tự nhiên, tất yếu, và bất khả kháng.
Vẫn cứ phải xin nhắc lại: Nếu đảng quyết không làm như thế, thậm chí chống lại làm như thế, hoặc sợ không dám làm như thế, sẽ có nghĩa đảng tự tay xóa bỏ toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đảng và chống lại đất nước. Trong tình hình nghiêm trọng hiện nay, nếu bây giờ lãnh đạo đảng vẫn quyết như thế, thì nên tuyên bố công khai trước toàn dân, toàn thể các đảng viên phải bầy tỏ thái độ rõ ràng của mình, các tầng lớp nhân nên dân huy động trí tuệ của mình để quyết định. Cho đến nay đảng đã thực hiện nhiều biện pháp chống lại cải cách: Điều 4 Hiến pháp, 19 điều cấm, nghị quyết 244, NQ TƯ 4 (30-10-2016) với 27 “biểu hiện” phải chống (đặc biệt là nhóm 3 – biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ)… Bây giờ đứng trước bước ngoặt của lịch sử đất nước, lãnh đạo đảng nhất thiết phải xem lại. Hôm nay phải lột xác cứu đảng để mở đường cải cách cứu nước còn hơn cả cứu hỏa! Bây giờ vẫn còn kịp!
Nội dung cải cách có thể phác họa một cách tóm lược như sau:
Thứ nhất: Mục đích cuối cùng và cũng là cao nhất cải cách chính trị ở nước ta hôm nay phải đạt được nên là: Từ hòa giải, đoàn kết và đồng thuận dân tộc quật khởi nên một quốc gia Việt Nam phát triển của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam chúng ta – đúng với tinh thần đã nêu từ Cách Mạng Tháng Tám: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam!”, với các tiêu chí Dân chủ, Cộng hòa, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.
Thứ hai: Kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự là 3 trụ cột làm nên quốc gia vững bền, phải được xây dựng và phát triển từng bước thích hợp trong tổng lộ trình hình thành nên một nước Việt Nam phát triển, với các tiêu chí như đã nêu trong điểm thứ nhất.
Thứ ba: Thể chế chính trị cần phải xây dựng là một nhà nước pháp quyền dân chủ, có phân định rạch ròi các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, hoạt động ràng buộc nhau và kiểm soát lẫn nhau trong khung khổ chung của một Hiến pháp mới; nhà nước này được xây dựng và hình thành trên những nguyên tắc của bầu cử dân chủ. Kinh tế thị trường và xã hội dân sự là 2 yếu tố căn bản tạo dựng nên nhà nước pháp quyền này, vì lẽ này nhà nước pháp quyền dân chủ tất yếu phải được xây dựng trên nền tảng của thể chế chính trị dân chủ đa nguyên, được thiết kế theo một hiến pháp mới đúng với tinh thần nhà nước do dân, của dân, vì dân. Đây phải là cái đích cuối cùng và cao nhất của toàn bộ quá trình cải cách chính trị lần này, được thực hiện dần từng bước dựa trên mọi thành quả kinh tế - chính trị - xã hội và tiến bộ của quốc gia đạt được trong suốt quá trình tiến hành cải cách này.
Học hỏi là động lực trí tuệ xuyên suốt quá trình này – vì thế tôi gọi đó là thể chế chính trị đa nguyên của học hỏi, của giác ngộ, của phát triển, bởi vì nó được xây dựng từng bước và thường xuyên nâng cao theo tiến trình của giác ngộ và phát triển; nó khác hẳn với đa nguyên của bầy đàn, vô minh và hỗn loạn. Nói đơn giản: Đó là lấy mở rộng tự do dân chủ tạo ra giác ngộ của trí tuệ và đồng thuận xã hội làm động lực cho việc tiến hành cải cách, để từng bước xây dựng nên một thể chế chính trị mới. Vì thế có thể nói: Cải cách chính trị lần này là tiến hành những cuộc vận động chính trị lớn và sâu rộng trong toàn xã hội như đã từng làm thời Cách Mạng Tháng Tám nhằm thay đổi sâu sắc toàn diện đời sống đất nước.
Thứ tư: Các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền sở hữu cá nhân, và các quyền con người phải được thể hiện đầy đủ và được bảo đảm trong Hiến pháp, đồng thời được phản ánh trong mọi bộ luật của quốc gia. Những quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội, quyền biểu tình, quyền tự do báo chí phải được xem và thiết kế là những quyền trực tiếp bảo đảm việc thực hiện các quyền công dân và quyền con người, đồng thời những quyền này làm nhiệm vụ tạo nền móng cho sự hình thành và hoạt động của xã hội dân sự, mang lại động lực cho tiến hành cải cách. Quân đội, công an và các lực lượng chuyên chính khác là công cụ bảo vệ đất nước và giữ gìn an ninh quốc gia, được xây dựng và hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp quốc gia, chỉ trung thành với quốc gia, với nhân dân.
Thứ năm: Toàn bộ các đảng phái chính trị, các loại hình hiệp hội cùng các thành viên của nó chỉ được hoạt động trong khuôn khổ của xã hội dân sự, trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật – bao gồm cả luật/các luật về các đảng phái chính trị, hiệp, hội, các tổ chức dân sự khác… Tất đều bình đẳng trước pháp luật, tự túc về tài chính và không được sử dụng tiền thuế của dân.
Một khi những cá nhân của những tổ chức này thông qua bầu cứ dân chủ theo luật định được cử vào tham gia bộ máy nhà nước thì trở thành đại diện của các cử tri bầu cho họ, hoạt động theo Hiến pháp, chứ không đại diện cho các đảng phái hay các tổ chức chính trị xã hội xuất thân của họ. Khái niệm đảng cầm quyền chỉ thuần túy là tên gọi không hơn không kém cho đảng phái có nhiều thành viên (thường là chiếm đa số hoặc thông qua liên minh) tham gia chính quyền. Nghĩa là: Không có các đảng phái hay các tổ chức chính trị xã hội với tính chất là chính nó trong bộ máy và hệ thống pháp quyền của nhà nước, đây là đặc trưng cốt lõi “nhà nước do dân, của dân, vì dân”.
…
Trên đây chỉ là một gợi ý sơ bộ để tham khảo. Tôi tin rằng nếu lãnh đạo đảng huy động trí tuệ cả nước xây dựng chiến lược cải cách đưa đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới, chắc chắn đất nước sẽ có được một chiến lược cải cách của toàn dân và nhất định thành công.
Tới đây tôi trân trọng đề nghị: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với trách nhiệm là người giữ cương vị cao nhất trong đảng, yêu cầu Bộ Chính trị ra quyết định khép lại quá khứ, đoàn kết toàn Bộ Chính trị và toàn đảng, huy động toàn đảng và dựa vào trí tuệ của nhân dân cả nước quyết tiến hành cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn này. Đảng phải thay đổi thành đảng của dân tộc để có thể dấy lên cuộc cải cách của toàn dân cứu nước và đổi đời đất nước! Đây cũng là con đường cứu đảng thành đảng của dân tộc, mãi mãi đi với dân tộc. Thời gian không chờ đợi. Mọi thách thức trong/ngoài đang uy hiếp đất nước không biết chờ đợi!
Trước những thách thức nghiêm trọng của quốc gia, tôi cầu mong cả nước – đặc biệt là những đảng viên muốn cứu đảng để cứu nước – hãy lên tiếng về vận mệnh đất nước, cùng nhau làm tất cả mọi việc vì đất nước với sự giác ngộ cao nhất về cuộc cải cách phải tiến hành này!
Nguyễn Trung